Duyên Dáng Việt Nam

My “Vượt Sóng” – “Người chị cả” của cộng đồng những đối tượng “dễ bị tổn thương”

Tr.T • 24-11-2020 • Lượt xem: 1290
My “Vượt Sóng” – “Người chị cả” của cộng đồng những đối tượng “dễ bị tổn thương”

Luôn tự thấy bản thân có xuất phát điểm không bằng nhiều người, từ gia cảnh đến vị trí xã hội, đến thân phận và nghề nghiệp… tất cả đã hình thành nên một Đỗ Thụy An My ngày hôm nay - mạnh mẽ và tự cường. My luôn dặn bản thân và đồng đội trong nhóm Vượt Sóng một phương châm cốt lõi: “Khó khăn gì cũng có thể vượt qua”.

Bài xem thêm:

“Người kết nối” giúp nhiều bệnh nhân HIV/AIDS được tiếp cận y tế

Trình độ học vấn thấp, nhưng chỉ số cảm xúc cao, nên những ngày đầu sinh hoạt cộng đồng với một số nhóm đặc thù như: tiêm chích ma túy, người có H, mại dâm nam… My đã nhận thấy: “Tại sao mình không lập nhóm cho “chị em” nhỉ? Vì bản thân cũng từ “nhóm đích” (là nhóm những đối tượng dễ bị tổn thương, dễ có nguy cơ nhiễm HIV từ hoạt động mại dâm)!

Vậy là từ con số 0, My đã bắt đầu hành trình cùng với Vượt Sóng băng qua hết “con sóng” này đến đợt sóng khác - cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Những ngày đầu vất vả là vậy, vừa đi làm kiếm tiền, vừa tập hợp thành viên, vừa cổ vũ tinh thần, vừa báo cáo, vừa sổ sách, vừa trình bày, vừa huy động nguồn lực. Bỏ qua cả tự ti và mặc cảm thân phận, chỉ biết cặm cụi truyền lửa cho đồng đội và những người My tiếp xúc. Bản thân tâm đắc với những bài học nền tảng mang nội dung: “Nâng cao lòng quý trọng bản thân” (My chia sẻ: “Nghe tên gọi thôi cũng đã thấy thích rồi!”). Thân phận và nghề nghiệp là hai chuyện hoàn toàn tách biệt, không ai có quyền nhìn vào nghề nghiệp bạn và quy chụp thành cả cuộc đời bạn cả.

Chị Đỗ Thụy An My (áo trắng- thứ hai từ trái qua) – Trưởng nhóm Vượt Sóng đang tuyên truyền về việc sử dụng bao cao su cho các Chị Em lao động tình dục trong khuôn khổ dự án Quỹ Toàn Cầu Phòng Chống HIV/AIDS.

Từ người không có kĩ năng kết nối và ngại tiếp xúc với người lạ, cho đến ngày nay, My đã trở thành một cái tên mà mỗi khi nhắc đến, nhiều người đều cảm thấy bình an và tin tưởng. Đó không phải là ngày một, ngày hai có thể làm được, mà là cả một quá trình cần cù, kiên nhẫn và chịu đựng.

Vì chỉ có “cần cù” mới theo thuyết phục người có nguy cơ xét nghiệm đều đặn. My cùng đồng đội đến từng tụ điểm, lân la làm quen (chứ không nói ra công việc cộng đồng của mình trước), rồi kết thân và thuyết phục họ xét nghiệm hoặc sử dụng những biện pháp an toàn.

Kiên nhẫn là có những lúc người có H không chịu điều trị do rất nhiều tác động: kinh tế, bệnh cơ hội, mặc cảm bản thân, sự phũ phàng của gia đình… mà họ từ chối khởi động chương trình ARV. My phải đến tận nhà họ mỗi ngày, giải quyết từng khúc mắc một, tạo lòng tin cho họ và cuối cùng họ mới chập nhận tham gia điều trị.

Vì là xuất thân từ “nhóm đích” nên My hiểu rõ người làm nghề có khi “cần tiền hơn cần sức khỏe”, My kể: “Có những khi bị người ta xua đuổi vì những gì mình tặng họ không hề có lợi lộc gì trước mắt”, hoặc: “Người nhà bệnh nhân cứ nghĩ mình rủ rê dụ dỗ con họ mà sao cứ lân la tới nhà, mà mình thì không dám tiết lộ ra là con/cháu họ có HIV rồi”. Đó là chịu đựng chứ đâu. Hoặc có khi phải tự bỏ tiền túi để tiếp cận những tụ điểm có “người làm nghề” ở nơi sang trọng, cũng có khi cả nhóm “góp của” để đỡ đần những trường hợp có H mà bệnh cơ hội quá trầm trọng, lại nghèo...

Giờ đây An My trở thành chỗ dựa tin cậy, nơi tìm đến của nhiều đối tượng FSW (những phụ nữ hành nghề mại dâm) và nhiều đối tượng "dễ bị tổn thương"  khác để nhận giúp đỡ

Và còn vô số trường hợp mà My cùng nhóm Vượt Sóng đã cùng trải qua trong 6 năm nay, vui có, buồn có, cực có, thành tựu cũng có… nhưng chưa bao giờ hết lửa và hết đam mê.

“Làm công việc này không có đam mê không làm được đâu, tiền không bao nhiêu, nhưng trắc trở nhiều. Làm vì lợi ích cá nhân là xác định không trụ lại lâu được” - My chia sẻ.

Và trong 10 năm qua gắn bó với những công việc không tên của cộng đồng, cho cộng đồng, My vẫn ở đó, là bến bình an, là chỗ dựa của nhiều người, là nơi chia sẻ và là tấm gương “vượt sóng” để nhiều người nhớ tới và tìm đến.