Duyên Dáng Việt Nam

Có nên cho trẻ tiền tiêu vặt? (Kỳ III)

Hoa Hà • 30-10-2020 • Lượt xem: 610
Có nên cho trẻ tiền tiêu vặt? (Kỳ III)

Các chuyên gia trên thế giới nhận định rằng cho trẻ tiền tiêu vặt và dạy chúng chi tiêu là một cách thông minh để giúp chúng có thể quản lý tài chính tốt sau này. Thế nhưng, thực tế là người Việt Nam rất ngại và ít dạy con về tiền bạc. Khác với trẻ em Việt Nam, trẻ em nhiều nước trên thế giới được tiếp xúc với tiền từ rất sớm, chúng được dạy về cách lập kế hoạch chi tiêu, về tiết kiệm tiền và cách tạo ra đồng tiền.

Tin, bài liên quan:

Có nên cho trẻ tiền tiêu vặt? (Kỳ I)

Có nên cho trẻ tiền tiêu vặt? (Kỳ II)

Hãy cùng xem và học hỏi các bà mẹ phương Tây dạy con như thế nào nhé!

Nhật: Tiền là có hạn định

Ở đất nước mặt trời mọc này, con cái được cho tiền từ rất sớm. Ngay từ lớp mẫu giáo, trẻ em Nhật đã được cho 50-70 yên/ngày. Lên bậc tiểu học, các bé được cho tiền tiêu vặt vào hàng tháng, khoảng 1000 và bậc trung học cơ sở là từ 5000-8000 yên/ tháng.

Số tiền tiêu vặt của trẻ em Nhật được cấp từ đầu tháng, vào ngày đầu tiên của tháng mới và lặp lại duy nhất ngày đó trong các tháng tiếp theo.

Bằng cách này, cha mẹ Nhật đã dạy con biết tiết kiệm tiền. Với số tiền tiêu vặt được cho, trẻ em Nhật sẽ phải học cách chi tiêu cho hợp lý. Chúng biết rằng tiền là có giới hạn, vì vậy, muốn mua những món chúng yêu thích, trẻ sẽ phải tiết kiệm để làm được điều đó.

Bố mẹ Nhật còn cẩn thận hơn trong việc hướng dẫn con cái mình lập bảng chi tiêu, ghi chép lại những thứ con mua, bao nhiêu tiền, mua nhằm mục đích gì, mỗi tháng con tiêu hết bao nhiêu. Bảng chi tiêu giúp trẻ em Nhật kiểm soát được tình hình tài chính của mình, giúp chúng biết chi tiêu một cách có kế hoạch và lỡ có chi tiêu cho những thứ vô ích, chúng sẽ biết rút kinh nghiệm cho những tháng sau.

Người Do Thái: Bài học về 5 chiếc lọ

Đây là dân tộc được coi là thông minh nhất thế giới, tuy là nước có dân số ít ỏi, nhưng lại có lượng tỷ phú rất đông. Để có được điều đó, thì từ xưa, người Do Thái đã rất chú trọng vào việc giáo dục thế hệ trẻ, đặc biệt là dạy chúng về tiền bạc.

Người Do Thái dạy con về tiền bạc từ rất sớm, khi trẻ mới 2 – 3 tuổi. Thông qua các trò chơi đơn giản, cha mẹ Do Thái dạy con cách đoán tiền, đếm tiền; họ dạy chúng biết về giá trị và công dụng của đồng tiền. Điều này giúp trẻ biết quý trọng tiền bạc và biết trân trọng sức lao động.

Bố mẹ Do Thái cũng cho phép con lập kế hoạch chi tiêu với mình. Điều này giúp trẻ hiểu về chi tiêu trong gia đình ngay từ nhỏ, trẻ có thể hiểu được mức thu và chi của gia đình mình như thế nào, từ đó có những chi tiêu hợp lý cho bản thân.

Thông qua bài học về những chiếc lọ (5 chiếc lọ dán nhãn: 10% đóng góp xã hội, 20% đầu tư, 10% làm từ thiện, 10% tiết kiệm, và 50% dùng để chi tiêu) cha mẹ Do Thái đã dạy con biết quản lý tài chính từ sớm. Đến 10 tuổi, phần lớn trẻ em Do Thái đã biết dành dụm tiền. Khi trẻ dành được số tiền nhất định, họ giới thiệu cho trẻ những cách đầu tư sinh lời an toàn và dạy chúng cách đầu tư.

Mỹ: 4 chiếc lọ thần kì

Cũng gần giống với người Do Thái, người Mỹ dạy con qua 4 chiếc hũ thần kì:

Lọ “save” - để dành: Khoản tiền tiết kiệm cho một mục đích cụ thể (30%).

Lọ “invest” – đầu tư: Khoản tiền để đầu tư vào một mục đích nào đó (30%).

Lọ “donate” – cho đi: Khoản tiền làm từ thiện (10%).

Lọ “spend” – tiêu: Khoản tiền chi tiêu (30%).

Theo đó, mỗi tuần trẻ em Mỹ được bố mẹ cho một khoản tiền nhất định. Nhiệm vụ của chúng là phải chia tiền theo tỷ lệ vào các lọ. Với phương pháp này, các ông bố bà mẹ Mỹ đã cho trẻ tự quyền quyết định quản lý và chi tiêu trong các lọ của mình.

Khi đi siêu thị, đi mua sắm, cha mẹ Mỹ sẽ cho con cái mang theo chiếc hũ “chi tiêu” của mình. Và một khi trẻ muốn mua thứ gì đó, chúng sẽ phải suy nghĩ xem mình có đủ tiền để mua hay không, mình nên mua món này hay món khác, đâu là món mình thích, món ấy có đáng giá bỏ khoản tiền ấy ra để mua hay không.

Câu chuyện về 4 chiếc hũ thần kỳ của cha mẹ Mỹ không chỉ dạy trẻ về kế hoạch chi tiêu hợp lý mà còn giúp chúng biết làm các việc có ý nghĩa như giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, giúp chúng biết tiết kiệm và cao hơn nữa là đầu tư sinh lời.

Đức: Chi tiêu có giới hạn

Người Đức cũng dạy cho trẻ em cách tiêu tiền từ rất sớm. Từ nhỏ, mẹ Đức sẽ cho con một đồng và nói, con chỉ có một đồng thôi, nếu con mua kẹo thì con sẽ không được chơi ô tô, và nếu con chơi ô tô thì con sẽ không mua kẹo. Và con sẽ chỉ được mua trong phạm vi giới hạn số tiền này. Khi đó, mẹ sẽ phải giải thích cho trẻ biết giá của đồ vật mà bé muốn là bao nhiêu, có hợp với túi tiền nhà mình không rồi gợi ý bé có nên mua nó hay không.

Mỗi lần đi siêu thị, bố mẹ Đức sẽ đưa tiền cho con để chúng tự trả. Bằng cách này trẻ hiểu được rằng việc mang một thứ gì đó ra khỏi cửa hàng mà chưa trả tiền là phạm pháp. Một điểm đặc biệt nữa trong cách dạy con tiêu tiền của mẹ Đức là không dạy con theo kiểu "Có tiền là mua được tất cả". Tức là không tiêu xài hoang phí. Người Đức giàu có nhưng không xa xỉ, có được điều này là do ngay từ nhỏ trẻ em Đức đã được dạy về quản lý tiền bạc, không tiêu tiền tùy tiện, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng, dù chơi trò chơi cũng phải biết tiết kiệm.

Nếu một đứa trẻ tiêu tiền như nước, cha mẹ Đức sẽ tặng chúng một quyển sổ ghi nợ. Tiêu nhiều tiền thì sẽ khấu trừ lại. Điều này dạy trẻ biết rằng mỗi dòng tiền mà chúng tiêu thì đều là của cha mẹ. Trẻ em Đức cũng được trải nghiệm bán lại đồ cũ để con học cách giao dịch, hoặc tổ chức những phiên chợ đồ cũ để các con trải nghiệm mua bán.