VĂN HÓA

Vì sao tên đệm của nam là ‘Văn’, nữ là ‘Thị’?

Minh Trung • 25-08-2022 • Lượt xem: 1753
Vì sao tên đệm của nam là ‘Văn’, nữ là ‘Thị’?

Bạn đã bao giờ tự hỏi: Vì sao chữ văn là tên đệm cho con trai, thị là tên đệm cho con gái? Việc hiểu về ý nghĩa của câu hỏi “hóc búa” này không những giúp bạn có thêm kiến thức về văn hóa Việt Nam mà còn giúp bạn nhìn ra những điều thú vị đằng sau ý nghĩa của hai tên đệm này.

Nước ta sử dụng tên đệm từ bao giờ? 

Trong thời kì đầu dựng nước, Hồng Bàng ta chỉ sử dụng họ và tên mà không có tên đệm. Các vua Hùng cũng vậy, vua chỉ lấy họ và tên kèm với chữ vương để làm nổi lên sự khác biệt (như Hùng Lân vương, Hùng Việt vương). Mãi đến thế kỉ I, hai bà Trưng cũng chỉ lấy tên là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Theo dòng lịch sử, ta có thể thấy tên đệm xuất hiện ở thế kỉ III do quá trình đồng hóa của nhà Hán (Trung Quốc) bắt đầu ảnh hưởng lên nước ta, điển hình là cái tên Triệu Thị Trinh với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu năm 248. Nhìn chung, các nhà sử học đều thống nhất rằng, tên đệm bắt đầu phổ biến ở nước ta vào thế kỉ VI. 

Vì sao con trai có tên đệm là Văn? 

Trong xã hội phong kiến, bốn giai cấp phổ biến được sắp xếp theo thứ bậc xem trọng là sĩ, nông, công, thương. Theo đó, giai cấp được tôn trọng nhiều nhất là sĩ. Sĩ được xếp là giai cấp đầu tiên, được xã hội trọng vọng. Sĩ là từ để chỉ tầng lớp trí thức, những người có học có hiểu biết về chữ nghĩa (thầy đồ, thầy thuốc, quan lại, học trò). Vì nhóm người này thường gắn với việc văn vở hay văn thơ nên xã hội quyết định gọi chung là văn, từ đó tên của những cậu con trai khi mới ra đời cũng có chữ lót ở trước tên. Các cô gái không được lót chữ văn vì thời xưa phụ nữ không được xem trọng cho công việc học tập, cá biệt chỉ một vài người đỗ đạt làm quan. Từ đó, tên đệm Văn là sự kì vọng của cha mẹ vào đứa con trai, những mong con mình đỗ đạt để đem tiếng tốt về cho nhà.  

Ngoài ra, từ thời vua Hùng, dân ta đã có tục xăm mình, nhất là vào thời nhà Trần. Văn thân có ý nghĩa là xăm mình, chỉ sự mạnh mẽ và cương trực (theo phong tục xưa). Chữ văn được đặt làm tên đệm cho các cậu con trai cũng vì ý nghĩa đó. 

Vì sao con gái có tên đệm là Thị? 

Chữ Thị xuất phát từ chữ Hán, ý chỉ phụ nữ. Ở đất Bắc (Trung Quốc ngày nay), một phụ nữ lấy chồng sẽ mang họ của người chồng và chữ Thị. Ví dụ: Tô Thị là người phụ nữ đã lấy chồng họ Tô. Qua quá trình đồng hóa tại nước ta, chữ Thị dần trở thành tên đệm. Tuy nhiên, họ của cha sẽ đồng hành cùng chữ Thị và tên của cô gái chứ không phải họ chồng. 

Ngoài ra, chữ Thị còn ám chỉ mùi thơm nhẹ nhàng từ quả thị, với ý nghĩa tôn vinh nét đặc trưng của phụ nữ. Bên cạnh đó, chữ Thị còn mang một ý nghĩa về sự trọng nam khinh nữ. Theo đó, Thị có nghĩa là hắn (nói về một người thứ ba trong cuộc trò chuyện). 

Ngày nay, việc đặt tên đệm là Văn hoặc Thị không còn là điều quá quan trọng đối với nhiều cha mẹ nữa, có cha mẹ còn không muốn có chữ Văn và Thị trong tên của con mình. Nhìn chung, trong mỗi cái tên, người xưa đã khéo léo lồng ghép ước mơ của họ, những mong con cái được rạng danh, có một cuộc sống sung túc hơn.