VĂN HÓA

Nghệ thuật làm giấy dó độc đáo của người Mường

Lan Hương • 14-05-2023 • Lượt xem: 1508
Nghệ thuật làm giấy dó độc đáo của người Mường

Nghệ thuật làm giấy dó truyền thống đã gắn bó với người Mường ở Suối Cỏ từ bao đời nay, tuy nhiên có một thời gian dài nghề đã bị lãng quên và những tưởng bị thất truyền. Nhưng do lòng đam mê và mong muốn bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, các nghệ nhân nơi đây đã tiếp tục miệt mài duy trì sản xuất và đưa sản phẩm tiếp cận với nhiều người.

Giấy dó là loại giấy đặc biệt được sản xuất theo quy trình thủ công và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Với đặc tính xốp nhẹ, dai, bền, ít bị mối mọt, không bị nhòe khi viết, không bị giòn gãy hay ẩm nát… Trước kia, giấy dó được tạo ra để phục vụ cho việc in sách, làm sắc phong, văn khấn… Hiện nay, người ta dùng giấy dó cho vẽ tranh trong mỹ thuật dân gian Việt Nam, tranh Đông Hồ hoặc dùng để ghi chép, lưu trữ tài liệu bởi nó có ưu điểm nổi trội là độ bền theo năm tháng.

Gian truân gìn giữ nghề truyền thống

Được du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 13, giấy dó đã từng được người dân Việt sử dụng phổ biến trong đời sống. Người xưa dùng giấy dó để viết chữ, lưu giữ và truyền bá kiến thức, người ta còn dùng giấy dó để in tranh, viết câu đối, thư pháp… tuy nhiên cùng với sự phát triển của nhịp sống hiện đại, việc sử dụng giấy dó cũng không còn được phổ biến như xưa.

Tranh Đông Hồ được in trên giấy dó.

Nghề làm giấy dó của người Mường là nghề cha truyền con nối ở xóm Suối Cỏ, xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Với lịch sử hàng trăm năm trước, ở Hòa Bình chỉ có người Mường mới sản xuất loại giấy này. Để tạo ra từng mảnh giấy dó, người dân phải mất rất nhiều thời gian và công sức, tất cả các công đoạn đều thực hiện thủ công bằng tay hết sức tỉ mỉ.

Trước đây, giấy dó được làm ra để dùng trong thờ cúng và phục vụ các hoạt động tâm linh của người dân. Tuy nhiên có giai đoạn phong tục này được cho là mê tín và bị cấm, từ đó người ta không làm giấy dó nữa và trong thời gian dài, nhiều thế hệ đã không còn biết cách tạo ra loại giấy đặc biệt này, có chăng chỉ được nghe nhắc đến qua lời cha ông kể lại.

Sau này, với niềm đam mê và mong muốn gìn giữ nghề truyền thống, các nghệ nhân xóm Suối Cỏ cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ đã quyết tâm phục dựng lại nghề. Cho đến nay, cả xóm còn được 5 gia đình kiên trì phát triển nghề và đã thành lập tổ sản xuất.

Độc dáo giấy dó Lương Sơn

Để làm ra một tờ giấy dó phải trải qua quy trình hết sức cầu kỳ gồm 35 công đoạn, từ khâu lấy nguyên liệu, ngâm, ủ… cho tới lúc hoàn thành sản phẩm mất đến nửa tháng trời.

Nguyên liệu chính để làm được loại giấy đặc biệt này là cây dướng, loại cây có sẵn trên núi ở địa phương. Thế nhưng để thu hoạch và mang về đến nhà cũng vô cùng vất vả.

Cây dướng, nguyên liệu chính để làm ra giấy dó.

Người ta chọn những cây dướng bánh tẻ (khoảng 3 – 5 năm tuổi) cao tầm 3 mét, chặt về rồi loại bỏ lá, bỏ cành sau đó cắt thành từng đoạn ngắn khoảng 1 mét, rửa sạch rồi đem đi luộc cùng vôi sống bọc trong lớp vải cho chín nhừ để vỏ cây mềm vài dai hơn, sau đó mang đi ngâm trong vòng 1 ngày. Nếu muốn tạo ra giấy màu xanh thì giữ nguyên phần vỏ ngoài. Muốn làm giấy trắng thì bóc hết phần vỏ ngoài, chỉ lấy phần xơ trắng bên trong.

Tiếp đến người dân dùng chày đập nát nguyên liệu đã được xử lý ở trên để lấy phần bột, đây chính là thành phần chính để làm nên giấy dó. Bột nhuyễn thu được cho vào cái ra to được đan bằng tre để đãi sạch nước vôi – công đoạn này gọi là đãi bìa.

Giấy dó có rất nhiều loại, tùy từng loại mà người ta sẽ cho thêm các chất liệu khác nhau như củ nghệ, củ hoàng đằng, thân cây chuối, lá rau ngót… Các nguyên liệu sẽ được hòa trộn với nhau cùng với nước và nước gỗ mò (một loại chất nhầy giúp kết dính các vật liệu với nhau).

Xeo giấy là công đoạn quan trọng đòi hỏi bàn tay khéo léo của người thợ.

Xeo giấy là công đoạn kế tiếp và cũng là công đoạn khó nhất khi làm giấy dó, người thợ phải có bàn tay khéo léo để định hình khuôn khổ cũng như quyết định độ giày mỏng của tờ giấy. Khi xeo giấy, người thợ dùng chiếc khuôn gọi là liềm xeo (được làm từ mành nứa hoặc giang chẻ nhỏ như sợi tăm và được xe lại bằng sợi tơ). Người thợ đổ hỗn hợp bột lỏng lên khuôn liềm xeo, chao đi chao lại thành một lóp bột mỏng tạo ra một tờ giấy.

Xeo được làm từ những mành nứa chẻ mỏng và kết lại bằng tơ.

Các tờ giấy còn ướt được xếp chồng lên nhau, mỗi đợt khoảng 40 – 50 tờ rồi đưa vào khuôn ép trong vòng 1 ngày cho hết nước. Tiếp đến người thợ bóc khéo léo từng lớp giấy đã được ép, đem đi phơi khô. Bước cuối cùng là xếp các tấm giấy thành lớp và dùng thanh nứa mảnh rọc theo khổ 10x20 hoặc 20x30 tùy theo từng loại. Như vậy là hoàn tất mọi công đoạn tạo thành một tờ giấy dó hoàn chỉnh.

Các tờ giấy được xếp chồng lên nhau rồi đưa vào khuôn ép cho hết nước.

Giấy dó được làm hoàn toàn từ nguyên liệu thiên nhiên, có đặc tính xốp, nhẹ, hút mực. Các công cụ sản xuất hầu hết từ thủ công bằng tre, gỗ và làm khô giấy bằng ánh sáng tự nhiên. Vì thế giấy có độ bền và tuổi thọ rất cao đến hàng trăm năm.

Sau khi ép, người ta đem phơi khô giấy dó dưới ánh sáng tự nhiên.

Ngày nay, giấy dó không chỉ dùng để viết chữ, vẽ tranh. Dưới sự sáng tạo của các nghệ nhân, loại giấy đặc biệt này đã trở thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch ở nhiều nơi trong cả nước.

Du khách hứng thú trải nghiệm quá trình làm giấy dó của người Mường.

Hiện nay du lịch về Suối Cỏ trải nghiệm làm giấy dó thu hút nhiều khách tham quan trong nước và quốc tế. Đây chương trình giúp du khách tìm hiểu về nghề truyền thống đồng thời giúp người dân phát huy việc bảo tồn và giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của cha ông để lại. Người dân xứ Mường còn tạo nên các bức tranh dân gian đặc sắc từ giấy dó, có thể làm quà lưu niệm, tặng cho bạn bè, người thân vào các dịp kỷ niệm, lễ Tết…