Hội họa

Kỳ 53: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 07-04-2019 • Lượt xem: 18417
Kỳ 53: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Cũng từ năm 67 trở đi, cái mộng trở thành ký giả... thật của tôi có đà thăng tiến. Ngoài việc phụ trách trang nhạc trẻ cùng viết bài phỏng vấn những ca sĩ tân nhạc cũng như nhạc trẻ, tôi còn bao luôn một mục nhạc trẻ khác trên tuần báo Màn Ảnh do ông Mai Châu làm chủ nhiệm.

 

Bao dàn khá nhiều như vậy, nên đã nhiều lần “cuống đì” như bị thúc bài, thúc vở. Nhiều lần đã phải lên tận tòa soạn rặn ra từng câu để mang đi xếp chữ. Viết đến đâu, xé ra đến đấy trao cho thợ in. Hình ảnh được giao cho những ngài Cliché Dầu hay cliche Trung chuyên trị. Đây là hai nơi mà bất cứ tờ báo nào ở Sài Gòn cũng phải lui tới để làm bản kẽm. Trong thời kỳ này, tờ Tạp Chí Thứ Tư của anh Nguyễn Đức Nhuận (khổ nhỏ như những tạp chí Thời Nay hoặc Phổ Thông) cũng như tờ Tinh Hoa của anh Trương Cam Vĩnh sau đó đang thời kỳ đi lên. Nhận thấy khả năng... giao du nhiều của tôi với giới trẻ nên các ngài chủ nhiệm đề nghị tôi viết những phóng sự liên quan đến sự “quậy” của giới trẻ Sài Gòn thời đó, sau khi tôi viết quyển phóng sự có tựa đề “Mặt Trái Nữ Sinh Sài Gòn”, do Nguyễn Hoàng Đoan (phu quân của Khánh Ly bây giờ và nữ ký giả Lam Thiên Hương thời xa xưa) đứng ra phát hành.

 

Máy đánh chữ Regmington

 

Thay vì vác sách đến trường Luật, tôi chỉ thỉnh thoảng ghé tới mua “cours” do ban đại diện in bán để gây quỹ, ngoài ra lâu lâu mới ghé vào giảng đường, sau khi nhờ bạn bè dành chỗ dùm, gọi là góp mặt cho vui đế đấu láo. Mặc dù có tính lãng mạn, nhưng tôi tự không cho phép tỏ lời ong bướm với bất cứ nữ sinh viên luật nào. Cứ tưởng tượng ra cảnh nàng bị méo mó nghề nghiệp để sau này nếu cùng nhau nên bề gia thất, cứ gân cổ lên mà cãi lấy cãi để, hung hăng con bọ xít áp dụng điều luật này, điều khoản nọ thì quả là hãi hùng. Hơi một tí là đòi lôi ra tòa sao mà sống nổi!

 

Quảng cáo của nhà sách Khai Trí

 

Thì giờ còn lại, tôi thường lang thang quanh quẩn ở khu báo chí trên đường Phạm Ngũ Lão để cho ra vẻ như những ký giả đàn anh, thường tụ tập nơi những hàng quán nơi đây. Họ đã trở thành những khách hàng quen thuộc để có thể “à la ghi”, cả tuần hoặc cả tháng sau mới thanh toán. Tôi cũng bày đặt ngồi nhâm nhi cà phê, cà pháo với các bậc trưởng thượng trong làng để nghe họ đấu hót, trong khi mới chỉ là một anh nhóc viết lách nhi nhố. Nhưng cũng nhờ vậy tôi đã quen biết được những tên tuổi trong làng báo như Mai Thảo, Hoàng Hải Thủy, Nguyễn Đình Thiều, Ngọc Thứ Lang, Sức Voi Trần Quân...

 

Bìa sách Bố Già do Ngọc Thứ Lang dịch

 

Ba người sau đã qua đời, nhưng hình ảnh của họ không hề phai mờ trong trí nhớ tôi. Tôi nhớ mãi hình ảnh quen thuộc của anh Nguyễn Đình Thiều, lúc nào cũng kè kè cái máy chữ. Ghé tòa báo này một chút, ghé tòa báo nọ một chút, gõ lấy gõ để nhanh như chớp những “feuilleton” để đưa thợ xắp chữ cho kịp. Thấy cái màn xách máy chữ có vẻ hay ho nên tôi dành dụm tiền mua cho được một cái hiệu “Regmington” cũ mèm, mang về nhà tập gõ sưng cả tay. Sau đó, các vị chủ báo đã rất ngạc nhiên khi thấy một anh ký giả nhóc viết bài bằng máy chữ đàng hoàng, văn minh tân tiến vô cùng. Tuy nhiên chỉ gõ máy ở nhà. không dám xách tới xách lui ở khu báo chí như đàn anh Nguyễn Đình Thiều vì còn ngượng ngập, sợ bị thiên hạ cho là oắt con mà bầy vẽ. Đàn anh Nguyễn Đình Thiều bảnh chọe bao nhiêu thì đàn anh Ngọc Thứ Lang lè phè và lép xẹp bấy nhiều với chiếc áo “sơ mi” luôn bỏ ngoài quần. Nhưng anh Tú” - tôi thường gọi anh theo tên thật là Nguyễn Ngọc Tú - phải được coi là một trong những tay dịch thuật cao cường nhất của làng báo. Chẳng thế mà tác phẩm “Bố Già” của anh, dịch từ “Godfather” của Mario Puzo cho đến nay chưa có ai và sẽ không có ai qua mặt nổi. Có nhiều người cho rằng đọc bản dịch của Ngọc Thứ Lang còn hay ho gấp bội phần bản chính. Điều đó không ngoa, khi anh đã dùng nhiều chữ rất “giang hồ” để dịch thoát nghĩa của Anh Văn từ bản gốc. Khó ai có thể quên được những từ “nói chuyện phải quấy”, “trải thảm”... anh Tú dùng trong tác phẩm dịch thuật này, đã trở nên rất thông dụng. Nói anh là một cái máy dịch cũng đúng. Tay phải cầm bút, tay trái dở quyển sách hay tờ báo có bài cần dịch, rồi ngoáy một lát là xong, ngon ơ. Sau biến cố tháng 4 năm 75, anh thường ghé nhà tôi trên đường Hai Bà Trưng. Hai anh em đều đói rách như nhau, nhưng có những khi “trúng mánh” tôi cũng thỉnh thoảng chi viện cho anh “chút cháo” để anh có dịp “đi mây về gió”.

 

Quảng cáo thuốc hôi nách trên báo xưa

 

Trước đó, anh cũng thường ghé khách sạn Bồng Lai là nơi tôi cư ngụ nhiều năm trước khi quyết định giã từ cuộc sống độc thân. Ngọc Thứ Lang đã trở thành người thiên cổ, những dòng chữ này tôi coi như một sự tưởng nhớ sâu xa tới anh. “Ông Thầy” Trần Quân tức Sức Voi của tôi là người gần gũi với tôi hơn cả trong nhiều năm khi ông đứng ra thực hiện tạp chí Minh Tinh, chuyên về điện ảnh và tân nhạc, cùng một lúc cộng tác với nhiều nhật báo khác. Ông là người đã mệnh danh cho tôi là “Vua Hippy”, khi phong trào này bắt đầu xuất hiện tại Sài Gòn. Ông đã cùng với tôi cũng như Ngọc Hoài Phương (chủ nhiệm tạp chí Hồn Việt hiện nay ở nam Cali, lúc đó cộng tác với Màn Ảnh và nhiều báo khác) thường lang thang hết phòng trà nọ đến vũ trường kia cho đến khi những nơi này đóng cửa trong thời gian cuối của biến cố Tháng Tư Đen.

 

Quảng cáo về in ấn trên báo xưa

 

Anh chị em nghệ sĩ trong thời kỳ này không mấy ai không biết tới ông và rất mến ông do tính tình vui vẻ, xuề xòa qua hình dáng một người có cái bụng bự, cái đầu sói, lúc nào cũng ôm kè kè một cái cặp đầy nhóc tài liệu, bài vở. Cũng chính ông là người đặt cho căn phòng số 21 trên khách sạn Bồng Lai của tôi là “Bồng Lai Đảo”, vì đó là nơi tụ tập đông đảo nhất giới nghệ sĩ nhạc trẻ suốt từ năm 70 đến năm 74. Đó cũng là thời kỳ nhạc trẻ ở trong thời kỳ cực thịnh nhất và cũng là khoảng thời gian nhiều kỷ niệm nhất với tôi, sẽ được nhắc đến ở một chương khác.

(còn tiếp)

 

 

Ngọc Thứ Lang ( Nguyễn Ngọc Tú), từ Bắc vào Sài Gòn lập nghiệp khoảng năm 1950. Ông là dịch giả của thời kì trước năm1975, đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm .

Năm 1972, bản dịch The Godfather của Mario Puzo  của Ngọc Thứ Lang từ nguyên bản tiếng Anh ra mắt và đã gây được tiếng vang . Người đọc say mê “Bố già”  nằm ở chính giọng văn đậm chất giang hồ của người dịch. Và bản thân cái tên “Bố già” cũng là một sáng tạo của Ngọc Thứ Lang. Nhiều độc giả Việt Nam nói rằng nếu đọc The Godfather của Mario Puzo, hãy tìm đúng bản dịch của Ngọc Thứ Lang để thấy thế nào là một gã đàn ông.