VĂN HÓA

Trương Đăng Dung - Thi sĩ 'tị nạn' trên đường biên 'Kỷ niệm tưởng tượng' (Kỳ 1)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 16-12-2020 • Lượt xem: 4226
Trương Đăng Dung - Thi sĩ 'tị nạn' trên đường biên 'Kỷ niệm tưởng tượng' (Kỳ 1)

Đến bây giờ thì cái tên Trương Đăng Dung vẫn còn chút ngỡ ngàng với những ai yêu thơ, bởi phác đồ của thơ anh quá lạ lẫm và không giống ai. Từng là một nhà nghiên cứu, chức sắc, từng Phó Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, một dịch giả nặng ký, một giáo sư trên bục giảng dạy và cố vấn, đỡ đầu cho các luận văn nghiên cứu sinh từ Bắc chí Nam. Một cuộc đời ngỡ "kinh viện", bỗng bùng cháy khi trên thi đàn xuất hiện "Những kỷ niệm tưởng tượng". Sóng chưa kịp lắng lại tăng động với "Em là nơi anh tị nạn"...

Tin và bài liên quan: 

Văn Cao, nghệ sĩ đa giác quan

Phan Huy Đường, Tư duy tự do 

Hoàng Ngọc Hiến, người truyền thống giàu có

Huỳnh Phan Anh, từ 'kinh nghiệm hư vô' đến 'một mùa địa ngục' 

"Anh nghe bóng đêm tan trên cơ thể em
bóng đêm chạy trốn.
Những khoảnh khắc trong đêm
những đường cong như sóng vươn về phía trước
hơi thở như gió đắm say và gấp gáp.
sâu lắng và bí ẩn..."

(Anh chiếm chỗ bóng đêm - Thơ Trương Đăng Dung)

Vẫn còn nhớ cú điện thoại nửa đêm của nhà phê bình Trần Hoài Anh. Bây giờ thì đã Phó Giáo sư, Tiến sĩ rồi. Anh nói ngày mai có một người thầy của anh từ Hà Nội vào Sài Gòn chấm luận văn Thạc sĩ văn chương. Nhân tiện thầy muốn gặp gỡ một số văn nghệ sĩ, trí thức. Đặc biệt là các nhà thơ. Anh muốn mời tôi đến chơi buổi đó tại thư phòng của nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp.

Chỗ Hiệp thì tôi từng ghé nên biết. Chỉ tiếp toàn khách quý. Tuy không gần trung tâm Sài Gòn nhưng anh em văn nghệ sĩ rất muốn ghé đây vì những bộ sưu tập đặc biệt dày công của anh về văn hóa, văn học, di sản văn nghệ miền Nam. Hãy hình dung vừa đàm đạo nghệ thuật vừa được nghe những bản ghi đầu tiên các ca khúc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Cung Tiến, Lê Uyên Phương hay cầm trên tay những tờ báo, tạp chí tinh hoa mà cũng trầm luân, đã lưu lạc cả thế kỷ như Nhân Văn, Giai Phẩm (Hà Nội), Sáng Tạo, Bách Khoa, Đối Diện (Sài Gòn), các thi phẩm của các thi sĩ Đông Trình, Tô Thùy Yên, Lê Minh Ngọc, Tạ Tỵ, Hoàng Cầm, Bùi Giáng... thì kỳ thú như thế nào?

Từ trái qua: Nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp, nhà nghiên cứu lý thuyết văn học, dịch giả kiêm nhà thơ Trương Đăng Dung, nhà phê bình Trần Hoài Anh và thi sĩ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh tại thư viện Cẩm Thành, Sài Gòn. 

Trong ánh đèn vàng dịu phản quang qua màu rượu nâu sẫm, quá khứ và hiện tại như chung một dòng nguyên thủy. Nơi đây từng đón tiếp các thi sĩ Phạm Thiên Thư, Ý Nhi, Đông Trình, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, Lý Lan... cùng rất nhiều nhân vật nữa. Còn bây giờ là ai? 

Trần Hoài Anh nói: "Có thể Minh không biết đâu! Vì thầy là dân nghiên cứu. Tên là Trương Đăng Dung". Tôi như muốn reo lên: "Biết rồi! Một nhân vật ấn tượng". Đang hình dung đôi mắt của nhà phê bình nhíu lại, ngạc nhiên, tôi nói luôn "Người dịch Kafka".

"Vậy Minh cũng có biết hả? Vui quá rồi! Đến nhé!...". Chúng tôi cùng hẹn một giờ tại nhà của Nguyễn Trọng Hiệp.

Và thật, không ai muốn đến trễ giờ!

Tượng nhà văn Franz Kafka của nghệ sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng David Cerny. Tác phẩm đặt tại một trung tâm mua sắm sầm uất ở Prague (2014). 

Mãi về sau này tôi mới biết Trương Đăng Dung là còn người "đổi mới" từ rất sớm với rất nhiều công trình, tác phẩm nghiên cứu phê bình văn học. Chứ không phải chỉ dịch lý thuyết và các tước tác hàng đầu thuộc dòng "cấp tiến" của văn chương thế giới. 

Ở đây, tôi chỉ đưa một ví dụ nhỏ nhân tiện đã nhắc đến tên nhà phê bình Trần Hoài Anh. Cũng một cách cám ơn anh. Cơn cớ để tôi bắt đầu bài viết này. 

Anh được biết đến trong văn giới với công trình "Lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975" cũng là một luận văn nghiên cứu sinh bảo vệ tiến sĩ của mình. Người đỡ đầu và hướng dẫn không ai khác chính là Viện phó Viện văn học Trương Đăng Dung.

Văn học miền Nam thực thụ nói không quá đến bây giờ vẫn còn bị xếp vào loại "nhạy cảm". Lạ như thế! Ai oán như thế! Chúng ta đã từng chứng kiến một số tác phẩm truyện ngắn, truyện dài Tiếng sáo người em út, Nhan sắc, Cũng đành, Đôi mắt trên trời của Dương Nghiễm Mậu đã từng được in ở nhà xuất bản trong nước sau đó bị thu hồi như thế nào! Bây giờ tuy tình hình có đỡ hơn như gần đây 10 tác phẩm nổi tiếng Cho trận gió kinh thiêng, Nhang tàn thắp khuya, Chiều xuống êm đềm, Ngọn pháo bông, Khung rêu... của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, Quê hương tôi, tạp văn Tràng Thiên (bút danh nhà văn Võ Phiến), Sài Gòn mặc khách của Tô Kiều Ngân, Khúc thụy du thơ Du Tử Lê, Truyện Nguyễn Thị Hoàng ... và nhiều cuốn, nhiều tác giả khác được xuất bản nhưng vẫn nằm trong độ bắn tỉa lúc này lúc khác, khi độ lượng lúc lên đồng của giới phê bình. Nói chung là còn gian nan lắm! Kể vậy mới thấy cuốn "Lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975" của Trần Hoài Anh là một đột phá không dễ dàng, một tư duy mạnh bạo cầu thị học thuật không kém phần nguy hiểm nếu đặt trong tổng thể cái nhìn thủ cựu, phân ranh, đóng khuôn những vành đai giới tuyến trong và ngoài văn học. 

Và tôi nghe nhắc đến cái tên Trần Hoài Anh một cách đầy khả ái trong một lần tiếp chuyện với nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng cách đây chừng 15 năm khi ông từ Mỹ về Việt Nam. Thật lạ lùng chuyến đó nhà văn "Người đi trên mây", người từng được Mai Thảo ủy nhiệm cho việc tiếp tục sứ mệnh duy trì làm chủ bút tờ tạp chí Văn nổi tiếng. Ngày cuối cùng rời Sài Gòn cũng là đêm cuối cùng ông liên lạc được số điện thoại để ngồi với tôi. Ông dè dặt hỏi tôi về Trần Hoài Anh đầy trân trọng và mến mộ. Nhưng thông tin tôi cho ông là một số không. Ông không buồn mà nói: "Đây là một người dũng cảm khi đặt cược cả sự nghiệp mình để nghiên cứu về văn học miền Nam một cách hệ thống. Tôi yêu quý người như vậy...".

Và sau đó Nguyễn Xuân Hoàng trở về và mất ở Mỹ. Đây cũng là câu chuyện lần đầu tôi kể. Cũng như câu chuyện khác lần đầu tôi được nghe từ chính cây bút viết phê bình này. "Tôi luôn nhớ đến thầy Trương Đăng Dung với công trình nghiên cứu "Lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975". Nếu vào lúc ấy không được thầy nhận đỡ đầu và hướng dẫn mà là một người khác. Liệu tôi có bảo vệ được Luận án này không? Và sẽ ra sao?".      

***

Tôi lại quý Trương Đăng Dung với câu chuyện của riêng tôi chứ không phải từ câu chuyện lần đầu mới kể từ Nguyễn Xuân Hoàng hay Trần Hoài Anh. Ông là người dịch tiểu thuyết "Lâu đài" của Frank Kafka. Một trong những tác phẩm quan trọng của nhà văn hiện sinh nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Một cuốn sách mà khi viết chính Kafka cũng không thoát ra khỏi mê hồn trận. Và chính ông tự thú trong Nhật ký: “Đóng kín trong bốn bức tường, tôi thấy mình như một kẻ di cư bị tống giam ở một nước xa lạ… Tôi thấy gia đình mình như những người ngoại quốc lạ lùng mà những tập tục, nghi thức và chính ngôn ngữ của họ thách đố sự tìm hiểu… Mặc dù tôi không muốn thế, họ vẫn bắt tôi phải tham gia vào những nghi lễ kỳ quái của họ… Tôi không thể kháng cự lại". 

Từ dịch, ông đã có một bài thơ viết trong ảnh hưởng Kafka. Đọc bần thần và rùng mình. 


GIẤC MƠ CỦA KAFKA
 

Ở New York chiều chiều
những con voi nhảy từ tầng mười một xuống sông
cứu những con chim sẻ.
Ở Paris trước cửa Viện bảo tàng
người nằm ngáp
trâu xếp hàng mua cỏ.
Ở Matxcơva những thiếu phụ da vàng
chơi với hổ
trên quảng trường ngập nước.
Ở Tokyo nữ phát thanh viên truyền hình
không có miệng
huơ tay chào khán giả…
Khắp nơi
những đôi mắt
dính trên cổ những người không có mặt
những tiếng kêu
phát ra từ miệng những người không có cổ
những bàn chân
càng bước càng lún sâu vào đất!

Tượng nhà văn Frank Kafka của nhà điêu khắc 

Để hiểu thơ Trương Đăng Dung không thể tách ra khỏi những khối suy tư, dằn vặt của ông về cái sống và nỗi chết. Nỗi tha nhân trên chính quê hương mình và nỗi buồn nhân loại. Một kiếp nhân sinh mà trong bài thơ ông viết như sự yêu thương tuyệt vọng: "Không có gì mới đâu thi sĩ / Mỗi ngày sống là một ngày thất vọng / từ Tây sang Đông / người sợ con người"

Một tác phẩm nghiên cứu của Trương Đăng Dung "Phản ánh nghệ thuật trong mỹ học của Lukács Gyorgy". - (Tư liệu NST Nguyễn Trọng Hiệp).

Nhưng chính nỗi buồn nỗi sợ ấy chính là cứu cánh để bài thơ bay lên. Nếu không thi sĩ sẽ chết và nhân loại sẽ diệt vong.

"Số phận và lo toan của kiến làm sao tôi hiểu được? Chỉ có kiến mới hiểu và chịu đựng được số phận của kiến mà thôi!"

Trong "Những kỷ niệm tưởng tượng" và "Em là nơi anh tị nạn", thơ Trương Đăng Dung đã bay lên ra sao? Chúng ta tìm thấy những giọt nước mắt nào của chính mình từng khóc trong đó? 

(Xem tiếp kỳ 2)

Sài Gòn, ngày cuối năm 16.12.2020

Nguyễn Hữu Hồng Minh