Hội họa

Ngày xuân, luận về uống rượu

Thoại Vy - Hình internet • 18-01-2018 • Lượt xem: 10827
Ngày xuân, luận về uống rượu

(“Khi chén rượu, khi cuộc cờ …” - Nguyễn Du)

Trong mười nhân vật được phong thánh trong sử sách phương Bắc có một ông được phong là tửu thánh (ông thánh rượu), tên là Đỗ Khang (còn gọi là Đỗ Thiếu Khang). Ông này được xem là ông tổ nghề nấu rượu. Một “con sâu rượu” khác chẳng hiểu sao cũng được phong … tửu thần, sánh ngang với Đỗ Khang là Lưu Linh. Có thể vì phong độ tiêu sái khi độc ẩm/ đối ẩm … nên Lưu Linh còn được xếp vào nhóm “Trúc lâm thất hiền” (bảy vị hiền triết trong rừng trúc). Càng không hiểu nữa là đôi khi có một tay nát rượu nào đó, chân nam đá chân chiêu trên đường, được dân tình chỉ đích danh là đệ tử Lưu Linh. Có giống nhau chăng là ở chỗ họ đều lấy trời làm màn, đất làm chiếu. Vua say Lưu Linh có áng văn “Tửu đức tụng” (ca ngợi đức của rượu) được đám tửu đồ xem là danh tác gối đầu giường. Suốt đời mình, Lưu Linh xem rượu và bạn là niềm vui sống. Vợ ông thấy chồng say sưa tối ngày, liền ngăn cản. Lưu Linh một mặt hứa hẹn sẽ cai rượu, mặt khác lại khấn thầm:
Thiên sinh Lưu Linh/ Dĩ tửu vi danh/ (…)/ Phu quân chi ngôn/ Thân bất khả thinh …”
(Tạm dich: Trời sinh Linh này/ Lừng danh kẻ say/ (…)/ Lời can của vợ/ Ngang trời gió bay!)
Uống rượu định danh như Lưu Linh, xưa nay hiếm. Nhưng phong thái tiêu sái  “khi ca, khi tửu. khi cắc, khi tùng…” như cụ Hi Văn lại không quá hiếm. Quân tử Tàu uống rượu thanh thoát đầu bảng phải kể đến “thi tiên” Lý Bạch. Trong “Nguyệt hạ độc chước”, họ Lý độc ẩm dưới trăng mà vẫn vời vợi khí độ “tiên phong đạo cốt”:
Trong hoa một bầu rượu
Ngồi uống bạn không ai
Nâng chén mời trăng sáng
Đối bóng thành ba người
(Bản dịch của Phan Duy Nhân)
Nhân vật Tiêu Phong (Kiều Phong) trong tiểu thuyết võ hiệp "Thiên long bát bộ" của Kim Dung không chỉ được yêu mến vì nghĩa khí, tiếc thương vì bất hạnh và đoản mệnh, mà còn nổi tiếng vì phong thái uống rượu khoáng đạt.
Hiền sĩ Ta thì nổi danh vì tài lẫn uống rượu có Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tản Đà, Nguyễn Tuân … Lý Trích Tiên tiêu dao cùng rượu, thì Tuyết Giang phu tử  quy ẩn làm lão nông phu, cũng khoan thai, nhàn dật cùng rượu:                     
Rượu, đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
(Nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Khác với Lý Thái Bạch, cụ Tam nguyên Yên Đổ tự thú xót xa mà chí tình:
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua
(Khóc Dương Khuê)
Cụ Nguyễn không chỉ thích uống rượu với tri kỉ vì được đồng cảm (Biết đâu còn để tán chuyện cho vui) mà còn ngẫm thế thái nhân tình khi “cờ đang dở cuộc …, bạc chửa thâu canh…”. Có phải thế chăng mà “Thu ẩm” xót xa cho tình đời, tình người đến thế: “ Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe/ Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy/ Độ năm ba chén đã say nhè”. Say vì rượu thì ít mà say vì đau đời thì nhiều. Uống rượu mà cay đắng, trĩu nặng ưu tư thuở còn xênh xang mũ cao áo rộng như Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng hiếm gặp: “Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử/ Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi”.
Uống rượu với tri âm thì còn gì bằng. Nguyễn Bá Trác chả đi khắp chân trời góc bể để tìm bạn hiền đối ẩm đấy ư: “Trời đất mang mang ai người tri kỉ/ lại đây cùng ta cạn một hồ trường”. Được ngồi với tri kỉ, lại đối ẩm, là hạnh ngộ. Nếu không tiêu được sầu, thì chí ít cũng dốc cạn được nỗi lòng:
Cụ hâm rượu nữa đi thôi
Be này chừng sắp cạn rồi còn đâ
Rồi lên ta uống với nhau
Rót đau lòng ấy vào đau lòng này
(Uống rượu với Tản Đà – Trần Huyền Trân).
Cụ Nguyễn Khắc Hiếu tự nhận là trích tiên (vị tiên có tội phải đày xuống trần gian), hạnh ngộ bạn tri kỉ vong niên đối ẩm. Được cùng nhau dốc cạn nỗi đau đời xót người, chắc hẳn Tản Đà thấy không uổng một đời nơi đất trích ?!
Đôi khi, không say vì rượu mà túy lúy vì tình. Có lúc, không mê đắm vì rượu mà ám ảnh vì một bóng hình. Say nào chếnh choáng hơn ?! Hay cả hai hòa nhập và cùng chao đảo ?!.                     
Chiều nay, thương nhớ nhất chiều nay
Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy
Tôi uống cả em và uống cả
Một trời quan tái, mấy cho say.
Vũ Hoàng Chương có mấy câu tuyệt bút cũng ngả nghiêng, si mê hoang hoải vì tình:
Em ơi lửa tắt bình khô rượu 
Ðời vắng em rồi say với ai 

(Đời vắng em rồi)
Trong văn học cũng có nhân vật nữ độc ẩm, đối ẩm nhưng đa phần vì bất đắc dĩ, không hề tự nguyện: Cô Mỵ khi giác ngộ mình đang sống kiếp trâu ngựa trong nhà thống lí Pá Tra (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài), nhân vật nữ trong thơ Hồ Xuân Hương ... Nữ sĩ thương thân xót phận khi “Tự tình”:
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
Còn Kiều thì ê chề, tủi nhục trong thanh lâu vì bị chuốc rượu:
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa
Vậy là các bậc tu mi nam tử và phận nữ liễu bồ giống nhau: uống rượu tiêu sầu. Tuy nhiên, vẫn khác: nữ thì ở mức “vi mô”, còn nam ở cấp “vĩ mô”. Một đằng là thương thân, một nẻo là đau đời. Hoặc nếu đàn ông có xót phận thì cũng vì cho rằng mình sinh bất phùng thời. Có thể vì thế mà rượu cũng được phân loại “giới tính” nặng – nhẹ!??. Kiều biết đay nghiến ai đây, nên chỉ biết chì chiết nhiếc móc chính mình. Từ “mình” láy đi láy lại, đau đớn và hổ thẹn cũng đành gán cho số mệnh.
Trong xã hội nam quyền, không có chỗ cho nữ nhi đổ tại thời thế, lòng người. Đặc quyền tửu ẩm là dành cho phái nam. Vì thế, người xưa định danh chuẩn “men” thật phi lí: “Nam vô tửu như kì vô phong” (Đàn ông không uống rượu, chẳng khác cờ không có gió).
Uống rượu tiêu sái thú vị  một, uống rượu đàm đạo với bằng hữu để tiêu sầu, có lẽ khoái hoạt mười. Chẳng thế mà thiên hạ quên mất tiêu chí ban đầu là uống mà vẫn giữ được cốt cách. Nên mới có lắm người nát rượu đổ tại anh hùng mạt vận, không ít “sâu rượu” khi quá chén nói toàn lời kinh thiên động địa. Tửu - sắc bét nhè nên dẫu tài hoa như Trần Hậu Chủ cũng làm mất nước. Vua Trần Hậu Chủ không có tài trị quốc nhưng chúa sành rượu và là tác giả của khúc “Hậu Đình Hoa” nức tiếng. Ngày bé, không rõ hai câu thơ người viết thích đến thuộc là của tác giả nào, chỉ nhớ là thơ Đường, có nhắc đến điệu khúc bất hủ này: “Con hát biết chi hờn mất nước/ Cách sông còn hát khúc Hậu Đình”. Sau này biết đó là “Bạc Tần Hoài” của Đỗ Mục. Bến Tần Hoài lúc bấy giờ nằm sát một tửu gia. Chẳng trách Đỗ tiên sinh thi hứng dồi dào vậy. Thi nhân chỉ lo lỡ chén, cuộc rượu dang dở. Quân vương thì lo tửu sắc quá chén/ quá độ khiến “quốc phá gia vong”. Ông vua cuối đời Minh là Hoằng Quan còn ghê gớm hơn ở cái khoản mê rượu. Kệ thế sự xoay vần, mặc “nước mất nhà tan”, vị vua này chỉ biết có rượu: “Sướng nhất trên đời là tay được cầm (nâng) chén rượu/ (Như) trăm năm mấy độ trăng chiếu đúng đỉnh đầu” (Nguyên văn: Vạn sự hà như bôi tại thủ/ Bách niên kỉ kiến nguyệt đương đầu). Rượu vào thêm dũng khí, bất sá “nguyệt  đương đầu” là phải ! Còn quân tử sợ cả “quá chén” lẫn “lỡ chén” vì lo định phẩm và xướng danh. Quá chén có thể vạ mồm (lỡ lời); lỡ chén thì chưa đủ khí chất, khí độ. Như vậy, không phải ai cũng biết uống, sành uống.  
Yến tiệc linh đình vua ban thế nào cũng có mĩ tửu. Mừng tân trạng nguyên, vua ban đại yến, thế nào chẳng có khí vị đậm đà của rượu cho thêm phần hãnh diện. Tiễn nguyên soái, tướng quân ra trận, giữ biên ải sao lại không có rượu Bồ Đào đưa cay như là thứ đồ uống tinh túy và phấn khích nhất. Khơi gợi sĩ khí/ hùng tâm tráng chí và cả chất cảm tử cũng nhờ thứ chất lỏng nồng đượm này:
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi
(Lương Châu từ - Vương Hàn).
(Tạm dịch: Say, ngủ ở sa trường, anh cười gì?/ Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về).
Rượu có hại hay có lợi tùy ở người dùng, cách dùng. Cúng kiếng tổ tiên, cũng cần rượu. Nhiều tôn giáo có thanh quy “giới tửu, giới sắc” cũng vì rượu. Uống rượu như ngắm người đẹp. Nhân cách thanh bạch thì khí rượu thanh tao. Nhân cách phàm phu thì mùi, vị rượu cũng dung tục. Cụ Tú Xương đã từng ghi nhận điều này trong lúc trà dư tửu hậu: “Một trà, một rượu, một đàn bà/ Ba cái lăng nhăng nó hại ta”. Ơ hay, thấy rõ là phụ nữ hàm oan ! Theo truyền ngôn, Lý Bạch say ngã xuống sông chết là do rượu, chứ phái nữ vô can.
Cụ Nguyễn Tiên Điền chắc phải tự chuốc rượu cho say để miễn cưỡng dẫn dụ Kim – Kiều đổi duyên cầm sắt (nghĩa vợ chồng) ra duyên cầm kì (tình bằng hữu). Vì như thế, họ mới có được khoảnh khắc đồng điệu: “Khi chén rượu, khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”. Có phải vì thế mà hiện nay nữ giới hành nghề “bartender” và DJ trong các vũ trường, nhà hàng chiếm tỉ lệ không nhỏ ?. Còn người viết ngẫm rằng, khi tựa vào hơi men hoặc giả ngà ngà say, thiên hạ mới có cớ để “tiếu ngạo giang hồ”.