VĂN HÓA

Vi vu Hà Nam với các địa điểm nổi tiếng

Diễm Chi • 15-08-2023 • Lượt xem: 1230
Vi vu Hà Nam với các địa điểm nổi tiếng

Hà Nam, một tỉnh tiếp giáp Hà Nội, nằm ở phía Bắc nước ta, không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn có các điểm điểm nổi tiếng như chùa Bà Đanh, nhà Bá Kiến, Địa Tạng Phi Lai và nhà thờ Kẻ Sở là bốn địa điểm nổi tiếng mà khách du lịch không thể bỏ qua khi đến Hà Nam.

Xem thêm:

Các trải nghiệm nên thử ở thung lũng Sonoma

Chùa Bà Đanh 

Có lẽ trong chúng ta ai cũng được ít nhất một lần nghe thấy câu nói “Vắng như chùa Bà Đanh” nhưng lại không biết cụ thể chùa Bà Đanh nằm ở đâu. Cụ thể, chùa Bà Đanh tọa lạc tại thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Bên cạnh cái tên chùa Bà Đanh, ngô chùa này còn được biết đến với một tên gọi khác là Bảo Sơn Tự.

Cái tên Bà Đanh của ngôi chùa xuất phát từ một truyền thuyết xa xưa ở địa phương, để giúp cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng đã thờ nữ thần thiên nhiên và gọi nơi đây là chùa Đức Bà làng Đanh, về sau, người ta gọi tắt là chùa Bà Đanh.

Để đến thăm quan chùa Bà Đanh, du khách có thể di chuyển dọc theo quốc lộ 1 từ Hà Nội tới thành phố Phủ Lý, rẽ phải qua cầu Hồng Phú, di chuyển trên quốc lộ 21 một đoạn khoảng 10km đến cầu Cấm Sơn là đến nơi. 

Có thể nói, chùa Bà Đanh có một lịch sử tồn tại khá lâu đời khi được xây dựng vào thế kỉ VII. Ban đầu, chùa có diện tích khá nhỏ, mãi về sau đến thời của Lê Thánh Tông thì chùa mới được tân trang và mở rộng như bây giờ. Một trong những điểm thu hút khách du lịch nơi đây có lẽ chính là những khối kiến trúc dân gian độc đáo được xây dựng một cách tỉ mỉ với gần 40 gian nhà lớn nhỏ. Nhà Trung đường của ngôn chùa được thế kế với 5 gian liền kề với bái đường. Các cây cột trụ và tường ở đây được thiết kế vuông vức dưới dạng hình vuông, tạo một cảm giác chắc chắn nhưng không kém phần tinh xảo. 

Tương tự với những ngôi chùa khác, chùa Bà Đanh thờ các vị phật và các vị quan như Nam Tào, Bắc Đẩu. Bên cạnh đó, chùa Bà Đanh cũng thờ Tứ Pháp, tín ngưỡng của Tứ Phủ, bao gồm: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện.

Chắc hẳn du khách cũng có những thắc mắc vì sao lại “Vắng như chùa bà Đanh”, theo ý kiến của nhiều người thì có nhiều lí do lý giải cho vấn đề này, cụ thể, ngày xưa, chùa Bà Đanh tọa lại tại nơi có vị thế khó khăn, hiểm trở, bao quanh là rừng và sông, lối đi độc đạo, cách xa khu dân cư lại có thú dữ nên ít ai dám đến đây để hành hương. 

Tính đến thời điểm hiện tại, chùa Bà Đanh có lịch sử phát triển hàng trăm năm tuổi, được bao quanh bởi một không gian thơ mộng, hữu tình, bình yên, nhưng ít ai biết rằng trong quá khứ chùa Bà Đanh cũng từng là “căn cứ địa” cho kháng chiến. 

Trong giai đoạn từ năm 1946 - 1950, chùa Bà Đanh là đầu não của cách mạng, nơi các chiến sĩ tập luyện du kích, đóng quân.

Có dịp đến đây vào tháng 2 âm lịch hằng năm, du khách sẽ có cơ hội tham gia lễ hội Bà Đanh Ngọc Sơn Kim Bảng Hà Nam. Có thể nói, đây là một sự kiện được tổ chức nhằm tôn vinh và cảm ơn Đức Bà đã phù hộ, thu hút sự tham gia đông đảo của khách du lịch và người dân địa phương.

Vương cung thánh đường Sở Kiện

Với lối xây dựng kết hợp kiến trúc Đông Tây, vương cung thánh đường Sở Kiện, hay còn gọi là nhà thờ Kẻ Sở, là một trong bốn tiểu vương cung thánh đường trong khoảng 6000 nhà thờ tọa lạc tại Việt Nam. 

Cái tên Sở Kiện là sự kết của tên gọi làng Sở (Ninh Phú) chuyên về làm ruộng và làng Kiện (Kiện Khê) chuyên làm buôn bán và nung vôi.

Được xây dựng vào từ tháng 10/1877 và hoàn thành vào năm 1882, vương cung thánh đường Sở Kiện tọa lại tại Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Mãi đến năm 1990, nhà thờ mới được trùng tu lần đầu tiên.

Mặt trước nhà thờ mang những nét đặc trưng của lối kiến trúc Gothic. Bên trong được xây dựng với mái vòm cao vút cổ điển của phương Tây. Các ô của kính màu xung quanh cũng được trang trí bằng tranh vẽ của các vị thần thánh hoặc các sự kiện diễn ra trong kinh thánh. Các khu vực cung thánh và bàn thờ được điêu khắc và chạm trổ một cách tỉ mỉ, tinh xảo, mang đậm phong cách truyền thống Việt Nam.

Một trong những khu vực kiến trúc nổi bật của nhà thờ thu hút nhiều sự chú ý của du khách phải kể đến ngọn tháp cao treo 4 quả chuông. 4 quả chuông này được thiết kế mang 4 âm sắc khác nhau lần lượt là đố-mi-son-đồ. 

Tuy nhiên, vì được xây dựng trên một cái đầm lớn nên toàn bộ móng và nền của nhà thờ đều được dùng gỗ lim để chống lún. Có thể nói, nhà thờ có không gian khá rộng lớn với chiều dài 67,2m, rộng 31,2m và cao 23,2m, sức chứa là 4.000 - 5.000 người.

Trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, vương cung thánh đường Sở Kiện đã được vinh danh là chiếc nôi của hai thánh từ đạo là linh mục Phê-rô Trương Văn Thi và thầy giảng Phê-rô Trương Văn Đường. Và đây cũng chính là nơi cất giữ và lưu trữ nhiều di tích thánh.

Chùa Địa Tạng Phi Lai

Cách Hà Nội 70km, nằm ẩn mình trong khoảng không gian rừng thông rộng lớn là hình ảnh ngôi chùa Địa Tạng Phi Lai cổ kính toát lên một vẻ đẹp trang nghiêm và thanh tịnh. 

Ngoài cái tên Địa Tạng Phi Lai với hàm nghĩa Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát luôn luôn đến nơi này, cũng có thể không bao giờ đến nơi này, ngôi chùa còn được gọi với tên nôm là chùa Đùng.

Được biết, ngôi chùa tọa lạc trên một ngọn đồi với không gian rộng rãi và bằng phẳng tại thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Với tầm nhìn hướng ra những cánh đồng lúa chín, ngôi chùa sở hữu địa thế phong thuỷ, được bao bọc bởi hai dãy núi có hình thế tả thanh long, hữu bạch hổ với nhiều cổ vật mang tính lịch sử.

Chùa Đùng được hình thành vào thế kỷ XI với quy mô rộng lớn, hơn 100 gian. 

Có dịp đến thăm chùa, du khách sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng tận mắt hình ảnh hài pho tượng Hộ Pháp Kim Cang khổng lồ, phần sân và không gian xung quanh chùa được lót bằng sỏi màu trắng. Có thể nói, ở đây, sỏi trắng mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt mà chùa muốn gửi gắm, đó chính là sự thiền định. 

Các vườn trái cây, thảo dược, thuốc chữa bệnh,... xung quanh chùa được các nhà sư và người dân chăm sóc một cách hết sức tỉ mỉ, tạo một không gian xanh mát và tươi tốt.

Nhìn từ xa, ngôi chùa toát lên một vẻ đẹp thanh tịnh và thoát tục với cách bố trí và sắp xếp hết sức độc đáo. Về quy mô, chùa có Tam bảo, nhà thờ tổ, nơi thờ Đức Thánh hiền, Đức Ông, giảng đường, nhà khách, nhà ở và nơi ở của các phật tử. 

Bên cạnh các tòa điện nhỏ dùng để thờ các vị phật như Quan Thế Âm Bồ Tát, Đức Ông, Đức Thánh hiền,... bên cạnh tòa Tam Bảo còn là nơi thờ tự của 42 đời tổ sư từng trụ trì tại chùa. 

Không chỉ là nơi gửi gắm niềm tin và tín ngưỡng, chùa Đùng còn là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân địa phương. Chỉ cần đặt chân đến nơi đây, mọi việc mệt mỏi và căng thẳng trong cuộc sống đều được tạm gác lại, thay vào đó là một cảm giác hết sức bình yên và thư thái. 

Chùa Đùng còn là thiên đường cho những người yêu thích đọc sách, nuôi dưỡng tâm hồn với số lượng sách phủ kín các bức tường. 

Nhà Bá Kiến

Có lẽ trong chúng ta, ai cũng biết đến hình tượng nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao. Theo tác giả, Bá Kiến là một nhân vật được xây dựng dựa trên một nguyên mẫu có thật, ngôi nhà của nhân vật này đến nay vẫn còn tồn tại, hiện tọa lạc tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam.

Trải qua 7 đời chủ, tính đến thời điểm hiện tại, nhà Bá Kiến có tuổi đời lên đến hàng trăm năm, nằm gọn trong một khu đất rộng khoảng 900m2 tại làng Đại Hoàng, hay còn được biết đến với tên gọi thân quen là làng Vũ Đại. 

Nhà Bá Kiến được xây với lối kiến trúc 3 gian truyền thống, 4 hàng cột với tổng cộng 16 cây cột lim, chân cột kê những hòn đá tảng được đẽo gọt một cách công phu. Được biết, người đã xây căn nhà này cũng như chủ nhân đầu tiên chính là cụ Trần Duy Hanh, một lái buôn hết sức giàu có. 

Vào đầu thế kỷ 19, trong quá trình xây dựng, do chưa có xi măng nên người ta phải trộn mật mía, bồ hóng vào vôi, thêm một số chất phụ gia khác để tạo thành một hỗn hợp hồ kính dính. Gạch dùng để lót và xây tường được nung bằng rơm nên khá bền, dù đã trải qua một khoảng thời gian dài nhưng các bức tường vẫn được giữ ở trạng thái khá tốt và không có dấu hiệu bong tróc.

Được xây dựng khá kỳ công và nhận được sự ngưỡng mộ của bà con lúc bấy giờ trong vùng là thế, tuy nhiên khi được truyền đến đời thứ ba, ngôi nhà đã bị gán nợ cho Bá Bính - nguyên mẫu Bá Kiến của tác phẩm “Chí Phèo”.

Sau Bá Bính, ngôi nhà cũng được sở hữu bởi nhiều đời chủ khác nhau. Mãi đến sau này, tháng 11/2007, ngôi nhà được Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nam mua lại với giá 700 triệu đồng và bàn giao cho Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Lý Nhân quản lý.