VĂN HÓA

Hoàng hôn trên Cù lao Phố - Tùy bút Nguyễn Quang Vinh

Nguyễn Quang Vinh • 23-09-2021 • Lượt xem: 13607
Hoàng hôn trên Cù lao Phố - Tùy bút Nguyễn Quang Vinh

Cù Lao Phố địa danh quen thuộc với người dân quanh vùng Biên Hòa- Gia Định. Nhắc đến Cù Lao Phố là nhắc đến đảo xanh nằm giữa dòng chảy của lưu vực sông Đồng Nai trước khi hợp lưu với sông Sài Gòn và xuôi ra biển Cần Giờ.

Tin và bài liên quan: 

Thơ phái đẹp: Sau cơn trút lá

Trịnh Hương, 'Chiêu tình' trên 'Vết trần gian'

Nhà thơ, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa: Âm vọng con người

Chùa Bộc Hà Nội: Nơi hồn thiêng dân tộc ẩn mình

Nhà văn Jesús Rodríguez Castellano giới thiệu thi phẩm 'Vỉa Từ' bản tiếng Tây Ban Nha

Cù Lao Phố chiều buông muồn muộn. Bóng hoàng hôn phủ xuống. Một vùng sông nước mênh mang níu bước người đi. Bên đường từng hàng cây rủ bóng. Phía mạn sông hương lúa đương thì con gái hòa quyện với khói chiều của cư dân bản địa thấp thoáng ẩn hiện. Đứng từ phía bờ Bắc nhìn về hạ lưu. Xa xa là núi Châu Thới và dải đất Bình Dương chạy dọc bến sông với san sát thuyền bè qua lại. Con nước lớn đang lên đẩy theo từng đám lục bình dập dờ trôi ngược theo dòng mênh mang. Bên dưới là cầu Ghềnh, cây cầu có cả gần trăm năm tuổi. Mấy năm trước sau một sự cố va chạm giao thông tàu thuyền, cầu hư hỏng nặng. Ngành đường sắt Việt Nam cho trùng tu lại với hình dáng, kích thước, màu sơn y như cũ.


Từ quán cà phê nhìn ra thoáng bóng cây cầu Ghềnh thấp thoáng xa xa...

Cầu nghiêng mình theo bóng thời gian trên mặt sông như thuở mới vừa dựng lên. Trời đất bao la. Nắng và gió hiền hòa chìm vào bóng chiều hoàng hôn phủ xuống. Sông nước nhuộm một màu vàng tím. Màu của thời gian huyền hoặc Ngoài phía bờ xa ngược theo dòng nước mênh mang là những con sóng kéo theo muôn vàn kim sa nhủ xuyến lấp lánh. Bàng bạc gương trong một bóng chiều… Con thuyền xuôi ngược gọi cô liêu. Trên sông mặt trời đỏ lừ như hòn than khổng lồ đang dần dần lặn xuống. Không gian lộng gió. Phong cảnh nên thơ khiến mặc khách ngang qua trổ mấy thì lưu luyến.


Đại giác cổ tự, một chốn thanh tịnh thâm nghiêm mà khách hành hương thường ghé đến. 

Quê hương non nước thanh bình có khi chính là những nơi sát ngay bên mà ta vô tình đi ngang qua không thấy. Với Cù Lao Phố. Ngoài cảnh quan sông nước nên thơ được bao bọc giữa đôi bờ xuôi ngược. Địa danh này đã đánh dấu son vào lịch sử một vùng quê từ thuở ông cha khai bờ mở cõi. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí còn ghi: “Từ thuở sơ khai Cù Lao Phố đã có tên gọi là Đông Phố, Cù Châu hay Nông Nại Đại Phố, vùng đất này tuy nằm cách biển nhưng sông sâu, nước chảy thuyền bè có thể từ đây mà đi được đến khắp các miền xuôi ngược..”.

Nhà văn Sơn Nam hay biệt danh ông già Nam Bộ từng đến Cù Lao Phố. Trong những ghi chép của ông có trích đoạn: “Vùng Cù lao Phố, nòng cốt của Biên Hòa. Đây là vị trí xứng danh ải địa đầu, với đường bộ lên Cao Miên và đường thủy ăn xuống Sài Gòn. Nhóm dân Trung Hoa theo chân Trần Thượng Xuyên gây cơ sở lớn ở Cù lao Phố, chọn vị trí thuận lợi, sát mé sông. Năm năm sau khi định cư, chùa Quan đế dựng lên..”


Những đồng lúa thanh bình trong buổi chiều Cù Lao phố

Ngược dòng sử bộ Nam phần. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1679), quan thần triều nhà Minh là Trần Thượng Xuyên vốn không phục nhà Thanh kéo theo cư dân đến đây xin tá túc. Ông và tùy tùng được chúa Nguyễn chấp thuận và giao cho một vùng sông nước dọc đất Biên Hòa ngày nay làm nơi an nghiệp. Cù Lao Phố từ một vùng đất còn nhiều hoang phế. Sau một thời gian với biệt tài tổ chức của Trần Thượng Xuyên. Nơi đây dần trở thành một trung tâm Thương mãi có sức giao dịch lớn trong vùng. Trên bến dưới thuyền dòng người qua lại mua bán giao thương tấp nập. Từ sự phát triển vượt trội của giao thương kéo dài. Hàng loạt ngành nghề thủ công có giá trị lần lượt phát triển theo như dệt chiếu, tơ lụa, gốm, đúc đồng, nấu đường, làm bột, đồ gỗ gia dụng, chạm khắc gỗ, đóng thuyền, làm pháo v.v...


Bàng bạc gương trong một bóng chiều… Con thuyền xuôi ngược gọi cô liêu.

Khi cư dân ổn định. Đời sống Văn hóa và Hệ sắc tín ngưỡng ở Cù Lao Phố cũng ra đời. Việc ấy đánh dấu một kỳ thịnh vượng của vùng đất ven sông Gia Định - Biên Hòa. Chùa chiền, đền miếu nhanh chóng được lập ra. Người Hoa theo chân Trần Thượng Xuyên định cứ nơi đây. Họ lập Đền Ông trong đó thờ Quan Thánh (Tức là Quan Công) và các vị quan thần bản địa. Sau này Trần Thượng Xuyên mất, cảm nghĩ đến công đức của người khai lập xứ Cù Lao thịnh vượng. Người dân cũng lập miếu thờ ông ngay trên mảnh đất mà ông đến lập nghiệp. Trong thời gian đó chùa Đại Giác và đền thờ Công thần Nguyễn Hữu Cảnh cũng đã được người Việt ta dựng nên uy nghi hoành tráng. Trải qua dâu bể. Cù Lao Phố cũng gặp không ít trắc trở khiến một phần sự thịnh vượng bị mai một. Cuộc binh biến của Lý Văn Quang (1747) diễn ra. Chúa Nguyễn đàng trong phải cắt cử nhiều quân tướng mới đẹp được. Năm 1776 khi mâu thuẫn giữa nhà Tây Sơn và Chúa Nguyễn đàng trong đến kỳ cao độ. Nhà Tây Sơn thắng thế kéo đến Cù Lao Phố. Một cuộc truy sát kéo dài khiến những cư dân được cho là ủng hộ Nguyễn Vương (Nguyễn Phúc Ánh) lâm cảnh máu chảy đầu rơi. Cuộc tháo chạy của người Hoa theo thuyền di xuống vùng Chợ Lớn của Sài Gòn thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Bấn loạn vô thường, chiến tranh loạn lạc Cù Lao Phố mất đi vị trí vốn dĩ là một Trung tâm thương mại đứng vị trí hàng đầu khu vực Đàng trong như tên gọi Nông Nại Đại Phố.


Nhà báo Nguyễn Quang Vinh đang trầm tư bên dòng sông Đồng Nai huyền thoại...

Lịch sử sang trang. Cù Lao Phố qua hai cuộc Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Với truyền thống ái quốc và trung dũng kiên cường. Người dân nơi đây vẫn bền bỉ bám đất bám làng. Công việc ấy đã góp phần không nhỏ vào công cuộc giải phóng Dân tộc và Thống nhất Đất nước. Cù Lao Phố sau năm 1975 đã hình thành thêm các vùng dân cư mới. Cư dân từ các miền Bắc- Trung- Nam đến đây định cư cũng nhiều hơn. Các đơn vị hành chính nhỏ hẹp ban đầu chuyển dần lên thành phố xá. Cù Lao Phố hay phường An Hòa tên mới là một bộ phận không thể tách rời của Thành phố Biên Hòa ngày nay. Sự thịnh vượng bắt đầu hồi sinh từ những ngày Nhà nước có chính sách mở cửa. Đến với Cù Lao Phố hôm nay để thấy sự thay da đổi thịt đang phát triển hàng ngày. Những cây cầu như An Hảo hay Bửu Long bắc qua các nhánh chính và phụ của sông Đồng Nai đã được thông hành. Những con đường nhựa trải rộng nối liền giữa các bến sông với phố xá ngày một mở ra. Những khu du lịch, nhà hàng, khách sạn và Trung tâm thương mại thi nhau mọc lên. Người dân Cù Lao Phố tiếp nối truyền thống cần cù chịu khó và sáng tạo đã ngày một có cuộc sống ổn định và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên để phát huy hết được thế mạnh của một vùng đất có trên bến dưới thuyền và giao thương thuận lợi. Cù Lao Phố vẫn phải nổ lực hết mình đón nhận sự đầu tư đúng hướng để phát triển tốt về Kinh tế, Chính trị và Văn hóa. Hi vọng tương lai không xa Chính quyền và Nhân dân Cù Lao Phố sẽ khởi tạo nơi đây trở thành Nông Nại Đại Phố như thuở xưa mấy trăm năm đã hình thành.

Bài và ảnh: Nguyễn Quang Vinh