Kết nối bạn đọc

Kỳ 76: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 30-04-2019 • Lượt xem: 12174
Kỳ 76: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Tình hình Sài Gòn càng căng thẳng bao nhiêu thì sự lui tới Bà Cả Đọi của tôi cũng giảm bấy nhiêu. Một phần vì lo lắng bởi tình thế mỗi lúc một bi đát, một phần thì đã có gia đình nên lâu lâu chúng tôi mới đến quán của bà, trong thời kỳ đó đã bắt đầu thưa thớt khách.

Sau biến cố tháng 04 năm 75 cho đến lúc tôi vượt biên ra đi vào tháng 9 năm 79, có lẽ chúng tôi chỉ còn ghé “Bà Cả Đọi” không quá 10 lần. Những khuôn mặt cũ chỉ còn lại mươi mống trong một khung cảnh tiêu điều và ảm đạm. Quang cảnh nhộn nhịp ngày xưa chỉ còn là dĩ vãng, những tiếng cười giọng nói ngày xưa lúc đó chỉ còn là kỷ niệm. Bà Cả luôn mang nét mặt ưu phiền trước thật sự đổi thay đột ngột. Quán ăn của bà tuy vẫn còn có khách lui tới cho đến ngày tôi ra đi, nhưng là những khuôn mặt rất lạ, tôi chưa hề thấy trước đó. Trên chuyến tầu vượt biên một mình đói khát, không vợ con đi theo, trải qua 12 ngày lênh đênh trên biển cả, những món ăn của “Bà Cả Đọi” đã khiến tôi thèm thuồng hơn bao giờ hết, chỉ mong được quay phắt trở lại làm một bụng cho thỏa thích.

 

 Song song với việc tới lui quán Bà Cả Đọi gần như mỗi ngày để giải quyết cảnh “lữ khách xa nhà, dừng chân nơi quán trọ” tưởng tượng ra cho vẻ thi vị và ta đây cho vấn đề bao tử, thì những chương trình “Hippies À GoGo” đã bắt đầu được diễn ra thường xuyên sau một thời gian ngắn ngưng hoạt động, khi có lệnh cho phép những vũ trường và phòng trà mở cửa lại. Đúng thời kỳ này tiệm phở và cà phê Jo Marcel đang ở trong tình trạng vắng khủng khiếp như chùa bà đanh, gần như không có đến một con nhạn dại dột nào là đà bay tới, ngoài một số anh chị em ban nhạc rảnh ranh thường tụ tập. Nhưng tất cả cũng đã ngán đến tận cổ cái món “xí quách” được chiêu đãi hàng ngày để hùn tiền lại kéo nhau lết qua quán Bà Cả Đọi sống cầm hơi cho qua ngày đoạn tháng. Không phải riêng tôi lòng mừng như mở hội khi nghe được tin cho những vũ trường hoạt động trở lại, nhưng cả Jo Marcel lẫn Hướng cũng đều đã tỏ ra rất vui mừng, làm như chết đi sống lại. Jo chỉ lo khai thác vũ trường “Chez Jo Marcel” vào ban đêm, trong khi những buổi chiều cuối tuần vẫn do tôi đứng ra thực hiện theo giao kèo bằng miệng với Jo từ trước cùng sự phụ tá của Hướng trong mục điều khiển âm thanh và ánh sáng, vẫn với dàn “echo” và những đèn đóm do Jo biến chế. Về phần gia đình chị Tuyết cũng từ đó rút lui quay trở về nguyên quán để lại căn phòng rộng rãi ở Hotel Catinat cho tôi và Hướng mặc sức tung hoành và do Jo lãnh phần... trang trải tiền thuê hàng tháng đúng với lời giao ước, trong khi anh đã dọn về ở với nữ ca sĩ Như An từ trước, thỉnh thoảng mới trở lại căn nhà trong hẻm đường Trương Minh Giảng để thăm chị Cécile Dung là vợ cả của anh và các con.

 

 

Jo Marcel & Như An

 

Dĩ nhiên trước sự việc như vậy không có bà vợ cả nào có thể chịu nổi để nhất định làm dữ với ông chồng có số đào hoa như Jo. Những màn bủa vây, rình rập được diễn ra đều đặn dưới sự điều động của chị Dung, một thời cũng là một tay sắc nước hương trời được nhiều người theo đuổi, trong số có nhà hoạt náo viên Ngọc Phu, có lần đã “đụng độ” với Jo một cách ác liệt. Nhưng cuối cùng chị cũng phải chào thua trước sự cương quyết đi theo tiếng gọi của con tim nơi Jo Marcel đối với Như An, một nữ ca sĩ trẻ đẹp, xinh xắn kết hợp với anh thành cặp song ca nổi tiếng Jo Marcel – Như An trong hai năm cuối thập niên 60 và những năm đầu thập niên 70. Như An tên thật là Đặng Thị Phú Nhuận (tách rời chữ Nhuận thành tên Như An), khởi nghiệp đi hát ở vũ trường Baccara, gặp Jo tại đây và đem lòng thương mến. Trong thời kỳ Như An chung sống với Jo và gia đình của chị, Trần Đình Thục (tay chuyên trình bày poster và bìa CD cho các trung tâm nhạc), Nam Lộc, tài tử Nguyễn Long thường kéo nhau đến căn nhà 91 Nguyễn Minh Chiếu để binh “xập xám” sau khi chương trình hàng đêm tại các vũ trường do Jo khai thác chấm dứt. Như An thì lo bầy dọn thức ăn, thức uống cho các ông mãnh đớp hít thả dàn. Như An với Jo có tất cả với nhau 3 con mà tên cháu gái đầu tiên do tôi đặt là Cathy Vũ Ngọc Uyên, cùng tên với con gái tôi là Vũ Ngọc Tú Uyên. Sau đó, nhóm Jo Marcel đã thực hiện “Tuổi Choai Choai” thành phim vào năm 72 dưới tên “Vết Chân Hoang” và do tôi viết đối thoại với Minh Lý thủ vai Uyên. Một điều đặc biệt là trong số những tài tử rất... “tài tử trẻ tuổi trong phim cũng có người mang tên Uyên, từng có một thời gian là “người yêu dấu” của tôi. Sau biến cố tháng Tư năm 75, Jo qua Mỹ trước, để lại Như An và các con. Mãi đến giữa thập niên 80, Như An và các con mới đến được Đức, nhưng chả may chị đã qua đời tại đây vì căn bệnh ung thư và các con sau đó đã được bố Jo bảo lãnh sang Mỹ.

 

Tôi vẫn nhớ nụ cười duyên dáng với chiếc răng khểnh của chị, người coi tôi là một người bạn thân, thường hay tâm sự với tôi về đủ chuyện liên quan đến cuộc sống tình cảm cũng như gia đình của chị. Viết những dòng chữ này tôi coi như những nén hương để tưởng nhớ người quá cố mà thân xác hiện nay đã chôn vùi dưới lòng đất nơi một xứ lạ, không người thân thích viếng thăm. Tôi đã bùi ngùi khi nghe Nguyễn Hoàng Đoan – trong một lần theo bà xã Khánh Ly sang Đức trình diễn – đã tình cờ được một sự chỉ dẫn huyền bí nào đó đưa tới ngôi mộ của Như An nằm lạc lõng trong một nghĩa địa hẻo lánh.

(còn tiếp)