VĂN HÓA

Vì sao văn hóa đọc sách ở Nhật, Đức, Israel được coi trọng?

Cẩm Chi • 27-04-2023 • Lượt xem: 3891
Vì sao văn hóa đọc sách ở Nhật, Đức, Israel được coi trọng?

Phần lớn người Nhật đọc sách khi đang di chuyển ngoài đường, người dân Đức thích đến thư viện nhiều hơn cả rạp phim và sân vận động, thậm chí niềm tự hào của người Israel là tủ đầy sách và dùng sách để cúng cho người đã khuất.

Không chỉ là những dân tộc đọc sách nhiều nhất thế giới, họ còn nuôi dưỡng việc tự đọc, tự học và rèn luyện trí tuệ hàng ngày, đây chính là nền tảng để mỗi cá nhân góp phần vào sự phát triển kinh tế văn hóa xã hội hùng mạnh của quốc gia.

Nhật Bản – tận dụng thời gian để đọc sách

Một trong những lý do tạo nên những cuộc cách mạng thay đổi Nhật Bản như ngày nay chính là nhờ sự ham đọc của người Nhật. Văn hóa đọc ở Nhật đã được quan tâm từ cách đây hơn 300 năm. Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt đến thúc đẩy văn hóa đọc trong dân chúng. Đây cũng là một trong số rất ít các quốc gia có một đạo luật riêng dành cho việc khuyến đọc. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em tự do đọc sách, ở bất kỳ cơ hội nào và ở bất kỳ đâu.

Người Nhật tận dụng thời gian di chuyển trên tàu ngầm, xe bus để đọc sách

Ngày nay, mỗi năm Nhật Bản xuất bản 43.000 đầu sách. Công nghệ giải trí hiện đại thịnh hành không làm mất đi văn hóa đọc sách truyền thống tại Nhật Bản. Người Nhật vẫn là một trong những dân tộc đọc sách nhiều nhất thế giới (1 người đọc 40 cuốn sách/năm). Chính vì công việc bận rộn và luôn căng thẳng khi ở công sở nên họ tranh thủ đọc sách ở mọi không gian chờ: đường phố, bến xe bus, trên tàu điện ngầm... Thói quen này đã hình thành văn hóa đọc đứng - Tachiyomi. Hình ảnh những người vô gia cư chăm chú đọc sách tại các gầm cầu hay công viên không phải là điều hiếm thấy tại đất nước Nhật Bản.

Ngoài lượng độc giả khá đông đảo của thể loại tiểu thuyết, Nhật Bản còn có các otaku - những người hâm mộ nhiệt huyết với truyện tranh, đến từ nhiều tầng lớp khác nhau. Họ là độc giả của các tạp chí truyện tranh hàng tuần, hàng tháng với các tiểu thuyết nhiều kỳ và số lượng phát hành lên đến vài triệu bản. Nhật Bản cũng là nơi ra đời và phổ biến các loại truyện tranh (manga), tạo nên làn sóng cộng đồng đọc tại quốc gia này và lan rộng trên thế giới.

Đức – món quà giá trị hơn phim ảnh, giải trí

Dù là một cường quốc châu Âu nhưng văn hóa đọc là một nét đặc trưng ở Đức. Hàng năm, quốc gia này có hơn 90.000 cuốn sách mới được xuất bản. Đức cũng là quốc gia có mật độ cửa hàng sách trên đầu người cao nhất thế giới, trung bình 17.000 người Đức thì có một cửa hàng sách.

“Đọc sách” là một một nhu cầu của người Đức. Người dân nơi đây khá trầm lặng, thích yên tĩnh, và họ chọn đọc sách để giải trí hàng ngày: 70% người Đức thích đọc sách, hơn 1/2 người dân mua sách thường xuyên và 1/3 người dân đọc sách mỗi ngày. Rất nhiều người đọc sách trong khi đi lại, dạo chơi trong công viên hoặc ngồi trong quán cà phê. Họ xem sách là một loại “cảo thơm” rất được trân quý trong mọi nhà, và trở thành món quà tặng nhau ý vị và phổ thông nhất sau hoa. Đối với giới trẻ Đức, việc đọc sách cũng được yêu thích như việc uống bia vậy.

Với người Đức, “đọc sách là cội nguồn của sức mạnh và giàu có bền vững” và “một gia đình không có sách chẳng khác gì một ngôi nhà không có cửa sổ”

Ở Đức, nhiều hội chợ sách được tổ chức quanh năm, các thư viện luôn là sự lựa chọn hàng đầu cho những người cần nghiên cứu. Nổi tiếng nhất là hội chợ sách lớn nhất thế giới Frankfurt (Frankfurter Buchmesse), được tổ chức hàng năm vào giữa tháng 10. Với lịch sử 500 năm, Hội chợ sách quốc tế Frankfurt được xem là một trong những sự kiện văn hóa và thương mại quan trọng nhất với sự tham gia của 7.300 nhà triển lãm đến từ hơn 100 quốc gia, nơi cập nhật xu hướng mới nhất của thị trường xuất bản thế giới.

Hội sách lớn nhất thế giới Frankfurt quy tụ hàng ngàn người khắp 5 châu đam mê về sách

Dù là đất nước phát triển về công nghệ, Đức luôn khuyến khích người dân đọc sách in. Thực tế, người Đức thích đọc sách giấy hơn là sử dụng thiết bị đọc sách điện tử. Những năm gần đây, người Đức quan tâm nhiều hơn đến thư viện. Chính quyền nhiều thành phố trích từ ngân sách nhiều khoản kinh phí hơn để chi cho các thư viện. Ở Đức hiện có gần 11.000 thư viện. Điều đặc biệt là người dân Đức đến thư viện nhiều hơn cả rạp phim và sân vận động (năm 2009, chỉ có 70 triệu lượt người Đức đến sân vận động, 146 triệu lượt người đi xem phim nhưng có đến 200 triệu lượt người đến thư viện đọc sách).

Israel – nuôi dưỡng tình yêu sách cho trẻ nhỏ

Israel là quê hương của người Do Thái - dân tộc thông minh nhất thế giới, chiếm hơn 30% chủ nhân giải Nobel của toàn cầu, hơn 1/3 tỷ phú trên thế giới, 20% giáo sư tại các trường đại học hàng đầu, và là nơi sản sinh ra những bộ óc vĩ đại thiên tài như Albert Einstein, Karl Marx, Johann Strauss, tỷ phú Warrant Buffet, George Soros… Và một lý do không thể phủ nhận về sự thành công và nổi tiếng của họ tới từ niềm đam mê đọc sách được nuôi dưỡng từ còn nhỏ.

Ở Israel dân số chỉ hơn 9 triệu người nhưng cứ 4.500 người sẽ có 1 thư viện với các đầu sách cực kỳ quý giá, trong số đó khoảng hơn 1.000 là thư viện công cộng. Đất nước Trung Đông này có hai chỉ số về sách cao nhất thế giới là số lượng sách xuất bản theo đầu người cao nhất thế giới và số người trẻ đọc sách cao nhất thế giới. Người Do thái đọc bình quân 64 cuốn sách/năm. Thậm chí, họ còn đặt các cuốn sách ở nghĩa trang vì họ tin rằng các linh hồn sẽ tiếp tục đọc chúng.

Tủ sách gia đình tạo nên văn hóa truyền thống và trau dồi trí tuệ cho người Do Thái

Điều đặc biệt hơn trong ngày Sabbath - ngày lễ nghỉ ngơi, khi tất cả các hoạt động, từ làm ăn đến vui chơi giải trí đều dừng lại, các cửa hàng đều đóng cửa…thì chỉ duy nhất các nhà sách được mở cửa. Trong những ngày này, mọi người đến nhà sách đông nhất, họ đến đây để yên lặng đọc sách.

Người Do Thái giáo dục con bắt đầu từ những trang sách. Trong mỗi gia đình luôn có 1 tủ sách được truyền từ đời này sang đời khác, được đặt ở vị trí đầu giường để trẻ nhỏ dễ nhìn, dễ thấy từ khi còn nằm nôi. Phụ huynh Do Thái thường nhỏ nước hoa lên sách để tạo mùi hương cho các em chú ý. Khi trẻ bắt đầu hiểu chuyện, nhỏ vài giọt mật lên trang sách, cho trẻ liếm để gieo vào tiềm thức về sự “ngọt ngào” của sách. Mỗi tối họ đọc cho trẻ nghe một vài câu truyện cổ tích, truyện danh nhân, khoa học thường thức. Khi trẻ đọc sách họ tận tâm hướng dẫn, cổ vũ; khi trẻ đã có khả năng đọc tốt, họ trở thành “người cùng đọc”. Cha mẹ thường xuyên dẫn trẻ đi mua sách hoặc đến thư viện.

Cha mẹ Do Thái luôn khuyến khích tình yêu sách trong con trẻ

Ngoài ra, người Do Thái còn khuyến khích việc ứng dụng kiến thức đã đọc trong cuộc sống. Vì vậy, trẻ em Do Thái vừa không ngừng đọc sách tích lũy kiến thức từ nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau đồng thời được thực hành tiết kiệm, kiếm tiền, làm giàu từ nhỏ. Nhờ truyền thống này mà đọc sách đã trở thành một thói quen thường nhật của người Do Thái. Và đó có lẽ chính là yếu tố nền tảng để khiến cho dân tộc Do Thái trở thành một dân tộc có những tố chất đặc biệt về trí tuệ và có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của nhân loại.