GIẢI TRÍ

Văn hóa dân gian Việt 'sống dậy' trong âm nhạc đương đại

Cẩm Chi • 23-03-2023 • Lượt xem: 657
Văn hóa dân gian Việt 'sống dậy' trong âm nhạc đương đại

Không hề sến sẩm, quê mùa, chất liệu văn hóa của dân tộc được các nghệ sĩ khai thác sáng tạo, hiện đại và trẻ trung. Những hình ảnh ấn tượng, giai điệu bắt tai, ca từ mới lạ được giới trẻ yêu thích, đón nhận và nhanh chóng trở thành xu hướng tại Việt Nam và thế giới.

Thổi hồn bản sắc Việt

Có thể khẳng định, Hoàng Thùy Linh là cái tên nổi bật nhất trong việc đưa văn hóa Việt vào các sản phẩm âm nhạc một cách thành công và tạo hiệu ứng lan truyền rộng rãi. Cô cho biết: “Càng dấn thân vào chất liệu âm nhạc dân gian, tôi càng cảm thấy mình và cộng sự như cá gặp nước. Tôi mong muốn mang nét đẹp văn hóa vừa có tính lịch sử, vừa cộng hưởng tinh hoa thời đại vào ca khúc của mình".

Với niềm đam mê về văn hóa dân gian, nữ ca sĩ chọn nhiều hình tượng phụ nữ điển hình và truyền tải thông điệp Nữ quyền độc đáo. Đó là Mị (Để Mị nói cho mà nghe), Kiều (Em đây chẳng phải Thúy Kiều), Tấm (Kẽo cà kẽo kẹt), cô Bơ (Tứ Phủ), Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương (Bánh trôi nước). Người phụ nữ trong âm nhạc của Hoàng Thùy Linh hiện lên đầy tự chủ, không lệ thuộc, dám lên tiếng phê phán mối tình độc hại, luôn chủ động kiếm tìm hạnh phúc, làm chủ cuộc đời,… Đặc biệt, táo bạo hơn, cô mở ra cả một "Ngữ Văn party", mời đến đông đảo các nhân vật bước ra từ các tác phẩm văn học kinh điển Việt Nam, ở đó, cô đã biến cải số phận hẩm hiu của họ, mang đến một kết thúc lạc quan và đầy tươi sáng hơn.

Hoàng Thùy Linh hóa thân Mị trong "Vợ chồng A Phủ"

Tạo hình ma mị dựa trên hình tượng đạo Mẫu linh thiêng ​​​​​​

Bên cạnh đó, phần trang phục, vũ đạo, tạo hình cũng được cô đầu tư kỹ lưỡng, kết hợp độc đáo giữa trang phục truyền thống với hiện đại. Các phong tục trò chơi dân gian hiện lên đầy sinh động: “xem quẻ đầu năm” (Gieo quẻ), chơi oẳn tù xì (Bo xì bo) hay bắt vợ của dân tộc Mông (Để mị nói cho mà nghe). Tín ngưỡng thờ Mẫu hiện lên đầy ma mị, cuốn hút trong "Tứ Phủ" trong hình tượng của Mẫu Thoải (Mẫu sông nước). Set đồ mang đậm vẻ đẹp lụa Lãnh Mỹ A, khăn mỏ quạ, chiếc tua rua của trang phục vùng Tây Nguyên, điểm nhấn từ vòng đội đầu lấy cảm hứng từ cổng đình thân thuộc… được tận dụng triệt để.

Những biểu tượng văn hóa quen thuộc của Việt Nam được sáng tạo trên trang phục của Hoàng Thùy Linh

Trang phục và bối cảnh đậm chất sông nước Nam bộ

Mới đây, ca khúc “See tình” đã càn quét mạng xã hội toàn cầu và trở thành hiện tượng âm nhạc tại nhiều quốc gia. Hình ảnh cô gái mặc trang phục khăn rằn miền Tây với nhiều phong tục đậm chất Nam bộ, đã đưa hình ảnh Việt Nam tới gần hơn với bạn bè thế giới. Điều này chứng tỏ sức sống và sức lan tỏa mãnh liệt của âm nhạc dân tộc nếu nó được đặt phù hợp trong hơi thở đương đại.  

Dấu ấn Việt Nam tươi đẹp

Sau Hoàng Thùy Linh, Bích Phương là nữ ca sĩ thử nghiệm thành công với dòng nhạc Pop lồng ghép âm nhạc dân tộc qua dự án "Việt Nam, Việt Nam". Các ca khúc “Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau”, “Bùa yêu”, “Chị ngả em nâng”  đều tôn vinh những giá trị văn hóa từ trang phục, phong cảnh, lối sống, đạo đức và cách thể hiện tình cảm của con người, vẻ đẹp bình yên của quê hương.

Bích Phương đưa tục lệ cưới hỏi của người Dao lên MV

Bản sắc trong âm nhạc Bích Phương hiện lên muôn màu. Đó là bản tình ca của cô gái vùng xuôi và anh chàng người dân tộc Dao của rừng núi Tây Bắc với sinh hoạt đậm nghĩa tình, lòng thương yêu của vợ chồng. Ở một câu chuyện khác, hình ảnh trầu têm cánh phượng xuất hiện như một dẫn dắt cho câu chuyện tình yêu của chàng trai ngoại quốc và cô gái. Người phụ nữ Việt hiện lên khéo léo, tinh tế trong việc thêu thùa may vá. Yếu tố văn hóa dân gian được thể hiện rõ nét thông qua trò chơi ô ăn quan, trang điểm giống nghệ sĩ tuồng, trang phục hơi hướng truyền thống, hay những món ăn như bún riêu – văn hóa ẩm thực đặc trưng của miền Bắc…

Trò chơi ô ăn quan phổ biến với người Việt

Làm mới một giá trị đạo đức truyền thống giữa cuộc chuyển mình của xã hội hiện đại, Bích Phương khéo léo sáng tạo cách đặt tên bài hát. Lấy thành ý của ca dao tục ngữ, “Chị ngã em nâng” cho ta thấy không đến lúc ngã, chỉ cần ngả nghiêng, bạn bè, chị em cũng cần sự giúp đỡ. Điều này thể hiện lối sống chân thật, giàu tình cảm của người Việt, tính nhân văn, gần gũi với thế hệ trẻ.

Văn hóa không giới hạn

Âm nhạc chuyển tải văn hóa dân tộc vốn đã có từ lâu, qua những tác phẩm của nhạc sĩ Quốc Trung, ca sĩ Hà Trần, Ngọc Khuê, Tùng Dương… Tuy nhiên, phải đến những bản hit gần đây của các ca sỹ trẻ thì thể loại này mới bùng nổ mạnh mẽ, đánh dấu giai đoạn mà nhạc trẻ ứng dụng văn hóa dân tộc một cách mới mẻ, trẻ trung, mang tinh thần thời đại.

Ít ai có thể tưởng tượng những lát cắt trong cuộc đời của hoàng hậu Nam Phương và hoàng đế Bảo Đại lại được tái hiện lại đầy xúc động trong âm nhạc. Hình ảnh, giai điệu của hát chèo kết hợp cùng nhạc điện tử và công nghệ mapping, tạo nên một trải nghiệm thị giác tuyệt vời cho người xem. Những người mê thứ âm nhạc đậm chất truyền thống như cải lương lại hòa nhịp cùng nhạc Pop – Rap đầy sáng tạo, mới mẻ. “Không thể cùng nhau suốt kiếp”, “Thị Mầu”, “Về nghe mẹ ru”… hay nhiều ca khúc khác không chỉ đơn thuần là những sản phẩm giải trí với những nhân vật huyền thoại của lịch sử và sân khấu Việt Nam, mà làm sống dậy biểu tượng một thời, tôn vinh giá trị quý giá trong bối cảnh đang bị mai một dần.

Hòa Minzy hóa "Thị Mầu" trong ca khúc mang âm hưởng dân gian hát chèo Bắc bộ

Sáng tạo trên nền những giá trị văn hóa dân tộc là cách các nghệ sĩ trẻ thể hiện niềm tự hào và trách nhiệm bảo tồn văn hóa truyền thống. Nuôi dưỡng vốn quý cha ông để lại theo cách của thế hệ 9x, 10x, bằng thứ ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại, trẻ trung, những nghệ sĩ trẻ đang khoác lên sức sống mới cho tấm áo dân gian, đưa nó hòa nhập với hơi thở thời đại. Vì vậy, những hiện tượng âm nhạc triệu view một phần nào đó đã thành công từ bệ đỡ văn hóa truyền thống. Bằng cách đó, văn hóa dân gian đã ngấm vào khán giả trẻ một cách tự nhiên và đầy thuyết phục.