GIẢI TRÍ

Đạo diễn Lê Hoàng kể chuyện di chúc của cha

Y Diệp • 08-02-2020 • Lượt xem: 796
Đạo diễn Lê Hoàng kể chuyện di chúc của cha

Tham gia Chuyện cuối tuần cùng đạo diễn Lê Hoàng, luật sư Trương Thị Hòa cho biết, người Việt chưa có thói quen lập di chúc trước khi qua đời, điều này gây nhiều khó khăn khi phân chia tài sản cho con cái. Đạo diễn Lê Hoàng cũng chia sẻ về trường hợp của gia đình anh khi thực hiện di chúc của cha.

 

Tin, bài liên quan:

Lê Hoàng thẳng thắn chuyện ngoại tình công sở

Đạo diễn Lê Hoàng chưa bao giờ chê vợ… xấu

Diễn viên Song Ngư phát ngôn bất ngờ về đạo diễn Lê Hoàng

Theo luật sư Trương Thị Hòa, phần đông người Việt ít làm di chúc trước khi mất vì sợ xui. Tuy nhiên, sau này khi chứng kiến nhiều vụ gia đình, anh em mâu thuẫn, thậm chí chém giết nhau vì phân chia tài sản, nhiều gia đình Việt Nam đã nghĩ đến việc lập di chúc. Độ tuổi thông thường của người Việt khi lập di chúc là 60, 65. Nhưng nay thì một số người trẻ có điều kiện ở tuổi ngoài 40 cũng đã nghĩ đến lập di chúc sớm.

 

 

Luật sư cho biết: “Lập di chúc phải hết sức cẩn thận về câu từ, bởi nếu không sẽ rất dễ nảy sinh rắc rối. Nữ luật sư lấy ví dụ một gia đình nọ, ông bố khi chết đi lập di chúc chia ngôi nhà 3 tầng cho ba người con, con trai tầng trệt, con gái tầng kế, con gái lớn ở tầng cao nhất. Ban đầu, khi ông mất đi, ba người con rất vui vẻ thực hiện đúng theo di chúc. Tuy nhiên, sau đó, nảy sinh mâu thuẫn, người con dâu ở tầng dưới không muốn cho hai chị gái đi ngang qua nhà vì cho rằng, đó là tài sản của mình”.

Cuối cùng, cả ba phải tới văn phòng luật sư để phân định lại. Cũng có trường hợp khác, có người lập di chúc xong chưa chết nhưng con cái đã lấy di chúc đi phân chia tài sản. Chính vì thế, việc lập di chúc phải hết sức rõ ràng, cẩn thận và nên có văn phòng luật sư giúp đỡ để không bị sai về câu chữ, pháp lý.

Theo đạo diễn Lê Hoàng, hiện tại, với sự cải cách tư pháp, việc lập di chúc không còn khó khăn. Người dân chỉ cần đến phường, gặp cán bộ tư pháp ký vào di chúc rồi lưu lại. Thậm chí, ngay cả khi bị bệnh, không lên phường được thì có thể nhờ cán bộ tư pháp đến nhà rồi ký vào di chúc cũng được. Thậm chí, luật sư Trương Thị Hòa còn cho biết, có thể lập di chúc bằng miệng, và trong 5 ngày sau khi lập di chúc bằng miệng thì phải xác nhận chữ ký. Tuy nhiên, nếu sau khi lập di chúc miệng 3 tháng mà chưa qua đời thì không còn giá trị, phải lập lại di chúc mới.

Luật sư Trương Thị Hòa cho biết, hiện chỉ có khoảng 20% người Việt lập di chúc trước khi chết, và đa phần số người này là ở thành phố lớn. Ở nông thôn, các vùng sâu, vùng xa, người dân vẫn chưa chú ý đến vấn đề này. Đặc biệt, những người lập di chúc mới chỉ chú trọng phân chia tài sản vật chất như tiền bạc, nhà cửa, trong khi đó, họ chưa quan tâm đến các dạng tài sản khác như sở hữu trí tuệ. Điều này dẫn đến nhiều thiệt thòi và khó khăn cho những người thừa hưởng những di sản phi vật chất đó.

Đạo diễn Lê Hoàng cũng chia sẻ về trường hợp của gia đình anh. Sau khi lập di chúc, 10 năm sau bố nam đạo diễn qua đời. Khi Lê Hoàng mang bản di chúc đó đi thực hiện thì mới phát hiện ra bản di chúc không đóng dấu giáp lai. Biết rằng đó là lỗi của cán bộ tư pháp tại thời điểm đó, tuy nhiên, gia đình Lê Hoàng phải mất rất nhiều thời gian về phường xác nhận, rồi lại phải tìm lại cán bộ tư pháp cũ để xác nhận thì mới có giá trị.

Quý khán giả có thể theo dõi nội dung chi tiết trong chương trình Chuyện cuối tuần chủ đề Di chúc với sự đối thoại thẳng thắn giữa đạo diễn Lê Hoàng và Luật sư Trương Thị Hòa, được phát sóng vào lúc 21h35 ngày 8/2 trên kênh VTV9.