Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, điện tử, ô tô và nhiều lĩnh vực khác, Tokyo, Nhật Bản, được xem là một trong những “thành phố tương lai” của thế giới. Tuy nhiên, dù ở không gian nào Tokyo vẫn luôn giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được thừa hưởng từ ông cha.
Xem thêm:
Đến Nishiyama Onsen Keiunkan trải nghiệm ‘Ryokan’ - Khách sạn lâu đời nhất thế giới
Nằm ở phần Đông Bắc của đảo Honshu, đảo lớn nhất của Nhật Bản, Tokyo được xem là thành phố đông dân nhất thế giới với hơn 37 triệu người sinh sống. Tính đến thời điểm hiện tại, Tokyo chính là trung tâm tài chính, kinh tế và công nghiệp hàng đầu của Nhật Bản nói riêng và Châu Á nói chung.
Khi màn đêm buông xuống, thành phố Tokyo lại được thắp sáng bởi những ánh đèn neon rực rỡ nhiều màu sắc, sự tấp nập và nhộn nhịp ở những giao lộ lớn hay cái cách mà những người dân sử dụng Internet với tốc độ nhanh như chóp càng khẳng định thêm sự phát triển của nơi đây.
Sự náo nhiệt và tấp nập vào ban đêm của thành phố đông dân nhất thế giới.
Dù yêu thích công nghệ cũng như những lợi ích mà nó mang lại, tuy nhiên, trong trái tim những người dân của xứ sở Mặt trời mọc vẫn luôn tồn tại vị trí cho những giá trị văn hóa truyền thống. Những giá trị này vẫn luôn hiện hữu và được người dân Nhật Bản biểu hiện thông qua nhiều hành động.
Vào mùa xuân, khi những tán hoa anh đào nở rộ, làm rực hồng một góc trời, người dân Tokyo luôn dành thời gian đến để chiêm ngưỡng những bông hoa xinh xắn, thả mình vào một không gian tràn ngập hương hoa.
Nền ẩm thực truyền thống nổi tiếng thế giới
Các nhà hàng ẩm thực của Tokyo đã tích lũy được riêng cho mình những thành tựu nhất định, trong số đó có thể kể đến việc đạt được 263 sao trong cuốn cẩm nang Michelin. Không riêng gì công nghệ, nền ẩm thực của Tokyo vẫn có sự giao thoa giữa hiện đại và những hương vị cổ truyền. Trong khi nền ẩm thực hiện đại dần trở thành xu hướng thì ở Tokyo vẫn có những cửa hàng bình dân, được thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống để phục vụ cho những khách hàng yêu thích hay những người khách du lịch muốn được trải nghiệm ẩm thực đặc trưng của xứ sở Mặt trời mọc.
Onigiri Bongo là một nhà hàng nổi tiếng ở Tokyo chuyên phục vụ món Onigiri, một món ăn truyền thống của Nhật Bản. Tồn tại trong văn hóa ẩm thực từ hàng thế kỷ, Onigiri trở thành một trong những món ăn phổ biến và gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân. Tại thành phố Tokyo rộng lớn, Onigiri Bongo trở thành một “cơn sốt” trên mạng xã hội không chỉ bởi chất lượng của món ăn mà còn do kích thước to lớn khác thường của những nắm cơm mà nhà hàng chuẩn bị.
Onigiri là một viên cơm trắng nén chặt thành hình tam giác, hình tròn hoặc hình oval. Cơm thường được nấu chín và trộn với một ít muối hoặc gia vị. Mặt bên ngoài của Onigiri thường được bọc bằng một lá cỏ Nori (rau tảo biển khô) để giữ cơm lại và tạo hương vị đặc trưng.
Đã có dịp đến Tokyo, một trong những hoạt động mà du khách không thể bỏ qua chính là thưởng thức ramen tại Chukasoba Ginza Hachigou. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghệ thuật chế biến ramen, đầu bếp Ya-Sushi Matsumura chỉ dành ra sáu chỗ ngồi cho sáu vị khách may mắn tại nhà hàng của mình. Đối với người Nhật, họ cũng có cho mình những kỹ thuật ăn mì ramen hết sức đặc trưng, thay vì chỉ sử dụng đũa khi ăn, họ thường kết hợp cả đũa và muỗng. Người Nhật sẽ dùng đũa để cho mì vào muỗng và húp, kỹ thuật này giúp cân bằng giữa mì, topping và nước dùng trong một lần húp và tạo ra một trải nghiệm ăn mì đặc biệt.
Một trong những văn hóa ăn mì ramen nổi tiếng của người Nhật chính là khi ăn, họ thường thích húp mì và phát ra âm thanh “xì xụp” để thể hiện sự thích thú và hài lòng.
Những tinh hoa nghệ thuật vẫn luôn được gìn giữ
Có thể nói, Tokyo là thành phố duy nhất trên thế giới mà du khách có thể chiêm ngưỡng từ những tác phẩm nghệ thuật được thực hiện bằng các phương tiện kỹ thuật tiên tiến như ánh sáng, âm thanh, cảm biến, mô phỏng 3D đến những tác phẩm đơn giản chỉ được sự hiện bằng bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và chăm chút cho từng chi tiết của các nghệ nhân.
Những kỹ thuật được gìn giữ và truyền từ thế hệ này sang thế hiện khác vẫn luôn được người dân phát huy rất tốt, từ phong cách cắm hoa ikebana hay nghệ thuật chạm gỗ truyền thống được gọi là mokuhanga, đều được bạn bè trên thế giới đánh giá cao và công nhận. Origami cũng vậy, bằng một cách thức hết sức nhẹ nhàng, nghệ thuật gấp giấy này vẫn luôn là một điểm đặc trưng trong một thành phố hiện đại.
Từ "origami" có nguồn gốc từ hai từ tiếng Nhật: "ori" có nghĩa là gấp và "kami" có nghĩa là giấy. Trong origami, một tờ giấy được biến đổi thành các hình dạng và cấu trúc khác nhau thông qua việc gấp, uốn, và xoắn.
Origami có lịch sử hình thành và phát triển hết sức đa dạng. Từ lúc bắt đầu, nghệ thuật gấp giấy được sử dụng cho các mục đích tôn giáo và tế lễ. Nhưng sau đó, Origami dần khẳng định mình và trở thành một hoạt động nghệ thuật với tính sáng tạo và giải trí cao.
Từ đơn giản đến phức tạp, các công trình Origami thường được tạo ra bằng cách gấp một tờ giấy mà không sử dụng các yếu tố tác động khác như kéo hoặc keo dán. Tùy theo sự sáng tạo của mỗi người mà họ có thể tạo ra những hình dạng khác nhau, từ các hình đơn giản như hình vuông, tam giác, hoa, đến những công trình phức tạp hơn như loài chim, động vật, và các tác phẩm nghệ thuật trừu tượng.
Origami Kazuo Kobayashi, một bậc thầy nghệ thuật gấp giấy Origami với hơn 50 năm kinh nghiệm chia sẻ: “Bí mật của Origami chính là bạn không cần sử dụng bất kỳ ngôn từ nào để miêu tả vẻ đẹp của nó, hãy cứ thưởng thức và cảm nhận”.
Ngoài việc là một hoạt động sáng tạo và giải trí, Origami còn được sử dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục, nghiên cứu khoa học, thiết kế công nghiệp và nghệ thuật.
Cuộc sống hiện đại mở ra những cơ hội mới
Nếu nền ẩm thực truyền thống và những giá trị nghệ thuật được xem là những tinh hoa chạm đến trái tim của bạn bè quốc tế thì sự phát triển của cuộc sống hiện đại cũng tạo cho con người nhiều cơ hội hơn để khẳng định bản thân mình.
Được biết đến như một vùng đất tâm linh, trên khắp thành phố Tokyo có vô số ngôi chùa cổ kính mà du khách có thể lựa chọn để ghé thăm. Các nhà sư ở Nhật thường phải tuân thủ theo một số quy tắc nhất định, tuy nhiên, Kodo Nishimura lại là một nhà sư đặc biệt khi được biết đến là “Nhà sư đi giày cao gót”.
Kodo Nishimura kết hợp một cách khéo léo giữa cuộc sống của một nhà sư và một nghệ sĩ trang điểm.
Với đam mê và khát vọng được khẳng định bản thân, mỗi tuần hai lần, anh ấy sẽ trang điểm và bước xuống đường, cho mọi người thấy con người thật sự của mình.
Mỗi ngày, Nishimura đều thức dậy với một mục tiêu là cố gắng để được mọi người công nhận và dùng chính câu chuyện của mình để truyền cảm hứng đến người khác. Công nghệ phát triển đã giúp anh nhận được nhiều sự chú ý, đồng tình và ủng hộ của rất nhiều người.
Không chỉ dừng lại ở Nhật Bản, Nishimura còn đưa câu chuyện của mình ra thế giới khi tham gia chương trình “Queer Eye: Big In Japan”, một chương trình của Netflix. Chia sẻ về những trải nghiệm của mình, Kodo Nishimura nói: “Tôi biết rằng vẫn có rất nhiều người không thích tôi, nhưng tôi thích tôi và tôi yêu chính bản thân mình”.
Có thể nói, Nishimura đang đi đầu trong việc xây dựng một Tokyo mới, cởi mở hơn, khoan dung hơn.