Đúng vào lúc chiến tranh đang ở trong thời kỳ căng thẳng thì phong trào Hippy tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện. Những bông hoa Hippy nở đầy trên đường phố. Nơi nào cũng thấy toàn hoa là hoa. Hoa nở tùm lum tà la, trên áo quần, trên xe Honda, trên PC 50, trên xe hơi và đôi khi còn thấy cả trên xe ba gác và... xe bò. Thậm chí còn nở cả trên những đôi dép Nhật, trên gọng kính, trên tóc trên tai. Nơi nào nở được là cứ tha hồ nở. Trăm hoa đua nở như điên.
Hình ảnh những bông hoa Hippy 5 cánh đủ màu sắc với cái nhụy tròn ở giữa đã trở nên quen thuộc trong giới trẻ trong một thời gian dài, mãi cho đến những năm 72, 73 mới bắt đầu rụng rơi lả tả. Cũng kể từ đó danh từ “hippy choai choai” ra đời để chỉ những cô cậu nhóc tì, thích ăn diện theo thời trang và thích nhảy nhót, thường xuyên có mặt tại những “bùm”, những chương trình nhạc có màn nhẩy đầm. Danh từ “hippy bụi đời” cũng xuất phát trong thời gian này, nhắm vào các cô cậu thích sống một cuộc sống bất cần đời, buông thả tối đa trong những màn được gọi là “bề hội đồng”, coi vấn đề làm tình như một màn “say hello” giản dị.
Công viên Golden Gate 1967
Báo chí Sài Gòn từng đăng tải rất nhiều tin tức giật gân liên quan đến những vụ “bắt bò lạc” để “bề hội đồng” này, đã trở thành một sự báo động quan trọng. Trong khi đó những cô cậu nhóc có vẻ nhà quê, nhà mùa khác cũng bắt chước đua đòi với y phục ăn mặc theo một kiểu thời trang chả giống ai thì bị gọi là những “hippies yaourt”, dưới con mắt coi thường của những tay Hippy con nhà giầu có, thường tự nhận mình là những dân chơi hippy chính hiệu. Trừ vấn đề hình thức bắt chước bên ngoài với những bộ áo quần, tóc tai và những bông hoa Hippy muôn mầu, tư tưởng chính của phong trào Hippy phần lớn đã bị hiểu một cách lệch lạc nơi giới trẻ. Không những chỉ nơi giới trẻ ở Việt Nam mà còn ở trên khắp thế giới, đã tạo ra một sự đánh giá không mấy tốt đẹp về phong trào mà tôi cho là có một tư tưởng rất cao này qua câu châm ngôn chính là “Make Love Not War” tức “tạo tình thương yêu mà không tạo chiến tranh”.
Chính sự chơi chữ “make love” trong câu châm ngôn đó đã bị hiếu lệch lạc theo nghĩa đen là “làm tình” nên đã đưa tới những cảnh tượng thác loạn trong giới trẻ khắp nơi, nên khiến cho phong trào Hippy bị kết án nặng nề. Tại Việt Nam, hình ảnh của những cô cậu Hippy Sài Gòn với những bông hoa muôn mầu ít ra cũng đã từng làm tăng vẻ đẹp cho thành phố nếu chỉ xét theo bề ngoài. Tuy nhiên cái sự làm đẹp thành phố trong thời kỳ chiến tranh đó đã gây ra không ít những đụng chạm với những ông nhà binh thuộc thành phần tác chiến, cảm thấy trái tai gai mắt với những mái tóc dài thoòng và những bộ quần áo lòe loẹt. Từ chiến trường trở về thành phố, từ nơi mũi tên hòn đạn không biết sống chết ra sao, nay thấy những hình ảnh như vậy không ngứa mắt sao đặng! Từ đó đã xẩy ra màn sởn những mái tóc dài, rạch xén những chiếc quần ống túm và chiếc mini-jupe ngắn cũn cỡn đã xẩy ra ngay trên đường phố Sài Gòn. Đó là một số trong nhiều hình ảnh tương phản ở một xã hội mà chiến tranh hiện diện mỗi ngày, mỗi giờ. Riêng tại nước Mỹ, nơi xuất phát ra phong trào Hippy, giới trẻ có quyền đi theo câu châm ngôn “make love not war” của họ vì được sống trong một quốc gia phú cường và hòa bình, không phải đương đầu với súng, với đạn như những quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Hình ảnh về phong trào hippy năm 1967 tại Godel Gate
Nhưng dù thế nào chăng nữa, không ai phủ nhận được nền văn hóa mà phong trào Hippy đã mang lại, về văn chương, hội họa và nhất là về âm nhạc. Tất cả khởi nguồn từ San Francisco, thánh địa của giới Hippy. Vào mùa hè năm 68 được gọi là “Mùa Hè Của Tình Yêu” (Summer Of Love) đã có sự tập họp của khoảng 100 ngàn người có mặt tại khu Haight và Ashbury. Đó là những ngày hội của hoa và của âm nhạc. Người tham dự đều gắn một cánh hoa trên tóc, đúng với lời ca: “If you're going to San Francisco, be sure to wear some flowers in your hair...” của bài “San Francisco”. Cũng từ đó danh từ “Flower Power” ra đời để nói lên sức mạnh của hoa, tượng trưng cho hòa bình. Hình ảnh của bông hoa do một thiếu nữ Hippy gắn vào mũi súng của một quân nhân trong lực lượng chống bạo động trong một cuộc biểu tình phản chiến tại Mỹ đã trở thành một hình ảnh khó phai mờ trong trí óc mọi người.
Phong trào Hippy cũng đã phát sinh ra những tư tưởng gia nổi tiếng trong giới trẻ như Timothy Leary, một giáo sư đại học Harvard từng có những tư tưởng “cách mạng khác biệt hẳn với những bạn đồng nghiệp. Do đó ông đã bị trục xuất khỏi trường đại học nổi tiếng này vào năm 63, để từ đó lang thang khắp nơi trên thế giới để phổ biến tư tưởng của mình trong giới trẻ. Từ năm 68 trở đi, ông trở thành một thứ thần tượng của giới Hippy. Allan Ginsberg cũng rất được những hippies nể phục qua những bài thơ văn và tư tưởng phóng khoáng của ông. Thi sĩ Allen Cohen cũng là một tên tuổi lớn đối với dân Hippy, nhất là khi ông tung ra tờ báo “The Oracle” vào năm 66. Vào mùa hè 68, tờ báo này đã được lưu hành với số lượng 100 ngàn tờ với những bài viết tranh đấu cho chủ trương Hippy cùng với những “art works” đầy mầu sắc “psyche delic” rất được giới trẻ ưa chuộng.
Ngoài những nhân vật lừng danh vào thời kỳ này, còn có những địa điểm được coi là những nơi tụ họp đông đảo dân hippy rất nổi tiếng kể từ “Mùa Hè Của Tình Yêu” diễn ra tại San Francisco. Cho đến nay những địa điểm này vẫn được coi là những di tích lịch sử của những người mang tư tưởng Hippy cũng như những người yêu nhạc. Trước tiên phải kể đến The Haight - Ashburry, được coi là “thành phố Psychedelic”.
Thật ra đó chỉ là một khu vực rộng khoảng 5 blocks đường, trải dài từ Golden Gate Park đến đường Haight ở San Francisco. Trên con đường Haight có nhiều cửa tiệm cà phê nổi tiếng như The Dragstore, I/Thoi hay những cửa hàng bán “poster” như Print Mint hoặc Pacific Ocean Trading Company, gọi tắt là POT.C.O. Ngoài ra còn có những tiệm bán những “phụ tùng” cho dân hippy như Mnasidika và The Blushing Peony. Tòa soạn tờ báo “The Oracle” cũng được đặt trên con đường này, cùng với sự hiện diện của rạp hát Straight Theater, nơi đã diễn ra nhiều chương trình ca nhạc. Ngôi biệt thự số 710 trên đường Ashbury cũng là một địa điểm nổi tiếng vì là nơi xuất phát ra ban nhạc The Grateful Dead, điển hình cho loại nhạc Psychedelic. Đại gia đình của The Grateful Dead đã đến cư ngụ tại ngôi biệt thự này từ năm 66 với bầu đàn thê tử, và cũng từ đó là nơi dừng chân của rất nhiều ca nhạc sĩ, nghệ sĩ. Nếu nhắc tới những địa điểm quan trọng trong thời kỳ Hippy thì không thể quên The Fillmore, một thính đường trước đó chỉ dành cho những ca sĩ va ban nhạc chuyên trình bày nhạc Soul trước năm 66.
Vì nhận thấy nhu cầu thưởng thức nhạc Rock lên cao, Bill Graham đã đứng ra mướn lại để khai thác vào đầu năm 66. Cũng kể từ đó, từ The Fillmore đã xuất hiện những tên tuổi lớn trong làng nhạc trẻ quốc tế như Otis Redding, Cream, the Yardbirds và nhất là ban nhạc địa phương - sau đó trở thành quốc tế khi phong trào Hippy bộc phát – có tên The Jefferson Airplane với nữ ca sĩ Grace Slick. Cho đến nay, hàng chục năm đã qua đi nhưng Fillmore vẫn là nơi lui tới của nhiều nghệ sĩ lừng danh do những biến cố trong lịch sử âm nhạc đã diễn ra tại đây. Chính The Fillmore đã khiến tôi nuôi một giấc mơ có một địa điểm tổ chức ca nhạc như vậy. Và những nơi tôi đứng ra tổ chức những chương trình “Hippies À GoGo” tại Sài Gòn đã bắt nguồn từ địa điểm lịch sử này của thành phố San Francisco.
(còn tiếp)