Kết nối bạn đọc

Kỳ 67: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 21-04-2019 • Lượt xem: 10474
Kỳ 67: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Trước khi tổ chức chương trình nhạc trẻ hàng tuần tại “Chez Jo Marcel”, tôi quyết định không dùng tên “Teen À GoGo” mà muốn chọn một tên khác. Vào những tháng cuối năm 67, phong trào Hippy đã bắt đầu được biết đến nhiều sau kỳ đại hội nhạc trẻ ở Monterey, tổ chức vào mùa hè. Tuy nhiên ở Việt Nam, chưa được giới trẻ hưởng ứng nhiều vì còn quá mới mẻ.

Nhưng chỉ một năm sau đó, khi phong trào Hippy bộc phát dữ dội vào mùa hè năm 68 San Francisco thì giới trẻ tại Việt Nam đã chạy theo một cách kịch liệt. Nhận thấy chữ Hippy có vẻ hay hay và nhất là có sự liên quan đến giới trẻ và ca nhạc một cách mật thiết nên tôi đã dùng để đặt cho chương trình nhạc trẻ của mình là “Hippies A GoGo”. Khi đề nghị tên gọi này với Jo và các bạn bè, mọi người tỏ ra rất khoái chí. Cũng kể từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về phong trào Hippy qua sách vở, báo chí để càng ngày càng khám phá ra những khía cạnh đẹp của nó. Dĩ nhiên Hippy cũng như bất cứ phong trào nào khác đều không thoát ra khỏi những sự chỉ trích, căn cứ trên một vài điểm được coi là xấu. Nói đến Hippy, người ta liên tưởng ngay đến sự xử dụng cần sa, ma túy; đến cách sống buông thả và thác loạn và nhất là tư tưởng phản chiến của nó qua âm nhạc cũng như văn chương.

 

Nhưng thật sự đối với tôi, có thể là đối với nhiều người trẻ Việt Nam khác thì riêng ở Việt Nam, phong trào Hippy chỉ được chạy theo cái vẻ bề ngoài của nó với mái tóc dài, những bộ quần áo hoa hoét, nếp sống phóng khoáng và âm nhạc mà thôi. Còn tư tưởng phản chiến của phong trào Hippy như thế nào, bị phản đối ra làm sao, thật tình đa số những người trẻ Việt Nam không quan tâm tới. Tuy nhiên dấu hiệu “Peace” và khẩu hiệu “Make Love Not War” của Hippy đã trở thành quen thuộc với tất cả mọi người. Nếu hiểu “phản chiến” theo nghĩa tổng quát là phản đối chiến tranh thì tôi dám bảo đảm là ai cũng có tư tưởng đó trong đầu óc.

 

Thời trang Hippy thập niên 60, 70 của thế giới

 

Đối với một người dân bình thường, chắc chắn không ai muốn chiến tranh xẩy ra, không ai muốn thấy cảnh máu đổ thịt rơi, tơi bời lửa đạn. Một anh phó thường dân nào nói là mình thích chiến tranh, tang tóc thì đúng là một tên khùng, tên điên. Nhưng thực tế cho thấy chiến tranh luôn luôn hiện hữu, không ở nơi này thì ở nơi khác. Với giới trẻ Hoa Kỳ, tôi cho rằng họ phản đối cuộc chiến tranh xảy ra tại Việt Nam là đúng. Nếu ở trong vai trò của họ thì chắc chắn chúng ta không thể làm gì khác hơn. Một cách giản dị là không ai muốn thấy con cái mình, anh em mình hay người yêu của mình đang trong lứa tuổi hoa niên của một siêu cường được gửi tới một nơi xa vời vợi và lạ hoắc để rất dễ dàng làm bia cho bom đạn. Do đó, tư tưởng phản chiến nảy sinh nơi họ là đúng, là phải. Nhưng trong tư thế của những nhà cầm quyền Mỹ cũng như Việt thời đó thì tư tưởng phản chiến đó chắc chắn không được chấp nhận khi xét trên khía cạnh lý tưởng. Một siêu cường đóng vai trò người anh em đồng minh bảo vệ cho lý tưởng tự do thì tư tưởng phản chiến không có chỗ đứng.

 

Thời trang Hipyy như làn sóng thu hút giới trẻ

 

Một quốc gia nhược tiểu cần đến sự giúp sức của một anh không lồ để ngăn chặn sự xâm lấn của đối phương thì đương nhiên tư tưởng phản chiến phải đi chỗ khác chơi. Lợi dụng tình thế, đối phương khai thác triệt để tư tưởng phản chiến như một vũ khí tuyên truyền, như đã dùng hình ảnh và tên tuổi của những Jane Fonda hay Joan Baez để cổ vũ cho phong trào này. Tất cả đều được coi như một trò chơi chính trị xoay quanh một tư tưởng gọi là phản chiến. Trong khi đó những người chủ trương noặc chạy theo phong trào này chỉ mang một ý nghĩa đơn thuần là không muốn thấy có chiến tranh. Với giới trẻ Việt Nam cũng như với bất cứ người nào, không ai muốn chạm trán với sự khốc hại của chiến tranh, không ai muốn thấy cảnh điêu tàn, tang thương xây đến cho gia đình hay quê hương mình. Tuy nhiên trong một tư thế bị động, biến chuyển theo tình thế của đất nước, họ đã lên đường chiến đấu để được rèn luyện thành một người quân nhân can trường, hy sinh cho lý tưởng. Bạn bè tôi không thiếu gì người đã anh dũng nằm xuống ngoài mặt trận. Họ thuộc đủ mọi binh chủng, từ không quân đến nhẩy dù, từ hải quan đến bộ binh, từ thiết giáp đến tâm lý chiến, chưa kể đến những Lôi Hổ, Thám Báo....

 

Thế giới với thời trang Hippy

 

Trong họ hàng thân thuộc của tôi cũng như của biết bao người khác, trong cuộc chiến tranh đó cũng đã có nhiều người phơi thây ngoài chiến địa với mảnh poncho phủ kín thân thể nát tan vì bom, vì đạn. Mới hôm qua đây còn cùng nhau chén chú, chén anh nhậu nhẹt lu bù, mấy ngày sau đã nghe tin bạn bỏ xác ở Chương Thiện, Pleiku hay Đồng Xoài, vv... Do tình thế đòi hỏi, do hoàn cảnh cần thiết của một thời gian cấp bách nào đó họ đã gia nhập quân đội để bảo vệ đất nước. Nhưng nếu bỏ qua hiệu quả của sự vận động, tuyên truyền khéo léo để thôi thúc sự lên đường chiến đấu cho lý tưởng hoặc tác dụng của những cuộc bố ráp bắt quân dịch thì có lẽ phần lớn đều... rét khi phải xông pha cầm súng trong khi cuộc chiến đang leo thang đến mức khủng khiếp. Tuổi trẻ đang ham vui, còn yêu đời ra rít mà phải xông pha nơi trận địa thì chẳng có ma nào ham. Lớ quớ thì không chết cũng bị thương, không bị ở đầu cũng bị lủng cái chỗ để ngồi, hay què tay cụt chân. Sự thật trần truồng là như vậy. Đâu có ai muốn chết trong lứa tuổi tươi đẹp nhất của cuộc đời.

 

Tóm lại, hầu như ai cũng có tư tưởng phản chiến hết ráo, nếu được hiểu theo một cái nghĩa rất đơn thuần và giản dị là cóc có ham chiến tranh. Tôi yêu thích tư tưởng đó nơi phong trào Hippy khi muốn thấy những bông hoa nở rộ khắp nơi thay cho bom đạn, những giọng hát, tiếng đàn thay cho những tiếng nổ chết người. Nhưng thực tế của đất nước tôi đã không cho tôi được nhìn thấy điều mơ ước đó để chỉ còn biết cầu mong sao cho chiến tranh sớm chấm dứt. Nhớ đến những thằng bạn đã vĩnh viễn ra đi trong lứa tuổi trên dưới 20, tôi bùi ngùi thương cảm cho số phận chúng nó, cũng là những thằng trước đó sợ chết như ai, trong số cũng có những thằng trốn chui, trốn nhủi trong những lần bị bắt lính. Nhưng khi vào quân đội – hoặc bị bắt buộc vào quân đội – với bản năng sinh tồn, khi không còn một sự chọn lựa nào khác, chúng nó đã trở thành những người hùng, những người hùng thời chiến. Lúc đó sự can đảm và lòng hy sinh của chúng nó mới được bộc lộ ra. Tôi chưa từng có một ngày nào ở trong quân đội nên không có tư cách để bàn sâu tán rộng vào lĩnh vực này ngoài sự hiểu biết về tình “huynh đệ chi binh”, về tinh thần dũng cảm của họ qua những câu chuyện do bạn bè trong quân ngũ kể lại.

 

Tuy nhiên những hoạt động của tôi về nhạc trẻ cùng với một số anh em đã có dịp cho tôi kề cận rất nhiều với những người quân nhân qua những buổi Đại Hội Nhạc Trẻ nhằm những mục đích như gây quỹ cho Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ hoặc để giúp những chiến sĩ Hạ Lào. Tôi tự nhận thấy cần phải chia sẻ với họ trong những khả năng của mình mặc dù đã từng đôi lần bị họ nhìn bằng những cặp mắt không mấy thiện cảm nếu không muốn nói là một số anh em chúng tôi đã từng bị sởn mái tóc dài hay bị lưỡi lê xẻ rách cái quần ống túm. Xét kỹ lại, điều họ làm rất có lý, nếu ở trong hoàn cảnh những người luôn giáp mặt với tử thần khi trở về thành phố nghỉ phép vài ngày phải thấy những cảnh tượng đối với họ là trái tai, gai mắt này.

(còn tiếp)