Hội họa

Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh tôn vinh học giả Phạm Quỳnh

Trần Diệp • 26-03-2018 • Lượt xem: 10806
Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh tôn vinh học giả Phạm Quỳnh

Tối 24.3, Lễ trao giải Phan Châu Trinh lần thứ XI đã được diễn ra tại TP.HCM. Tại đây, nhà văn hóa Phạm Quỳnh đã được bình chọn trong Dự án Tôn vinh Danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại

Nhà văn hóa Phạm Quỳnh sinh ngày 30.1.1893 (năm Nhâm Thìn) tại Hà Nội và mất tại Huế ngày 6.9.1945 (năm Ất Dậu). Ông là nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và là vị Thượng thư Bộ Lại. Ông là người tiên phong trong việc dùng chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt (thay vì dùng chữ Nho, tiếng Pháp) để viết lý luận, nghiên cứu.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên - con trai nhà văn hóa Phạm Quỳnh - trong diễn từ đọc trong đêm trao giải có thống kê một số tác phẩm, bài báo viết về cha mình đã lần lượt được in lại từ năm 1996 đến nay như Kép Tư Bền, chỉ vì thương Phạm Quỳnh (Nguyễn Công Hoan), Phạm Quỳnh chủ bút báo Nam Phong (Văn Tạo), Phạm Quỳnh và quá trình tiếp nhận văn hoác phương Tây ở Việt Nam đầu thế kỷ XX (Vương Trí Nhàn) , Những điều chưa biết về Phạm Quỳnh (Xuân Ba), Mười ngày ở Huế (Phạm Quỳnh), Phạm Quỳnh - Luận giải văn học và triết học, Phạm Quỳnh - Tuyển tập du ký v.v... như một cách đánh giá và nhìn nhận lại những đóng góp của Phạm Quỳnh cho nền văn hóa nước nhà. 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên đại diện gia đình nhà văn hóa Phạm Quỳnh nhận giải thưởng

Sau đó, ông tiếp: "Như thế là giờ đây, Phạm Quỳnh con người suốt đời trung với nước, hiếu với dân, mặc dù có số phận oan nghiệt đã có thể ngậm cười nơi chín suối...Và những đóng góp của ông cho nước, cho dân ngày càng được nhìn nhận công bằng hơn và vẫn giúp ích cho đời.

Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh (lần XI.2018) đã đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo giới trí thức trong cả nước khi vinh danh nhà văn hóa Phạm Quỳnh với những đóng góp về văn hóa và tinh thần yêu nước sâu sắc của Cụ đầu thế kỷ 20.

Đối với con cháu Cụ Phạm thì đây là một niềm tự hào lớn và là một sự ghi nhận của xã hội về sự đóng góp của Cụ cho nền văn hóa Việt Nam".

Còn nhà văn Nguyên Ngọc, trong diễn từ vinh danh, đã nhắc về nhà văn hóa Phạm Quỳnh như sau: "Phạm Quỳnh là một tài năng xuất chúng, 16 tuổi tốt nghiệp thủ khoa trường Thành chung Bảo hộ, ngay năm đó đã được tuyển làm viên chức trẻ nhất của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp nổi tiếng, tự học cả chữ Nho đến mức uyên thâm. Mẹ mất rất sớm, được bà nội nuôi ăn học, và về sau qua chính người vợ, mẹ vợ và gia đình bên vợ, những người phần lớn gần như mũ chữ, nhưng tuyệt giỏi, tuyệt hay trong văn hóa, lời ăn tiếng nói vô cùng giàu có của dân gian, chính họ đã dạy Phạm Quỳnh tình yêu say mê tiếng Việt, văn hóa Việt. Ông sống thanh bần, nghiêm cẩn. Con cháu ông kể: “… Cho đến những ngày cuối đời, bao giờ ông cũng giữ một nếp: học hành, viết lách, làm việc đều trước bàn thờ tổ tiên, như để tổ tiên hằng ngày chứng giám mọi điều mình nghĩ, mọi việc mình làm”.

Như vậy, nhà văn hóa Phạm Quỳnh là nhân vật thứ 6 nằm trong Dự án Tôn vinh Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại (trước đó là Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Khôi). Phạm Quỳnh cùng với 5 nhân vật vừa kể sẽ có mặt trong "ngôi đền online" (do quỹ Phan Châu Trinh lập ra, tập hợp tất cả những tài liệu về các nhân vật đã được tôn vinh).

Nhà văn Nguyên Ngọc trao giải thưởng cho các nhân vật đoạt giải Phan Châu Trinh lần XI.Từ trái sang: Nguyên Ngọc, Nguyễn Tùng, Phan Cẩm Thượng, Dương Thụ, Lữ Phương

Ngoài hạng mục kể trên, giải Phan Châu Trinh còn vinh danh những nhân vật hiện đang có những hoạt động văn hóa tích cực, có giá trị ở những hạng mục khác nhau.

Cụ thể,  giải Vì sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục được trao cho nhóm dịch thuật Nhất Nghệ Tinh vì đóng góp quan trọng trong lĩnh vực giáo dục công kỹ nghệ, và nhạc sĩ Dương Thụ vì đóng góp đặc sắc quảng bá văn hóa và tri thức tinh hoa; giải Nghiên cứu cho nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng vì những công trình đặc sắc nghiên cứu văn hóa dân gian và nhà nghiên cứu Lữ Phương vì những công trình nghiên cứu sâu sắc về chủ nghĩa Marx; giải Dịch thuật được trao cho dịch giả Nguyễn Tùng vì những công trình dịch thuật đặc sắc về nhân học; giải Việt Nam học cho hai nhà nghiên cứu Pierre Brocheux và Daniel Hémery vì những thành tựu đặc sắc về Việt Nam học. Hai ông là nhà sử học, có cha là người Pháp và mẹ là người Việt Nam, nghiên cứu về lịch sử Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, trong đó có tác phẩm Đông Dương, một công cuộc thực dân hóa nhập nhằng được đánh giá cao.

Hai nhà sử học Daniel Hémery (trái) và Pierre Brocheux đã không thể sắp xếp đến với lễ trao giải Phan Châu Trinh lần này 

Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh mang tên nhà văn hóa Phan Châu Trinh (1872 – 1926), được thành lập từ năm 2008 với sứ mệnh “Góp phần phục hưng, du nhập, khởi phát, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm phục vụ công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21”. Quỹ trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, do một nhóm các trí thức tâm huyết với văn hóa của đất nước thành lập và vận hành. Việc trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh hàng năm là một trong những hoạt động văn hóa quan trọng của Quỹ nhằm vinh danh các cá nhân xuất sắc đã và đang có những nỗ lực không mệt mỏi cho sự nghiệp canh tân Văn hoá và Giáo dục Việt Nam.