VĂN HÓA

Phát hiện 11 hang động kỳ bí và di cốt người có niên đại 1 vạn năm tại Tam Chúc

Diễm Chi • 07-11-2023 • Lượt xem: 1907
Phát hiện 11 hang động kỳ bí và di cốt người có niên đại 1 vạn năm tại Tam Chúc

Tại Trung tâm danh thắng Tam Chúc, Kim Bảng, Hà Nam, 11 hang động, mái đá thuộc văn hóa Hòa Bình đặc biệt có giá trị về khảo cổ học vừa được các nhà khoa học công bố. Cùng với Cồn Hến 1, Cồn Hến 2 thuộc văn hóa Đông Sơn, được biết, các hang động này góp phần làm rõ sự hình thành và kiến tạo của các lớp địa chất qua hàng triệu năm cũng như mang đến nhiều giá trị đặc biệt về cảnh quan thiên nhiên.

Xem thêm:

Bảo tàng Nam Kỳ - Dấu ấn kiến trúc Đông Dương

11 hang động được phát hiện giúp giải mã những bí ẩn về lịch sử văn hóa

Vừa qua, hội thảo Khảo cổ học Toàn quốc lần thứ 58 đã được tổ chức nhằm mục đích thảo luận, thông báo và biên tập xuất bản “Những phát hiện nghiên cứu mới về khảo cổ học Việt Nam năm 2023”. 

Nhóm các nhà khoa học thực hiện khảo sát tại hang Thiên Đình, trực thuộc quần thể Tam Chúc.

Tuy nhiên, một trong những điểm nổi bật, đáng chú ý trong hội thảo lần này không thể không kể đến các phát hiện hơn 20 di tích và dấu tích có tiềm năng phục vụ cho mục đích nghiên cứu sẽ được tiến hành khai quật trong tương lai. Chia sẻ về phát hiện này, các nhà khoa học cũng cho biết thêm, Bảo tàng tỉnh Hà Nam và Viện Khảo cổ học đã kết hợp với nhau để tiến hành khảo sát, điều tra, điền dã và đánh giá toàn bộ các hệ thống di tích trên địa bàn khu vực từ năm 2021-2022. 

Các cuộc khảo sát được chính thức tiến hành từ năm 2021-2022.

Cụ thể, tại khu vực Trung tâm của danh thắng Tam Chúc, quần thể danh thắng được Nhà nước xếp hạng là di tích cấp Quốc gia, 11 hang động và mái đá có giá trị cao về khảo cổ học thuộc văn hóa Hòa Bình đã được các nhà khoa học phát hiện. Đặc biệt, cùng với Cồn Hến 1, Cồn Hến 2 thuộc văn hóa Đông Sơn, các phát hiện về hang động, mái đá và giếng Cacxto không chỉ góp phần giải thích, làm rõ hơn về quá trình kiến tạo của các lớp địa chất trong lịch sử hàng triệu năm hình thành, mà còn mang đến những giá trị đặc biệt về cảnh quan thiên nhiên.

Có thể nói, những phát hiện này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực khảo cổ học mà còn góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn về lịch sử văn hóa của khu vực Tam Chúc - Kim Bảng (Hà Nam) trong suốt những năm hình thành và phát triển lịch sử dân tộc.

Song song với đó, hồi tháng 3/2023, Bảo tàng Hà Nam, Viện Khảo cổ học và Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Tam Chúc cũng đã phối hợp cùng nhau để thực hiện một số cuộc khảo sát tại vùng Thung Na, thuộc tổ 8, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng. 

Cũng chính tại khu vực hang Thung Na 1 và mái đá Thung Na 3, các nhà nghiên cứu đã phát hiện và tìm thấy các dấu hiệu cổ sinh thuộc thời tiền sử và văn hóa vật chất thuộc thời kỳ sơ sử. Những phát hiện này được liệt kê bao gồm các hóa thạch động vật và các hiện vật như mảnh gốm nâu đỏ thuộc văn hóa Đông Sơn.

Ngoài các phát hiện kể trên, trên đỉnh núi Lò Vôi giáp khu vực Tam Quan ngoại chùa Tam Chúc, nhóm khảo sát còn phát hiện thêm một di tích thuộc giai đoạn tiền sơ sử. Cụ thể, di tích này có độ cao khoảng 50m so với mực nước biển và tọa lạc tại vị trí có vĩ độ Bắc 200 31’52.3’’ và kinh độ Đông 1050 48’04.7’’. Các cuộc khảo sát tại đây cũng giúp nhóm khảo sát phát hiện thêm các vỏ nhuyễn thể biển và ốc suối được chặt đít.

Chuyên gia trực thuộc đại học Paris tiến hành lấy mẫu đá tại quần thể Tam Chúc.

Tuy nhiên, một trong những điểm đáng chú ý chính là tại khu vực đỉnh núi rộng  khoảng 60m2, cùng với nhuyễn thể biển và nước ngọt, nhóm khảo sát đã phát hiện các mảnh miệng và mảnh thân thuộc các đồ gốm. Kết quả của cuộc khảo sát trả về cũng chứng minh cho việc khu vực này tồn tại nhiều di tích thuộc niên đại từ cuối thế Pleistocene đến Holocene muộn.

Có thể nói, những phát hiện này cũng góp phần cho thấy trong quá khứ, khu vực Kim Bảng đã từng là một địa vực hết sức thuận lợi được dân cư cổ lựa chọn để sử dụng và cư trú trong nhiều giai đoạn lịch sử.

Di cốt người có niên đại khoảng 1 vạn năm được phát hiện

Toàn cảnh núi Dốc Tù nhìn từ trên cao.

Thuộc Trung tâm danh thắng Tam Chúc, thị trấn Ba Sao (Kim Bảng), trong cuộc khai quật lần đầu tiên diễn ra tại hố khai quật H1, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ba mộ táng trẻ em và người trưởng thành. 

Được biết, đây là dạng mộ cải táng và song táng với cách chôn nằm co bó gối đặc trưng. Phát hiện này cũng góp phần đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử phát hiện di cốt người có niên đại cách đây khoảng 1 vạn năm.

Xương người được khai quật tại vùng lõi quần thể thuộc danh thắng Tam Chúc. 

Song song đó, qua các lớp đào, nhóm khảo sát còn tìm thấy số lượng đáng kể các di tích động vật bao gồm vỏ nhuyễn thể và xương răng động vật. Đa số các di cốt động vật được tìm thấy trong hố khai quật đều là các loài thú nhỏ. Có thể thấy, đây cũng chính là một trong những nguồn thức ăn đặc biệt quan trọng của cư dân cổ trong lịch sử. 

Ngoài ra, các loại công cụ bằng đá cũng được phát hiện, tuy nhiên, chúng lại có kích thước không quá lớn. Dựa trên những yếu tố đặc trưng và đặc điểm bên ngoài có thể nhận thấy bộ sưu tập hiện vật được tìm thấy tại đây đều thuộc văn hóa Hòa Bình. 

Tại các điểm di tích khác như ngôi tháp mộ trong khuôn viên đền Lảnh Giang, đào thám tại Hang Chuông, tổ Viên Quang Chân Nhân, căn cứ địa Lạt Sơn, phế tích kiến trúc tại chùa Vân Mộng, chùa Đặng Xá, chùa Đồng Vũ, chùa Ngò, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện nhiều di tích có giá trị.