Phiên đấu giá Nghệ thuật Đông Nam Á hiện đại và đương đại của nhà Sotheby’s Hong Kong diễn ra từ lúc 10h ngày 1/4/2018 (tức lúc 9h, giờ Việt Nam). Đây là phiên đấu lớn về số lượng, với 186 lô hàng, đại diện nghệ thuật từ Việt Nam có 45 lô, thuộc diện áp đảo.
Mà không chỉ áp đảo về số lượng, giá bán dự kiến cũng là điều đáng chú ý, khi mà Lê Phổ giữ “á quân”. Bức lụa Femme à l'enfant (Đàn bà và đứa trẻ, 45,5cm x 29cm) của Lê Phổ có giá dự kiến từ 102.312 đến 153.468 USD, bán 140.679 USD. Nó chỉ sau bức Moss and white sandcủa Jose Joya, với giá dự kiến từ 127.890 đến 191.835 USD, bán 383.670 USD.
Phiên này hội tụ các tên tuổi thời danh của thị trường Đông Nam Á như Affandi, Srihadi Sudarsono, Lee Man Fong, Joseph Inguimberty, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Nguyễn Văn Tỵ, Bùi Xuân Phái, Arie Smit, Fernando Cueto Amorsolo, Walasse Ting, Chen Wen Hsi, Cheong Soo Pieng, Theo Meier, Adrien Jean Le Mayeur De Merprès, Romualdo Frederico Locatelli, Widayat, Ahmad Sadali, U Ngwe Gaing, Tay Bak Koi, Fernando Zobel, I Nyoman Masriadi…
Nhìn các đại diện từ Việt Nam, rất tiếc bức Street scene (Hà Nội phố, sơn dầu trên bố, 61cm x 75,5cm, 1969) được cho là của Bùi Xuân Phái lại có phẩm chất khá tầm thường. Nếu chia sự nghiệp Bùi Xuân Phái theo giai đoạn màu, từ 1960 đến 1970 là thời kỳ nâu, thì bức này của Bùi Xuân Phái “không được nâu” cho lắm. Từ 1970 đến 1980 là thời kỳ ghi xám, từ 1980 đến 1988 là thời kỳ lam, bức trên cũng “ăn khớp” với thời kỳ nào.
Bức này từng xuất hiện tại Sotheby's Hong Kong ngày 6/10/2008, thuộc lô hàng 936, lúc ấy cũng đã nhận về nhiều phân tích cho thấy đường nét, bảng màu, chữ ký… “chưa thật” là Bùi Xuân Phái. Nhiều tiên đoán bức này đến từ Việt Nam, nhưng nhà đấu giá không cung cấp danh tính của chủ nhân.
Bức được cho là của Bùi Xuân Phái này đã bán 47.959 USD, trong khi mức giá dự kiến chỉ từ 8.952 đến 11.510 USD.
Bức sơn mài với kỹ thuật tinh xảo - đang giữ vị trí thứ 3 về giá bán dự kiến - là bức bình phong 6 tấm Thiếu nữ trong vườn (150cm x 293cm, 1942) của Nguyễn Văn Tỵ, từ 76.734 đến 115.101 USD. Kết quả, bức này đã được bán 175.849 USD.
Bình phong này từng xuất hiện tại sự kiện Exposition De L'Art Modern Indochinois (Hội chợ nghệ thuật hiện đại Đông Dương) tại Tokyo năm 1943.
Nhìn bề mặt màu tươi sáng và tình trạng vật lý còn như mới, cũng đã có những ý kiến ngờ vực về tính nguyên bản của bức bình phong này. Thế nhưng, về gốc tích và đường đi nước bước thì quá rõ ràng. Có lẽ do tình trạng sử dụng và bảo quản tuyệt vời tại Nhật Bản ở giai đoạn đầu đã giúp tích cho tuổi thọ tác phẩm (?).
Tranh Việt tại phiên này, đáng chú ý bậc nhất có Le rêve (Mơ mộng, lụa, 46cm x 60,5cm, khoảng 1940) của Vũ Cao Đàm, bán 127.890 USD. Bức Mère et fille (Mẹ và con gái, lụa, 40cm x 23cm) của Mai Trung Thứ, bán 47.959 USD. Bức Mẹ và con ở trong vườn (sơn dầu trên bố, 96,5cm x 129,5cm) của Lê Phổ bán 151.869 USD.
Còn các tác phẩm thuộc dạng hiếm gặp có Angkor (sơn dầu trên bố, 53cm x 62,5cm, 1935) của Tô Ngọc Vân, bán 13.588 USD. Bức On the banks of the Red river, near Hanoi (Đê sông Hồng, ngoại thành Hà Nội, sơn dầu trên bố, 47cm x 99cm, 1935) của Joseph Inguimberty bán 60.748 USD.
Họa sĩ Joseph Inguimberty (1896-1971) là giảng viên chính của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. “Thầy In” - cách gọi thân mật - để lại nhiều dấu ấn trong các thế hệ sinh viên, đặc biệt là Nguyễn Gia Trí.
Bức bình phong 6 tấm Phong cảnh (sơn mài, 100cm x 150cm) của Alix Aymé bán 119.897 USD. Alix Aymé (1894-1989) được xem là một trong những sơ tổ của sơn mài hiện đại Việt Nam. Bà có công khích lệ Nguyễn Gia Trí quay trở lại trường học, ứng dụng kỹ thuật sơn mài mỹ nghệ vào nghệ thuật.
Bức bình phong này từng xuất hiện tại Sotheby's Hong Kong ngày 4/4/2016, thuộc lô hàng 253. Nó cũng từng nằm trong sách En Parcourant L'Indochine (Chuyến du lịch Đông Dương, trang 185, in màu) của Christiane Fournier, xuất bản năm 1954.
Dù chỉ là tấm bình phong, vốn trọng tính mỹ nghệ, trang trí, nhưng Alix Aymé đã phô diễn khá nhiều thủ pháp và kỹ thuật của sơn mài, trừ cẩn trứng.
Bức Trẻ em nghịch hoa (tổng hợp trên lụa, 64,5cm x 54,5cm, 1966) của Lê Thị Lựu khá đặc biệt, nếu nhìn vào tiến trình tranh lụa. Thập niên 1960 mà Lê Thị Lựu đã xử lý chất liệu tổng hợp trên lụa là điều rất mới mẻ. Mới mẻ hơn nữa, nếu ta nhìn hiệu ứng bề mặt, nó hoàn toàn rời xa kỹ thuật lụa trước đó để đến gần với hiệu ứng từ bột màu, acrylic, thậm chí sơn dầu.
Không ngoài dự đoán, bức này dù có giá dự kiến từ 19.184 đến 31.973 USD, không xếp vào tiêu điểm của phiên như Nguyễn Văn Tỵ, nhưng kết quả bán 207.821 USD.
Giá này dẫn đầu 45 lô hàng đến từ Việt Nam, và cũng thuộc vài tác phẩm cao giá nhất. Phiên đấu vừa kết thúc tại Hong Kong, với hơn 80% lô hàng được bán. Trong 45 lô hàng từ nghệ thuật Việt Nam đưa ra, chỉ có 2 lô không bán được, hiệu suất như vậy là rất cao.