VĂN HÓA

Những tập tục truyền thống đón năm mới kỳ lạ và đáng sợ nhất Thế giới

Hải Ly • 29-10-2024 • Lượt xem: 92
Những tập tục truyền thống đón năm mới kỳ lạ và đáng sợ nhất Thế giới

Khi thế giới chuẩn bị bước sang năm mới, cũng là lúc khởi đầu một hành trình đầy hấp dẫn để xuyên không gian và thời gian đến khám phá các truyền thống văn hoá độc đáo. Từ vùng cao nguyên sương mù của Scotland đến những con phố sôi động của Romania, từ những ngôi đền trang nghiêm cổ kính của Nhật Bản đến những nghĩa trang u ám đầy bí ẩn của Chile, chúng tái hiện lại những tín ngưỡng, lễ kỷ niệm, và là nhân chứng cho sợi dây liên kết vĩnh cữu của sự sống và cái chết.

1.    Kỵ sĩ bóng đêm của Scotland

Truyền thống first-footing:

First-footing có nguồn gốc từ văn hoá dân gian của người Scotland, Bắc Anh và Manx. Mặc dù truyền thống này có vẻ tương tự với tục xông đất của người Việt Nam nhưng lại có những nét riêng biệt độc đáo và thú vị không kém. Phong tục này quan niệm người đầu tiên bước vào nhà sau tiếng chuông 12h đêm chuyển giao từ năm cũ qua năm mới, sẽ mang lại may mắn hoặc xui xẻo cho gia chủ vào năm mới. Do vậy, họ cũng đặt ra tiêu chuẩn một “người xông đất” lý tưởng. Đó là một người đàn ông tóc đen, cao. Một ai đó với ngoại hình đúng chuẩn như vậy bước vào nhà vào thời điểm bắt đầu năm mới, được cho là biểu tượng mang đến sự may mắn và hy vọng tươi sáng cho gia chủ. Với phong tục thế này thì các anh chàng Scotland điển trai sẽ rất được săn đón đấy! 

Nguồn gốc của first-footing:

Nguồn gốc của first-footing vẫn còn là một ẩn số, theo những lời kể xa xưa truyền lại thì người ta cho rằng nó bắt nguồn từ cuộc xâm lược quần đảo Anh của người Viking. Do vậy, nếu một người đàn ông với mái tóc vàng xông đất nhà gia chủ được cho là tái hiện lại các cuộc đột kích ghê rợn của những tên cướp Viking và sẽ đem đến những điều xui xẻo, không bình an. Theo thời gian, nhiều dị bản tam sao thất bản ra đời, đan xen với các phong tục và tín ngưỡng ở địa phương, truyền thống này đã phát triển thành nét độc đáo kỳ lạ ở Scotland đến tận bây giờ. 

Ở Scotland, phong tục này được “biến tấu” theo từng nơi, nhưng nhìn chung, những người đến xông đất sẽ mang theo những món quà tượng trưng như than, tiền xu, rượu whisky hoặc bánh mì đen truyền thống. Những món quà này không chỉ là biểu thị lòng thiện chí mà còn là biểu tượng của sự ấm áp, thịnh vượng và những điều tốt đẹp. Đổi lại, gia chủ sẽ chào đón họ bằng đồ ăn và thức uống, đánh dấu sự đón mừng năm mới cùng nhau.

First-footing – sự phức tạp, bí ẩn chưa được giải mã:  

Điều thú vị là truyền thống First-footing, bằng một cách nào đó, không chỉ có ở Scotland. Truyền thống đón năm mới của Hy Lạp, Việt Nam và Gruzia cũng có những tập tục tương tự nhưng lại mang nét văn hoá riêng. Tuy nhiên, ở Scotland, tập tục này lại có sự phức tạp riêng biệt vì nó liên kết chặt chẽ với lễ hội lửa Hogmanay, mang một vài yếu tố từ lễ Yule của người Viking và lễ Beltane của người Celt. Do vậy, nó phản ánh bức tranh văn hoá đa dạng của quốc gia này theo dòng chảy lịch sử và sức hấp dẫn của nó khi còn chứa đầy những điều huyền bí chưa được giải mã.

2.    Chuông lãng quên ở Nhật Bản

Joya no Kane:

Khi năm mới bắt đầu gõ cửa đất nước mặt trời mọc, một truyền thống ý nghĩa và vang dội diễn ra ở đây: Joya no Kane. Nghi lễ này có nguồn gốc lâu đời từ các phong tục Phật giáo Nhật Bản, được thực hiện vào đêm giao thừa như một phần của lễ hội truyền thống đón năm mới Omisoka. Điểm độc đáo của lễ hội này nằm ở việc đánh Bonsho (một loại chuông Phật giáo ở Nhật Bản) 108 lần vào lúc nửa đêm. Nghi thức này chủ yếu được tổ chức ở Nhật Bản, nhưng cũng có ở Hàn Quốc và các ngôi chùa Phật giáo Nhật Bản trên khắp thế giới, tượng trưng cho sự thanh lọc tâm hồn. 

Bật mí nguồn gốc Joya no Kane:

Nguồn gốc Joya no Kane có thể bắt nguồn từ các phong tục Phật giáo Thiền tông thời nhà Tống, Trung Quốc, rồi du nhập vào Nhật Bản và được các ngôi chùa Thiền tông áp dụng trong suốt thời kỳ Kamakura (1185-1333). 

Nghi thức rung chuông 108 lần thấm nhuần giáo lý nhà Phật. Trong Phật giáo, người ta tin rằng con người có 108 loại đau khổ và 108 loại phiền não. Chúng bắt nguồn từ sáu giác quan – còn gọi là lục thức, bao gồm: thị giác - nhãn thức, thính giác - nhĩ thức, tỷ thức – khứu giác, thiệt thức – vị giác, thân thức – xúc giác, ý thức. Sáu thức này nhân với ba loại phản ứng là lạc, khổ, vô ký; nhân tiếp với hai thể là thiện hoặc bất thiện; và cuối cùng là ba thời, gồm quá khứ, hiện tại và vị lai sẽ ra con số 108 phiền não.  

Ý nghĩa văn hoá của Joya no Kane – sự vang vọng từ tâm hồn:

Rung chuông 108 lần tượng trưng cho việc thanh tẩy 108 tội lỗi này, thanh lọc tâm hồn để đón năm mới. Một số ngôi đền, đặc biệt là những ngôi đền dành cho giáo dân, có thể rung hơn 108 lần, có thể là bội số của 108 hoặc lên tới 200 lần. 

Joya no Kane còn mang ý nghĩa to lớn hơn khi khi vượt ra khỏi phạm vi tôn giáo. Nó thể hiện sự tôn kính văn hoá truyền thống của người Nhật, đánh dấu sự chào đón năm mới một cách đặc sắc, đầy giá trị tín ngưỡng. Tiếng chuông ngân vang trong đêm lạnh lẽo, thôi thúc con người sám hối, thanh lọc tâm hồn để đón chào niềm vui năm mới. 

3.    Đám rước ma quái xứ Wales

Mari Lwyd:

Trong khung cảnh mùa đông lạnh lẽo của miền Nam xứ Wales vào mỗi năm, một truyền thống ám ảnh đầy kinh dị được gọi là Mari Lwyl lại xuất hiện. Phong tục dân gian wassailing (Tục lệ đi quanh các nhà hát mừng ngày Thiên chúa giáng sinh) có nguồn gốc từ rất lâu đời trong văn hoá xứ Wales, liên quan đến một nhân vật kì dị và độc ác. Một hình nộm ngựa được làm từ hộp sọ của con ngựa cái, gắn trên một cây sào, một người sẽ cầm cây sào có đầu ngựa đó trong khi cả người và đầu ngựa sẽ được phủ bởi một tấm vải thô tượng trưng cho lớp da ngựa. Truyền thống Mari Lwyl là một nét văn hoá nổi bật đầy rùng rợn, là sự hoà trộn giữa lễ hội và ma quỷ.

Di sản ma quái của xứ Wales:

Được ghi chép lần đầu tiên vào năm 1800, Mari Lwyd truyền thống được biểu diễn vào dịp Giáng sinh và Năm mới. Một nhóm người đàn ông, thường sẽ bao gồm các nhân vật như Punch và Judy – trong chương trình múa rối nổi tiếng ở Anh, đồng hành cùng Mari Lwyd đi đến từng nhà, khiêu chiến chủ nhà bằng các thể loại thơ ca đối đáp để được vào nhà. Hai bên “giằng co” qua lại đến khi gia chủ nhượng bộ hoặc hết lý do từ chối, cho phép họ vào và đãi ăn uống.   

Nguồn gốc của “Mari Lwyd” cũng là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Một số người nghĩ rằng nó có nghĩa là “Holy Mary”, gắn liền với tên của mẹ Chúa Jesus; trong khi một số khác lại cho rằng từ này mang nghĩa “Grey Mare”, tức là con ngựa xám. Bất chấp những quan niệm ban đầu cho rằng nguồn gốc của truyền thống này đến từ tiền Kito giáo, nghiên cứu gần đây lại chỉ ra nó là trào lưu những chú ngựa xám được yêu thích của giới thượng lưu trong thế kỷ XVI và XVII, từ đó dẫn đến sự mập mờ và thiếu nhất quán để tìm ra nguồn gốc thật sự của nó.  

Mari Lwyd huyền bí được hồi sinh

Mari Lwyd được tổ chức xuyên suốt các lễ hội mùa đông dù thời gian có chút khác biệt theo từng vùng. Khâu chuẩn bị cho đám rước ma quái này cũng rất vui nhộn và thú vị. Đầu sọ ngựa sau khi trùm vải trắng sẽ được trang trí bằng những dải ruy băng, hoa hồng nhiều màu, pha trộn giữa kinh dị và phấn khích. Khi vào được bên trong nhà, Mari Lwyd sẽ tạo ra sự hỗn loạn, đập hai xương hàm vào nhau tạo tiếng động và giả tiếng ngựa hí vui nhộn, trong khi nhóm người đi theo sẽ tấu nhạc và hát để khuấy động bầu không khí. 

Vào đầu đến giữa thế kỷ XX, truyền thống này dần suy yếu do phải đối mặt với sự phản đối từ các giáo sĩ Cơ đốc giáo địa phương và những thay đổi trong xã hội. Tuy nhiên, đến thời gian gần đây, nó đã được hồi sinh. Mari Lwyd lại hiện hữu và được duy trì như một biểu tượng hùng hồn của di sản văn hoá xứ Wale, hấp hẫn và đầy lôi cuốn. 

4.    Chùm nho ma thuật của Tây Ban Nha

Mười hai quả nho may mắn:

Ở Tây Ban Nha, vào lúc nửa đêm của ngày 31 tháng 12 mỗi năm, một tập tục truyền thống nhộn nhịp được diễn ra: 12 quả nho may mắn. Gắn liền với văn hoá Tây Ban Nha, người dân nơi đây sẽ ăn nho ứng với 12 tiếng chuông lúc nửa đêm đếm ngược sang năm mới. Mỗi quả nho tượng trưng cho mỗi tháng sắp tới, đem lại may mắn và thịnh vượng cho người ăn chúng. 

Văn hoá giao thoa trong đêm Giao Thừa 

Nguồn gốc của truyền thống này được cho là có sớm nhất vào năm 1985 và trở nên phổ biến vào năm 1909. Vào thời điểm đó, những người trồng nho ở thành phố Alicante đã khởi xướng phong tục này như một cách tiếp thị hàng hoá, đẩy lượng nho tồn kho sau một mùa vụ bội thu. Theo thời gian, truyền thống này đã vượt ra khỏi mục đích thương mại ban đầu và trở thành một hoạt động chính trong lễ mừng Năm mới của người dân Tây Ban Nha. 

Sự phát triển của phong tục “Mười hai quả nho may mắn”

“Bữa tiệc nho” thường được tổ chức trong hai bối cảnh: tại nhà sau bữa tối Nochevieja để kết thúc năm cũ; hoặc khi tụ tập cùng nhau ngoài quảng trường countdown – đặc biệt là ở quảng trường Puerta del Sol, thủ đô Madrid, nơi khai sinh ra truyền thống này. Vào đêm giao thừa, đồng hồ từ Nhà Bưu điện Hoàng Gia sẽ đếm ngược 12 tiếng, tương đương với 12 quả nho được ăn, cảnh tượng đánh chuông sẽ được phát sóng trực tiếp toàn quốc trên Tivi và radio. Hãy tưởng tượng khoảnh khắc này tuyệt vời đến mức nào!

Truyền thống này có sức lan toả rộng lớn, vang vọng qua các nền văn hoá và tạo liên kết tinh thần chặt chẽ với người gốc Tây Ban Nha và Mỹ-Latinh, bao gồm cả cộng đồng người Tây Ban Nha trên toàn cầu, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Là yếu tố chính của lễ hội Giáng sinh Tây Ban Nha, 12 quả nho may mắn tượng trưng cho hy vọng, sự đổi mới và khát vọng cho một năm mới thịnh vượng.  

5.    Điệu nhảy của Gấu ở Romania

Truyền thống năm mới sôi động:

Ở Romania, điệu nhảy Gấu là một truyền thống hấp dẫn và đầy màu sắc nhằm đánh dấu khoảnh khắc bước qua năm mới. Di sản văn hoá dân gian của đất nước Romania cũng gắn liền với phong tục độc đáo có từ xa xưa này. Điệu nhảy gấu không chỉ là buổi trình diễn mùa đông, đó còn là một nghi lễ tượng trưng cho chu kỳ thời gian, một vòng chu kỳ đi từ cái chết đến sự tái sinh và lặp lại. Người ta tin rằng điêu nhảy này có thể thanh lọc và làm đất đai màu mỡ hơn cho năm tới.

Nghi lễ cổ xưa của Romania đón mừng sự đổi mới đầy phước lành:

Trong các buổi biểu diễn, sẽ có dàn vũ công mặc áo da gấu, người thuần hoá gấu, và nhạc công đi kèm, đôi khi sẽ có thêm một số nhân vật khác trong văn hoá dân gian địa phương. Họ diễu hành qua các con phố, đi từ nhà này qua nhà khác. Người thuần hoá sẽ dẫn đầu các chú gấu, ngụ ý rằng con người làm chủ các thế lực thiên nhiên hoang dã. Nhạc điệu của bài nhảy thường là sôi động, nhịp nhàng, góp phần tạo nên bầu không khí lễ hội của đoàn rước. 

Điểm ấn tượng ở màn trình diễn là các bộ trang phụ gấu nặng nề, được làm hoàn toàn từ lông gấu thật, làm tăng độ khó cho điệu nhảy cũng như đem lại bữa tiệc thị giác chân thật. 

Trong thần thoại Romania, gấu được tôn vinh như một biểu tượng sức mạnh, có khả năng bảo vệ và chữa lành. Do vậy, điệu nhảy truyền thống này thể hiện tinh thần của gấu, mang ý nghĩa đẩy lùi các thế lực xấu xa và đem lại may mắn, hạnh phúc và mùa màng bội thu. 

Sự vang vọng thời gian của điệu múa nghi lễ trong văn hoá Romania: 

Vũ điệu Gấu thể hiện nét di sản văn hoá phong phú của Romania và mối liên kết chặt chẽ với thiên nhiên. Đây là minh hoạ sống động cho thấy văn hoá dân gian và truyền thống lâu đời vẫn giữ vai trò then chốt trong xã hội Romania thời hiện đại, đặc biệt là ở những vùng nông thôn - nơi mà những phong tục này vẫn bền vững qua nhiều thế hệ. 

Vũ điệu Gấu ở Romania là sự kết hợp đặc biệt giữa quá khứ và hiện đại, một nghi lễ giúp cộng đồng xích lại gần nhau hơn trong các buổi lễ và cầu nguyện Năm mới. Đây là minh chứng cho sức mạnh bền bỉ của văn hoá truyền thống trong việc định hình cũng như làm phong phú cuộc sống tinh thần của người dân.  

6.    Lễ cầu nguyện tại nghĩa trang Talca, Chile

Đêm giữa những bia mộ:

Tại thị trấn nhỏ Talca, nằm ở vùng Maule, Chile, tồn tại một truyền thống Đêm giao thừa cực kỳ độc đáo. Vào lúc nửa đêm ngày 31 tháng 12 mỗi năm, một số người dân địa phương có một hoạt động ăn mừng Giao thừa trông có vẻ chẳng-giống-ai, đó là họ sẽ dành cả đêm trong nghĩa trang để canh gác các bia mộ.

Chào đón năm mới giữa ký ức và tình yêu:

Truyền thống này có nguồn gốc sâu xa từ văn hoá địa phương. Đây là cách mà mọi người đón năm mới bên cạnh những người thân yêu đã khuất của họ. 

Những người đến nghĩa trang sẽ mang theo nến, hoa và thậm chí là chuẩ bị tươm tất như một buổi dã ngoại bên cạnh những ngôi mộ của gia đình hoặc bạn bè họ. Không khí này quả thật đối lập với những gì mà chúng ta hay nhìn thấy hoặc tưởng tượng, không u ám, không ảm đạm. Thay vào đó, đây là thời gian để họ suy nghẫm, tưởng nhớ và thậm chí là mở tiệc tưởng niệm cho những người đã khuất. 

Tết đoàn viên cùng người thân đã khuất ở Talca:

Hoạt động này cho thấy một góc nhìn độc đáo về cái chết và thế giới bên kia – một phần quan trọng trong nền văn hoá Talca. Nó tôn vinh mối liên kết bền chặt giữa người sống và người đã khuất, nhấn mạnh rằng sự kiện đón năm mới luôn bao gồm tất cả những thành viên trong gia đình, dù còn hay đã mất. Lễ vọng đặc biệt này như một lời nhắc nhở sâu sắc về chủ đề vốn dĩ vẫn luôn quen thuộc những cũng hết sức sâu rộng với chúng ta: tình yêu, ký ức và sự bào mòn của thời gian. Đối với lễ vọng kỳ quặc và có phần đáng sợ này, người dân Talca đều nhận thức một điều rằng dù có khoảng cách giữa không gian và thời gian thì tình thân, tình thương vẫn sẽ đem mọi người lại gần với nhau. 

KẾT THÚC

Hành trình khám phá của chúng ta đã kết thúc. Những phong tục này trải dài khắp thế giới, in đậm dấu ấn lịch sử, văn hoá đầy bí ẩn của từng vùng miền quốc gia. Chúng không chỉ là những hoạt động lễ hội, mà còn là di sản văn hoá, hiện thân cho hy vọng, nỗi sợ của chúng ta, là hành trình kết nối và đổi mới của con người bé nhỏ trong vòng lặp vĩnh cửu của cuộc sống.

Qua hành trình vòng quanh Thế Giới để đến với những truyền thống Giáng Sinh, đón Năm mới đầy kỳ lạ lẫn đáng sợ, chúng ta đã thấy cách các nền văn hoá khác nhau kết hợp lễ hội với những truyền thuyết bí ẩn, rùng rợn, tạo nên một bức tranh phong phú, tôn vinh những “mặt tối” của mùa lễ. Vì vậy, khi chúng ta đắm mình trong niềm vui ánh sáng của Giáng Sinh và Năm mới, cũng đừng quên sức hấp dẫn của bóng tối – phép thuật dẫn bạn đến những Lễ hội kinh dị nhất trên toàn cầu.