Kết nối bạn đọc

Kỳ 79: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 03-05-2019 • Lượt xem: 9511
Kỳ 79: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Bây giờ quay về với thời gian tổ chức những chương trình “Hippies À GoGo” tại “Chez Jo Marcel” vào năm 68, sau khi những vũ trường được phép hoạt động trở lại. Cũng trong thời kỳ này có nhiều tên tuổi quốc tế trong làng nhạc đến cư ngụ tại Hotel Catinat khi sang Sài Gòn trình diễn tại các Club Mỹ. Trong số đó có Tony Sheridan. Người nào theo dõi những hoạt động của tứ quái The Beatles từ những ngày đầu tiên hẳn thể nào cũng biết đến tay ca sĩ kiêm nhạc sĩ này, đã từng thu đĩa chung với Paul, John, Geoge và Ringo vào đầu thập niên 60.

Tony ở trên lầu “Chez Jo Marcel” trong khách sạn nên một hôm đã bất ngờ ghé vào tham dự một chương trình “Hippies À GoGo” của tôi. Tôi không nhận ra anh, nhưng sau khi hỏi chuyện và được biết anh là Tony Sheridan, tôi đã làm quen và được anh kể cho nghe nhiều chi tiết về The Beatles, khởi đầu là một ban nhạc chưa được ai biết đến tên tuổi, trình diễn tại The Cavern ở Liverpool, Anh Quốc là thời kỳ còn tay trống Pete Best. Không biết Tony Sheridan có “nổ” hay không khi cho biết anh là người đã chỉ dẫn về đàn cho Paul Mac Cartney và John Lennon, tuy nhiên tôi cũng nể nang anh ra gì vì dù sao anh cũng đã từng góp giọng ca và tài đàn địch của mình trong đĩa nhạc đầu tiên của The Beatles là “My Bonnie” và từng cùng với ban nhạc này trình diễn ở Hamburg. Có thể Tony chỉ hợp tác với The Beatles trong một thời gian quá ngắn ngủi nên họa hoằn lắm tên tuổi mới được nhắc nhở đến trong những bài báo hoặc sách vở nói về tứ quái.

 

Trong quyển sách gồm những phần tự thuật của chính ban nhạc này là “The Beatles: Anthology” mới phát hành vào cuối năm 2000 cũng chả thấy John, Paul, George hay Ringo nhắc đến tên tuổi anh. Theo lời mời của tôi, Tony Sheridan sau đó đã lên sân khấu trình bày một vài nhạc phẩm quen thuộc của the Beatles và được các cô cậu choai choai hoan nghênh nhiệt liệt, nhất là được biết anh đã từng cộng tác với The Beatles.

 

The Surfaris được ưa thích ở Việt Nam với bài Wipe Out.

 

Ngoài Tony Sheridan, còn có một ban nhạc nổi tiếng của Mỹ thời đó đã lên sân khấu của “Hippies À GoGo” biểu diễn. Đó là ban nhạc The Surfaris, vang danh với nhạc phẩm hòa tấu “Wipe Out” mà không một ban nhạc trẻ Việt Nam nào không biết tới. Đặc biệt nhạc phẩm này có đoạn solo trống rất dài, đã trở thành khuôn vàng thước ngọc cho những tay trống Việt Nam thời đó. Những nhạc sĩ trong ban The Surfaris đã tỏ ra rất thích thú khi bất ngờ vào tham dự chương trình “Hippies A GoGo”. Biết được họ là một ban nhạc danh tiếng, với tư cách là người thực hiện, tôi đã mời toàn ban một chầu rượu chè linh đình để sau đó “lợi dụng thời cơ” mời họ lên sân khấu trình diễn để cho ra vẻ quốc tế với đời. Dĩ nhiên nhạc phẩm ruột của The Surfaris là “Wipe Out” đã tạo được sự thích thú đến cuồng nhiệt của các khán giả cũng như nghệ sĩ trẻ có mặt để sau đó nghẹt mặt ra trước màn biểu diễn solo trông rất kích động.

 

Tony Sheridan với The Beatles.

 

Năm 68 đúng là năm tôi có khá nhiều tiếp xúc với người Mẽo, có thể vì vậy đã từng bị một số bài báo ở trong nước sau 75 gán ghép cho tôi là CIA, như đã từng đề cập đến ở một đoạn trước. Trong tất cả sự quen biết với người Mỹ thì sự quen biết giữa tôi và David Mann được coi là thân thiết nhất. Sự quen biết này đã đưa đẩy tôi với Dave – tên gọi thân mật của Davis Mann – đến một tình bạn rất thân thiết. Trong giới nhạc trẻ vào thời kỳ này không ai không biết đến Dave, một thanh niên trẻ tuổi và rất đẹp trai, với mái tóc vàng dài óng ánh và bộ ria rậm rạp thường thấy qua hình ảnh của một hippy chính cống. Hắn còn là một tay ăn diện rất đúng điệu hippy với áo sơ-mi hoa hòe hoa sói cùng chiếc quần sọc đủ mầu bó sát, phía dưới là đôi giầy “bottine” đế cao bóng láng.

 

Hình ảnh của một Dave trẻ trung cưỡi chiếc Honda 150cc với hai ống “bô” nhỏng lên ở phía sau cho đến nay vẫn hiện rõ mồn một trong trí nhớ của tôi. Dave là một thanh niên Mỹ yêu nhạc kinh khủng. Hắn sang Việt Nam đúng vào thời kỳ phong trào Hippy đang phát triển với loại nhạc Psychedelic khiến giới trẻ say mê thích thú. Tuy nhiên phải nhờ đến Dave, nhiều ban nhạc trẻ Việt Nam mới có cơ hội tìm hiểu thêm được về loại nhạc này qua những đĩa nhạc mới nhất do hắn mua dùm từ những PX của Mỹ. Những Elvis Phương, Đức Huy, Billy Shane, Thái “Vampire” và gần như hầu hết những ca nhạc sĩ của những ban nhạc trẻ nổi danh Việt Nam dần dần đã trở thành những người bạn thân của Dave do sự sốt sắng hết mình của hắn, là người luôn có mặt trong những buổi tập dượt của những ban nhạc trẻ Việt Nam nổi tiếng. Cũng nhờ Dave chỉ dẫn, cách phát âm tiếng Mẽo của những ca sĩ đã trở nên rõ ràng hơn. Ngoài ra Dave còn có công giải thích tường tận về nội dung các bản nhạc cũng như những giai thoại được đề cập đến trong lời ca nên anh chị em nhạc trẻ có cơ hội hiểu biết thêm về nền văn hóa Hoa Kỳ một cách rành rẽ hơn xưa.

 

Khi biết được căn phòng ở khách sạn Catinat của tôi trở thành quá rộng rãi sau khi Jo và gia đình chị Tuyết không còn lưu lại đây, Dave đề nghị cho hắn dọn về ở chung cho vui cửa vui nhà. Tôi bàn với Hướng và cả hai đồng ý với lời đề nghị này. Dave là một thanh niên còn độc thân, không ai thân thiết ngoài một con chó loại Doberman to lớn. Phiền phức nhất là việc để chó ở hotel, tuy nhiên cuối cùng được ban giám đốc khách sạn chấp thuận một cách đặc biệt nên cũng được giải quyết một cách suôn sẻ. Thế là Dave hồ hởi cùng với con chó có tên Whisky dọn lên ở chung với tôi và Hướng, cùng với không biết cơ man nào là máy móc và loa nghe nhạc. Ngay sau khi dọn lên, Dave đã bắt tay ngay vào việc thiết lập một hệ thống nghe nhạc với trên một chục chiếc loa chạy từ phòng trong ra phòng ngoài. Dave không biết nhạc nhưng là một tay nghe nhạc rất sành sỏi. Tên tuổi, lý lịch ca sĩ và ban nhạc anh đều thuộc như cháo. Danh sách “Top 20” hoặc “Top 40” hàng tuần anh đều thuộc nằm lòng. Có thể nói anh là một cuốn tự điển sống về loại nhạc trẻ. Cần một chi tiết về một tên tuổi nào là được Dave giải thích tường tận. Bất cứ đĩa nào mới anh đều mua cho đủ “col-lection.

(còn tiếp)