VĂN HÓA

Nghệ thuật xếp giấy Origami và nét độc đáo trong văn hóa người Nhật

Lan Hương • 05-05-2023 • Lượt xem: 2836
Nghệ thuật xếp giấy Origami và nét độc đáo trong văn hóa người Nhật

Từ lâu bộ môn xếp giấy Origami được biết đến như một biểu tượng văn hóa độc đáo của người Nhật. Không những thế, đây còn là môn nghệ thuật được nhiều người trên thế giới yêu thích bởi những giá trị mà nó mang lại.

Origami hay còn được gọi là nghệ thuật xếp giấy thủ công, có thể xem đây là một nét thú vị trong phong tục của người Nhật. Bởi chỉ cần những mảnh giấy đơn giản và đôi tay khéo léo là có thể tạo ra nhiều hình thù khác nhau như bông hoa, con thú hay bất kể hình dạng gì mà người ta có thể tưởng tượng ra.

Origami được xem là môn nghệ thuật có truyền thống lâu đời của người Nhật, cái tên Origami bắt nguồn từ những năm 1880 và được ghép từ hai chữ “ori” nghĩa là xếp và “kami” nghĩa là giấy. Trước đó, người Nhật gọi bộ môn này là Orikata.

Môn nghệ thuật mang tính trí tuệ và sự nhẫn nại

Có thể nói giấy chính là một trong những phát minh kỳ diệu của con người. Giấy dùng để viết, vẽ, in ấn… và đặc biệt, giấy có thể đưa bạn đến một thế giới khác với muôn vàn hình dạng đẹp đẽ và kỳ diệu – thế giới của nghệ thuật xếp giấy Origami.

Origami có thể đưa bạn đến một thế giới mới lạ với sự sáng tạo không ngừng nghỉ.

Theo ghi nhận của các nhà nghiên cứu lịch sử Nhật Bản, nghệ thuật xếp giấy bắt nguồn từ Trung Quốc vào khoảng thế kỷ 1 hoặc 2. Sau đó đã được du nhập vào Nhật Bản vào thế kỷ thứ 6, rồi được người Nhật cải biến, sáng tạo từ nhiều chất liệu giấy khác nhau và chính thức trở thành môn nghệ thuật độc đáo của xứ sở Mặt Trời mọc. Những sản phẩm từ nghệ thuật xếp giấy này đã được dùng để phục vụ nghi lễ vào thời Muromachi (1392 – 1573).

Origami có cách gấp phổ biến từ mảnh giấy hình vuông, hình chữ nhật… (2 chiều) thành những hình dạng phức tạp (3 chiều). Tuy nhiên điều đặc biệt của Origami thể hiện ở chỗ người thực hiện chỉ sử dụng duy nhất một mảnh giấy để gấp mà không hề dùng hồ dán hay kéo cắt. Từ đó có thể thấy được sự khéo léo và kiên nhẫn của người gấp. Qua đó cũng bộc lộ nét văn hóa truyền thống của người Nhật Bản, là sự tỉ mỉ, chỉn chu, chính xác đến từng chi tiết.

Các mẫu Origami phức tạp hầu như được tạo thành từ những nếp gấp cơ bản và được sáng tạo thêm. Những mẫu gấp cơ bản trong Origami bao gồm gấp diều, gấp cá, gấp chim, gấp ếch. Trong đó, hạc giấy chính là một trong những mẫu phổ biến được nhiều người biết tới, trong quan niệm người Nhật, con hạc chính là biểu tượng cho sự tốt lành.

Hạc giấy, biểu tượng cho hòa bình và tốt lành là mẫu gấp được nhiều người biết đến.

Loại giấy đặc trưng được người Nhật sử dụng để gấp chính là Washi, đây chính là loại giấy có một không hai trên thế giới. Từ việc biến đổi nhiều phương pháp chế tạo cũng như chất liệu giấy, người Nhật tự hào đã tạo ra được loại giấy có chất lượng cao, bền, dai, không rách khi gấp mởi nhiều lần và có họa tiết hoa văn trang nhã. Cũng từ đó, nghệ thuật xếp giấy Nhật Bản đã trở thành loại hình nghệ thuật gắn liền với nét văn hóa truyền thống của người dân nước Nhật.

Bên cạnh những mẫu gấp đơn giản, người ta cũng tạo ra các mẫu Origami phức tạp hơn với những đường nét cầu kỳ như hình rồng, phượng… nhiều mẫu có thể được gấp khi ướt hoặc sử dụng lá kim loại thay cho giấy. Độ khó và độc đáo của mẫu gấp phụ thuộc vào khả năng sáng tạo và tư duy của người làm.

Bên cạnh những mẫu gấp đơn giản, người ta còn sáng tạo ra vô vàn hình dáng phức tạp từ giấy khiến người xem phải thốt lên kinh ngạc.

Để tạo ra một tác phẩm Origami đẹp mắt, đòi hỏi người thực hiện phải tập trung cao độ, cần sự kiên nhẫn và tỉ mỉ trong từng nếp gấp. Thêm nữa, cần vận dụng trí tưởng tượng, kiến thức tạo hình khối, kiến thức hình học không gian và khả năng tư duy hình ảnh… Một tác phẩm có độ khó cao thì quá trình thực hiện càng kỳ công. Đây chính là thước đo thể hiện tính thẩm mỹ và kiên nhẫn của người tạo tác.

Tác dụng của Origami trong liệu pháp tâm lý

Do vật liệu chỉ là những mảnh giấy đơn giản nên trò chơi này có thể dễ dàng thực hiện ở bất cứ đâu. Bởi thế Origami không chỉ là biểu tượng văn hóa Nhật Bản, mà bộ môn này còn có tác dụng tích cực trong đời sống con người nơi đây.

Ban đầu, Origami được xem như một trò giải trí để tạo ra những hình thù đẹp mắt, hơn nữa trò chơi này kích thích sự sáng tạo nên đã trở thành bộ môn hấp dẫn và khiến nhiều người yêu thích.

Origami là môn nghệ thuật hấp dẫn, kích thích trí tuệ, gia tăng niềm vui và được nhiều người yêu thích.

Sau này, Origami không chỉ là một trò giải trí hay chỉ để tạo ra những vật trang trí thông thường. Các nghệ sĩ bắt đầu sáng tạo hơn và người ta bắt đầu biết thưởng thức các tác phẩm, từ đó nó trở thành một môn nghệ thuật độc đáo và nâng tầm thành biểu tượng văn hóa của người Nhật.

Các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao từ xếp giấy.

Người ta nhận thấy rằng Origami còn giúp con người trong việc giải tỏa tâm lý, trấn an tinh thần. Khi hoàn thành một tác phẩm, người gấp sẽ nhận được niềm vui và tinh thần trở nên phấn khởi.

Khi thực hiện gấp giấy, đòi hỏi sự nhẹ nhàng và tỉ mỉ ở người gấp, từ đó giúp làm êm dịu hệ thần kinh, cải thiện chứng mất ngủ và giảm căng thẳng vô cùng hiệu quả. Bởi thế, nhiều bệnh viện cũng đã áp dụng Origami như một liệu pháp điều trị tâm lý bổ ích cho các bệnh nhân.

Origami được sử dụng như liệu pháp tâm lý bổ ích trong điều trị bệnh.

Hơn nữa, y học cổ truyền Trung Hoa cũng đã chỉ ra rằng, việc vận dụng 10 đầu ngón tay giúp tăng khả năng làm việc của trí não, kích thích khả năng ghi nhớ và chống lãng quên ở người cao tuổi. Bởi các đầu ngón tay chính là đầu mối của các giây thần kinh tập trung lên não. Vì thế khi xếp giấy lan truyền sang Nhật, người ta đã nhận thấy được công dụng trong việc phát triển trí não qua vận dụng đôi tay và khối óc, từ đó môn nghệ thuật này được khuyến khích rộng rãi.

Ngoài ra, Origami cũng được xem là phương pháp giáo dục hiệu quả để giúp trẻ phát triển khả năng tư duy và sáng tạo. Gấp giấy giúp trẻ tăng nhận biết các dạng hình học trừu tượng, phát triển tư duy logic, nâng cao khả khả năng tính toán một cách hiệu quả. Từ đó môn nghệ thuật này đã được đưa vào một số trường mẫu giáo và các trường học để giúp trẻ phát triển một cách toàn diện nhất.