VĂN HÓA

Truyền thuyết về ông Ba Bị, bà Kẹ - Biểu tượng của sự sợ hãi

Cẩm Chi • 07-08-2023 • Lượt xem: 5801
Truyền thuyết về ông Ba Bị, bà Kẹ - Biểu tượng của sự sợ hãi

Hầu hết trẻ em khi còn nhỏ đều từng bị người lớn dọa rằng “con mà không ngoan, không vâng lời thì sẽ bị ông Ba Bị (ông Kẹ) bắt”. Và khi nghe vậy, chúng sẽ sợ hãi và im thin thít ngay lập tức. Dẫu rằng, các bé chưa từng gặp hay biết được hình dáng nhân vật huyền thoại này như thế nào. Vậy "người đáng sợ" ấy xuất phát từ đâu vẫn là thắc mắc của nhiều người.

 

Ông Kẹ (hay ông Ba Bị) là nhân vật đáng sợ với trẻ em Việt Nam. Không chỉ ở nước ta, nhân vật ông Kẹ còn tồn tại trong nhiều nền văn hóa ở các quốc gia trên khắp thế giới. Dĩ nhiên, ở mỗi nước sẽ có tên gọi, hình dạng và câu chuyện phía sau khác nhau. Và tuy gọi là ông Kẹ, thế nhưng có khi nhân vật này là nữ, hoặc phi giới tính.

Ông Kẹ Việt Nam - Ông ngoại của một vị vua

Theo mô tả dân gian, ông Ba Bị là một người đàn ông cao to nhưng đen đúa, xấu xí, mang theo mình 3 chiếc bị lớn, thường bắt cóc trẻ em hư bỏ vào bị đem đi không cho ở với bố mẹ nữa. Chuyện kể rằng, do mất mùa nên nhiều kẻ đã đi bắt cóc trẻ con đem bán lấy tiền, chúng thường đi thành tốp 6 người, cứ 2 người thì vác 1 cái túi cói rất to nên có tên là "Ba Bị".  

Thực tế, ông Ba Bị là một người có thật. Sách Hương Giang cố sự của tác giả Nguyễn Đắc Xuân ghi: “...Ông Ba Bị chính là cụ Phạm Đăng Hưng, người Gò Công (Nam bộ), có thân hình cao lớn với bộ râu rậm và cứng như râu Trương Phi. Ông làm quan trải qua các triều Gia Long và Minh Mạng, nổi tiếng là quang minh chính trực”. Ông có người con gái lấy vua Thiệu Trị tên là Từ Dũ và người cháu ngoại là Hồng Nhậm (sau lên ngôi lấy niên hiệu là Tự Đức). Bà Từ Dũ được nhiều người biết đến là vị hoàng thái hậu đức hạnh, yêu thương dân chúng, người phụ nữ quyền lực duy nhất sống qua 10 đời vua. 

Ông giữ chức Điền Tuần Quan, đi đâu ông cũng mang theo ba bị hạt ngũ cốc để phát cho dân nghèo và hướng dẫn họ cách trồng, nhà nào quá nghèo ông mang gạo tới giúp. Những nơi nào có quan tham ô lại, gian thương bóc lột dân chúng, ông thẳng tay trừng trị. Những người xấu mới thấy bóng vị quan này thoáng qua đều run sợ. Có lẽ cũng vì vậy mà hình tượng “ông ba bị” bắt đầu từ đây. Tuy nhiên, do hiện tượng tam sao thất bản mà ông Ba Bị từ một vị quan thanh liêm đã trở thành nhân vật có hình thù quái dị, chuyên dọa trẻ con.

Mẹ ma than khóc La Llorona – “Bà Kẹ” ở đất nước Mexico

Đây là truyền thuyết kinh dị huyền thoại của đất nước vùng Trung Mỹ. Nhân vật này có giới tính nữ vì xuất thân là một cô thôn nữ xinh đẹp tên Maria. Cô và một chàng quý tộc đem lòng yêu nhau. Vì không môn đăng hộ đối nên cả hai bị người lớn ngăn cản. Và họ đã bỏ trốn cùng nhau, kết hôn rồi sinh con.

Nhưng việc vui chóng tàn, chàng trai sau những ngày chìm đắm trong tình yêu thì trở nên ngán ngẩm với cuộc sống nghèo khó. Vì vậy anh bỏ về gia tộc. Maria cố gắng ngăn cản nhưng không thành công. Trong một phút nông nổi cô đã “tiễn các con lên đường”. Khi tỉnh táo lại, ân hận với tội lỗi nên Maria nhảy sông tự vẫn.

Day dứt với quá khứ, vì vậy La Llorona thường cất tiếng khóc. Và cô hay lang thang dọc bờ sông để tìm các con mình. Do đó, người dân Mexico gọi nhân vật này là “mẹ ma than khóc”. Dĩ nhiên, mẹ ma không bao giờ tìm được con. Thế nên cô mù quáng bắt cóc những đứa trẻ lang thang ngoài bờ sông, hoặc ở ngoài đường vào đêm tối để nhận làm con.

Truyền thuyết kể lại khi bạn nghe tiếng khóc ở gần thì đừng lo vì khi đó mẹ ma đang ở rất xa. Thế nhưng khi bạn ở bờ sông vào đêm tối và nghe tiếng khóc ở nơi xa vọng về thì hãy chạy ngay đi. Vì mẹ ma đang ở gần đó.

Người dân địa phương đã kể câu chuyện này để ngăn cấm con trẻ ra đường vào đêm tối, đặc biệt nghiêm cấm lang thang ngoài bờ sông.

Phù thủy Baba Yaga sống ở rừng sâu

Ở châu Âu cũng có nhiều truyền thuyết về ông kẹ. Và một trong số đó chính là về phù thủy Baba Yaga. Nếu như bạn đang đi cắm trại, dã ngoại trong rừng mà gặp một bà già ăn mặc kỳ dị, dáng người già nua, nhìn gần đất xa trời thì... hãy chạy càng nhanh càng tốt. Bởi vì đó chính là Baba Yaga.

Baba Yaga là một phù thủy độc ác sống trong rừng sâu.

Bà thường hay bắt những người lang thang trong rừng, nhất là trẻ em. Và tuy vẻ bề ngoài ốm yếu, thế nhưng bà rất khôn ngoan và sở hữu phép thuật cao cường. Một bị nhắm đến thì con mồi rất khó chạy thoát. Bởi vì bà biết bay. Baba Yaga cưỡi một cái thùng gỗ được điều khiển bằng chày và chổi.

Chẳng những vậy, nạn nhân một khi bị nhốt trong nhà của mụ cũng rất khó chạy thoát. Bởi vì đây là một căn nhà được xây trên một (cặp) chân gà khổng lồ. Nó biết tư duy cũng như có khả năng di chuyển.

Cơ hội duy nhất để nạn nhân có thể sống sót là hoàn thành nhiệm vụ được mụ giao cho. Thử thách không dễ dàng, thế nhưng đó là sinh cơ duy nhất. Đồng thời, Baba Yaga cũng rất trọng chữ tín. Người làm được chẳng những còn sống mà còn có thể xin mụ hoàn thành một điều ước. Vì vậy, có không ít người muốn tìm đến Baba Yaga thực hiện nhiệm vụ để mong đổi đời.

Cô Kẹ Hachishaku ở Nhật Bản

Nhật Bản có thể xem là một trong những quốc gia có nhiều truyền thuyết về ông Kẹ nhất. Tuy nhiên đáng sợ nhất chắc chắn phải là Hachishaku. Nhân vật này thường xuất hiện trong hình dạng một cô gái cao 2,5m và mặc áo trắng (có người kể là kimono hoặc áo liệm).

Hachishaku thường đội mũ và đứng bên ngoài hàng rào nhìn vào những ngôi nhà có trẻ em.

Cô thường bắt cóc con nít. Mỗi khi chọn trúng nạn nhân, Hachi (tên gọi tắt) sẽ lên tiếng gọi “po po po po”. Và bà Kẹ Nhật Bản này mạnh đến nỗi con mồi bị nhắm trúng sẽ khó trốn thoát được dù trốn trong nhà. Cách duy nhất để đối phó Hachishaku là mời các pháp sư đến làm phép. Đồng thời đứa trẻ phải được chuyển đi xa ngay lập tức để trốn tránh.

Tóm lại, dù cho mỗi nền văn hóa có khác nhau, thế nhưng ông (bà) Kẹ hầu hết đều có các điểm chung là có thể biến đổi hình dạng, bắt cóc trẻ em và ưa thích bóng tối. Vì vậy bằng một cách kỳ diệu nào đó mà hầu hết con nít đều sợ ông Kẹ.

Và như vậy vô tình lại có ích với cha mẹ. Vì bọn nhỏ sẽ ngoan hơn, không la cà trong đêm tối, không lang thang ngoài bờ sông... Tuy nhiên nó cũng có điểm xấu là tạo ra nỗi sợ vô căn cứ cho các bé. Hậu quả là một số người khi lớn lên vẫn còn sợ ma, sợ bóng đêm, sợ ở một mình.