VĂN HÓA

Sài Gòn năm 1866 trở thành di sản dưới ống kính của nhiếp ảnh

Hoài Việt • 29-11-2022 • Lượt xem: 787
Sài Gòn năm 1866 trở thành di sản dưới ống kính của nhiếp ảnh

Đám hỷ ở Sài Gòn, dinh toàn quyền được khánh thành, con người và văn hóa,… tất cả đều nằm trong những thước hình được chụp lại bởi nhiếp ảnh gia Emile Gsell. Đã từng có một Sài Gòn chuyển mình rực rỡ trong những năm tháng thế kỉ XIX.

Có những hồi ức người ta chỉ có thể lưu giữ bằng nhiếp ảnh. Cách đây hơn 150 năm, Sài Gòn bắt đầu khoác lên mình diện mạo mới với những công trình kiến trúc vừa mới xây dựng, sự du nhập đa dạng văn hóa,… “Hòn ngọc Viễn Đông” thời kỳ Pháp thuộc trở thành một trong những khu vực kinh tế trọng điểm, phồn vinh và tấp nập, không kém phần biến động về mặt xã hội trước những ảnh hưởng ngoại lai.

Dinh toàn quyền vừa xây dựng xong vào năm 1875

Sài Gòn của 150 năm trước đã trở thành di sản nghệ thuật độc đáo trong những tấm hình của nhiếp ảnh gia người Pháp Emile Gsell. Emile Gsell sinh ngày 30/12/1838 tại Sainte-Marie-aux-Mines (Haut-Rhin, Pháp). Trong dịp ghé thăm Sài Gòn trong những năm 1860 – 1880, nhiếp ảnh gia người Pháp đã lưu giữ lại những khoảnh khắc nhộn nhịp của thành phố qua ống kính của mình. Chính ông là người đầu tiên có công đưa bộ môn nghệ thuật nhiếp ảnh vào lĩnh vực thương mại trong thành phố Sài Gòn thời Pháp thuộc.

Những người thuộc tầng lớp quý tộc sở hữu ngựa

Trước khi đến Sài Gòn, Emile Gsell đã được một sĩ quan Pháp là trung tá Ernest Doudart de Lagrée, trưng dụng để chụp lại bộ ảnh khu đền Angkor Wat trong chuyến thám hiểm dọc sông Mê Kông. Đến tháng 10/1866, ông trở lại Sài Gòn để mở một văn phòng nhiếp ảnh để trưng bày sản phẩm sau hành trình thám hiểm đó. Emile Gsell tiếp tục thực hiện những bộ ảnh về Sài Gòn và vùng lân cận, ghi lại hình ảnh con người địa phương và đời sống thường nhật của họ. Chủ yếu những tấm hình của ông thường lấy góc rộng để có cái nhìn bao quát hơn.

Một trong những bức ảnh sớm nhất của Emile Gsell chụp về phần mộ Giám mục Bá Đa Lộc, hay còn gọi Lăng cha Cả (1866).

Bên cạnh cảnh vật đời sống, Emile Gsell còn để lại một bộ sưu tập chân dung về các nhân vật lịch sử đương thời nổi tiếng ở Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung như Thông ngôn Pétrus Trương Vĩnh Ký, Lãnh binh Huỳnh Công Tấn, Đốc phủ sứ Tôn Thọ Tường, Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, Phó sứ Nguyễn Văn Tường,…

Thông ngôn Pétrus Trương Vĩnh Ký.

Lúc bấy giờ, Sài Gòn vừa đặc trưng phong cách truyền thống của miền sông nước, vừa pha chút chất Tây ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp. Đến nay, những thước hình đầu tiên do Emile Gsell chụp về con người và sinh hoạt của vùng đất Sài Gòn giai đoạn 1860 – 1880 đã trở thành di sản tinh thần quý giá cho những ai đam mê sử Việt, muốn nghiên cứu và khám phá cuộc sống của thế hệ đi trước cách đây hơn 150 năm.

Các nghệ sĩ tuồng ở Sài Gòn năm 1866.

Một đám cưới ở Sài Gòn năm 1866.

Một đoàn di quan.

Kênh Tàu Hủ đoạn chảy qua Chợ Lớn. Cây cầu trong ảnh nay là Đại lộ Đông Tây.

Chợ Lớn là một trong những điểm giao thương lớn từ thế kỷ XIX.

Sông Sài Gòn nhìn từ trung tâm thành phố.