Duyên Dáng Việt Nam

Nhiều nhóm tình nguyện làm ‘tai giả’ tặng y bác sĩ

Mẫn Nhi • 20-04-2020 • Lượt xem: 1223
Nhiều nhóm tình nguyện làm ‘tai giả’ tặng y bác sĩ

Sau khi ý tưởng của cậu bé người Canada Quinn Callander làm “tai giả” được lan tỏa, nhiều nhóm tình nguyện tại Việt Nam đã hưởng ứng sản xuất vật dụng này gửi tặng các y bác sĩ, giúp họ không bị đau nhức tai khi đeo khẩu trang. Hiện hàng chục nghìn chiếc “tai giả” đã được gửi đến các cơ sở y tế trong tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Tin, bài liên quan:

‘Tai giả’ giúp y bác sĩ không bị đau khi đeo khẩu trang

Ứng dụng ‘truy dấu’ F1, F2 phòng Covid-19

Việt Nam chế tạo nhiều loại robot phòng chống dịch Covid-19

Từ “tai giả” thủ công làm bằng bìa carton…
Đội xung kích gồm các đoàn viên ưu tú xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội  được huy động để hỗ trợ lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát đường ra, vào nút giao thông xã, phòng chống dịch Covid-19, phải đeo khẩu trang liên tục trong quá trình làm việc. Nhận thấy điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe các thành viên nên anh Lý Văn Sơn, Bí thư Đoàn xã Hà Hồi đã ứng dụng ngay ý tưởng “tai giả” cậu bé Quinn Callander mà anh từng được xem.

"Tai giả" làm bằng bìa carton

Thiết kế của cậu bé người Canada được làm từ nhựa đúc, cần máy in 3D với chi phí cao, khó thực hiện. Do đó, anh Sơn đã thay thế bằng bìa carton. Ý tưởng lóe lên khi anh thấy vỏ hộp bánh đậu xanh trên bàn. 
"Tai giả" có hình dạng giống như chiếc lược với các móc nhô ra ở hai bên hoặc hình xương cá. Khi làm từ bìa carton mềm vừa đơn giản, tận dụng được phế liệu, dễ sử dụng, lại tiết kiệm chi phí.

Vật dụng thiết thực với đội xung kích xã

Tuy nhiên, những chiếc "tai giả" này chỉ sử dụng cho đội xung kích và những người xung quanh, chưa phù hợp với môi trường bệnh viện do không bền, khó sát khuẩn.


…Đến “tai giả” nhựa và silicon với công suất hàng nghìn chiếc/ngày
Cũng xuất phát từ ý tưởng của cậu bé Quinn Callander, anh Hoàng Huy Anh (ngụ Q.Thanh Xuân, Hà Nội) nghĩ phải làm điều tương tự để giúp các y bác sĩ Việt Nam không bị đau tai khi đeo khẩu trang trong thời gian dài.

Anh Huy Anh sản xuất tai giả bằng nhựa nguyên sinh

Vốn có công xưởng nhỏ chuyên sản xuất mô hình tiểu cảnh và đồ trưng bày bằng nhựa xuất khẩu sang châu Âu, anh Huy Anh đã dùng nhựa nguyên sinh, ép phun từ máy nhựa công nghiệp để làm “tai giả”.

Với sự hỗ trợ của một đồng nghiệp, anh Huy Anh đã cải tiến chiếc "tai giả" bằng nhựa dẻo hơn, có thể uốn cong, tạo cảm giác thoải mái khi đeo. Anh Huy Anh cho biết chiếc “tai giả” này sẽ giúp mọi người đỡ đau hơn khi đeo khẩu trang. Đồng thời, nó cũng giúp đeo khẩu trang chặt hơn, ôm mặt và chống lây nhiễm tốt hơn. 

"Tai giả" này có thể uốn cong, tạo cảm giác thoải mái khi đeo

Lúc đầu, anh chỉ định làm 10.000 “tai giả” để tặng các y bác sĩ, nhân viên y tế tại các tuyến đầu chống dịch như bệnh viện, khu cách ly, sân bay… Tuy nhiên, sau một vài ngày đăng tải thông tin, trang cá nhân của anh đã nhận được “đặt hàng” đến hơn 30.000 chiếc.
Hiện, xưởng sản xuất của anh Huy Anh vẫn đang nỗ lực để làm “tai giả” để đáp ứng phần nào nhu cầu của các cơ sở y tế. 

"Tai giả" của nhóm Anti COVID-19 làm bằng silicon

Không chỉ là ý tưởng cá nhân như anh Huy Anh, nhóm thiện nguyện Anti COVID-19 của anh Phan Mạnh Hà và chị Nguyễn Thị Thùy Trang (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) còn có sự “tiếp sức” của bác sĩ Vũ Quang Hưng - bệnh viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và nhiều mạnh thường quân khác. 

Sản phẩm được dập khuôn tạo hình bằng máy ép thuỷ lực

Vốn có xưởng làm các sản phẩm da, anh Hà và chị Trang đã thiết kế và làm khuôn thủ công. Ban đầu, nhóm muốn làm “tai giả” bằng da, tuy nhiên da dễ bám và lưu lại vi khuẩn nên nhóm đã chuyển sang dùng silicon. Chất liệu này không chỉ mềm dẻo, an toàn mà còn có thể tái sử dụng và dễ dàng sát khuẩn trước khi sử dụng.

Với khuôn dập này, nhóm có thể sản xuất 5.000 "tai giả" mỗi ngày

Những tấm silicon sau khi cắt sẽ được dập khuôn tạo hình bằng máy ép thuỷ lực để làm “tai giả”. Chất liệu silicon mềm, dai, nhưng rất dễ rách, chính vì vậy nhóm đã điều chỉnh thiết kế, làm điểm tròn tại các rãnh để hạn chế tối đa điều này. 

Sản phẩm này rất nhẹ, dễ sử dụng, được phủ bột Talc để thân thiện với da và dễ dàng tái sử dụng sau khi được sát khuẩn. 

Ngoài ra, sản phẩm còn được phủ bột Talc để chống dị ứng và tránh bụi bẩn bám trên bề mặt. Sau khi sản xuất thử nghiệm, nhóm đã gửi “tai giả” đến 2 bệnh viện lớn là Viện Huyết học - truyền máu trung ương và Bệnh viện Bạch Mai để các bác sĩ dùng thử và nhận được những phản hồi tích cực. Nhóm đã điều chỉnh kích thước phù hợp nhất và làm bộ khuôn sản xuất hàng loạt (12 cái/ lần dập) với công suất khoảng 5.000 “tai giả” mỗi ngày.

Nhóm Anti COVID-19 gửi tặng tai giả cho Học viện Quân Y 103

"Tai giả" được chuyển đến nhiều cơ sở y tế khác. Trong mỗi hộp , nhóm còn chuẩn bị sẵn hướng dẫn sử dụng

Tính đến nay, với sự hỗ trợ của nhiều mạnh thường quân, nhóm đã sản xuất và gửi tặng gần 10.000 "tai giả" đeo khẩu trang không đau đến các bệnh viện tuyến đầu chống dịch như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và bệnh viện các tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Sinh viên chế tạo máy in 3D làm "tai giả"

Trong khi đó, tại TP.HCM, nhóm sinh viên các trường Đại học cũng không ngồi yên trước ý tưởng “tai giả” thiết thực này.
Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã bắt đầu thực hiện in 3D những “tai giả” đeo khẩu trang đầu tiên và gửi tặng Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Trước đó, nhóm sinh viên này đã tìm mua thiết bị để lắp ráp máy in 3D, viết phần mềm, mua nhựa và in. Toàn bộ chi phí thực hiện được Đoàn trường hỗ trợ.

Sinh viên trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật với máy in "tai giả" tự chế tạo

Việc in 3D một chiếc “tai giả” đeo khẩu trang mất khoảng 15 phút. Do đó với 2 máy in, số lượng sản phẩm làm ra không đáng kể. Hiện, nhóm đã mua trang thiết bị, lắp ráp thêm 2 máy in nữa để tăng công suất.
Ngoài ra, nhóm còn được Trung tâm Hoa Kỳ - Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM cho mượn 2 máy in 3D Flashforge và tặng 5 cuộn nhựa PLA Marketbot để làm được nhiều “tai giả” hơn gửi đến các y bác sĩ.

"Tai giả" do nhóm sinh viên trường ĐH SPKT thực hiện đã được gửi tặng một số bệnh viện ở TP.HCM

Nhóm dự kiến in khoảng 10.000 “tai giả” và bắt đầu gửi tặng Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM và bệnh viện một số quận huyện trên địa bàn.

Tương tự, nhóm sinh viên năm 2, năm 3 chuyên ngành cơ khí và điện - điện tử Trường ĐH Giao thông vận tải cơ cở TP.HCM cũng tự chế tạo những chiếc máy in 3D với công suất 50 “tai giả”/ngày. Với 5 máy, chạy liên tục 18 giờ/ngày, nhóm chuẩn bị gửi tặng 2.500 “tai giả” đeo khẩu trang cho các bệnh viện tại TP.HCM.  
 

Ảnh: Báo Văn hóa, FB nhân vật