VĂN HÓA

Nam kỳ thuộc địa, từ Hiệp ước Nhâm Tuất đến Giáp Tuất: Vua Tự Đức phê chuẩn Hiệp ước 1862

DDVN • 12-01-2022 • Lượt xem: 493
Nam kỳ thuộc địa, từ Hiệp ước Nhâm Tuất đến Giáp Tuất: Vua Tự Đức phê chuẩn Hiệp ước 1862

Từ đầu tháng 2.1862, phía Pháp đã đặt vấn đề hòa đàm với triều đình Huế, tháng 4 họ cử thiếu tá Simon đi tàu đến cửa Thuận An (Huế) đưa thư yêu cầu phía Đại Nam cử một đại diện đứng ra đàm phán, bồi thường chiến phí và nộp tiền bảo lãnh cho cuộc thương thuyết hòa bình.

Sau khi hội kiến các quan lớn trong triều, nghe họ trình bày, vua Tự Đức nói với quần thần: “Tạm thời khuất mình, tạm thời chịu phí, mà có thể cứu được quân dân, không bị mất đất đai thì nên lắm” (Đại Nam thực lục (ĐNTL), tập 7, nhóm dịch, NXB Giáo dục, 2007, tr.768). Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp [Hiệp] xin đi vào Sài Gòn, “sai đình thần bàn định đại ý về điều ước, vua sửa định rồi trao cho” (ĐNTL, tập 7, sđd, tr.768).


Yến tiệc do Phan Thanh Giản tổ chức tại Vĩnh Long theo lệnh của vua Tự Đức, đón tiếp Phó đô đốc Bonard để nối lại đàm phán

Trước khi hai vị chánh phó sứ lên đường, vua rót ngự tửu ban cho, dụ rằng: “Đất đai quyết không thể nào cho được, tà giáo (ý nói Cơ Đốc giáo) quyết không cho tự do tuyên truyền” (ĐNTL, tập 7, sđd, tr.770). Khi biết tin sứ bộ Phan Thanh Giản vượt quyền đặt bút ký vào sơ thảo hiệp ước cắt nhượng đất, vua Tự Đức thất vọng nói: “Thương thay con đỏ của lịch triều, nào có tội gì?” (ĐNTL, tập 7, sđd, tr.771). Vua trừng phạt hai vị chánh phó sứ, bổ Phan Thanh Giản làm Tổng đốc Vĩnh Long, Lâm Duy Thiệp làm Tuần phủ Thuận - Khánh (Bình Thuận và Khánh Hóa) - giáp với vùng đất vừa nhượng cho người Pháp, để Phan - Lâm nối lại các cuộc thương thuyết, chuộc sai lầm đã phạm.

Nhượng cho Pháp ba tỉnh miền Đông Nam kỳ và Côn Đảo?

Hiệp ước Nhâm Tuất (1862) gồm 12 điều, hai nội dung quan trọng và nặng nề nhất là triều đình Huế phải nhượng cho Pháp ba tỉnh miền Đông Nam kỳ và Côn Đảo với tất cả chủ quyền (điều 3), và bồi thường chiến phí với số tiền lên đến 4 triệu đồng bạc (tương đương 2.880.000 lạng bạc, 1 đồng bạc tương đương 0,72 lạng bạc) trong vòng 10 năm (điều 8). Bấy giờ, vùng nhượng địa do người Pháp cai quản phía bắc giáp Cao Miên, phía nam giáp biển, phía đông giáp dãy núi Bình Thuận còn phía tây giáp ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên) - nơi các nghĩa quân người Việt lùi về ẩn nấp, tổ chức lực lượng kháng chiến.

Mười ngày sau buổi ký kết tại Trường Thi, ngày 15.6.1862, Thống soái Bonard cử thiếu tá de Lavaissière lên tàu Echo về Pháp đệ trình lên Pháp hoàng văn bản hiệp ước để ngài phê chuẩn. Hải trình của de Lavaissière gặp nhiều sự cố, de Lavaissière qua đời khi đang trên đường đến Sri Lanka. Thuyền trưởng Gautheaume tiếp tục hành trình và hoàn thành nhiệm vụ, ngày 24.8.1862, ông mang hiệp ước về đến vịnh Toulon (Pháp). Đại tá Palanca cử thiếu tá Olabe mang hiệp ước về Tây Ban Nha trình lên Nữ hoàng Isabelle đệ nhị, ngày 30.8.1862, Olabe về đến Madrid.

Về phía Đại Nam, trong thời gian chờ đợi phê chuẩn, triều đình Huế đã thực hiện nghĩa vụ bồi thường chiến phí lần đầu vào ngày 2.12.1862 (Prosper Cultru, Histoire de la Cochinchine française: des origines à 1883 (Lịch sử Nam kỳ thuộc Pháp: từ sơ khởi đến năm 1883), Paris, 1910, tr.83). Tuy nhiên, qua tuyên bố ngày 12.12.1862, triều đình Huế vẫn mong muốn phía Pháp xem xét lại nội dung hiệp ước, đặc biệt là điều khoản nhượng đất, đồng thời yêu cầu phía chính quyền thuộc địa cho phép một sứ bộ Đại Nam mang lễ vật sang Paris tặng Pháp hoàng Napoléon đệ tam.

Bốn ngày sau yêu cầu của triều đình Huế, khắp nơi từ Rạch Cát, Biên Hòa, Bà Rịa, Chợ Lớn đến Mỹ Tho các nghĩa quân yêu nước đồng loạt tấn công và bao vây các pháo đài, gây nhiều tổn thất cho quân Pháp. Hành động này buộc Bonard phải hành quân về Gò Công tháng 2.1863 để trấn áp lực lượng nổi dậy do Trương Định cầm đầu, đồng thời gây áp lực ngược lên triều đình Huế về việc sớm phê chuẩn hiệp ước.

Cuối tháng 1.1863, đại úy Tricault đến Sài Gòn mang theo bản hiệp ước đã được Pháp hoàng phê chuẩn, đồng thời Đề đốc Pierre-Paul Marie de La Grandière cũng được bổ nhiệm làm Thống soái tạm quyền thay cho Bonard.

Bấy giờ, áp lực đặt lên vai Bonard là rất lớn, chức thống soái Nam kỳ tạm trao cho La Grandière nên ông phải mang về Paris một thành quả thay vì rời Sài Gòn với tay không. Vì vậy, Bonard phải ép triều đình Huế chấp nhận Hiệp ước Nhâm Tuất 1862. Trước sự chần chừ của triều đình Huế, Bonard gây áp lực, đe dọa sẽ trợ giúp cho loạn Tạ Duy Phụng ở Bắc kỳ trong lá thư (đề ngày 28.2.1863) gửi cho đại diện phía Đại Nam. Sau khi họp bàn cuối tháng 3, đầu tháng 4.1863, triều đình Huế thông báo cho phía Pháp là họ chấp nhận trao đổi hiệp ước.

Ngày 2.4.1863, Bonard và Palanca rời Sài Gòn cùng 100 lính bộ binh. Ngày 14.4, diễn ra lễ trao đổi hiệp ước đã được các nhà lãnh đạo phê chuẩn, đại diện phía triều đình Huế là Phan Thanh Giản. Ngày 25.4, Bonard bàn giao chính quyền lại cho Đề đốc La Grandière và lên đường về Pháp đầu tháng 5.1863. Sau một thời gian tạm quyền, Đề đốc La Grandière chính thức làm Thống soái Nam kỳ ngày 16.10.1863, đồng thời được thăng hàm từ đề đốc lên phó đô đốc. 

Theo Nguyễn Quang Diệu/Thanhnien.vn