Thơ, kỳ lạ lắm! Bạn không thể lý giải vì sao thuộc một bài thơ hay yêu một câu thơ. Đôi khi đọc một Trường ca hay Truyện thơ dài công phu nhưng rốt cuộc... quên sạch! Đôi khi trí nhớ đeo bám mãi một câu thơ... vô danh! Bạn hãy thử cùng tôi đọc câu thơ "Cầm hân hoan trên những ngón linh hồn"... Có thể bạn sẽ nhớ nó đấy!...
Tin và bài liên quan:
Lê Quý Nghi, nhà thơ và ngón tay thơ
Một thưở chưa xa hoang đường và đẹp đẽ - Tùy bút
Giới thiệu thơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga: Cuộc xanh quyến rũ
Thoắt cái, bao phù dung dâu bể tan biến hết chỉ còn thấy ý nghĩa tồn tại một giây phút thăng hoa sáng tạo cạn kiệt một hai câu thơ. "Hân hoan cầm những ngón linh hồn" của Lê Quý Nghi là một câu thơ hoang lộng, kỳ dị, ma quái như vậy.
1. Thi sĩ, người miên viễn đi tìm cái đẹp vĩnh cửu của thời gian. Thơ chỉ là những hạt ngọc ngôn ngữ ký thác vẻ đẹp ấy. Đọc tập thơ Hoa Không Mùa của Lê Quý Nghi tôi đột nhiên trở về với những định nghĩa cổ điển của thơ. Những định nghĩa và quan niệm mà từ lâu tôi ngỡ đã chết trong cái nhìn quy chiếu của chủ nghĩa Hậu hiện đạị(Postmodernism). Bởi cho dù cuộc sống có thay đổi khốc liệt thế nào đi nữa, cuộc kiếm tìm và giấc mơ khao khát sự bất tử của tha nhân quay quắt gấp bội phần chăng nữa, thì nói như Hermann Hesse, nhà văn, nhà thơ Đức, đoạt giải Nobel 1946: "Mỗi bông hoa đều mong ngày kết trái / Mỗi ban mai đều muốn đến chiều tà / Trái đất này chẳng có gì vĩnh cửu / Chỉ đổi thay, chỉ là sự thoáng qua…".
"Một vé khứ hồi Prô-mê-tê đi vào vĩnh cửu" - Tranh họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn
Tôi lấy minh chứng về Hermann Hesse, một nhà văn lớn mà tôi, nhiều bạn bè thế hệ và Lê Quý Nghi yêu quý, bởi qua hiển dụ của ông, đã cho thấy sự "vượt rào", "vượt lá chắn" ngoạn mục của nghệ thuật: là một tác giả quan trọng của văn học Đức nhưng chính ông lại mang quốc tịch Thụy Sĩ, là nhà văn đoạt giải Nobel văn chương nhưng thi ca của ông lại đồng hành cùng thời gian. Nhiều tác phẩm như Câu chuyện dòng sông, Nhà khổ hạnh và gã lang thang… của ông đã được cả bạn đọc phương Tây và phương Đông yêu thích. Một tác giả lớn tạo kích cỡ trong mọi thời. Họ thuộc về tất cả nhưng cũng không thuộc về ai. Hậu hiện đại còn mang nghĩa vượt, chấp và chiến thắng mọi Tiền - Bán - Thời đại. Một vé khứ hồi Prô-mê-tê đi vào vĩnh cửu. Bạn đọc xuyên qua lòng tác phẩm mang theo về nhiều ánh lửa. Nghệ thuật đích thực xóa bỏ mọi biên giới và tình yêu nghệ thuật lại càng không có ranh giới.
2. Lê Quý Nghi thuộc lớp thi sĩ xem trọng phần hồn hơn phần xác. Chữ nghĩa đối với anh là sự xác tín hôm qua, hôm nay với tương lai. Anh tin vào mẩu tự linh ẩn. Tin vào cái không thuộc về mình. Thường thì tôi thấy con người ta sống được bởi dám tin vào sự ngu ngơ của mình. Ngu ngơ làm thơ. Ngu ngơ dám chắc mình đang mang mặc lãnh một đặc trách thiên sứ nào đó. Nhà thơ chẳng hạn! Đó là một phẩm chất cao quý.
Như tôi đã nói, Nghi chỉ tin vào nghệ thuật cổ điển. Anh náu vào hình thức cổ (lục bát, năm chữ, tứ tuyệt…) để treo lên đó dáng vẻ ngây ngơ nhưng đầy thiêng liêng của tâm hồn mình. "Sóng sánh rượu, sóng sánh trăng / Một mình mình rót cho tràn niềm đau…". Và: "Chén này rót nữa mù khơi / Trập trùng ngọn sóng chơi vơi mái thuyền / Giũ đời trắng cõi phù sinh / Còn vương lãng đãng chút tình thu đông…".
Tôi là một người viết "tuyên chiến" nhiều vì cái mới, cách tân triệt để Thi ca, nhưng đọc những bài thơ "cổ" của Nghi vẫn thấy còn nhiều cảm động lắm. Có lẽ tôi đã tìm thấy trong sự đọc ấy tuổi trẻ của chúng tôi, tình bạn của chúng tôi. Vì thế, tôi muốn gọi Hoa Không Mùa là tập thơ của tình yêu nghệ thuật và Lê Quý Nghi chỉ là một "tội đồ chữ nghĩa" muốn tử vì đạo.
Thi sĩ Lê Quý Nghi và Dịch giả Nguyễn Tiến Văn đang đối ẩm.
Không mùa là bao lâu? Không thời gian chăng? Có chứ! Thoắt cái, Nghi đã có hơn hai mươi năm đam mê và làm thơ. Thoắt cái, chúng tôi, những sinh viên một thế hệ của Sài Gòn ngày ấy, lớp của Ly Hoàng Ly, Quốc Sinh, Minh Trường, Thanh Hà, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Lý Thành Tâm, Nguyễn Đức Hiển, Đàm Hà Phú, Nguyễn Hữu Huy Nhựt… bên cạnh ước mơ thi ca đã thấm nặng gánh nợ cơm áo. Thoắt cái, bao phù dung dâu bể tan biến hết chỉ còn thấy ý nghĩa tồn tại một giây phút thăng hoa sáng tạo cạn kiệt một hai câu thơ. "Hân hoan cầm những ngón linh hồn" của Lê Quý Nghi là một câu thơ hoang lộng, kỳ dị, ma quái như vậy. Bao nhiêu chữ nghĩa qua cầu tâm linh cũng là bấy nhiêu sạt lở mục đích, khát vọng sống. Thơ đành đoạn thơ, ngày tháng đành đoạn ngày tháng. Không thể kể hết những kỷ niệm của chúng tôi những khuya Thị Nghè, những chiều Nhiêu Lộc… Những đêm nhà trọ là thiên đường sáng tạo. Và Sài Gòn chật kín những dự tưởng phóng đãng không thể nào giải thích. Ngày ấy, thơ là toàn bích. Cuộc sống, như Nghi viết “trang thơ mở đón gió tràn” và ngoài thi ca ra mọi thứ không đáng kể, là “hồn ngăn ngắt lạnh trong mưa”… Nghi viết không nhiều và cũng chưa nhiều bài hay nhưng quả thật anh đã có những câu thơ nở chật linh hồn như một số câu tôi trích dẫn trên.
Bìa thi phẩm "Hoa không mùa" của Lê Quý Nghi "Cầm hân hoan trên những ngón linh hồn".
3. Lại nói về Hermann Hesse. Những ngày ấy chúng tôi đọc nhiều sách của ông và nhiều tác giả khác. Từ Tuổi trẻ và cô đơn đến Sói đồng hoang mở ra một thế giới mới trong tình yêu của chúng tôi. Khao khát được sáng tạo, với Lê Quý Nghi “miền ký ức xanh xao” luôn bật sáng với cần ăng-ten nhạy cảm, rung động:“Chưa kịp gửi vào thu vài nốt lá / đã nghe rét mướt chuyển bờ đông”. Hành trình tìm kiếm chính mình. Trở về với bản ngã. Những bài hay của Nghi như Hoa không mùa, Niệm khúc tháng Năm… được nhiều bạn thơ chia xẻ. Thơ hay văn chương ký thác tâm sự của chính mình. Những "ngón linh hồn" hay những ngón đen của một bàn tay quỷ bấu nanh vuốt “hân hoan” dẫn lối về của một tội đồ chữ nghĩa. Bởi thế, hay, không hay đâu còn là vấn đề của tình yêu nữa. Mà ở đó có chăng là tấm lòng, và như thơ Nghi viết "Dặm mòn thếch thễu đường thơ". Đứa con của tình yêu bao giờ cũng là một nhân chứng. Đứa con tình yêu không có tội!
Tôi muốn kết bài viết này cũng bằng một câu thơ trĩu chất dự cảm của Lê Quý Nghi. Trong ngọn gió xốn xang bất tận hoài niệm của Hoa Không Mùa:
"Ta đi nghe lạc từ trong tháng ngày…"
Thi sĩ lạc vào giữa mùa hoa hư ảo? Hay giấc mộng thơ là đóa hoa hư ảo lung lay ngày tháng?
"Thi sĩ lạc vào hư ảo" - Dại khờ - Tranh của họa sĩ Huỷnh Lê Nhật Tấn
Một nhà thơ có thể tận hiến cả cuộc đời mình cho cái đẹp và chính vẻ đẹp ấy “nuốt chửng” y. Ngoài thơ ra, y không còn đủ thời gian để làm bất cứ chuyện gì!
Nhưng làm thơ và mãi mãi làm được thơ là hạnh phúc lớn rồi, Nghi! Dám nghĩ đâu còn kỳ duyên nào lớn hơn thế…
Và chàng thơ không còn thuộc về thời hôm nay. Thời của vẻ đẹp lạnh tanh, dưng dưng, phức cảm và hỗn ngôn và hỗn độn. Thời của Post-modernism. Nhưng biết đâu chính điều anh tin, anh nương náu lại đang là vẻ đẹp hiển nhiên, mãi mãi là quy luật, nói như Hermann Hesse: "Mỗi ban mai đều muốn đến chiều tà" và tất cả đều "đổi thay, chỉ là sự thoáng qua"…
Nguyễn Hữu Hồng Minh