Duyên Dáng Việt Nam

DDVN và kỷ niệm về nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 19-05-2020 • Lượt xem: 4944
DDVN và kỷ niệm về nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam

GS.TS Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, nhà soạn nhạc nổi tiếng, viết những bản giao hưởng đồ sộ nhất của âm nhạc Việt Nam đã qua đời vào rạng sáng 17/5. Ông sinh năm 1932, hưởng thọ 89 tuổi. Quê ông ở Mỹ Tho, Tiền Giang, nơi có nhiều tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật. Riêng về âm nhạc, có thể nhắc hai tên tuổi lớn là nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Trần Văn Khê và nhà soạn nhạc giao hưởng Nguyễn Văn Nam. Hai ông là tấm gương trau dồi tri thức cũng như sự mẫu mực về nhân cách cho nhiều thế hệ học trò...

Tin và bài liên quan:

Nhớ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, 'Buồn ơi, chào mi!'

Trịnh Công Sơn, 'Cõi thực' và 19 bước chân đến vườn địa đàng

Thái Thanh, huyền thoại đã mất

Duyên Dáng Việt Nam có một kỷ niệm khó quên với nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam khi ông từng liên lạc và nhờ vợ ông, nhà văn Huỳnh Mẫn Chi đến tòa soạn nhờ Ban biên tập can thiệp việc một phóng viên viết bài, vì thiếu tư liệu nên vô tình đã xúc phạm đến nhạc sĩ. Chúng tôi đã in bài báo phản hồi cho ông trên số tạp chí DDVN phát hành đầu tháng 11/2015.

Từ sự việc đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam rất quý anh em tòa soạn. Nhân ngày ông mất, chúng tôi tìm lại tư liệu và xin giới thiệu lại đầy đủ tiểu sử hoạt động của cuộc đời nhạc sĩ do chính ông viết khi thông tin về ông trên mạng thời gian qua không đầy đủ hoặc thiếu chính xác.

Tư liệu quý GS.TS Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam tự viết về tiểu sử nghệ thuật của mình gửi cho Duyên Dáng Việt Nam:

 

Giáo sư - Tiến sĩ - Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam (1932 - 2020) - Tranh của họa sĩ Lê Sa Long

“Tôi từng là người lính cụ Hồ, thoát ly gia đình tham gia kháng chiến khi mới hơn 10 tuổi. Năm 1949, tôi nhập ngũ vào quân đội, công tác tại Tổ quân nhạc Khu 8 thuộc Phòng chính trị Bộ tư lệnh Khu 8. Năm 1954, từ Đồng Tháp Mười theo đường bộ đội, tôi tập kết ra Bắc, ở C10, D35, Sư đoàn 338. Năm 1959, tôi xuất ngũ theo diện thương bệnh binh vì đã trải qua 3 lần mổ dạ dày tại quân y viện 108. Tôi được cử đi học sáng tác âm nhạc tại trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Học viện Âm nhạc Việt Nam).

Cuối năm 1966, tôi được Nhà nước cử đi học nhạc tại Nhạc viện Léningrad, nay là Nhạc viện Saint - Péterbourg (CHLB Nga).

Năm 1973, tôi tốt nghiệp Đại học diện xuất sắc (thủ khoa) với Bản giao hưởng số 1 mang tên Tặng đồng bào miền Nam anh dũng. Năm 1974, tôi quay lại Nga học nghiên cứu sinh và hoàn thành luận án tiến sĩ ngành sáng tác, kết quả xuất sắc qua tác phẩm: “Giao hưởng số 3 – Tặng những em bé mồ côi sau chiến tranh” vào năm 1976.

Mỗi khi nhớ má, GS.TS Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam thường đánh bản giao hưởng số 3 . Ảnh: Minh An (Báo Giác Ngộ)

Với công trình Những nét cơ bản của âm nhạc truyền thống Việt Nam, tôi đã nhận thêm bằng tiến sĩ lý luận âm nhạc năm 1981.

Tôi đã viết 9 bản giao hưởng và gần 100 tác phẩm thuộc thể loại giao hưởng thính phòng đã biểu diễn thành công trong và ngoài nước như: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ba Lan, Anh, Đức…

* Giao hưởng: Giao hưởng số 1 – Tặng đồng bào miền Nam anh dũng (1972), Giao hưởng số 2 – Uống nước nhớ nguồn (1974 – Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam), Giao hưởng số 3 – Tặng những em bé mồ côi sau chiến tranh (1975), Giao hưởng số 4 – Giao hưởng Ađưks (1986), Giao hưởng số 5 – Mẹ Việt Nam (1994), Giao hưởng số 6 – Sài Gòn 300 năm (1998), Giao hưởng số 7 - Chuyện nàng Kiều (2000), Giao hưởng số 8 – Đất nước quê hương tôi (2003), Giao hưởng số 9 – Cửu Long dậy sóng (2012).

* Các thể loại giao hưởng khác: Tổ khúc bài ca chim Đrao (1971), Giao hưởng thơ Poème symphonique (1982), Tổ khúc giao hưởng tiếng sáo I (1986 – Phổ thơ từ Nhật ký trong tù của Bác Hồ bằng tiếng Nga) - Tổ khúc tiếng sáo II (2004 – Phổ thơ từ Nhật ký trong tù bằng tiếng Việt), Fantaisie Tưởng nhớ (1994) do Tổng chính Cục chính trị đề nghị, Kịch múa Việt Nam của tôi (1979) - lần đầu tiên được biểu diễn tại hội trường Cung điện Kremlin (Matxcơva), Kịch múa Huyền thoại mẹ (1995)…

* Hợp xướng: Oratorio Hòa Bình cho các dân tộc (1976), Oratorio Hát cho đồng bào tôi nghe (1995), Cantate Bức tranh phương Bắc (1982), Liên khúc thác nước Tcheghem (1987), Liên khúc mùa xuân - Hợp xướng không phần đệm (1994).

* Nhạc thính phòng: Biển đêm cho violoncelle và piano (1962), Rủ nhau đi gánh lúa vàng cho piano (1964), Sonatine Trỗi dậy cho violon và piano (1964), Sonate cho piano (1970), Liên khúc cây trúc xinh cho violon và piano (1969), Ngũ tấu dây và piano (1970), Liên khúc Hoa mận trắng (1973 – thất tấu 7 nhạc cụ), Tứ tấu dây (1973), Tứ tấu hỗn hợp (1982 – giọng nữ cao, sáo, clarinetto và arpe), Tổ khúc con cò trắng (gồm 10 tiểu phẩm độc tấu piano - 1984), Khúc nhạc chiều cho vn và piano (1990)…

Những tâm sự nỗi niềm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam ít khi thổ lộ:

 

“Tôi rất buồn khi viết thư này gửi ông. Một người đam mê nghệ thuật như tôi, vượt qua mọi hoàn cảnh của nghèo khó, bệnh tật, cô đơn… để đi theo nghề gần như đã trọn một đời người…”.

“Ngoài hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, tôi còn đứng trong hàng ngũ giáo dục. Tất cả những thầy cô giáo dạy sáng tác ở nhạc viện TP.HCM đều là học trò của tôi. Rất nhiều thầy cô giáo dạy ở các trường Đại học (có chuyên ngành liên quan đến nghệ thuật âm nhạc) từ Hà Nội về đến Cà Mau đều có học trò của tôi. Ngoài ra, tôi đã còn được Hội đồng chức danh Nhà nước phong hàm: Phó Giáo sư, Giáo sư…”

“Tôi là một người có tuổi. Ở tuổi trên 80, tôi vẫn còn tham gia giảng dạy Cao học chuyên ngành sáng tác và hướng dẫn Nghiên cứu sinh ở Nhạc viện TP.HCM và Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. Sức khỏe tôi không tốt, tôi mới vừa gượng dậy sau trận bệnh xuất huyết não, tôi vẫn sáng tác, đang viết giao hưởng số 10 “Những ngôi mộ không tên” (giao hưởng cầu siêu vong linh các chiến sĩ vô danh).

Còn về đời tư, tôi là một người đàn ông cô độc. Tuổi nhỏ do chiến tranh phải sống xa cha mẹ, trưởng thành do sự nghiệp phải sống đất khách quê người… Không biết có phải tại số mệnh, ở tuổi này, tôi mới có được mái ấm. Tôi rất muốn 2 con nhỏ của tôi đến trường học, hồn nhiên, trong sáng như bao đứa trẻ khác. Tôi cũng khẳng định, cuộc đời tôi, nếu khoác áo cưới vợ và đăng ký kết hôn, chính với người vợ hiện tại của tôi là lần đầu tiên (tức nhà văn Huỳnh Mẫn Chi)…”.

***

Nhà văn Huỳnh Mẫn Chi, vợ nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam và hai con (Ảnh: Tư liệu internet)

Còn nhớ, đúng ngày đầu năm mới 2019, khi tôi ra mắt tác phẩm viết về chân dung, những kỷ niệm âm nhạc “Guitar, Ánh sáng & Bóng tối” (Nxb Hội Nhà Văn 2018) và đưa thông tin trên facebook, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam đã vào comment chúc mừng tôi. Ông hỏi rất cặn kẽ buổi ra mắt tổ chức ở đâu? Mấy giờ? Ông có thể đến dự được không? Thật là một tâm hồn tươi trẻ hoàn toàn không có khoảng cách gì như tuổi tác vẫn tạo các bức tường giữa các thế hệ. Tôi trả lời với nhạc sĩ rằng tôi rất hạnh phúc, mừng vui nếu như ông đến chia vui trong buổi giới thiệu tác phẩm. Nhưng sau đó chỉ có phu nhân ông, nhà văn Huỳnh Mẫn Chi đến được với bó hoa tươi thắm ông nhờ gửi. Ông xin lỗi vì ốm không thể đi được, dù đã rất cố gắng. Đành vậy! Đến một lúc nào đó tuổi tác hóa ra là một vấn đề lớn cho mỗi người và không dễ vượt qua.

Cho đến hôm nay, tôi nhận được tin người nhạc sĩ viết Giao hưởng đặc sắc nhất của Việt Nam đã mất. Kính tiễn biệt ông!

 

Sài Gòn, 18.5.2020

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam (trái) dạy nhạc tại Trường Đại học Boston, Mỹ - Ảnh: Tư liệu

DDVN giới thiệu dưới đây một bài GS.TS Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam viết và chia sẻ với các bạn trẻ về đề tài “Nghệ thuật Sáng tác Khí nhạc”.      

 

 NGHỆ THUẬT SÁNG TÁC KHÍ NHẠC

Nếu được chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp trong nghệ thuật sáng tác khí nhạc, thì tôi sẽ đi sâu vào giao hưởng. Giao hưởng là thể loại nhạc viết cho một dàn nhạc lớn. Trong dàn nhạc, người ta phải chia các nhạc khí thành nhiều bộ như: bộ kèn gỗ, bộ kèn đồng, bộ gõ, bộ dây và đôi khi kết hợp cả giọng hát đơn ca hoặc đại hợp xướng. Sau đó, toàn bộ dàn nhạc sẽ được trình diễn dưới sự chỉ huy của một nhạc trưởng. Riêng nội dung của bản giao hưởng là một tác phẩm gồm nhiều chương tương phản nhau. Tôi luôn ví mỗi chương giao hưởng có thể sánh với một màn của một vở kịch hoặc một chương của tiểu thuyết. Các chương trong bản giao hưởng đều phải có hình thức và nội dung hoàn chỉnh. Tuy là, các chương trong bản giao hưởng mang tính tương ứng, nhưng chúng phải liên kết chặt chẽ với nhau và cùng chứa đựng một nội dung, một chủ đề. Mặt khác, nội dung của bản giao hưởng thường rất đa dạng, do biểu hiện nhiều góc độ khác nhau, màu sắc khác nhau và xuất phát từ tình cảm và khả năng sáng tác của người sáng tạo cũng khác nhau. Các hình tượng âm nhạc trong giao hưởng có lúc xung đột, căng thẳng, đối chọi và đôi khi quyện vào nhau một cách da diết, réo rắt. Chính vì vậy, người nhạc sĩ một khi đã dấn thân vào lĩnh vực này và chuyên sáng tác thể loại khí nhạc thì không phải là điều đơn giản, vì ngoài khả năng thiên phú, họ còn phải có một kiến thức chuyên môn tổng hợp nhất định, phải được đào tạo qua trường lớp. Ở Việt Nam, những nhạc sĩ bước vào lĩnh vực này rất hiếm, tác phẩm để đời, tác phẩm xuất sắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vốn liếng ban đầu duy nhất là lòng đam mê, tôi đã không ngần ngại trong việc chọn lựa con đường sự nghiệp đầy gian truân và lắm chông chênh của một nhạc sĩ chuyên sáng tác nhạc giao hưởng, các thể loại khí nhạc…

Tôi may mắn được sinh ra ở miền Tây Nam Bộ đất nước, trên vùng đất phù sa Đồng bằng sông Cửu Long, mảnh đất phóng khoáng, trù phú, với những dòng sông mênh mông, với những cánh đồng lúa xanh mượt bạt ngàn, với những vườn cây bốn mùa trái sai nặng trĩu… Và cũng ở nơi đây đã sản sinh ra những làn điệu dân ca vô cùng phong phú. Những điệu hò đối đáp, giai điệu trữ tình rộng mênh mang xuôi theo những dòng sông dài mênh mông. Những điệu lý duyên dáng, giản dị, chứa đựng tính chất tự sự, đậm nét đồng quê. Những bài hát ru êm dịu sâu lắng luôn dạt dào tình mẫu tử…

Hầu như các tác phẩm của tôi đều mang âm hưởng làn điệu dân ca của miền Tây sông nước Nam Bộ quê tôi, đặc biệt là những điệu hát ru. Tuy nguồn cảm hứng sáng tác chủ đạo của tôi là một, nhưng ở mỗi tác phẩm thì từng cung bậc tình cảm đều rất khác nhau, không bị trùng lặp hoặc đi theo lối mòn do nguồn cảm xúc của người nghệ sĩ không có sự lặp lại.


GSTS. NHẠC SĨ NGUYỄN VĂN NAM