Duyên Dáng Việt Nam

Một số cách thức giúp cha mẹ thêm vững vàng khi có con tự kỷ

Diệu Huyền • 16-04-2022 • Lượt xem: 806
Một số cách thức giúp cha mẹ thêm vững vàng khi có con tự kỷ

Nuôi dạy một đứa trẻ không bao giờ là một việc đơn giản. Nhưng với những em bé tự kỷ, sự đặc biệt như được nhân lên, với vô vàn những khó khăn. Nếu cha mẹ là những người không chuẩn bị kỹ về tâm lý, không có sức mạnh nội tâm vững vàng, không có phương pháp và sự tìm hiểu sâu sắc về vấn đề này, họ sẽ luôn phải đối mặt với những áp lực trong việc chăm sóc và nuôi dạy các em nhỏ mang trong mình chứng tự kỷ. Bài viết dưới đây của tác giả Diệu Huyền chia sẻ câu chuyện có thật của một người mẹ có con tự kỷ và đưa ra một số chia sẻ trong việc chăm sóc con tự kỷ.

Tin, bài liên quan:

Sách mùa hè cho trẻ - Là phụ huynh bạn nên chọn cho con mình đọc sách nào bổ ích nhất?

Tài chính trung bình, tiết kiệm thế nào?

 

Tôi đã gặp một trường hợp cụ thể và rất thật ngoài đời thực. Chị ấy là người khuyết tật, cũng đã làm mẹ của đứa con nay đã 9 tuổi. Thế nhưng, con của chị thuộc dạng tự kỷ thoái lui. Tự kỷ thoái lui là việc xảy ra khi một đứa trẻ phát triển bình thường nhưng sau đó bắt đầu mất dần khả năng nói và kỹ năng xã hội.

Theo một nghiên cứu tại Đại học California, Davis (Mỹ) đã phát hiện ra rằng, chứng tự kỷ hoặc chậm phát triển có thể do trẻ bị mất khả năng sản xuất năng lượng trong tế bào, tăng stress oxy hóa và tổn thương ty thể. Vì chức năng não và sự phát triển thần kinh phụ thuộc nhiều vào năng lượng, nên việc ty thể không sản xuất đủ năng lượng để cung cấp cho não có thể dẫn đến chậm phát triển.

Khi các cha mẹ là người không khuyết tật có con bị tự kỷ đã rất khó khăn để chấp nhận, nhưng khi đã chấp nhận thì lo kinh tế và thời gian chăm con, lo cho con thì cũng rất vất vả. Đối với người khuyết tật sự khó khăn, vất vả ấy được nhân lên bội phần. Nhưng với bạn tôi việc tiếp cận và chấp nhận con là trẻ tự kỷ thoái lui rất nhẹ nhàng, và luôn đồng hành cùng con trong suốt hành trình lớn lên của con. Tuy bạn không đủ kinh tế để cho con đi can thiệp từ giai đoạn vàng của lứa tuổi, nhưng với sự kiên trì cùng con nên hiện tại con đã biết làm những sinh hoạt cá nhân, biết “dạ” khi mẹ gọi Tý ơi. Con biết tự xúc cơm ăn khi mẹ đã bới ra chén cho con; con tự mắc được mùng khi đi ngủ, khi thức dậy con biết tự gấp mùng, mền. Khi mẹ khát nước nhờ con lấy nước cho uống con cũng làm được. Có như vậy thôi bạn cũng đã rất hạnh phúc theo cách riêng của bậc cha mẹ có con là trẻ tự kỷ. Chính những đều đơn giản ấy khi các bậc cha mẹ có con tự kỷ luôn phải giữ được tinh thần và sự cân bằng để đồng hành cùng con.

Hình ảnh mang tính chất minh họa

Qua câu chuyện trên, tôi muốn chia sẻ một số phương thức mà các cha mẹ có con tự kỷ có thể tham khảo trong việc chăm sóc, đồng hành cùng con.

+ Hãy cùng con trò chuyện và vui chơi bất kể lúc nào: Bạn hãy nhớ  rằng, tự kỷ không phải là căn bệnh sẽ cướp đi đứa con của bạn. Nếu kiên trì và có phương pháp trẻ sẽ tiến bộ và hợp tác cùng cha mẹ. Khi can thiệp đúng lúc, sử dụng đúng đồ trực quan, sẽ đem lại sự thành công. Hãy chơi cùng con mọi lúc có thể, ít nhất khoảng 3 giờ một ngày.

+ Hạn chế cho trẻ xem điện thoại hay ti vi. Sau đó hãy liên tục áp dụng các tình huống nhờ lấy đồ vật, chỉ tay, nhìn bằng mắt... đối với trẻ nhằm tạo sự chú ý và tạo nên nhu cầu cho trẻ. Hãy dạy con cách chỉ ngón tay trỏ vào đồ vật hay tranh ảnh, các bộ phận cơ thể.

+ Hãy cùng con tạo ra những lần chơi đồ dày đặc cùng bè bạn, người thân hoặc ai đó sẵn sàng có thể cùng chơi với con.

+ Khi trò chuyện cùng trẻ, đừng nói những câu quá dài phức tạp. Thay vào đó thể hiện sự yêu thương khi nói, câu nói ngắn gọn, rõ ý. Hãy sai trẻ những việc đơn giản.

+ Những việc như vận động tinh: cắt, dán, vẽ, cắm, xâu... sẽ giúp trẻ trở nên đón nhận và nhận biết rõ hơn.

+ Vận động thô cũng rất hữu ích qua các việc như đi lại, chạy nhảy, thể thao...

+ Hãy xây dựng cho con môi trường sinh hoạt lành mạnh, có sự thấu hiểu, nhẹ nhàng và không gian dễ chịu bên ngoài.

+ Cha mẹ không nên để con quá nhàn rỗi. Một số công việc như lau nhà, quét nhà, gấp quần áo, hãy động viên và cùng con làm. Đặc biệt đi bộ thường xuyên sẽ tốt cho tâm trí của con.

+  Cha mẹ cũng cần biết điều tiết cảm xúc khi giao tiếp với trẻ tự kỷ. Tránh cảm xúc tiêu cực nặng nề như la mắng, than phiền trước mặt con. Đặc biệt, không nói dối, cản trở lại quá trình điều trị cho trẻ do cách này sẽ làm con bị tổn thương và mất lòng tin nơi người lớn.

+ Chế độ dinh dưỡng: Bạn không nên dùng sữa động vật và các sản phẩm làm từ sữa. Hãy thay thế bằng các loại đậu.

Hình ảnh mang tính chất minh họa

Câu chuyện nhân văn và đầy nghị lực từ cuốn sách Trái tim người cha của nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà:

Trái tim người cha được kể bằng giọng văn đầy xúc cảm. Tám năm cho một hành trình đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và yêu thương được chị khắc họa trung thực, cảm động và đầy thấu hiểu! Khi đi qua giông tố, qua hết mọi bi quan, sợ hãi, hạt giống gieo trồng trên sa mạc đã nảy mầm. Và cái ngày sa mạc nở hoa thật sự chẳng còn xa… Bởi vì với trái tim người cha, người mẹ không gì là không thể!

Trái tim người cha - Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà

Có một đứa con tự kỷ là như thế nào? Khi ấy, ta sẽ nghĩ gì, làm gì khi đứa con mình đứt ruột đẻ ra cứ mất dần cảm giác, ngôn ngữ để thay vào đó chỉ còn đôi tay không biết nghe lời, đôi mắt chỉ nhìn vào những ngón tay chuyển động một cách kỳ lạ và bạn thân của con chỉ còn là những vòng xoay ám ảnh? Điều đó được trải nghiệm và minh chứng khi Anh (nhân vật cha trong câu chuyện) nhập vai vào một đứa trẻ tự kỷ để tìm hiểu xem vì sao những vòng xoay lại khiến con mê mẩn đến thế. Có những ngày anh mướt mồ hôi làm học cụ cho con, rồi nước mắt chảy ngược khi thấy con giằng co trong những cơn khó chịu ngày tròn trăng hay khi sự tiến bộ của con chỉ như con ốc sên bò lên bò xuống. Nhưng rồi sự cố gắng của anh cuối cùng cũng được đền đáp bằng ngón tay chỉ trăng của Hoàng Yến, bằng tiếng gọi “cha” đầu tiên, bằng việc biết phân biệt mùi vị khi ăn uống của con. Sau những bữa đi bộ cùng con, nói chuyện cùng con, đưa con về quê để có bạn bè… những yêu cầu của anh dành cho con, anh nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ và chia sẻ từ vợ, từ thầy hiệu trưởng ngôi trường con gái anh từng học. Từ cha mẹ, anh chị em trong gia đình và cả thầy cô, bạn bè cùng lớn của con. Tất cả đã làm thành vành đai yêu thương bao bọc lấy Hoàng Yến, để cô bé từng bước từng bước hòa nhập với cuộc sống bình thường. Đó là nhân vật trong sách của nhà văn.

Trái tim người cha được kể bằng giọng văn đầy xúc cảm. Tám năm cho một hành trình đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và yêu thương được chị khắc họa trung thực, cảm động và đầy thấu hiểu. Cuối cùng thì đi qua giông tố, qua hết mọi bi quan, sợ hãi, hạt giống gieo trồng trên sa mạc đã nảy mầm. Và cái ngày sa mạc nở hoa thật sự chẳng còn xa… Bởi vì với trái tim người cha, không gì là không thể!