Hội họa

Khi Kiều hiện ra bằng cái nhìn của nghệ sĩ Hàn Quốc

Ảnh: Sơn Trần • 12-03-2018 • Lượt xem: 13997
Khi Kiều hiện ra bằng cái nhìn của nghệ sĩ Hàn Quốc

Tối 10.3 và 11.3, vở Múa Kiều đã được diễn ra tại Nhà hát TP.HCM với sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả yêu múa. Nếu không cố tình tìm kiếm các yếu tố Việt Nam trong vở múa này mà xem với "tinh thần" các nghệ sĩ Hàn Quốc nhìn Kiều như thế nào thì vở múa có nhiều điểm thú vị.

Biên đạo Chun Yoo Oh và đạo diễn Jung Sun Goo cũng không ngại nói rằng vở Múa Kiều là sự giao thoa giữa văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc. Chính vì vậy, trong Múa Kiều, khán giả bắt gặp NSND Thanh Hoài với áo dài hát ca trù thì đồng thời gặp nghệ sĩ Kang Kwon Soon với Hanbok hát nhạc dân gian Hàn Quốc. Yếu tố Việt Nam rõ nét nhất trong vở múa này chính là dàn nhạc dân tộc với các nghệ sĩ Hồ Nga chơi đàn T'rưng, Trần Khánh Tường với Sáo trúc, Lê Hoài Phương với Đàn đá... khi xướng lên những giai điệu dân gian quen thuộc của Việt Nam.

Bà biên đạo Chun Yoo Oh yêu Truyện Kiều của Nguyễn Du, vì vậy, người xem cũng xem với tâm thế tác phẩm này là kinh điển của văn học châu Á và Kiều là nhân vật điển hình của phụ nữ khu vực này chứ không phải của riêng Việt Nam. Và bà cũng với ê kíp của mình cũng không kể lại Truyện Kiều và cũng không muốn tái hiện một không khí cổ xưa cùng với một nàng Kiều bị cuộc đời vùi dập ở thế kỷ 19. Múa Kiều là nghệ thuật múa đương đại nên không khí thời đại đầy ắp trong các chuyển động của nghệ sĩ và cả trong phục trang, ánh sáng, thiết kế sân khấu... để làm nổi bật những cảm xúc của Kiều qua những biến cố.  

Múa Kiều có 6 chương gồm: Mơ, báo mệnh; Mối tình đầu; Trâm gãy. Hy sinh; Bước đường phong trần; Cứu rỗi; Đoàn tụ miêu tả các biến cố lớn trong cuộc đời Kiều. Có thể xem chương 4 Bước đường phong trần là cao trào của vở múa. Đoạn Kiều ở lầu xanh, ôm đàn tỳ bà vừa gãy đàn vừa khóc cho thân phận mình và nhớ người yêu, nhớ cha mẹ, quê nhà, sau đó, cô phải đối mặt với Tú bà, với Mã Giám Sinh và bao nhiêu nhân vật "nguy hiểm" khác là phần của cảm xúc trầm lắng. Tiếng roi vút, tiếng rên rỉ, những chiếc mặt nạ chốn lầu xanh, từng chuyển động và biểu cảm run rẩy của nét mặt chắc chắn để lại nhiều ấn tượng với khán giả. Và chương 5 Cứu rỗi là chương rất đẹp - cả về nội dung, động tác múa và xử lý ánh sáng. Hình ảnh Giác Duyên nâng đỡ Kiều thoát khỏi cơn trầm mình, đưa nàng về gia đình và người yêu đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát. 

Thế nhưng, Múa Kiều không phải là một vở múa khắc họa sâu sự bi đát của một thân phận nữ nhi mà là bản năng mạnh mẽ và phần tâm hồn tốt đẹp trong mỗi người phụ nữ. Không có những động tác dằn vặt, quằn quại. Không có những biểu cảm thê lương. Tất cả rồi sẽ qua!

Sân khấu của vở Múa Kiều được vẽ với những nét ước lệ đơn giản mà sang trọng. Phong nền phần quê hương của Kiều và phần Bước đường phong trần lấy hình ảnh mặt trời và mặt trăng làm biểu tượng. Lúc Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường và được cứu rỗi lấy hình ảnh chiếc thuyền làm biểu tượng. Ánh sáng sân khấu cũng được thiết kế để thể hiện tốt ý đồ của đạo diễn, Lúc Kiều ở lầu xanh thì mịt mờ, âm u, khi Kiều được trở về đoàn tụ với gia đình thì mọi thứ đều tươi sáng.

Các diễn viên của Công ty múa Y.O Saigon Dance Ensemble và HSBO đã thể hiện kỹ thuật tốt, vũ đạo đẹp, di chuyển hợp lý trong cả những màn múa tập thể, múa đôi hay solo, như đoạn múa đôi của Hoàng Yến (Kiều) và Thái Bình (Kim Trọng) trong cảnh hội Thanh Minh và cảnh gặp lại nhau hoặc cảnh múa solo của Giác Duyên do nghệ sĩ Chun Yoo Oh thể hiện, dù màm solo đậm đặc nghệ thuật múa dân gian Hàn Quốc. Về diễn viên, chỉ có một điều đáng nói là nếu họ biết cách đọc diễn thơ tốt hơn thì các câu Kiều của Nguyễn Du sẽ làm tăng cảm xúc của người xem lên nhiều hơn. 

Dưới góc nhìn về một tác phẩm giao thoa văn hóa thì Múa Kiều là vở đáng xem. Tuy nhiên, khán giả vẫn mong đợi một tác phẩm múa Kiều mang đậm tính Việt Nam, về hồn cốt của điệu múa, âm nhạc cũng như phục trang. Tin rằng, các biên đạo giỏi của chúng ta sẽ làm tốt một vở múa từ một tác phẩm văn học đáng tự hào của dân tộc.