VĂN HÓA

'Gió từ bàn tay mở' hay Người đi về phía thâm trầm và thơ mộng

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 27-08-2021 • Lượt xem: 3118
'Gió từ bàn tay mở' hay Người đi về phía thâm trầm và thơ mộng

Tập sách mỏng và nhẹ như gió. Như cái nhan đề của nó. Gió trên một bàn tay vừa mở ra. Bạn có thể nghe hay cảm gì trên cái làn hơi nhẹ như gió thoảng ấy? Chữ nghĩa đôi khi không phải để làm văn mà là bày một tấm lòng. Kawabata Yasunari từng chủ trương "Những truyện ngắn trong lòng bàn tay"...

Tin và bài liên quan:

Giới thiệu thơ Ý Nhi: ‘Chút gì như bóng dáng đời ta’

Nhớ nhà văn, dịch giả Kim Lefèvre: Khi ngôn từ hay thời gian đã tắt

Diviners Fest: 'Những bài thơ tiếp giáp giữa Ngôn từ và Vũ trụ'

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, thời đẹp nhất đã qua (Kỳ II)

Nguyễn Hữu Hồng Minh và Cao Minh Đức hủy show 'Còn Lại Tình Yêu' tại Đà Nẵng

Rất nhiều lần tôi đã định viết về tác phẩm "Gió từ bàn tay mở" (Nxb. Văn học) của tác giả Lê Đình Đại nhưng công việc cứ cuốn đi. Một lẽ khác là tôi muốn có thời gian ngấm sâu về những trang viết của anh. Thật bất ngờ giữa những ngày tháng dịch bệnh Covid-19 hoành hành điên đảo cả thế giới này, những ngày Sài Gòn phong tỏa và số ca người chết lên tới con số gần mười ngàn người. Chiều nay, bất chợt lật tập sách anh gửi tặng đã lâu, tình cờ đọc được một câu ở trang 41: "Bệnh tật như con tàu lao nhanh về phía trước, còn nền y học như kẻ bộ hành từng bước đuổi theo...". Thật thấm quá!

Chân dung Lê Đình Đại tác giả "Gió từ bàn tay mở"

Và chợt nghĩ đã có bao nhiêu chuyện "thấm" như thế cơn cớ "mở" giữa cuộc đời của tôi và anh? Khi mẹ tôi, một cô giáo sau 1975; rồi tiếp theo đó là chị gái tôi vừa tốt nghiệp xong trường Sư phạm đã trầm cảm nặng phải lên bệnh viện Tâm thần chữa trị nhiều giai đoạn suốt thời gian dài. Gần như suốt đoạn đường tuổi trẻ của tôi mỗi mùa hè sinh viên xa nhà từ Sài Gòn trở về phải lên bệnh viện khi thăm mẹ, lúc thăm chị. Và mỗi lần như thế tôi thẩn thơ đi tìm anh lúc bấy giờ là bác sĩ trực tiếp điều trị.

Có những chiều Hòa Khánh tuy đã mưa rát mặt ở đó nhưng tôi còn thấy mây mù đùn đuổi cuồn cuộn kinh nhược trên đỉnh Hải Vân. Và tình cờ một câu văn của anh viết về "cuộc lữ" tha nhân, là kiếp điên hay bản thể của Nghệ sĩ là "Người đi về phía thâm trầm và thơ mộng" như một thứ ánh sáng đẹp huyễn hoặc hắt lên chống lại buổi chiều tà hoàng hôn đang sụp xuống của lòng tôi.   

Tập sách mỏng và nhẹ như gió. Như cái nhan đề của nó. Gió trên một bàn tay vừa mở ra. Bạn có thể nghe hay cảm gì trên cái làn hơi nhẹ như gió thoảng ấy? Chữ nghĩa đôi khi không phải để làm văn mà là để bày một tấm lòng. Nhà văn Nhật bản Kawabata Yasunari từng chủ trương "Những truyện ngắn trong lòng bàn tay".

Phải chăng, Lê Đình Đại cũng theo tinh thần bàn tay Phật giáo này? Nhỏ. Mỏng. Mong manh. Vô thường. Và vô biên.    

***

Một bác sĩ khi viết văn sẽ ra sao? Tôi nghĩ tựu trung từ mổ xẻ những con bệnh người đời thông thường thì ở đây họ làm thêm công việc giải phẫu tâm hồn chính mình. Để qua đó thấy những phiên bản tâm hồn chúng sinh đà la ứng thí. Mỗi tài năng đều sở đắc cách "giải phẫu chữ nghĩa" riêng. Các nhà văn lừng danh như Chekhov (Nga), Lỗ Tấn (Trung Quốc), Arthur Conan Doyle (Anh)... và nhiều nữa xuất thân là bác sĩ thì mỗi ngòi bút sở hữu ấn tượng một phong cách, đề tài không ai giống ai. Tuy vậy, vẫn có điểm chung như chính Lỗ Tấn đã từng viết: “Làm bác sĩ thì chỉ chữa bệnh cho một số người. Làm nhà văn thì chữa bệnh cho cả một dân tộc. Thậm chí cả nhân loại".

Lê Đình Đại là một bác sĩ tâm thần dĩ nhiên là anh sẽ gần hơn cuộc giải phẫu ấy.

Tôi có nhiều kỷ niệm với bác sĩ Lê Đình Đại. Và quen với nhiều nhân vật anh viết lại trong tác phẩm. Ví như nhân vật "người điên làm thơ" Nguyễn Lương Nhật, cũng là bệnh nhân thường xuyên của bệnh viện tâm thần Đà Nẵng. Đây là người em trai của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ "Âm vang sắc màu" khá nổi tiếng ở Quảng Nam. Trong sách của mình, Lê Đình Đại đã dùng cụm từ khá ấn tượng để gọi họ, là "tuy điên" nhưng "nhân cách chưa hề tan rã". Đây là một câu văn nhỏ hiệu lực và nặng ký. Nó đánh thức trong tâm hồn một phản tỉnh cần thiết từ lâu nhạt nhòa hay tưởng đã đánh mất.

Cũng nhờ chịu khó ghi chép nên bây giờ những câu thơ thảnh thốt, kỳ lạ của "giới tâm thần" mà các bác sĩ, các nhà khoa học vẫn đang phải tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu ấy được lưu lại như “Mừng ơi! Bạn được làm người / hồn cây lá cũng vui cười xôn xao…”. "Được là người". Khi người điên trở về với cuộc đời. Nhưng thiếu gì những "tâm hồn phân liệt" sống giữa cuộc đời mà vẫn bơ vơ, mà không hòa nhập nổi một sắc điệu đó sao? Như thế thử hỏi biên giới nào giữa thực và mộng? Khi sự tăng tốc quá nhanh của xã hội hiện đại tự nó đã có những chia cắt, phân cực kinh hoàng. Rõ ràng "gió từ bàn tay mở" đã mở ra được rất nhiều phía. 

Nhà văn bác sĩ Joseph Cronin nổi tiếng người Scotland từng viết như sau:  "Cuộc sống không phải là một hành lang thẳng và dễ dàng, qua đó chúng ta đi lại tự do và không có chướng ngại vật. Như một mê cung của những đoạn văn, trong đó chúng ta phải tìm đường, lạc lối và bối rối hết lần này đến lần khác bị mắc kẹt vào ngõ cụt...". Không phải đã khó khăn khi hòa nhập để sống mà còn khó hơn khi dám tách riêng lẻ để viết! 

***

Tập "Gió từ bàn tay mở"  đan xen nhiều thể loại từ truyện rất ngắn, du bút, tạp văn, và có cả phần tác giả ghi chép lại công việc giới thiệu thơ của người điên, bệnh nhân của bác sĩ Lê Đình Đại. Là một bác sĩ Tâm thần có hơn 30 năm làm việc, hoàn cảnh riêng... nên tổng hợp "ý và tình" trong tập sách của một người đi làm việc trong một môi trường lạ lùng có thể gọi là "hỗn loạn tính cách" hay "tha nhân phân liệt" đều có thề trước khi anh nghỉ hưu chưa tới 200 trang theo tôi là vẫn quá mỏng với một cuộc đời nhiều nội kết, suy tư, tĩnh tuệ... như anh.

Có lẽ trong suy nghĩ nhiều bạn đọc, "Gió từ bàn tay mở" chỉ là những ghi chép của một bác sĩ hơn một nhà văn. Tuy nhiên, điều lớn lao tôi cơ hồ nhận ra từ tác phẩm này và đã nói ở trên là những cuộc "giải phẫu vi tế". Người viết không đi vào "phạm trù" của những cái lớn lao, vĩ đại mà anh đã chọn nhịp phách đơn lẻ của những số phận vô tình bị bỏ quên, bỏ rơi trong tiết tấu tổng phổ của đời sống hiện đại. Và bi kịch là điều đó tôi nghĩ không chỉ diễn ra ngay hôm nay mà có thể cả trong ngày mai. Đó là những "bệnh nhân tâm thần". Là những cảnh đời, những con người, những số phận tâm lý tâm thần đảo điên, phi lý và vô lý phẫn nộ hay dặt dờ đằng sau cánh cổng bệnh viện. Ở đó có tất cả những dằn vặt đau đớn, những cái chết thương tâm, những khát vọng sống, những niềm vui nhỏ nhoi, những giấc mơ hạnh phúc không có thực… Tất cả đan xen trong từng trang viết, từng câu chuyện nhỏ. Nhiều câu chuyện chỉ gói gọn trong khoảng trên dưới 100 từ, nhưng đã khái quát được những khía cạnh trong đời sống, tâm hồn, suy nghĩ phân cực của người bệnh. Tôi tạm gọi đó là những vi mạch của đời sống. Từ những vi mạch này bạn sẽ hình dung những câu văn cuộc đời và giấc mơ gắn quyện hy vọng lẫn tuyệt vọng với nhau ra sao? Cái nụ cười "người điên" ấy, những câu văn hân hoan hay đứt gãy, cố hàn gắn kết nối nhưng cũng như cố kiềm nén một tiếng thở dài ấy mà nếu không còn thì thực cuộc đời đã mất hết ý nghĩa sống. Cuộc đời quá đỗi lạ lùng mà chính Lê Đình Đại dù là một bác sĩ đã ý thức dấn thân với "thế giới người điên" tìm bản ngã cho chính mình và ý nghĩa nhân sinh, ngay từ khi còn trẻ bước vào đời với bao khát vọng để quyết định chọn lựa "sinh tử". Vậy mà đôi khi vẫn không tránh khỏi dòng suy tư hoang mang trào ra thác lạnh phản tỉnh dưới ngòi bút làm gợn sóng người đọc: “Đã bao năm trôi qua, đã bao lần tôi muốn bỏ nghề đi làm việc khác mà sao tôi vẫn ở đây?” (Trang 26).

Đôi khi những tiểu tự sự bên lề lịch sử chính thống vẫn được để ý từ các nhà nghiên cứu vì những chứng liệu của nó sẽ giúp ích làm sáng tỏ những vấn đề âm u hay đã bị bỏ quên bởi căn bệnh quá lịch sự hay thản nhiên của thời đại.  

Vì thế trên trang sách "gió" vẫn còn cần rất cần nhiều "bàn tay" để mở...

 Sài Gòn, giãn cách Covid  lần thứ Tư, 25.8.2021

Nguyễn Hữu Hồng Minh 

DDVN GIỚI THIỆU CHÙM TRUYỆN RẤT NGẮN "NHÂN CÁCH TAN RÃ" CỦA LÊ ĐÌNH ĐẠI 

MẸ

Tâm hồn con người quả là nặng hơn thể xác hàng trăm lần. Có tám ngọn gió thổi vào làm chao động ngọn đèn kia. Đó là được và mất, danh thơm và tiếng xấu, khen và chê, hạnh phúc và đau khổ.
Ngày phân khoa tôi tình nguyện học chuyên khoa tâm thần!
Có một ngọn gió từ bàn tay mở, có một người lặng lẽ, lu mờ sau những hy sinh. Mẹ tôi đó.

Tôi nhớ cứ mỗi lần báo in truyện của anh tôi, tôi đạp xe một mạch từ bệnh viện về đưa cho mẹ.
-Truyện của anh Hương đây má!

Mẹ tôi cầm tờ báo, bà lấy tay sờ lên chỗ có chữ trên trang giấy, rồi nhìn xa xa tận phương nam và mỉm cười…
Tôi nói:
-Má biết gì mà cười!
-Đừng có hàm hồ. Tao đẻ nó mà tao không biết nó viết gì sao!

Mẹ tôi không biết chữ nhiều. Bà không đọc được truyện nhưng bà biết tấm lòng của anh tôi, tấm lòng ấy có từ hồi còn ẵm ngửa.

Những ngọn gió biển đang thổi vào mái tóc hoa râm của mẹ. Buổi trưa hè…


Bác sĩ Lê Đình Đại hạnh phúc bên người mẹ gần 100 tuổi của mình.


BÔNG HOA  

Tôi nhớ hoài người bệnh tâm thần tên Minh, 25 tuổi ở Nam Ô, dáng mập lùn, chắc nịch. Anh có nụ cười dễ thương không chịu được.

-Hôm mấy chiếc xe vệ sinh hút xong nhà cầu, Minh đã chạy quanh sân hái những bông hoa đẹp nhất tặng họ. Anh xuất hiện với cái mũ bao bằng giấy bọc thuốc Hero và chiếc kiếng bằng dây thép dán giấy gương màu hồng một bên mắt. Minh đứng vẫy vẫy tay mãi cho đến khi xe rời khỏi bệnh viện.

-Ngày mai đi cầu thơm phức!

Anh nói rồi cười vang lây sang người khác. Người bệnh này cười, người bệnh khác cười và mọi người cùng cười.
Có một bông hoa từ đó nở tự lòng tôi…

 

PHÍA RUỘNG 
 
Bước vào phiên trực - y tá làm việc 24/24. Quản lý, tuần tra, quan sát không khác chi người lính nhưng cực nhất là lúc người bệnh trốn viện. Tìm quanh không có, lên xe đạp tản đi khắp nơi, suốt đêm. Nhờ tinh thông nghề nghiệp, điểm duyệt được người bệnh nào là chuyên trốn viện và thường đi hướng nào nên thường tìm được. Chúng tôi từng lặn lội tận Quảng Ngãi, Hà Nam Ninh…gặp người bệnh thì mừng hết lớn! Thế nhưng đã có rủi ro, nhất là khi bệnh tình chưa khỏi, ra đi trong cơn như thế thật không lường được.

Một người bệnh làm nông ở Thanh Hóa, theo đoàn đào vàng lên Giằng. Cả nhà bị sụp hầm, anh mất trí, bạn bè đưa vào bệnh viện một tuần thì anh bỏ trốn lúc trời tối. Ra đi mất khả năng định hướng, cứ nhắm phía ruộng mà đi, lỡ lội vào bùn, càng lội càng lún rồi chìm xuống nước…Tử vong như thế thật đau lòng!


LÒNG CHA 

Một người bệnh nữ còn rất trẻ, rất đẹp. Vừa sinh đứa con trai đầu lòng thì phát bệnh. Gia đình cúng bái khắp nơi, rơi vào túng quẫn. Đến bệnh viện thì bệnh đã nặng.

Mỗi tuần cứ tới chủ nhật gia đình mới ra thăm.
Núi Thành – Hòa Khánh, tiền xe hết mấy chục ngàn.

Hôm nay, sau bốn tuần điều trị, người bệnh nhớ nhà da diết, mà chủ nhật lại tới rồi. Trông chờ suốt buổi sáng không thấy ai ra thăm, người bệnh lặng lẽ ra căng-tin. Ngồi chờ mãi tới chiều mà bóng người thân vẫn không thấy!

Thế là người bệnh trốn viện. Buồn quá, đi về đâu? Tại sao người thân không ra? Câu hỏi lặp đi lặp lại như một ám ảnh nặng nề. Càng nghĩ càng tủi thân. Có phải gia đình đã quá cực vì mình, thôi sống làm chi! Rồi người bệnh trốn đi biền biệt.

Cả bệnh viện đi tìm mà không thấy. Chúng tôi linh cảm một điều chẳng lành.

Hôm sau người thân mới ra, nghe tin bàng hoàng, sửng sốt. Đấm vào người thình thịch, kêu trời mà trời có thấu! Chủ nhật hết tiền đi đào mấy hàng khoai đem bán, dành dụm ra thăm, thế mà bây giờ tất cả đã lỡ làng…

Thân nhân đi tìm như điên như dại, càng khuya càng cố tìm, người chồng đạp xe lùng khắp các nẻo đường, hy vọng đêm khuya vắng vẻ dễ bắt gặp.

Thế nhưng... Tất cả đều vô vọng!

Người bệnh đã trầm mình xuống dòng sông lạnh lẽo trong cô đơn tuyệt vọng. Tất cả bỏ lại sau lưng.

Hai ngày sau, cô bác vớt lên đem về phường, mai táng ở một nghĩa trang xa thành phố. Chôn xong, chúng tôi mới biết tin. Ngay đêm đó, gia đình cùng bệnh viện tiến về nghĩa trang. Trời mưa lất phất, ai nấy lặng lẽ nhìn người thân khóc nghẹn ngào mà rơi nước mắt.

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi đi đến thành phố của người chết – Nghĩa địa Gò Cà, trong một nỗi niềm xốn xang khôn tả giữa đêm khuya thanh vắng. Một sự thanh vắng cô tịch, bùi ngùi, xót xa…

Mưa mỗi lúc càng nặng hạt, nhờ hai pha đèn rọi sáng, chúng tôi cạy nắp quan tài rồi nhẹ tay bới từng hạt mạt cưa để người thân nhìn mặt. Nhưng khó nhận ra vì sự biến dạng. Bất chợt người cha nói: “Mấy chú bới dưới chân. Em nó hồi nhỏ chạy chơi, hư một cái móng ngón út bên chân trái”.

Người cha đã nhận ra con.

Tất cả những người cha đứng bên quan tài đều khóc! 

Bác sĩ Lê Đình Đại (trái) bên nhà thơ Nguyễn Lương Nhật, cũng là bệnh nhân thường xuyên của anh. Ảnh chụp năm 1992. 

SỰ SỐNG

Thắng xe rít lên và Út nằm bất động…

Út sinh ra trong một gia đình nề nếp, ba anh chị đều đậu vào đại học. Còn Út, đang học rất giỏi ở lớp 11 thì dở dang vì mắc bệnh tâm thần.
Từ đó Út buồn rầu, bi quan, chán nản. Gia đình cố công chạy chữa nhưng bệnh tình Út thuyên giảm tạm thời rồi tái phát.

Gia đình đâu biết rằng càng lo cho Út bao nhiêu Út càng buồn bấy nhiêu. Thêm vào đó, thấy bạn bè anh chị ai cũng đỗ đạt, có nghề nghiệp, Út càng mặc cảm.
Út sống lặng lẽ, đôi lúc lầm lì, cô độc, biết rằng mình trở thành gánh nặng cho gia đình, thành một người ăn bám vô tích sự.

Ai cũng nhìn thấy điều đó nhưng đành bất lực. Bệnh tình của Út ngày càng diễn tiến xấu.

Riêng phần Út, bước đường cùng chỉ còn một cách là chạy trốn cuộc đời, tìm đến cái chết. Đã mấy lần Út tự sát nhưng may mắn thay gia đình đều cứu kịp…

Mãi cho đến chiều nay, cái buổi chiều nghiệt ngã nhất của đời Út, buổi chiều cuối cùng Út còn hiện diện trên cõi đời này. Út đi ra, đi vào cực kỳ căng thẳng, nhìn chằm chằm vào dòng xe qua lại dưới đôi mắt buồn u uất. Chiếc thứ nhất…thứ nhì…thứ ba…Và Út đã không kìm mình được nữa…

-Trời ơi! Út thét lên…
Khi tôi bồng Út trên tay, Út còn nói: “Bác sĩ cố cứu em sống”, rồi ngừng thở. Nước mắt tôi giàn giụa.

Chiều nay tôi đưa Út đến nơi an nghỉ cuối cùng mà nghẹn ngào hối tiếc. Ôi! Còn đâu hình bóng chàng trai khôi ngô, tuấn tú, một niềm hãnh diện lớn lao của gia đình và bè bạn.

Tôi cúi xuống hái một bông hoa dại cài lên mộ Út, một người bạn, một đứa em…

 

LỊCH SỰ

Không thèm thuốc vào đây lâu ngày cũng thèm và nhiều người bệnh trở thành chuyên gia đi lượm thuốc tàn

-Ông ơi! Có thuốc cho tôi một điếu!
-Anh nớ, có thuốc không?

Đó là lời chào đầu tiên khi gặp họ.
Có khi người bệnh ré rân trong phòng đòi thuốc hoặc xúm chùm lại để xin. Ngay các y, bác sĩ chúng tôi cũng bị xin đều đều.

Người bệnh Vũ Tuấn, nhân cách đã tan rã, lầm lì phẳng lặng, suốt ngày ưa nằm phơi nắng đen thui, thế mà mỗi lần xin được điếu thuốc dù chỉ vài hơi tàn, đều cám ơn rối rít...

Điên hết cấp vẫn lịch sự!
Hỏi rằng họ không đáng yêu sao được?

Lê Đình Đại