Duyên Dáng Việt Nam

Những thói quen bình thường đánh thức yêu thương

Cẩm Tú • 16-04-2020 • Lượt xem: 667
Những thói quen bình thường đánh thức yêu thương

Đã bao lâu rồi bạn không nói con yêu mẹ hoặc không cùng cha chơi một ván cờ, hay đơn giản là ăn một bữa cơm đông đủ với gia đình? Khi những thói quen lúc xưa phai nhạt dần, tình cảm gia đình có dần trở nên nhạt nhòa?

Tin, bài liên quan:

Muốn nuôi con thông minh hãy tham khảo 4 mẹo tuyệt hay sau
Giúp bạn tìm ra cách ngủ ngon bằng 3 cách hữu hiệu sau

Lời yêu thương bị lãng quên

Sáng ra mỗi thành viên đều hối hả rời nhà, không kịp chào nhau một câu. Thậm chí nhiều khi cha mẹ không biết con cái đã đi học, đi làm hay chưa. Khi ăn xong cơm tối, thời gian rảnh rỗi lại dành cho điện thoại và không gian riêng tư.

Thay vì kể cho nhau nghe những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, mọi người chọn cách tâm sự với Facebook, Instagram hay Twister. Kết nối cả thế giới nhưng xa cách chính gia đình mình có phải là cách chúng ta đang sống?

Năm 2016 “Thử thách cá voi xanh’’ được lan truyền trên mạng xã hội và nhanh chóng trở thành một hiện tượng. Thử thách này đưa ra một loạt nhiệm vụ được người quản trị gán cho người chơi trong thời gian 50 ngày, với thử thách cuối cùng yêu cầu người chơi tự tử.

Bao câu chuyện thương tâm xuất phát đây, nạn nhân của nó không ai khác là những đứa trẻ thiếu đi sự gắn kết, quan tâm của gia đình.

"Tôi rất cảm kích bạn bè, gia đình, thầy cô và cảnh sát. Tôi cũng muốn nhắn nhủ các người chơi khác dừng lại trước khi quá muộn. Đây thực sự là trò chơi tự sát. Bạn bị buộc phải chọn cái chết", Kolkata một nạn nhân của “thử thách cá voi xanh” lên tiếng.

Lời chia sẻ sâu sắc từ cậu sinh viên đã cho thấy mức độ nguy hiểm của trò chơi “Cá voi xanh’’ và tầm quan trọng của sự gắn kết chia sẻ trong gia đình. Hãy thử đặt ra câu hỏi: Cậu sinh viên ở Kolkata ấy sẽ ra sao nếu không có sự phát hiện kịp thời và động viên từ phía gia đình.

Khi còn nhỏ, chúng ta dễ dàng bày tỏ tình yêu với bố mẹ. Nhưng khi lớn ta lại ngại ngùng với những lời yêu thương với ba mẹ và gần như không còn bày tỏ tình cảm với họ nữa.

Ngẫm lại, đã bao lâu bạn chưa khen ngon khi mẹ nấu những món ăn tuyệt vời hay bạn chưa từng nói những câu ấy. Đã bao lâu bạn không nói “Bố ơi, con đi làm đây” trước khi ra khỏi nhà hay “Bố mẹ đi đường cẩn thận” mỗi khi thấy bố mẹ bạn ra ngoài.

Chẳng phải chúng ta trân trọng tuổi thơ cũng bởi đó là khoảng thời gian tràn ngập những lời yêu thương hay sao? Ta đã cảm thấy ấm lòng như thế nào khi cha hỏi “Đi đâu đấy con?”, “Đi đường cẩn thận con nhé!” ? Tại sao khi lớn rồi lại thấy phiền phức với những lời nói ấy?

Trong guồng quay của cuộc sống, bạn tất bật với công việc, nếp sống vội vã làm bạn xao nhãng việc chăm lo cho tình cảm gia đình, lãng quên đi lời yêu với cha mẹ. Đừng quên gắn kết yêu thương, kéo gần hơn khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, đừng để bản thân mình phải tiếc nuối trong tương lai.

Đánh thức yêu thương bằng những thói quen đời thường nhất 

Thói quen là một chuỗi phản xạ có điều kiện do rèn luyện mà có. Tuy nhiên có thói quen tốt thói quen xấu. Thói quen xấu hủy hoại, bào mòn, cản bước chân phát triển của bạn thì thói quen tốt cũng có sức mạnh phi thường tạo ra tất cả những thứ bạn cần, sự thành công, sức khỏe, những mối quan hệ tốt đẹp,...

“Những hành vi thường ngày của bạn liên quan nhiều tới các kết quả trong đời bạn. Nếu bạn không hài lòng với những kết quả đó, bạn phải thay đổi. Cuộc đời không thay đổi chừng nào bạn còn chưa thay đổi! Tạo ra những thói quen thành công có thể đem lại tất cả tiền bạc bạn muốn hay cần, những mối quan hệ yêu thương và tuyệt vời, một thân thể khỏe mạnh và năng động hơn, cộng thêm đủ loại cơ hội mới. Tuy nhiên, bạn và chỉ bạn là người chịu trách nhiệm cho việc thay đổi và tạo ra những thói quen thành công đó". Jack Canfield là một tác giả người Mỹ, diễn giả động lực và doanh nhân đã nói với các học viên như vậy.

Chúng ta đừng để mình kết nối cả thế giới nhưng lại xa cách gia đình. Hãy xây dựng cho gia đình mình những thói quen sau để biến thói quen thành sức mạnh đập tan sự nhạt nhoà giữa các thành viên trong gia đình.

Đơn giản chỉ là lời chào buổi sáng và chúc ngủ ngon. Mỗi buổi sáng khi bước xuống cầu thang, hãy thử cất tiếng “Chào buổi sáng, bố (mẹ)”, hay trước khi đi ngủ hãy ghé phòng bố mẹ và giòn tan một câu: “Chúc bố mẹ ngủ ngon”. Bạn thử tưởng tượng đến biểu cảm người thân khi được chào câu đó xem nào, chắc hẳn sẽ là khuôn mặt ngẩn ngơ đầy vui sướng của họ.

Thói quen này tạo nên liên kết giữa các thành viên, luôn có sự giao tiếp ban đầu kể cả khi không chia sẻ hay tâm sự. Một thói quen rất đơn giản nhưng tác động không nhỏ. Hãy áp dụng ngay và đón chờ kết quả nhé!

Học lại cách bày tỏ tình cảm như khi còn bé. Từ bây giờ, thay vì chỉ ăn như bình thường hãy đưa ra lời khen khi chúng ngon: “Ui, món mẹ nấu hôm nay ngon quá!’’, một câu rất đỗi đơn giản phải không? Hãy bày tỏ “con yêu mẹ”, “con yêu bố” và tận hưởng niềm vui sướng của người thân từ tận đáy lòng họ.

Khi thấy ba mẹ ra ngoài bạn đừng ngần ngại nói một câu: “Ba mẹ đi cẩn thận nhé!”. 

Bạn sẽ nghĩ gì nếu gia đình có một hòm thư chung? Nó có thể là hòm thư điện tử hoặc hòm thư truyền thống. Mỗi ngày lưu trữ lại những bức ảnh ta thích nhất, có thể là phong cảnh, là người hôm nay giúp đỡ ta, người này làm ta ghét và chia sẻ câu chuyện đó với gia đình. Nó có thể sẽ là một kỷ niệm tuyệt vời và là thú vui tuổi già của bạn sau này.

Liệu ý  tưởng đem điện thoại đi "nhốt" liệu có khả thi trong gia đình bạn khi điện thoại di động gần như là vật bất ly thân trong xã hội hiện nay.  Hãy thử đặt luật gia đình: "Mỗi ngày phải nhốt điện thoại một tiếng sau ăn". Chỉ một tiếng thôi, nhưng bạn đã có thời gian nói chuyện về cuộc sống ban ngày. Cha mẹ con cái sẽ hiểu nhau hơn. Đồng thời bạn sẽ tạo được tạo được thói quen chia sẻ, giãi bày cho những đứa con của mình.

Chính sự chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu hơn cha mẹ, con cái của mình, đồng thời phát hiện những biểu hiện bất thường của con khi chúng có vấn đề tâm lý.

Gia đình là nền tảng của xã hội, là ngôi nhà để trở về sau bao mệt nhọc bươn trải của cuộc sống. Thói quen đời thường nhưng lại chứa đựng những sức mạnh tiềm tàng to lớn. Chúng là nếp sống hàng này, tại sao ta không biến tấu chúng đi để cuộc sống thêm ý nghĩa? Đừng để gia đình ta xa cách nhau thêm nữa!