Hội họa

Nhà quay phim Trần Hùng: 'Mỗi cuộc đời có giá trị với chính mình...'

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 24-08-2020 • Lượt xem: 14014
Nhà quay phim Trần Hùng: 'Mỗi cuộc đời có giá trị với chính mình...'

Tôi biết và chơi mới nhà quay phim Trần Hùng đã lâu nhưng hết ngạc nhiên vì những gì đọc thấy từ anh. Hình như anh "quay chậm" chính đời mình trong mỗi phút giây. Tuy nhiên, có thể phát hiện không một chất liệu "dưỡng từ" nào của đời sống rơi ra ngoài tầm nhìn, ống kính tâm hồn anh. Thậm chí nó quyện đặc quánh lại và lan tỏa bàng bạc chất men trên từng thước phim. Có lẽ vì thế phim anh quay đã từng đoạt nhiều giải thưởng. 

Tin và bài liên quan:

Nguyễn Huy Thiệp, thời đẹp nhất đã qua 

Giới thiệu thơ Ý Nhi: ‘Chút gì như bóng dáng đời ta’

Nguyễn Hữu Hồng Minh: Cầu vồng của thơ

Ra Hà Nội lần nào tôi cũng muốn gặp cho được Trần Hùng. Không gặp được về Sài Gòn lại thấy thiêu thiếu một cái gì đấy! Rồi nhiều lần nghĩ về cái sự thiếu ấy để phát hiện ra thì có gì đâu, một con người của Hà Nội, một cốt cách của Hà Nội. Văn hóa là cái món nộm con người khoái nói đến nhưng không dễ để bàn. Nó khó đến mức giống như phim ảnh chính là những lát cắt cuộc đời của mình nhưng thử khi ngoái lại, được xem lại liệu có chọn ra được vài hình ảnh, góc máy nào đó thật tiêu biểu của đời mình hay không? Để khoe khoang, hay làm một chứng nhân ư? Không! Nhưng đời người rồi ai cũng sẽ mất đi. Cuộc đời bung lung ba la này rốt cuộc như thế nào là một giá trị?


Nhà quay phim Trần Hùng (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nếu thường các nghệ sĩ, nhà làm phim ngang tàng, hầm hố, râu tóc bù xù, móc xỉa thì ngược lại, anh rất chỉnh chu, tròn và lành như Bụt. Hùng Quýt. Bạn bè gọi anh như vậy. Ngọt và lành. Nhưng đã phản diện lại với tác phẩm nghệ thuật của anh. Khi quay “Sóng ở đáy sông” bật lên sóng lửng, sóng ngầm. Lúc tái hiện “Thời xa vắng” tinh tế đến mức qua từng góc máy hình ảnh đã thấy hiện lên một thời ấu trĩ hoang dại nhưng bình yên đã mất. Có cái gì luôn "thôi xao" rung động tươi mới dưới tay máy của Trần Hùng. Khi ồn ào, nham nhở lúc lia chậm hay hay tốc độ đều "bắn" những tia lạ vào ống kính dưới tầm ngắm của tâm hồn đó. Một cú máy chao đảo, đóng khung cả một đời người. Lắng dưới tĩnh lặng đời người vài hình ảnh ẩn sâu trong buồng tối tâm hồn. 

Khi nói chuyện với Trần Hùng, tôi thường nhớ về Roger Deakins, là một trong những cinematography được đánh giá cao nhất hiện nay. Ông đã từng quay các bộ phim ngoạn mục như "The Shawshank Redemption", "Fargo" và "No Country for Old Men". Ông cũng đã nhận được 11 đề cử Oscar, mặc dù chưa nhận được tượng vàng nào, ông là một người rất cởi mở và luôn sẵn sàng chia sẻ sự khôn ngoan mà ông đã tích lũy được trong gần 40 năm làm nghề. Và ông đã nói một câu mà tôi nghĩ giữa hai ông một nhà quay phim nổi tiếng của phương Tây và phương Đông đã gặp nhau đó là 'Nhà quay phim là họa sĩ của ánh sáng". Xem phim Trần Hùng quay, không chỉ sướng và đắt giá về những cảnh quay đẹp một cách vô vọng, đẹp như là lần cuối để biến mất không thể cứu vãn. Mà Trần Hùng còn chính là một họa sĩ vẽ nhiều tranh rất đẹp về phong cảnh Hà Nội.   


Nhà quay phim Trần Hùng (thứ hai, trái sang) trong một lần đi làm phim.

Sau đây là cuộc trao đổi ngắn NSUT Trần Hùng đã đành riêng cho tôi về Điện ảnh và nghề Quay phim, 

* Nếu khán giả hâm mộ muốn biết thật ngắn gọn nhưng rõ nét về Trần Hùng, nhà quay phim, và các dấu ấn của Trần Hùng trong một số các phim đã làm?

- Tôi tên Trần Hùng sinh 1957 tại Hà Nội. Hiện vẫn đang sống tại đây, nơi tôi thuộc lòng từng địa danh, di tích, tên mỗi phố phường khi gần như dành trọn cuộc đời để tìm hiểu khi đi quay phim. Tôi học trường Sân khấu Điện ảnh, Khoa Quay phim. Sau này tốt nghiệp ra trường tôi về làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam đúng chuyên môn quay phim mà mình từng được đào tạo. Kể thêm chút thì, tôi là hội viên Hội Điện Anh Việt Nam. Từng được tặng giải thưởng Quay phim cho "Phim Thời xa vắng" (2004), "Chuyện của Pao" (2005). 

* Người ta thường ví von "Cuộc đời chính là những thước phim quay chậm". Vậy những thước phim nào thành kỷ niệm đáng nhớ nhất với anh trong nghề?

- Ấn tượng nhất với tôi khi Đạo diễn Hồ Quang Minh mời quay phim "Thời xa vắng" với cách nói gợi, bản lĩnh, đúng nghề mà tôi cực thích "Anh sẽ tạo nhiều cơ hội để em chơi hình ảnh tới bến". Vì thế chúng tôi như lăn xả vào công việc ngày đêm. Phim như quay nhanh nhất, hình ảnh ưng ý nhất. Và như định mệnh, cũng là giải quay phim đầu tiên!


Trước mỗi phim độc đáo như "Thời xa vắng" nhà quay phim Trần Hùng đã một mình cưỡi xe đi thị sát ghi chép từng bối cảnh để chuẩn bị mỗi góc máy quay, thời gian quay từ trước đó cả tháng. Hiếm có tay máy nào cẩn thận, kỹ lưỡng với công việc như anh. 

* Vậy chúng ta thử "quay ngược" thời gian một chút. Anh có thường xem phim của thế giới làm không? Nhiều nhận xét cho rằng các nhà quay phim nên xem phim thế giới hỏi được nhiều cho công việc quay phim của mình?
- Nếu kẻ ra thì rất dài nhưng xin được nói ngắn gọn thế này. Xem phim nước ngoài chính là tìm những bài học cho mình, mỗi phim đều như có cái hay để bản thân học hỏi. Có một thời gian tôi đã xem càng nhiều phim để rèn luyện thẩm mỹ, bố cục, hình ảnh và nhất là không khí dựng lên của bộ phim!


Trần Hùng bên một tác phẩm mới. 

* Những suy nghĩ của anh về phim Việt Nam hôm qua và hôm nay? Tất cả theo thời gian có chịu được thử thách, còn giá trị?

Phải công bằng mà nói thì phim truyện Việt Nam chưa có những tác phẩm lớn. Suốt một thời gian dài phim chủ yếu là tuyên truyền và người tốt việc tốt! Nếu so với thế giới thì còn rất xa cả nội dung và hình thức thể hiện!

* Được biết anh và đạo diễn Hồ Quang Minh là một đôi phối hợp rất ăn ý. Anh có thể kể vài kỷ niệm về đạo diễn này và những phim cách anh đã đã từng làm với nhau. 

- Tôi gặp đạo diễn Hồ Quang Minh từ lúc đang học trong trường Sân khấu Điện ảnh. Mình đi học cũng muộn. Năm 1977 Đã làm hồ sơ đi học Quay phim khoá 1 hệ Đại học. Vừa vào trường đã gặp nhà quay phim Quang Tuấn Ông bảo: "Mày học quay phim đấy à? Tao vừa nói với bố mày cho mày về đi làm vài phim cho cứng cáp rồi đi học". Năm đó tôi đi phụ quay cho anh Nguyễn Hữu Tuấn và anh Tuấn thì từng phụ quay cho nhà quay phim Nguyễn Đăng Bẩy, những tên tuổi nổi tiếng trong nghề. Rồi cứ thế, mình may mắn được đi phụ rồi là Phó cho các nhà quay phim Khánh Dư, Thẩm Võ Hoàng, Đan Thụ, Xuân Chân, Trần Trung Nhàn, Nguyễn Hữu Tuấn, Trần Quốc Dũng. Tôi đã học được rất nhiều cho nghề mình trên trường đời rồi tiếp tục trong trường học!

Nhìn lại, tôi thấy may mắn nhất nhất trong đời làm phim của mình khi làm 'Thời xa vắng" của đạo diễn Hồ Quang Minh, chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu. Có lẽ đây là một phim Thực sự được sáng tác từ việc chuẩn bị, chọn cảnh, chọn diễn viên, tính toán bối cảnh - Lựa chọn Ánh sáng, tông mầu để phù hợp với phim!
Đạo diễn Hồ Quang Minh luôn tạo những điều kiện tốt nhất cho tôi khi quay phim. Ông có thể cho đoàn nghỉ khi mà mình không ưng ý dù một đám mây, hoặc mặt trời. Tâm đắc thế đấy! Có những cảnh vì vướng hai cây tiền cảnh mình loay hoay và đạo diễn đã đề nghị chuyển hai cây theo đề nghị của quay phim đi để được khuôn hình ưng ý. 


Khoảng trống - Acrylic 60x70 - Tranh họa sĩ, nhà quay phim Trần Hùng 

* Trở lại câu nói nổi tiếng "Nhà quay phim là họa sĩ của ánh sáng" của Roger Deakins, một Cinematography nổi tiếng thế giới. Gần đây anh bước vào Hội họa và đã có những tác phẩm gây chú ý tron g giới. Giữa công việc quay phim  và hội họa liệu có gắn bó, tương tác với nhau? Ví như cách tạo hình làm sao cho nổi bật, đường nét, màu sắc?

- Hội họa nói thật là tôi thích nhất. Ngày xưa đã đi học vẽ nhưng khi chụp ảnh thì lại thích Quay phim vì nó có vẻ hiện đại và lại gần nhiều người đẹp (!). Cách đây vài năm tôi đã lại trở cầm cọ và vô cùng thú vị. Do có chuyện gia đình lâu nay chưa sẵn sàng nhưng bây giờ đã thu xếp xong, tôi sẽ có thể dấn thân, vẽ lại vẽ trong thời gian tới!

Nhà quay phim Trần Hùng (thứ hai, trái sang) với các nhà văn Nguyễn Đình Chính, Điêu khắc gia Tạ Quang Bạo, họa sĩ Phạm Kiên, tác giả bài viết cùng bạn bè... trong một quán nước chè trên phố Ngô Quyền - Hà Nội. 

* Những suy tư về cuộc đời sau một hành trình dài cầm máy, yêu và làm nghệ thuật của anh, đời của một nghệ sĩ bên máy quay phim?
 -Trong mấy chục năm bươn trải với cuộc sống và nghệ thuật tôi phải nói thật là mình chỉ làm nghệ thuật phong trào và quần chúng. Chủ yếu là tuyên truyền, ca ngợi động viên nhau, phong các loại nghệ sĩ. Nhưng vào tuổi quá nửa thế kỷ của mình, tôi thấy thấm vì thứ hữu danh, vô thực. Mỗi cuộc đời có giá trị với chính mình. Vì thế, "Hãy làm những gì mình thích và yêu nhất". Để làm gì? "Để gió cuốn đi" thôi như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói!… 

Sài Gòn, 15.8.2020.
Nguyễn Hữu Hồng Minh