VĂN HÓA

Hạt cát trên sa mạc, chờ tiếng mẹ gọi khi đi chợ về!

Đông Dương • 04-07-2021 • Lượt xem: 1310
Hạt cát trên sa mạc, chờ tiếng mẹ gọi khi đi chợ về!

Một triển lãm giao lưu với sinh viên trong trường học nhưng đã mời được hơn 45 gương mặt tên tuổi gửi tác phẩm đến có thể kể như các họa sĩ Ca Lê Thắng, Nguyễn Trung Tín, Siu Quý, Nguyễn xuân Đông, Đặng Văn Long, Lê Xuân Chiểu, Lý Cao Tấn...  Các điêu khắc gia Phan Gia Hương, Nguyễn Hoài Huyền Vũ… Làm được điều đó chỉ có tấm lòng và tình yêu thế hệ trẻ...

Tin và bài liên quan:

Nhà nghiên cứu Trần Đán: Làm nghệ thuật - Hành động sáng tạo thế giới song song 

Nguyễn Hữu Hồng Minh: Mấy ghi chú về Điêu khắc Đào Châu Hải

Họa sĩ Trịnh Hồng Lanh: 'Nghệ thuật vẽ là cuộc khám phá bản thể của chính mình'

Họa sĩ Ca Lê Thắng: 'Mỹ thuật luôn cần những ngọn gió mới'

Hội họa hiện đại: cần 'cảm' hay 'hiểu' một tác phẩm nghệ thuật?

Ở phần 1 cuộc trò chuyện với họa sĩ, tiến sĩ Trịnh Hồng Lanh "Nghệ thuật vẽ là cuộc khám phá bản thể của chính mình" anh đã chia sẻ cái nhìn về hội họa đương đại, ước mơ làm nghệ thuật đúng nghĩa. Đó là sự phân thân khi phải là người thầy trên bục giảng trước bao cặp mắt nhìn vào của các bạn sinh viên và bản lĩnh chấp nhận cô đơn khi một mình đối diện trước giá vẽ. Phần 2, DDVN cùng anh trò chuyện về những giấc mơ tuổi thơ và những cố gắng vượt lên đầy nghị lực để biến những giấc mơ thành hiện thực. Điều này rất thiết thực và có ích với các bạn trẻ sinh viên muốn nuôi dưỡng ý chí vượt lên từ hoàn cảnh nhiều thử thách khó khăn.  

*Là người đam mê hội họa và đã theo đuổi nó khi còn nhỏ trong một gia đình nghèo khó, vất vả. Anh có thể kể lại một số kỷ niệm thời đi học "bền chí" để nuôi giấc mơ nghệ thuật? 

Thầy Tạ Xuân Tề, Anh hùng lao động, Hiệu trưởng (trái) và họa sĩ, TS Trịnh Hồng Lanh. 

Họa sĩ Trịnh Hồng Lanh: -Cám ơn câu hỏi của DDVN. Thật tình thì nếu được kể về bản thân thì tôi có quá nhiều kỷ niệm vui buồn, đắng cay, tủi nhục... Tất cả đan cài vào nhau thật khó tách bạch. Chỉ biết rõ một điều là nhờ vào đó mà tôi nuôi ý chí đứng dậy và đi lên.

Bố mẹ tôi là dân Bắc di cư từ Hà Nam vào tỉnh Minh Hải - nay là tỉnh Bạc Liêu, từ năm 1983. Gia đình tôi 6 người chỉ dựa vào đồng lương dạy cấp 1 của mẹ. Còn bố tôi thì sau những ngày đi B bị bệnh sốt rét triền miên. Chị em tôi đã lớn lên bằng sự vất vả và lam lũ cùng bố mẹ. Tôi đến giờ vẫn không thể quên những trái cóc, khúc mía, rổ chuối nướng... mà mẹ phải đi bán sau mỗi giờ lên lớp. Để phụ giúp gia đình, bản thân tôi cũng phải làm đủ trò từ bán thuốc lá dạo, bán hột dưa trong nhà văn hoá mỗi buổi chiếu phim, kéo vó tép, làm culi, rồi đến anh đạp xe ôm…

*Vâng, có thể thấy những năm tháng sau 1975 đất nước còn khó khăn nên nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh như vậy... Và điều quan trọng là chúng ta đã tiếp tục nuôi dưỡng mơ ước đề đi tiếp như thế nào? 

Họa sĩ, Tiến sĩ Trịnh Hồng Lanh 

-Đúng như câu anh hỏi. Tôi vẫn thấy mình may mắn khi được thừa hưởng gien của bố tôi đó là chợt nhận ra có năng khiếu từ việc say mê vẽ. Ngồi ở đâu tôi cũng quan sát và nghí ngoáy tập vẽ lại. Tôi nguyện lòng sẽ đam mê và theo đuổi con đường này. Nhờ thế mà trong nghèo khổ và khó khăn vẫn có chút ánh sáng le lói cuối đường hầm vẫn tỏa ra với tôi. 

Tôi nhớ khi đi thi vào trường Đại học Mỹ Thuật không có tiền mua viết chì, phải chạy qua nhà cô bạn học kiến trúc mượn viết. May là cô ấy cho khoảng gần một chục cái đầu viết chì đã mòn gần hết. Để gọt và xử dụng được phần lõi còn lại tôi phải lấy vỏ bút lông nhét vào để vẽ. Vẫn còn nhớ ngày thi cuối vẽ bố cục, trên đường đi tôi phải suy nghĩ 1001 lý do để nói với người giữ xe sao để họ cho thiếu vì bản thân không còn một đồng dính túi. 

Buổi trưa chờ phần thi buổi chiều các bạn ai cũng đặt mua cơm ăn, còn tôi thì không. Vẫn nhớ cô bạn thi chung kế bên hỏi “Sao không ăn?” thì câu trả lời hay nhất mà tôi đã mặc định sẵn “Mình ngại ăn chỗ đông người” (cười). Lúc khát nước thì xin ra toilet mở van lấy tay vốc lên uống… Những kỷ niệm đó bỗng trở thành đáng nhớ khi tôi được đậu vào Đại học hạng thứ 11 theo báo bản tin trên báo Sài gòn Giải phóng đăng. Mà lúc đó trường chỉ tuyển 40 sinh viên cho một khóa học và thật vui khi đến giờ tôi vẫn nghĩ mình thi đậu chắc bởi ông Trời thương tôi! Nghĩ lại cuộc đời đi học tôi cảm thấy mang ơn các thầy Nguyễn Hoàng (hiệu trưởng trường Mỹ thuật), thầy Nguyễn Xuân Đông (trưởng khoa Đồ họa), thầy Huỳnh Văn Mười - tức nhà phê bình Uyên Huy (Trưởng khoa Mỹ thuật Ứng dụng), Cô Cao Thị Song…vì biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi nên đã động viên giúp đỡ cho tôi rất nhiều. Các thầy cô đã cho tôi nguồn năng lượng mạnh mẽ để tôi hoàn thành giấc mơ đại học của mình. 

*Khoa Mỹ thuật Công nghệ trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An tổ chức cuộc triển lãm lớn mời những họa sĩ có tên tuổi, vì sao anh có thể thực hiện được, xin anh chia sè

Thầy ký tốc họa cho sinh viên trong một buổi giao lưu

-Vâng, phải nói đó là niềm vui lớn của tôi. Khi bắt đầu có ý tưởng cho buổi triển lãm tôi cũng không nghĩ nó sẽ thành công và được anh em đồng nghiệp đánh giá cao như vậy, Có lẽ tôi may mắn được các lớp họa sĩ tiền bối, quý thầy cô, các bạn bè ủng hộ. Do đó cuộc triển lãm đó đã quy tụ khoảng 45 các họa sĩ, điêu khắc gia nổi tiếng trong cả nước tham dự.  Xin đơn cử vài gương mặt tiêu biểu như các họa sĩ Ca Lê Thắng, Nguyễn Trung Tín, Siu Quý, Nguyễn xuân Đông, Đặng Văn Long, Lê Xuân Chiểu, Lý Cao Tấn... Các điêu khắc gia gạo cội như Phan Gia Hương, Nguyễn Hoài Huyền Vũ… và nhiều người khác. Triển lãm đã được báo Tuổi Trẻ và 3 đài truyền hình Bình Dương, HTV, 60 giây... quan tâm và đưa tin. 

Tôi mong muốn khoa MTCN trường cao đẳng Đồng An sẽ là nơi giao lưu, chia sẻ và gặp gỡ các anh em văn nghệ sĩ của cả nước để có điểm sáng tác, triển lãm có chất lượng mà tốn chi phí rất thấp cho các anh em hoạ sĩ, nghệ sĩ. Tôi đang viết dự án phòng đấu giá tranh tại đây hy vọng sẽ sớm đưa vào hoạt động. Do đó tôi luôn mở cửa tiếp đón tất cả anh em trong giới nghệ thuật đến tham quan và làm việc tại khoa.

*Hiện nay chủ chốt của khoa MTCN trường ĐH Cửu Long đầu tư và tuyển sinh như thế nào?sinh viên nhập học vào trường có những yêu cầu nào? Thủ tục gì anh có thể chia sẻ?
-Tôi cũng rất vinh dự được mời làm Trưởng khoa MTCN của trường ĐH Cửu Long. Là con em của miền Tây sông nước nên bản thân tôi đau đáu muốn cống hiến công sức của mình cho họ và trường ĐH Cửu Long đã cho tôi thực hiện ước nguyện này.

Trường ĐH Cửu Long vinh dự mở khoa MTCN đầu tiên của miền Tây, bao gồm 3 chuyên ngành Thiết kế Đồ họa, thiết kế thời trang, thiết ké nội thất. Đem lại cơ hội cho các em đồng bằng sông Cửu Long có cơ hội học tập gần nhà, chi phí thấp và thị trường lao động của các chuyên ngành này thì đang rất cần và khan hiếm người lao động ở kể cả TP.HCM. Sinh viên học sinh nhập học vào Khoa, Trường yêu cầu lớn nhất là có niềm đam mê với nghề. Thủ tục hiện giờ rất đơn giản vì tất cả tuân theo tuyển sinh của Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định, có thể xét tuyển bằng học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT. Sau khi vào trường sẽ tổ chức thi năng khiếu riêng.


 

*Xin được hỏi câu tế nhị. Liệu môi trường Sư phạm với đầu ắp công việc chuyên môn giáo án, bài vở, lên lớp sẽ làm giảm đi "tốc lực" sáng tạo hội họa đam mê trong anh? Niềm hưng phấn sẽ bị loại trừ hay bổ sung cho nhau? Anh đang ấp ủ những tác phẩm nào trong thời gian tới?
-Câu hỏi thật khá thú vị, Với tôi, khi mình đứng lớp truyền kiến thức, đam mê cho các em sinh viên thì bản thân mình phải có tâm với nghề, có kiến thức và niềm đam mê thì lúc này khi mình thuyết giảng mới có trọng lượng vì nó là thật là những trải nghiệm là vốn sống mà bản thân mình có được. Do đó theo tôi môi trường sư phạm giúp tôi giao thoa trong việc giảng dạy và sáng tác của mình, nói thêm với anh khi tôi dạy sinh viên thì chính tôi cũng học rất nhiều qua các bài của sinh viên mình thực hiện đấy anh ạ.
Hiện tại tôi khá bận vì công việc hơi nhiều, nhưng tôi ấp ủ thể hiện lại những ký ức đã qua bố mẹ mình. Tôi muốn thấy mình vẫn là đứa trẻ con, cần một cái gõ đầu khi nghịch dại cần nghe bước chân mẹ liêu xiêu trên con đường về nhà..
Rất cám ơn báo DDVN đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn. Để tôi thấy thực ra mình chỉ là một hạt cát trên sa mạc, rất nhiều hoạ sĩ giỏi có tâm với nghề và hàng ngày vẫn hay say vẽ để đem lại những tác phẩm có giá trị cho đời. Tôi phải còn cố gắng nhiều hơn nữa! 

*Chú thích ảnh avatar: Thầy Tạ Xuân Tề, anh hùng lao động, hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Đồng An (bìa phải) tặng hoa cho các họa sĩ trong triển lãm giao lưu cùng sinh viên trường tại khoa Mỹ thuật Công nghiệp). 

-Ảnh trong bài do họa sĩ, tiến sĩ Trịnh Hồng Lanh cung cấp cho tòa soạn DDVN) 

Đông Dương thực hiện