VĂN HÓA

Những dòng sông kiến tạo nền văn hóa phía Nam

Cẩm Chi • 01-03-2023 • Lượt xem: 6341
Những dòng sông kiến tạo nền văn hóa phía Nam

Theo cục đường sông, Việt Nam hiện có 2360 con sông dài trên 10 km. Trong đó, sông Đồng Nai là sông nội địa dài nhất và Sông Mekong là sông dài nhất chảy qua lãnh thổ Việt Nam. Hai con sông này còn góp phần tạo nên nền văn minh lúa nước trù phú và văn hóa đô thị tiêu biểu của miền Nam Việt Nam.

Sông Đồng Nai – nguồn lực phát triển đô thị Đông Nam bộ

Với tổng chiều dài 586km, sông Đồng Nai chảy qua những vùng sinh thái cảnh quan đặc trưng, và là một phần quan trọng của đồng bằng Nam Bộ. Sông có khởi nguồn từ cao nguyên Langbiang (Lâm Đồng) và chảy qua các tỉnh thành Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh (đổ vào biển Đông tại khu vực huyện Cần Giờ). Đồng Nai nguyên tên phiên âm tiếng Miên là "Nông-nại". Đây là vùng đất Chân Lạp người Việt vào khai phá trước tiên.

Lưu vực của sông đang có mức độ phát triển phát triển mạnh đặc biệt về công nghiệp và đô thị, có nhu cầu sử dụng nước cao nhất trong khu vực. Với lưu lượng nước cực lớn, dòng sông là nguồn thủy năng dồi dào cung cấp cho nhà máy thủy điện Đồng Nai. Đặc biệt, hợp lưu sông Đa Nhim, sông Đồng Nai và sông Bé đã được con người tận dụng xây đập lớn, ngăn dòng chảy tạo thành hồ nhân tạo lớn nhất miền Nam - hồ Trị An.

Nhánh sông Đồng Nai cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Trị An, tạo ra lượng điện lớn nhất cho phía Nam

Ngoài ra, các phụ lưu chính của nó gồm sông Đa Nhim, sông Bé, sông La Ngà, sông Sài Gòn, sông Đạ Hoai và sông Vàm Cỏ… còn là nơi xây dựng các công trình thủy điện nổi tiếng của miền Nam như Thác Mơ, Cần Đơn, Đa Nhim, Hàm Thuận – Đa Mi, Đại Ninh… Sông Đồng Nai còn là nơi neo đậu tàu thuyền, phục vụ vận chuyển đường thủy của một số cảng lớn như cảng Cát Lái, cảng Bình Dương ….

 

Cù lao Phố (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đã từng là cảng biển đầu tiên ở khu vực Nam bộ

Các nhánh của sông Đồng Nai còn tạo nên những vùng văn hóa tiêu biểu của người dân bản địa. Cù lao Tân Uyên và Cù Lao Phố (nơi sông chảy qua phường Uyên Hưng thị xã Tân Uyên tỉnh Bình Dương) là nơi phát triển sầm uất của cộng đồng người Minh Hương trước khi vùng đất này trở thành đơn vị hành chính chính thức của Đàng Trong năm 1698. Sông Đồng Nai đoạn chảy qua vùng đất Trấn Biên xưa còn là chứng nhân lịch sử của vùng đất Đồng Nai, hình thành nhiều thương cảng màu mỡ, sầm uất và lưu giữ hàng chục công trình lịch sử, tôn giáo gắn liền với hành trình mở cõi phương Nam của dân tộc.

Thất phủ cổ miếu (Chùa Ông Cù Lao Phố) có lịch sử 300 năm, là ngôi chùa đầu tiên của người Hoa trên vùng đất Nam bộ

Sông Đồng Nai còn là linh hồn của đô thị công nghiệp Biên Hòa, gắn liền với quá trình hình thành nên Khu công nghiệp Biên Hòa 1 - khu công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam, giữ vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Cùng với nhiều dự án quy hoạch hình thành nên các đô thị ven sông, biến sông Đồng Nai trở thành tài sản thiên nhiên vô giá, là nguồn lực phát triển những đô thị hiện đại, phục vụ cho phát triển bền vững cả vùng Đông Nam bộ. 

Sông Mê kông: Vựa lúa, nông sản lớn nhất Việt Nam

Nhắc tới những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những sản vật trái cây tươi tốt, rừng ngập mặn với hệ động thực vật phong phú, văn hóa chợ nổi độc đáo… là nhắc đến vai trò quan trọng của sông Mê Kông. Sông xuất phát từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải, băng qua Tây Tạng theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia trước khi vào phía Nam Việt Nam. Đây là con sông có độ dài đứng thứ 12 thế giới với 4.350km, còn tính theo lưu lượng nước đứng thứ 10 trên thế giới.

Sông Mê Kông được xem là tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho các quốc gia trong lưu vực. Tại Việt Nam, sông chia làm 2 nhánh: Sông Tiền và Sông Hậu. Cả hai đều chảy vào khu vực đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam Bộ Việt Nam, dài chừng 220 - 250 km mỗi sông, lưu vực có diện tích khoảng 71.000 km2, chiếm hơn 20% diện tích Việt Nam.

Sông Mê Kông bồi đắp nên những vùng đồng bằng màu mỡ

Với nhiều người dân, Sông Mê Kông có vai trò quan trọng trong sự phát triển của 2 vùng kinh tế là ĐBSCL và Tây Nguyên. Dòng chảy sông nuôi dưỡng nhiều vùng đất ngập nước đa dạng, đa chức năng trong lưu vực, duy trì các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội và sinh thái đặc trưng. Đất ngập nước có vai trò quan trọng là nguồn sống của người dân địa phương, tạo môi trường thuận lợi cho nông nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, sản xuất hàng hóa. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long đầy ắp phù sa màu mỡ là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam, đóng góp 90% sản lượng xuất khẩu gạo, giúp Việt Nam đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo trên thế giới.

Sông Mê Kông nổi tiếng với hàng chục loài cá khổng lồ nhiều nhất thế giới (cá tra, cá chép, cá đuối, cá vồ cờ)

Ngoài ra, các vùng đất ngập nước tự nhiên còn mang lại các lợi ích khác như giảm thiểu lũ, trữ nước và làm sạch môi trường. Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên cho biết, sông Mê Kông là nơi cư trú của nhiều loại cá khổng lồ có số lượng nhiều nhất và trọng lượng lớn nhất thế giới như cá tra dầu, cá chép, cá đuối gai, cá hô, vồ cờ nặng tới 300kg, dài 3m; cá úc, cá trê, cá nhái răng nhọn, cá chép ăn thịt nặng tới hơn 90 kg, cá chiên và cá lăng quý hiếm. Vì vậy, dịch vụ du lịch câu cá vì thế rất phát triển ở đây. Tuy nhiên, số lượng chúng ngày càng khan hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng.

Chợ nổi trên sông tạo nên nét đặc trưng văn hóa của khu vực miền Tây 

Nhiều chuyên gia gọi Sông Mê Kông là “dòng sông kết nối những miền văn hóa”, bởi sông chảy qua 6 nước với nền văn hóa đa dạng. Nhờ thế, những vùng văn minh lúa nước tiêu biểu cho văn hoá sông Mekong được phát triển rộng khắp, cùng những đặc trưng miền sông nước như chợ nổi, xuồng ghe, miệt vườn trái cây, nón lá, áo bà ba…trở thành biểu tượng hấp dẫn thu hút khách du lịch của các nước Đông Nam Á.