Kết nối bạn đọc

Kỳ 90: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 14-05-2019 • Lượt xem: 9909
Kỳ 90: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Trong khi chương trình “Hippies À GoGo” được diễn ra lần đầu tiên tại Queen Bee ở tầng dưới với sự tham dự của rất đông khán giả thì tay bass Phan Kiên của ban nhạc The Traubo’s đi cùng với một thiến nữ còn có dáng điệu nhút nhát bước vào và tiến về phía tôi. Sau đó tôi được biết thiếu nữ đó tên là Khánh Hà.

Lúc đó Khánh Hà mới 17 tuổi, còn đang theo học ở Nguyễn Bá Tòng và chưa có hoạt động gì về ca hát ngoài vài lần đi theo các ban nhạc vào chơi tại các club Mỹ, trong số có ban The Blue Jets là ban nhạc cô hợp tác đầu tiên. Phan Kiên cho tôi biết Khánh Hà có một giọng hát rất hay và đang có ước vọng đi theo con đường nghệ thuật của gia đình với những tên tuổi lớn như “bố” Lữ Liên, bà chị Bích Chiêu và ông anh Tuấn Ngọc. Vì bận với việc thực hiện chương trình nên tôi chỉ có dịp nói chuyện qua loa với Khánh Hà trong lần gặp gỡ đầu tiên đó. Vài tuần sau khi đã dời chương trình “Hippies À GoGo” lên tầng lầu trên, tôi mời ban nhạc The Blue Jets và Khánh Hà trình diễn vào một buổi chiều cuối tuần.

 

Có lẽ đây là lần đầu tiên cô xuất hiện trước một số khán giả trẻ đông đảo như vậy, nên Khánh Hà không dấu được vẻ hồi hộp và tỏ ra thiếu bình tĩnh.Nhưng chỉ sau một bản nhạc, cô đã được toàn thế khán giả hoan nghênh nhiệt liệt để sau đó tiếp tục trình bầy thêm hai nhạc phẩm với một vẻ tự tin hơn. Căn cứ vào giọng hát đặc biệt của cô, tôi đưa ra nhận xét Khánh Hà sẽ trở thành một tên tuổi lớn sau này. Tôi đưa nhận xét này trình bày với bạn bè và tất cả đều đồng ý như vậy. Dần dần sự quen biết giữa tôi và Khánh Hà trở nên thân hơn, cùng một lúc với các anh em trong gia đình như Tuấn Ngọc, Anh Tú, Thúy Anh... Thêm một điều tôi khám phá ra nơi Khánh Hà là cô rất có khiếu về ngoại ngữ. Tôi nhận ra điều này khi được mẹ cô đề nghị chỉ cho bà và Khánh Hà về Pháp Văn trong thời gian gia đình cô cư ngụ trên đường Hồng Thập Tự, góc đường Công Lý. Nhờ có một số căn bản về Pháp Văn ở bậc tiểu học tại trường Charles De Gaulle nên cô đã học rất nhanh và có được một cách phát âm trôi chảy.

 

Qua những nhạc phẩm lời Pháp cô trình bày, người ta dễ dàng nhận ra điều này. Cách phát âm tiếng Mỹ của cô cũng được công nhận là rất chỉnh nhờ sự giao tiếp nhiều với người Mỹ khi đi hát tại các câu lạc bộ Hoa Kỳ. Với những nhạc phẩm lời Việt, cách phát âm chính xác, rõ ràng cùng với kỹ thuật lấy hơi của cô, Khánh Hà đã trở thành một trong những nữ ca sĩ được mến chuộng nhất tại hải ngoại, trong khi đó khi còn ở Việt Nam cô đã từng chiếm được cảm tình của các khán thính giả trẻ qua những nhac phẩm hợp ca với các anh em cô là Anh Tú và Thúy Anh trong ban nhạc Uptigh, đặc biệt là những ca khúc của ban The Carpenters. Do sự duyên dáng của cô – trong khi cách ăn nói thông được lưu loát lắm – mà Khánh Hà đã khiến cho nhiều tay nhạc sĩ trong làng nhạc trẻ trồng cây si, trong số có Tùng Giang, cũng là người đã góp một phần nào trong sự thành công ở thời gian đầu nơi hải ngoại.

 

 

The Blue Jets với 3 anh em Tambicanou là Robert, Albert và Philippe cùng tay bass Long “Đinh” (đã mất tại Việt Nam) cùng 3 anh em Anh Tú, Khánh Hà, Thúy Anh đã là một trong những bạn nhạc trình diễn đều đặn nhất trong các chương trình “Hippies À GoGo” của tôi. Thời kỳ này Thúy Anh (lúc đó còn được gọi là “Bé Thúy”) còn rất nhỏ, tôi nhớ có lần đã phải xốc nách cô thẳng để đưa lên sân khấu để trình bày nhạc phẩm “Those Were These Days”. Chỉ tiếc khi ra đến hải ngoại, Thúy Anh không còn hoạt động gì về ca nhạc do hoàn cảnh gia đình không cho phép.

 

Đối chọi với những tiết mục trình diễn nhẹ nhàng và êm ái của The Blue Jets (hay Uptigh và bộ ba “Thúy-Hà-Tú” sau đó) là những màn trình diễn có thể gọi là bốc lửa của ban nhạc CBC, bắt đầu xuất hiện tại các chương trình “Hippies À GoGo” trong thời kỳ này với loại nhạc Psychedelic đang lên cao dữ dội. CBC (thường được gọi là “Con Bà Cụ” hay những “Cao Bồi Con”) có thể được coi như ban nhạc trẻ lâu đời nhất của Việt Nam. Trước khi phong trào nhạc trẻ bành trướng rầm rộ với những nhạc phẩm ngoại quốc, ban nhạc CBC lúc đó còn là một ban nhạc kích động nhi đông đã từng “quậy” trên các sân khấu đại nhạc hội ở Sài Gòn với những nhạc phẩm kích động Việt Nam. Dần dần CBC bước vào lãnh vực nhạc trẻ thuần túy bằng cách trình bày những nhạc phẩm ngoại quốc trong khi vốn liếng về anh vẫn chưa có là bao. Sau này họ đã vượt qua được sự trở ngại đó sau một thời gian dài đi làm tại các clubs Mỹ. Về căn bản nhạc lý, khởi đầu với tính cách một ban nhạc nhi đồng, CBC gần như chỉ võ vẽ chút ít. Nhưng nhờ năng khiếu, các ca nhạc sĩ trong bạn đã cố gắng trau dồi để trở thành những tay đàn, giọng hát hoàn toàn nhà nghề. Khó ai có thể quên được một hình ảnh của Tùng Linh - linh hồn của ban nhạc – với mái tóc dài đã để cả tâm hồn mình vào cây guitar điện mỗi lần xuất hiện trên sân khấu.

 

Ban nhạc CBC

 

Từ một cậu bé con bị che khuất bởi dàn trống, Tùng Vân dần dần đã trở thành một trong những tay trống nhạc trẻ nổi tiếng nhất, cùng thời với tay trống Philippe Tambicanou của The Blue Jets. Giọng ca khàn đặc của Bích Loan đã khiến khán thính giả không sao quên được lối trình diễn sống động của cô với những nhạc phẩm của Janis Joplin hay Grace Slick. Ngoài ra còn có cô chị Bích Liên với khuôn mặt trắng trẻo, xinh xắn, một thời cũng đã gắn liền tên tuổi với CBC. “Bà Bầu” của CBC chính là thân mẫu của các ca nhạc sĩ trong ban. Bà cụ tối ngày bỏm bẻm nhai trầu, tứ thời mặc áo bà ba nâu với chiếc quần đen, tay thường trực ôm một khay trầu. Bà cụ bất kể nơi chốn, bất kể sự có mặt của ai, cứ kè kè khay trầu trên tay cùng với những lời phát ngôn rất là mộc mạc, nhưng đầy vẻ thân tình, “thằng Jo”, “thằng Trường Kỳ”, “thằng Nam Lộc” hay “thằng Tùng Giang” đều sợ bà cụ một phép mỗi khi có việc điều đình giá cả để mời ban nhạc CBC trình diễn. Cũng chính nhờ bản tính mộc mạc, chất phác của một người miền quê miền Nam mà những “thằng” này dần dần trở nên thân thiết với bà cụ và toàn ban cùng những người con lớn khác của cụ như Bích Ly, Lân... để trở thành những người thân trong gia đình.

(còn tiếp)