Duyên Dáng Việt Nam

'Tóc cài trâm khói thuốc': Biển và đàn giấu thơ vào tóc

Trần Văn Thưởng • 28-10-2021 • Lượt xem: 1547
'Tóc cài trâm khói thuốc': Biển và đàn giấu thơ vào tóc

Bản Sonata Ánh trăng lúc êm đềm, tha thiết, quãng bật thét cao cung, đoạn như những giọt sương rơi thoảng ngoài. Những sắc thái này đã được Lê Đình Bích diễn soạn thành / từ những cung bậc của lòng mình, của ai đó, rất hữu hình, mà cũng rất gió thoảng mây bay...

Tin và bài liên quan: 

'Gió từ bàn tay mở' hay Người đi về phía thâm trầm và thơ mộng  

Tháng ngày không tọa độ - Thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh

Ngõ hẹp - Truyện ngắn Nguyễn Hữu Hồng Minh

Ruồi Nhiệt Đới - Tiểu thuyết Nguyễn Hữu Hồng Minh (Kỳ 1)

Mùi hương, Ánh sáng & Bóng tối qua bút pháp Nguyễn Hữu Hồng Minh

‘Mặt trời soi vết thương yêu’ - đêm nhạc mới của Nguyễn Hữu Hồng Minh   

Nhà văn Jesús Rodríguez Castellano giới thiệu 'Vỉa Từ' bản tiếng Tây Ban Nha

Cầm trên tay tập thơ mới của "nghĩa huynh", nhà thơ, nhà giáo Lê Đình Bích gửi lên từ Cần Thơ, lòng tôi xốn xang khó tả. Nó gợi lại một thời anh em chúng tôi say mê, vui thú cùng văn chương, thiền đạo. Những ngày đó, vẫn còn chưa xa lắm.

Chao ôi, châu quế, trầm thiêng và u mặc. Cái lẻ bóng nhân gian nào sánh cùng cõi u huyền bất tuyệt! “Tóc cài trâm khói thuốc”, tiêu đề tập thơ, một câu rất mơ hồ, huyễn mộng... 

Nhưng như thế mới là thơ. Thơ là mơ hồ, là cõi mơ hồ chân ai.


Lê Đình Bích, thi sĩ, nhà văn, giảng viên Đại học Cần Thơ. Tác giả của nhiều tác phẩm Thơ, Truyện ngắn, Dịch thuật, Từ điển... Anh tự thú thích "Biển và Piano" nên lấy nickname SeaAndPiano. Là anh ruột của nhà văn, bác sĩ Lê Đình Đại mà DDVN đã từng giới thiệu tác phẩm "Gió từ bàn tay mở". 

Các bài thơ đều bắt đầu bằng “Sonata” và đánh số. Nó gợi liên tưởng đến các phiên bản của Sonata Ánh trăng của Beethoven, là bản Sonata kinh điển nhất, nổi tiếng nhất.

Sonata là một cơ cấu nhạc dành cho một loại nhạc cụ độc tấu, thường là đàn phím. Nick của Lê Đình Bích là Sea and Piano. Vậy đích thị, đây là piano / dương cầm, loại nhạc cụ anh rất thích chơi. Xem ra, ta có thể hiểu, đây là tập thơ của những bài thơ được xướng lên bằng những âm điệu của đa âm dương cầm.

Bản Sonata Ánh trăng lúc êm đềm, tha thiết, quãng bật thét cao cung, đoạn như những giọt sương rơi thoảng ngoài. Những sắc thái này đã được Lê Đình Bích diễn soạn thành / từ những cung bậc của lòng mình, của ai đó, rất hữu hình, mà cũng rất gió thoảng mây bay. Nhưng là cái mây bay khiến người ta muôn phần nhung nhớ.


"Tóc cài trâm khói thuốc" nhạc Lê Đàn, thơ Lê Đình Bích.  

Tôi dừng lại ở bài Sonata 7, bài có câu thơ được chọn làm tiêu đề cho cả tập thơ. “Có những cây cầu / Chảy giữa hồn tôi […] / Có những tên làng / Thiết tha say đắm […] / Có một chiếc cầu / Không bắc qua sông / Mà bắc qua trái tim em / Cầu Vỹ…”

“Em lấy chồng bỏ xứ / Boston / Bỏ tôi bơ vơ / Phấn mờ bảng cũ / Khúc hát chiều / Tóc cài trâm khói thuốc / Guitare buồn / Cung đứt / Nửa đời xa…”


Một phụ bản trong tập thơ của họa sĩ Cốc Phong  

“Lòng ta là những hàng thành quách cũ”, với thi sĩ Vũ Đình Liên là thế. Còn với Lê Đình Bích, lòng anh là cây cầu bắc qua trái tim em. Tính tạo hình này, ta bắt gặp nhiều lần trong tập thơ. Nhưng gợi tả tài tình nhất là bài Sonata 42. “Tàu dừng Trà Kiệu / Cổ thành Chăm / Nhớ Ipsinkharôn / Nhớ dáng nằm / Đẹp phút ấp e / Dịu dàng / Nude Toute / Thơm lừng / Thơm phức / Ướt rưng rưng”.


"Sonata 7"- Một tình khúc phổ thơ thi sĩ Lê Đình Bích của nhạc sĩ Lê Đàn. 

Ở đây, ta bắt gặp lại nàng Ipsinkharôn, hoàng hậu Chăm kiều diễm. Và cũng gợi ta nhớ lại một thiên truyện cực hay của chính Lê Đình Bích. Anh Bích có kể lại rằng, khi nhà văn Trang Thế Hy đọc xong truyện “Huyền thoại Ipsinkharôn” đã “khuyên” Lê Đình Bích đừng viết thêm một truyện ngắn nào nữa. Vì có truyện ngắn nào đây sẽ vượt qua được cái bóng của nàng Ipsinkharôn đã được bất tử thành đá trong tác phẩm điêu khắc được đánh đổi bằng chính mạng sống của người đã khắc tạc. “Khi đá sống hết đời của đá, đá sẽ sống đời của nàng”, một câu văn trong truyện ngắn vừa kể, mang âm hưởng chừng như một câu thơ.


Nhà thơ Lê Đình Bích và thi sĩ Tâm Nhiên (Ảnh: Lê Đình Đại)  

Sách sử dụng một số bức vẽ bằng bút chì, là minh họa của Cốc Phong, người lãng tử lãng du, mà tôi biết anh Lê Đình Bích rất trân quý, xem như người bạn tri âm, tri kỷ. Bản thân tôi cũng có diễm phúc một lần diện kiến người họa sĩ tài hoa Cốc Phong tại Cần Thơ, sau một lần mấy anh em cùng say túy lúy.

Tôi xin đặt ở đây, mời quý vị tiếp tục khám phá và thưởng ngoạn!

Nhà văn Trần Văn Thưởng