VĂN HÓA

Những nữ soạn giả cải lương hiếm hoi: Bạch Mai - cây đại thụ của tuồng cổ

DDVN • 01-10-2021 • Lượt xem: 392
Những nữ soạn giả cải lương hiếm hoi: Bạch Mai - cây đại thụ của tuồng cổ

Tuồng cổ là một mảng rất lớn trong kho tàng cải lương, và trong mảng đó nổi lên hai đại bang là Huỳnh Long, Minh Tơ. Nếu Minh Tơ có soạn giả NSND Thanh Tòng nổi tiếng, thì Huỳnh Long lại có nữ soạn giả - nghệ sĩ Bạch Mai tỏa sáng.


Soạn giả Bạch Mai

Nghệ sĩ Bạch Mai sinh năm 1948 trong một gia đình truyền thống sân khấu, cả cha lẫn mẹ đều là nghệ sĩ và là bầu gánh. Vì vậy mới mở mắt chào đời bà đã đắm mình trong lời ca tiếng nhạc, rồi lớn lên lại tắm trong ánh đèn sân khấu đêm đêm, được làm quen dần với các vai tỳ nữ. Rồi 15 tuổi, bà vụt sáng trong vai đào chánh Mạnh Lệ Quân, từ đó sự nghiệp cứ thăng hoa lên mãi. Bà may mắn không chỉ thọ giáo từ cha mẹ mình, mà còn được thọ giáo một bậc thầy trứ danh về ca hát, biểu diễn, lẫn vũ đạo, đó là NSND Phùng Há. Bà Phùng Há đã rèn dạy nhiều lứa học trò, và hầu hết đều thành danh. Bạch Mai không ngoại lệ. Nhờ vậy, Bạch Mai trở thành cô đào rực rỡ với đủ loại vai văn, võ, mùi, lẳng, độc...

Nhưng một điểm son trong sự nghiệp của Bạch Mai là bà trở thành nữ soạn giả nổi danh của tuồng cổ, có thể nói là có một không hai, không ai có thể “tranh” với bà vị trí độc đáo này. Viết cải lương đã khó, viết tuồng cổ cũng không kém cạnh, vì phải tính toán đến bài bản, vũ đạo rất nhiều. Cho nên, Bạch Mai là con nhà nòi, bà thấm tuồng cổ từ trong máu thịt, để có thể cầm bút thuận lợi như thế.

Mà bà cầm bút khi còn rất trẻ, lúc mới 20 tuổi, lứa tuổi mà bây giờ ta thấy còn “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhiều người còn chờ cha mẹ chăm chút từng li từng tí. Nhưng thời ấy, Bạch Mai cũng như nhiều nghệ sĩ khác đã được gia đình lẫn sân khấu và cuộc đời rèn luyện khắc nghiệt, không được cưng chiều, mà phải có chí hướng lập thân, có sự khổ nhọc học nghề, làm nghề thật tử tế, thật sắc sảo. Hồi còn sống, Bạch Mai từng nói với tôi: “Nếu được cưng chắc tôi trở nên lười biếng và không được kết quả gì. Gia đình tôi rèn dữ lắm, lên sân khấu càng bị rèn bởi đồng nghiệp chung quanh. Muốn tỏa sáng thì không có chuyện lười biếng và cẩu thả đâu”. Cho nên chuyện bà cầm bút lúc mới 20 tuổi âu cũng là kết quả của sự giáo dục nghiêm túc đó.


Soạn giả Bạch Mai và con gái là nghệ sĩ Bình Tinh

Bạch Mai từng kể: “Ba má tôi thành lập đoàn Đồng ấu Thanh Bình - Kim Mai (Kim Mai là nghệ danh của tôi lúc mới vào nghề, ba má tôi lấy đặt tên cho đoàn), làm sao có ai cung ứng kịch bản cho tụi nhỏ. Thế là tôi “làm gan” cầm bút viết luôn. Ban đầu viết kịch bản ngắn thôi, từng chập cải lương ngắn hoặc ca cảnh chừng vài chục phút cho các bạn tập dợt dễ dàng, biểu diễn làm quen. Mà thật ra cũng để tôi tập dợt ngòi bút, tôi làm quen với kịch bản. Rồi sau đó, tôi tiến dần lên viết vở dài, không ngờ thành công luôn”. Vở đầu tiên của bà là Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu thành, ra mắt đã ăn khách, và vẫn còn tái dựng rất nhiều lần cho đến bây giờ.

Bạch Mai liên tiếp ra mắt khoảng 50 kịch bản, và bà viết từ lúc cải lương thịnh hành cho tới lúc cải lương dần khó khăn, ít sáng đèn, bà vẫn được người ta đặt hàng, hoặc nhuận sắc lại các vở cũ để thu hình, tái dựng trên sân khấu, hoặc lấy trích đoạn đi thi các cuộc thi lớn như giải Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ... Khán giả còn mãi ấn tượng với Xử án Phi Giao, Giang sơn mỹ nhân, Thập tứ nữ anh hào, Ngũ biến báo phu cừu, Ngọc Kỳ Lân, Mặt trời đêm thế kỷ, Trưng Nữ Vương, Mai trắng se duyên…

Có thể nói, bà tạo cơ hội thành công cho rất nhiều ngôi sao cải lương như Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Thanh Thanh Tâm, Chí Linh, Vân Hà... bởi khi họ diễn trong kịch bản của bà thì họ đã được thăng hoa với nhân vật được viết rất chỉn chu, đầy đặn. Kịch bản hay sẽ hỗ trợ rất lớn cho nghệ sĩ biểu diễn. Vì vậy nhiều nghệ sĩ còn coi Bạch Mai là thầy của mình. Nhất là Ngọc Huyền, khi biết tin Bạch Mai qua đời, chị khóc và thương tiếc vô cùng, bởi chị đã có một vai để đời trong vở Xử án Phi Giao, chị nói chị tri ân bà mãi mãi.

Thành công của Bạch Mai khi cầm bút là bà đã thiết kế kịch bản theo hướng hành động, nhiều tình tiết gay cấn đưa đến hành động, vũ đạo nhiều hơn khiến khán giả không bị cảm giác lê thê. Bài ca chỉ vừa đủ, ngắn gọn, để dành đất cho thoại và vũ đạo, nghệ sĩ phải bỏ nhiều công phu tập dợt cho đẹp, chính vì vậy khi lên sân khấu quyến rũ được khán giả. Nhưng bà cũng không quên nhấn mạnh tình cảm trong những đoạn trầm lắng làm người xem xúc động. Bà tìm điểm nhấn đúng lúc, và luôn khiến người xem cảm thấy thương nhân vật.

Theo Hoàng Kim/Thanhnien.vn