Duyên Dáng Việt Nam

'Nhật ký viết giữa tâm dịch Covid-19': Thước phim của đau thương và ân tình

Nguyễn Duy Long • 09-12-2021 • Lượt xem: 415
'Nhật ký viết giữa tâm dịch Covid-19': Thước phim của đau thương và ân tình

Tác phẩm 'Nhật ký viết giữa tâm dịch Covid – 19' (Nxb Y học, 2021) qua nét vẽ của bác sĩ Quan Thế Dân, người tham gia cuộc chiến chống Covid tại Bệnh viện Dã chiến Hồi sức Cấp cứu Becamex (Bình Dương). Ngày qua ngày, người chứng kiến viết lại, kể lại khoảnh khắc khó quên qua 'sở văn', 'sở kiến' trên thực địa.

Tin và bài liên quan:

Nguyễn Vũ, tác giả 'Bản Thánh ca buồn' và nỗi buồn người Nghệ sĩ   

Mùi hương, Ánh sáng & Bóng tối qua bút pháp Nguyễn Hữu Hồng Minh

Rimbaud với Verlaine, 'Tình trai' hay 'Con tàu say' thi sĩ

Nghệ thuật Nguyễn Hữu Hồng Minh: Cánh hoa giữa vực thẳm và đỉnh cao

Nhà văn Jesús Rodríguez Castellano giới thiệu  'Vỉa Từ' bản tiếng Tây Ban Nha

Người phương Tây có thói quen gởi gắm vào nhật ký, hồi ký, bút ký... những cảm nghĩ và suy tư trước những gì xảy ra trước mắt. Thế kỷ XVII – XVIII, các thương nhân, giáo sĩ, du khách viết những du ký, du khảo... khi đặt chân đến lãnh thổ Đại Việt. Rồi đến thế kỷ XIX, quan viên, sĩ quan, bác sĩ, các chức việc dân sự... của chính quyền thuộc địa Pháp tìm hiểu, khảo cứu vùng đất này. Và đó là nguồn tư liệu giá trị về phương diện lịch sử, địa lý, văn hóa và phong tục dân bản xứ.

Còn phần đông người Việt thì khác. Có lẽ do tâm lý ngại ngùng cách thức bộc lộ bản thân một cách trực diện nên thể tài phi hư cấu manh nha từ rất xưa nhưng đến thế kỷ XVIII – XIX chẳng mấy khi phổ biến rộng rãi, nhất là loại nhật ký, hồi ký. Có khi người viết không phải vì tự ý thức cái tôi mà chấp bút đơn thuần vì phận sự bó buộc. Như “Năm 1822, do chủ trương của vua Minh Mạng cho các quan từng giữ trọng trách trong triều viết lý lịch sự vụ nạp tại Sử quán để làm tài liệu viết sử”(1). Và bước sang thế kỷ XX rồi thế kỷ XXI, tình hình đã khác, tuy không thịnh hành như xứ người nhưng loại nhật ký, hồi ký đã được giới cầm bút ưu ái và in ra khá nhiều.

Mới đây, đoạn kết bài đọc sách “Còn lại giữa vòng vây đại dịch” điểm qua quyển “Viết từ thành phố lockdown” của Trần Nhã Thụy và Nguyễn Ngọc Anh (Nxb Hội Nhà văn, 2021), tôi viết: “Tập sách khép lại nhưng “bản tường trình” tựa như chưa kết thúc. Là bởi tang thương còn hằn sâu trong bao nhiêu người. Là bởi có người thoát khỏi lưỡi hái tử thần, đi qua cơn thập tử nhất sinh. Có lẽ lúc nào đó điềm tĩnh trở lại, họ sẽ cầm bút tâm tình câu chuyện nho nhỏ của mình”. Và bây giờ, tôi gặp mảng màu đa diện khác, “Nhật ký viết giữa tâm dịch Covid – 19” (Nxb Y học, 2021) qua nét vẽ của bác sĩ Quan Thế Dân, người tham gia cuộc chiến chống Covid tại Bệnh viện Dã chiến Hồi sức Cấp cứu Becamex (Bình Dương). Ngày qua ngày, người chứng kiến viết lại, kể lại khoảnh khắc khó quên qua “sở văn”, “sở kiến” (Điều tai nghe mắt thấy) trên thực địa.

Đó là “một dạng ghi chép chuyên môn” (trang 4). Tập sách xoay quanh bệnh lý do virus SARS CoV 2, từ cấp cứu, chẩn đoán, điều trị đến triệu chứng, biến chứng, diễn tiến, tiên lượng... Tác giả “kiểm kê” phương thuốc hạn chế thương vong. Trước hết, cần ngăn ngừa cơn bão cytokin bằng thuốc chống đông, kháng viêm steroid song song với thuốc kháng virus như molnupiravir. Và cơn bão xảy ra, nếu có điều kiện thì xử lý bằng thuộc đặc trị tocilizumab (rất hiếm) để ức chế cytokin hoặc dùng lọc hấp phụ cytokin ra khỏi cơ thể (trang 175).

Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Bác sĩ Quan Thế Dân tích góp được vài kinh nghiệm về căn bệnh. Là số liệu, chừng 20 % ca nhiễm bệnh có thể chuyển nặng, nguy kịch và tỉ lệ tử vong nhóm này lên đến 80 % (Cao hơn so với các đơn vị chăm sóc tích cực các nước. Như ở Mỹ là 30 – 50 %). Là mệnh đề, béo phì là nguy cơ hàng đầu làm bệnh chuyển biến xấu, rồi mới đến các yếu tố khác như tuổi tác, bệnh nền... Là chỉ số xét nghiệm hóa sinh cải thiên nhưng hình ảnh tổn thương trên phim phổi vẫn loang rộng. Và thực tế, hai lá phổi trắng xóa khi nhập viện có thể phục hồi ngoạn mục sau một tháng điều trị tích cực. Tuy không phải là bản tổng kết nhưng đây là những ghi nhận mà y học Việt Nam chưa nhiều kinh nghiệm.

Bác sĩ nghiệm ra: “Nhưng hình như chiếc máy thở là con tàu không có vé khứ hồi, ít ai đặt chân lên con tàu này mà còn quay trở lại được” (trang 66 – 7). Nhưng đã có “Một ca bệnh diệu kỳ” hồi sinh từ cõi chết. Có chăng là người bệnh không buống xuôi cho số phận hay là nhờ định mệnh “đoạn trường sổ rút tên ra”?

Đã nói đến dịch bệnh thì không thể không nói tới nỗi phập phồng giữa sự sống và cái chết. Ở đó, không phải là trò chơi “dung dăng dung dẻ” mà là sinh mạng bao nhiêu con người. Chứng kiến hết người này đến người khác ra đi, tác giả thành thực: “không khỏi hoang mang, không biết mình làm sai ở đâu, không biết mình có thực sự có giúp ích gì cho người bệnh được không” (trang 173 – 4).

Bao nhiêu là chi tiết của cái thực, của cái đời thường. Những gương mặt bất an, Những ánh mắt bấn loạn. Những sắc màu u ám le lói tia hy vọng. Những cuộc điện thoại hỏi thăm tình hình bệnh tật của gia đình bệnh nhân đến sự lưỡng lự khi phải thông báo tin buồn cho người ở lại. Đây nữa, thầy thuốc cả ngày tất bật và mệt nhoài lại ánh lên nụ cười khi người bệnh bước lên từ vực thẳm hay rơi vào thất vọng khi người bệnh không qua được cơn bệnh hiểm nghèo.

Và nữa, những kỷ niệm và thân tình với bệnh nhân, với đồng nghiệp, với người tự nguyện thầm lặng chung tay dễ khép lại vết thương. Những phút giây có chút thư thái và hứng thú cho công việc của ngày mai: “(...) khoảng vườn xanh trong khuôn viên bệnh viện (...) Lúc ấy mới thấy khoảng xanh là vô cùng quý giá. Nó làm dịu những căng thẳng, lại nhớ những ngày bình thường ngày xưa (...)” (trang 124 – 5).


Bìa tác phẩm "'Nhật ký viết giữa tâm dịch Covid-19': Thước phim của đau thương và ân tình

“Kiếp phù du trông thấy mà đau”. Kẻ xấu số ra đi trong lẻ loi, hoang lạnh đến kinh người: “Một cuộc tiễn đưa ảm đạm, hai nhân viên y tế, người kéo người đẩy thi hài, một nhân viên khử khuẩn đi sau phun chất sát trùng, chuyến đi cuối cùng của đời người không thể vắng vẻ hơn, không có người thân tiễn đưa. Mấy ngày sau gia đình sẽ nhận về một hũ tro cốt của người đã khuất” (trang 100). Nỗi đau không thể thốt nên lời. Không một di ảnh, không một nén nhang, không một vành khăn trắng và cũng không một vòng hoa tang.

Còn cái gì khác nữa. Có khi tác giả lâm vào cái lình xình khi thông tin về dịch bệnh. Có lẽ không ít chi tiết nhạy cảm vì nhiều lý do chưa phải lúc nói ra: “Từ hôm vào vùng dịch, những thực tế sống động của dịch bệnh thôi thúc tôi viết bài tường thuật lại trên facebook của mình. Nhưng việc đó cũng đã mang tới cho tôi nhiều phiền toái. Những cái vỗ vai, những câu nhắc nhở khiến tôi phải hạn chế đăng tải những gì mà tôi chứng kiến” (trang 103). Nhưng không hề chi, là chuyện thường tình, cuộc đời vốn vậy.

Cách thức làm việc theo đúng quy tắc chuyên môn nhưng đôi khi còn những điều không được chu toàn. Dịch bệnh khốc liệt đã bộc lộ bất cập mà tác giả gọi là thảm họa của nền y tế nước nhà: “Trang thiết bị và thuốc men vô cùng thiếu thốn. Nói ra điều này không phải là trách ai mà thấy đây là hệ quả không mong muốn của thảm họa”. Thầy thuốc không còn cái gì cứu chữa bệnh nhân, đứng nhìn bệnh cứ nặng lên và chuyển sang nguy kịch rồi không qua khỏi. Nghe như đùa mà thật nhưng không phải để phán xét ai đó, chê bai điều gì.

Hơi ấm của “Tình đồng bào”, của “Những kết nối yêu thương”, của “Các hỗ trợ thiện nguyện” là vẻ đẹp muôn thuở, làm dịu đi mất mát, đau thương mà bệnh dịch gieo rắc và con người phải gánh chịu. Như cách nói của tác giả: “Cái được lớn nhất là cái cảm giác được hòa mình vào việc chung, được đóng góp chút sức lực nhỏ bé vào việc nghĩa. Cái cảm giác này hạnh phúc vô cùng” (trang 135). Và những ao, những ước chẳng bao giờ phai nhạt những vun đắp ân tình, thương yêu giữa con người với nhau.

6.12.2021

---------------------
(1) Nguyễn Đức Xuyên. Lý lịch sự vụ (Hồi ký biên niên từ năm 1780 đến năm 1802). Trần Đại Vinh dịch. Nxb Hà Nội. 2019: 13.

Nguyễn Duy Long