Tưởng rằng những chương trình Hippies À GoGo sẽ yên bề tại vũ trường Queen Bee sau khi đã trở thành nơi tụ họp chính thức của giới yêu nhạc trẻ tại Sài Gòn, nhưng một lần nữa nó lại phải dời đô đến một địa điểm khác là vũ trường Ritz trên đường Trần Hưng Đạo. Thế là không còn được thấy những cảnh trai tài, gái sắc tấp nập ở công viên trước rạp Rex, không còn được ngắm nhìn những nam thanh, nữ tú dập dìu trên đường Nguyễn Huệ hay Lê Lợi mỗi lần xong việc tổ chức ở Queen Bee.
Trong khi đó, tôi được Jo Marcel cho biết Khánh Ly sẽ về khai thác ở đây sau khi phe ta dọn ra. Vì quen biết từ trước nên Nam Lộc đã được Khánh Ly mời đứng ra thực hiện một chương trình nhạc trẻ lấy tên là “Soil Party” để thay thế cho chương trình “Hippies eGoGo” của tôi, cũng theo chân Jo Marcel dọn sang Ritz. Nam Lộc cũng vì vậy trở thành người đầu tiên “cạnh tranh” với tôi trong việc tổ chức những chương trình “Soul Party”. Tuy gọi là “cạnh tranh” nếu nhìn từ phía ngoài, tuy nhiên chính là mục đích phát triển mạnh thêm về nhạc trẻ đã được bàn thảo giữa chúng tôi. Khi Khánh Ly đề nghị Lộc đứng ra thực hiện những chương trình nhạc trẻ ở Queen Bee, anh có vẻ ngần ngại vì thật sự chưa sinh hoạt trong giới lâu năm, sự quen biết do đó vẫn còn hạn chế. Tôi khuyên Lộc nên nhận lời, bằng cách hứa sẽ giúp anh tất cả những gì trong việc tổ chức với những kinh nghiệm và sự quen biết sẵn có của mình. Một mặt tôi muốn cho phong trào nhạc trẻ được phát triển thêm mạnh mẽ như từ lâu vẫn chủ trương. Mặt khác vì số khách tham dự những chương trình “Hippies À GoGo” quá đông đảo khiến cho rất nhiều người không có dịp tham dự nên nếu có thêm một chương trình khác thực hiện thì cũng chẳng mang lại một sự thiệt hại nào đối với những chương trình của mình. Jo cũng biết được chuyện này và cũng đồng ý với tôi mà không tỏ vẻ gì không bằng lòng trước một sự cạnh tranh như vậy.
Những buổi “HippiesÀ GoGo” và “Soul Party” cứ thế mà chạy ngon ơ với số lượng khán giả mỗi lúc một đông đảo. Với chủ trương cho rằng nhạc trẻ không chỉ hạn chế trong những nhạc phẩm ngoại quốc nên tôi đã đã đưa ra ý kiến thỉnh thoảng nên xen kẽ những nhạc phẩm Việt Nam trong phần trình diễn với các ban nhạc. Tất cả đều tán đồng ý kiến này để ra sức tập dượt để sau đó một số nhạc phẩm của Đức Huy như Nếu Xa Nhau, Cơn Mưa Phùn, Mùa Đông Đã Đến Trong Thành Phố... hoặc một vài bài của Trịnh Công Sơn như Cát Bụi, Tình Xa (qua nghệ thuật trình bày của Thúy-Hà-Tú) đã trở nên quen thuộc trong những chương trình nhạc trẻ. Cũng với quan niệm như vậy, tôi đã mời cặp Lê Uyên Phương đến trình diễn tại một chương trình “Hippies À GoGo” ở Ritz, vài tháng sau khi dời về đây. Đối với tôi đây là một sự thí nghiệm táo bạo đối với giới trẻ thời đó đang bị ảnh hưởng nặng nề của nhạc Psychedelic. Đối với Lê Uyên và Phương thì việc trình diễn trước lớp khán giả trẻ thích nhạc ngoại quốc thật sự cũng là một sự thử thách lớn. Tên tuổi Lê Uyên và Phương vào lúc đó cũng mới được biết tới sau khi từ Đà Lạt về Sài Gòn trình diễn thành công tại nhiều nơi. Với phong cách “bụi đời” và rất nghệ sĩ của Phương và giọng ca đầy sức sống của Lê Uyên và với nội dung của các nhạc phẩm thích hợp với tâm trạng của giới trẻ, tôi tin rằng họ sẽ thành công trong lần ra mắt này. Tôi muốn tiết mục trình diễn của Lê Uyên Phương là một tiết mục trình diễn bất ngờ nên đã không quảng cáo tên họ trên poster trước cửa cũng như không thông báo vào tuần trước đó để có thể ghi nhận được phản ứng từ nơi khán giả.
Sau phần trình diễn của một ban nhạc trẻ mở đầu với những âm thanh rộn rã quen thuộc, tôi lên sân khấu giới thiệu với khán giả một tiết mục được gọi là “rất đặc biệt”, lần đầu tiên diễn ra trong một chương trình nhạc trẻ. Mọi người nhìn như dò hỏi lẫn nhau trong khi Lê Uyên và Phương còn ở trong phòng kế bên, chắc cũng đang ở trong tình trạng hồi hộp ghê gớm. Khi tôi giới thiệu đến tên Lê Uyên Phương, chỉ có vài tiếng vỗ tay lẻ tẻ, nổi lên rời rạc vì tên tuổi của cặp song ca này còn quá xa lạ với khán thính giả, nhất là những người thuộc lớp trẻ.
Với chiếc quần Jean bạc mầu, mái tóc dài và bộ ria mép rất nghệ sĩ, Phương cầm cây guitar bước lên sân khấu, theo sau là một Lê Uyên trong chiếc áo dài còn đầy vẻ bỡ ngỡ và rụt rè. Tất cả khán giả ngồi im phăng phắc với một vẻ ngạc nhiên khi thấy giữa một chương trình nhạc trẻ lại xuất hiện hai khuôn mặt lạ như vậy. Nhưng ngay sau đó họ đã bị chinh phục ngay bởi lối trình diễn trẻ trung của Lê Uyên và Phương, mang lại một sắc thái mới lạ và rất đặc biệt như lời giới thiệu trước đó. Tiếng hát của Lê Uyên quyện tiếng đàn guitar của Phương đã lôi cuốn khán giả từ đầu tới nối với những Vũng Lấy Của Chúng Ta, Uống Nước Bên Bờ Suối,… Những tiếng vỗ tay đã nói lên tưởng như không ngừng để tán hướng phần trình diễn của Lê Uyên và Phương và để đón nhận hai khuôn mặt mới đến với những sinh hoạt ca nhạc nói chung và cho nền nhạc trẻ nói riêng.
Qua đến đầu năm 70 thì những chương trình “Hippies GoGo” tại vũ trường Ritz có sự xuất hiện của một số ban nhạc trẻ mới được thành lập, trong số đó cần phải nhắc đến là The Dreamers và The Crazy Dogs thuộc những gia đình nghệ sĩ nổi tiếng. Vào một buổi tối Jo Marcel cho tôi biết là nhạc sĩ Phạm Duy sẽ đưa một ban nhạc do các con ông thành lập lên để trình diễn trong chương trình ca nhạc của anh, đúng vào lúc Jo đang muốn đẩy mạnh đưa nhạc trẻ vào vũ trường để tạo một bầu không khí trẻ trung và sống động hơn. Và nếu được khán giả đón nhận, anh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn. Khoảng hơn một tiếng sau khi chương trình ca nhạc của Jo Marcel khai diễn, Phạm Duy cùng với ban nhạc The Dreamers bước vào. Phạm Duy ngồi cạnh bên tôi và cho biết ông rất tin tưởng nơi các con ông là Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng và Duy Cường trong lần xuất hiện đầu tiên này.
(Còn tiếp)