Duyên Dáng Việt Nam

Huyền thoại mới về Độc trúy cầm

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 12-05-2020 • Lượt xem: 4801
Huyền thoại mới về Độc trúy cầm

Cuộc sống và người nghệ sĩ thường "xoắn" vào nhau trong những sáng tác, hành hiệp. Con đường sáng tạo đi tới tìm kiếm cái đẹp đã khiến họ để lại nhiều dấu chân, lưu lại nhiều giai thoại thú vị. Năm 2013 tôi viết truyện ngắn "Độc trúy cầm". Con trủy thủ của Kinh Kha sang Tần ngang sông Vệ thế kỷ nào bỗng được mượn để hóa thân thành huyền thoại mới về nghệ sĩ giang hồ...

Tin và bài liên quan:  

Về B’lao, tìm ‘quái nhân’ Sơn núi (Kỳ 1)

Joseph Huỳnh Văn, thơ là cái đẹp không bạo lực

Hình tượng mới hay truyện ngắn 'Độc trúy cầm'

Tôi đọc sử ký Tư Mã Thiên. Đoạn viết về Kinh Kha sang Tần tiễn nhau ở sông Dịch hay, lạnh và quá tàn bạo. Tuy nhiên, tôi vẫn hoài nghi về con chủy thủ của Kinh Kha. Chẳng biết nó là món gì? Sử dụng ra sao? Mơ mơ hồ hồ chẳng rõ ràng. Người thì viết nó là một con dao nhỏ. Kẻ thì cho rằng nó là ngón nghề độc, quyền cước chỉ một mình mình nắm. Cũng có thuyết viết, trủy thủ là đúc kết riêng của bản thân về các tàng pháp. Giang hồ lâu năm học được các đòn ngón vô chiêu thiên hạ mà tổng hợp lại. Khi đó thì chỉ một giọt mưa thổi bay cũng làm mù mắt đối thủ. Một cái búng tay hợp tung cũng đủ đi đứt sóng mũi. Không binh pháp nào giải thích được cặn kẽ điều đó. Chỉ có những kẻ xa luân pháp tu tập tích lũy cương thường biến hóa, chuyển điệu mà thành thôi!...

Vài hình ảnh nghiên cứu về con trủy thủ thời xưa (Ảnh tư liệu Intenet)

Vì thế truyện này vẫn nghiêng về thuyết "độc trủy" là bí mật thâu lượm từ các tàng pháp. Là con dao riêng công phá vào giới mưa máu tanh lòng.
Giao là một giang hồ văn chương. Y độc thủ hai món đàn guitare và hát thơ. Cuộc đời y được viết bằng những giai thoại đẹp, phiêu lãng và bất định.
Cuộc sống Giao cũng không kém cay đắng. Nhiều nữa là đằng khác. Và từ đây Giao lượm nhặt những hạt máu vương vãi để luyện tâm. Hơn thế, năm mươi năm phiêu bạt chốn giang hồ Giao còn tích lũy vô số nước mắt, nỗi đau thiên hạ. Để rồi y luyện thành ngón đàn của mình. Và những lúc thoi thóp nhất cũng chính là lúc y xuất chiêu hay nhất! Ngón múa rì rào gió mưa. Những búng, chặt, chắn, vẩy, móc, vuốt, reo, âm ba, âm tư... lâm ly huyền hồ. Không hiểu tại sao y có thể "độc trủy" cùng lúc mọi chiêu thức ve vuốt và cuồng nộ như vậy...

Giai thoại kể một lần xung trận giang hồ, Giao trọng thương nặng. Y bất tỉnh nằm ba ngày ba đêm. Bạn bè tưởng y đã chết. Nhưng không! Y đã thu hết sức tàn lực kiệt nương theo hạt mưa mà đi! Y móc hồn mình treo ngược mà lăn, hóa theo nó. Hạt mưa nhún nhẩy, tung xối reo ca khải thiên giữa vũ trụ. Giao cũng tưng bừng mà hòa điệu. Lúc đầu chỉ một hai nhịp gượng gạo nhưng sau đó tăng dần rập rềnh như vũ hội. Giao tách ra khỏi cái xác bị thương, quan sát hồn đang trôi qua những cánh rừng già, vào một ngôi chùa cổ, qua một sa mạc cháy khát... Y cuộn hồn sâu vào giữa hạt nước và thấy vô cùng chật chội cố mãi mới được. Cả hai bị lửa táp hừng hực như trong lò bát quái. Hạt nước bị xén mỏng đi nhưng nhờ sự uyển chuyển linh diệu mà bắn ra. Cuối cùng giọt mưa lăn thốc vào hốc mũi Giao. Y ngứa mũi bất thần hắt xì mà tỉnh dậy! Vậy đó! Nhờ bầu bạn với hạt mưa mà y thoát chết khi qua ngày thứ tư...

*

Giao đánh đàn quỷ khốc thần sầu. Đặc biệt là kỹ thuật ngón guitare classic và flamenco. Người ta thường thấy các ngón của Giao không theo bất cứ một quy tắc nào. Kinh điển, cổ điển hay hiện điển. Bài hát đi qua lòng Giao u sầu như sa mạc hóa. Các ngón tay chuyển động theo tâm thức. Nương tựa vào gió mây thổ lộ tâm trạng. Học trò giang hồ của Giao rất đông. Thường rất ít khi thấy Giao cầm đàn. Những ngón "độc trủy" của y do thiên hạ đồn đãi mà thành. Và người đời thường luận về y qua ngón của đám đệ tử Giao chứ ít ai thấy được ngón Giao chơi.

Nhạc sĩ Vũ Ngọc Giao và bé Bo. Thị trấn Xuân Lộc xuân 2013 (Ảnh: Lương Tạ Kinh Luân)

Theo đúng hẹn, tôi đến tham dự một buổi văn nghệ trà dư tửu hậu của một văn nhân tỉnh lẻ. Anh cũng là người có viết lách nhưng hầu hết không xuất bản. Bản thảo chép lại chỉ gửi cho bạn bè thân đọc chơi. Những câu thơ như gió, như mây cợt đùa sương tuyết. Đây cũng là mùa xuân đầu tiên tôi xa nhà nên cũng nhiều tâm trạng.
Tệ xá người bạn nằm dưới chân đồi của một huyện miền núi xa ngút. Trên đường lưu thông Bắc Nam. Vì thế còn có tên thị trấn giữa đàng. Tôi cũng tự hỏi cơ duyên nào mình được tới đây? Thị trấn giữa đàng hay Tuyệt Tình cốc của giới giang hồ.

Trong tiệc rượu có hai thầy trò. Một già một trẻ. Người thanh niên có vẻ đẹp phong trần chơi đàn rất hay. Ngón độc huyền lả lướt. Làm tất cả những ai tham gia tiệc rượu đều xao xuyến. Mỗi bài solo như đưa tâm hồn người nghe về một miền ký ức xa xăm thực hư. Như đã từng đến. Như đã từng bay qua của cõi đời mình. Riêng người đàn ông già mặt vẫn bình thản vô sự. Trầm mặc hệt dòng nước.

Tôi để ý bàn tay ông. Ngón ngắn, cụt ngủn. Chưa có bàn tay nào xấu thế.
- "Ông có nghe trong giang hồ nói về một cao thủ guitare tên là Giao không? Người bạn nói: Y đấy!..."
Giao là đây sao? Tôi tìm mọi cách tiếp cận với Giao. Nhưng ông không nói. Chỉ cười cười.
Tôi phát hiện ra người đàn ông câm.
Không phải bẩm sinh. Cũng không vì do tai nạn.

Mà người đàn ông tự cắt lưỡi của mình.

Thì ra ngón "độc trủy" thượng đẳng của người đàn ông nức tiếng giang hồ là tình nguyện câm lặng miên viễn để cây đàn thay mình cất lên tiếng nói.
Khi tắt tiếng lòng mình, bạn sẽ nghe được cây đàn muôn điệu réo rắt trong vũ trụ huyền hồ xa xôi...


Xuân Lộc, mồng 6 Tết, Uống rượu với anh Vũ Ngọc Giao tại nhà Lương Tạ Kinh Luân, 2013

Thi sĩ, nhạc sĩ, guitarist Vũ Ngọc Giao

Và chân dung người nghệ sĩ giang hồ 

Thỉnh thoảng gặp anh Vũ Ngọc Giao như cánh chim giang hồ. Có chặng bạt gió, loay hoay hơn cả chục năm anh em mới có dịp ngồi trà đạo với nhau. Như sáng nay, tại một hiên trà Thiên An sau chợ Trương Minh Giảng - Sài Gòn.

Ngày xưa thi sĩ Bùi Giáng cũng ở trọ gần đây. Hình như trong một bài viết của nhà báo Nguyễn Ngu Ý nói nhà văn Mai Thảo cũng ở gần khu chợ này nữa. Còn xeo xéo phía trước cái chợ ồn ào bị khuất kia là đại học Vạn Hạnh. Nơi thường xuyên lui tới của các bậc tài hoa Phạm Công Thiện, Tuệ Sĩ, Nhất Hạnh… Đó là nói những thoang thoáng nhớ của tôi về cái sự đọc của một thời văn hóa Sải Gòn tan tác đã mất. Và buổi sáng nay, tuần trà thơ với thi sĩ, nhạc sĩ Vũ Ngọc Giao vây giữa “chợ huyền thoại” hoặc không đáng thú vị lắm sao?

Ừ, mà thấy Sài Gòn rộng lớn thật. Người xe ngược xuôi đông đảo. Giao vẫn vậy. Gã lãng tử bầu rượu tứ thơ ngược chiều gió bụi. Trên vai anh bây giờ là cây đàn guitar cũ. Anh có thể giang hồ bất cứ khi nào và cũng có thể hát bất cứ khi nào. Mặc thời gian như hoàng hôn nhẹ nhàng buông chùng mạng nhện có, không trước mắt… Mà lạ! Thời gian vẫn một màu trắng mông lung anh Giao nhỉ? Từ ngày còn trẻ khi tôi mới bước chân vào đại học và bây giờ đã 30 năm, liệu có gì khác nhau?

Hương trà thơm làm ôi nhớ lại tháng ngày đẹp nhất của tuổi trẻ, thời còn sinh viên. Dạo ấy, rời Thủ Đức sau khi học xong năm đầu, năm thứ hai chúng tôi chuyển về Sài Gòn. Tôi vẫn theo ngành sử miệt mài thư tịch cổ. Những bài thơ, bản nhạc tôi viết vẫn để đó, ấp vào sổ tay, xem ra không có ăn nhập gì với cái ngành mình đang theo học ở Đại học Tổng hợp. Xem ra cuộc đời định hướng, lựa chọn và đưa đẩy là quá khác nhau. Để buông trôi! Sau này tôi nghiệm thấy cuộc đời Vũ Ngọc Giao chính là rong chơi.

Lại nhớ kỷ niệm. Tôi cùng mấy đứa bạn ở trọ trong con hẻm nhỏ sau lưng cảng Ba Son. Một sớm, đang ngủ nướng vì thức khuya, bỗng thấy ai lay lay vai: “Dậy dậy, Minh ơi! Có anh nào đến tìm kìa…”.

Lúc đó vẫn còn sớm lắm. Tôi mắt nhắm, mắt mở lơ mơ, tính ngủ nướng, mặc kệ ai nhưng mấy chữ cuối “anh Giao tới chơi” làm tôi tỉnh hẳn. Ồ, thực không, Che Guevara? Đúng vậy, đó là nhà thơ, nhạc sĩ Vũ Ngọc Giao.

Chúng tôi gọi Giao là Che Guevara vì anh nhìn rất đẹp. Dáng dong dỏng, cao bồi, chịu chơi. Luôn đội một chiếc mũ bê rê nghiêng nghiêng và mặc bộ đồ jean màu đen rất ấn tượng. Đặc biệt những ngón tay anh suông dài. Bàn tay của một nghệ sĩ guitar thứ thiệt. Anh là người gầy dựng Câu lạc bộ guitar cổ điển Phú Nhuận, phổ thơ và viết rất nhiều ca khúc được các bạn trẻ thời đó yêu thích. Đặc biệt, sinh viên Đại học Tổng hợp giai đoạn này ai cũng thuộc bài hát anh phổ thơ Nguyễn Đăng Trình với những ca từ đẹp “Ngang qua cổng trường Tổng hợp/ Nhơ nhớ cái thời sinh viên/ Mắt ai nhìn ra cửa lớp/ Nắng chiều nhảy nhót ngoài hiên/ Ngang qua cổng trường Tổng hợp/ Tiêng tiếc cuộc tình Văn khoa/ Em giấu sau hàng mi chớp/ Ta tìm một đời chẳng ra”…

Hai anh em chúng tôi cùng đạp xe đi uống cà phê ở một quán đối diện đài truyền hình trên đường Đinh Tiên Hoàng. Dạo đó, tôi in nhiều thơ trên tạp chí Văn. Anh Giao đọc rất kỹ và góp ý những bài được, câu hay. Tôi còn nhớ anh thích mấy câu trong bài thơ dài “Hòn Khói” của tôi viết tặng Quốc Sinh “Ở đó câu thơ dấu chân về đã bị xóa đi/ Khói vây bủa tôi không dứt/ Gương mặt bạn rượu sáng, ánh lên/ Chúng ta quên một ngày tím tái/ Chúng ta dự cảm những điều không bình thường đang trờ lại…”

Cuộc sống này phải chăng được cấu trúc hay vây đặc những điều không bình thường, bất thường? Những điều an lành, tốt đẹp quá ít ỏi? Đến tận cùng những chân suy nghĩ về nhau cũng vậy. Đố kỵ, nghi hoặc và chia rẽ. Và mỗi chúng ta như những con cá len lỏi bơi qua nó như bơi qua những mắt lưới, những vùng biển đen tối. Nghệ thuật chỉ là ánh chớp của hy vọng. Thi ca hay âm nhạc chỉ là những chấm sáng vụt hiện rồi biến mất trên một dải đen đặc hoang vu không tín hiệu. Người nghệ sĩ đi trên giai điệu hay ngôn ngữ chông chênh hư thực. Lời thơ và tiếng hát là niềm chứng một niềm hy vọng.

Sau câu chuyện cà phê, hai anh em chúng tôi chia tay nhau. Tôi sẽ băng qua bên kia đường để vào giảng đường. Ngoái lại, vẫn thấy bóng Giao Che Guevara nghệ sĩ kiêu hãnh bước đi phía trước…

Vũ Ngọc Giao đang chơi đàn

Tôi đã từng viết một truyện ngắn có tên “Độc Trúy cầm” để tặng Vũ Ngọc Giao. Mỗi người đều có một độc trúy, độc thủ của riêng mình để đi trong cuộc đời. Trong nghệ thuật xa xôi, cô đơn càng phải như vậy!

Vũ Ngọc Giao phổ nhạc rất hay. Ca khúc nỗi niềm tôi nhớ là “Người đàn ông mắt buồn” thơ Đỗ Trung Quân. “Ở đâu đó trong hồn một điệu ru buồn bã/ Người đàn ông mắt buồn/ Một hôm không còn thơ ấu/ Những chiều ngồi lặng im/ Nhìn hoàng hôn rơi ngoài ngõ/ Người đàn ông mắt buồn/ Ngủ im hay là đang chết?”.

Cuối mùa của tuổi bốn mươi tôi hôm nay, tình cờ gặp lại Giao. Những ngón tay anh vẫn bình thản lướt trên cần đàn một khúc romance.

Con đường vẫn trải dài hoang vu bất tận. Tiếng đàn xao xác…

Hình như giữa chúng tôi mỗi thân phận vẫn đang loay hoay tìm ý nghĩa cuộc tồn tại của mình. Dù biết khi biến mất khỏi cuộc chơi này điều đó vẫn chỉ là niềm hy vọng. Vậy tại sao không dùng tiếng hát, giai điệu làm điều cứu rỗi?

Người đàn ông ngồi trước mặt tôi mắt quá buồn. Y đang ngủ im hay là đang chết?

Nguyễn Hữu Hồng Minh