Hội họa

Ngồi với tuổi thơ

Thoại Vy • 19-03-2018 • Lượt xem: 10435
Ngồi với tuổi thơ

Nhiều người lớn tự xem mình đã trưởng thành, một hôm sau giờ tan tầm, không vội về nhà vì nhiều lẽ: không có cuộc gọi í ới túm năm tụm ba nào, không vội về nhà cơm chiều vì con cái, vợ chồng đã về nội ngoại hoặc đi du lịch … Bỗng nhiên thấy lòng man mác khi trông thấy một đám trẻ ùa ra từ các ngõ nhỏ trong xóm. Chúng vừa chạy vừa cười giòn tan, tay ôm quả bóng, tay kia níu áo bạn. Người lớn chợt ngơ ngẩn chôn chân đứng nhìn, rồi chùng lòng hỏi: tuổi thơ vừa mới đó của mình đã đi đâu ?
Với tay tìm một cuốn sách trên kệ được tặng nhưng chưa đọc, người lớn bắt gặp cuốn sách mua cho con từ hè năm trước: “Ngồi khóc trên cây” của Nguyễn Nhật Ánh. Bên cạnh là cuốn “Truyện cổ Anđecxen” mà có dạo ba mẹ con cùng tranh nhau đọc. Tự nhiên người lớn cũng muốn "trèo lên cây ngồi khóc" khi nhớ đến lời nhận xét của văn hào Nga Tônxtôi về nhà văn Đan Mạch, chuyên viết truyện cho bọn nhóc "Ông ta rất cô đơn, chính vì vậy ông ta mới nói chuyện với trẻ con" (Gorky bàn về văn học - tập 2/ NXB Văn học). 
Ông Ánh có cô đơn như Anđecxen không, bạn ni thiệt không rõ và cũng không muốn biết. Bởi cô đơn cũng như tuổi thơ, đôi khi, rất khó gọi tên định dạng. Nhưng Nguyễn Nhật Ánh quả là nhà văn kỳ lạ vì đã làm sống dậy trong lòng nhiều người trót lớn cả một thế giới trong veo thời hoa niên. 
Đọc “Ngồi khóc trên cây” bạn sẽ gặp lại thơ ấu của mình ở một ngôi làng thơ mộng ven sông Kiếp Bạc. Một cậu học trò tỉnh lẻ nhân kỳ nghỉ hè trở về thăm quê. Những địa danh như: làng Đo Đo, ngã ba Quán Gò, chợ Kế Xuyên … đã từ hiện thực bước vào trang sách của Nguyễn Nhật Ánh và ngược lại, cũng từ những trang văn hóm hỉnh, sinh động bước ra bên ngoài và hòa vào đời sống. Tác phẩm xoay quanh thế giới nhân vật là những đứa trẻ mới lớn có vô vàn trò chơi đơn sơ hấp dẫn, ghi dấu mãi trong lòng: Lượm nắp keng, làm chong chóng, chọi dế, thả diều...
Bọn trẻ gọi tên các mùa theo trò chơi. Do đó, trong một năm, chúng có những sáu mùa chứ không nghèo nàn rập khuôn bốn mùa như người lớn: mùa giấy kính, mùa nắp keng, mùa cọng dừa, mùa bao thuốc lá, mùa thả diều, mùa chong chóng ... Đơn vị tiền tệ dùng để trao đổi, mua bán "hàng hoá" vì thế cũng được hình thành theo cách riêng, do thủ lĩnh (đầu têu) khởi xướng "Một tờ giấy kính có thể đổi được năm mươi cọng dây thun đeo tay. Hai tờ giấy kính đổi được mười viên bi, hoặc có thể thuê bạn bè chép bài dùm suốt buổi học".
Lồng vào thế giới tinh khiết của tuổi mới lớn là câu chuyện của cô bé Rùa hồn nhiên chơi với đám thú hoang và chàng học trò mọt sách. Đôi bạn chẳng có điểm chung bâng khuâng thích nhau, rồi thương thầm. Phải chăng trong sâu thẳm "nửa người lớn" nào cũng rưng rưng cảm động khi biết mình sắp hết tuổi đồng dao và chuẩn bị bước một chân vào thế giới người lớn đa đoan, muộn phiền. Để rồi nhoi nhói khi cô bé Rùa bỗng nhiên nghẹn ngào "Bây giờ em còn nhỏ. Anh đợi thêm một thời gian nữa cho em kịp lớn lên anh nhé". Thì cũng chính tác giả đã nhắn nhủ với tuổi ô mai ngay từ đầu chương một bằng mấy câu thơ lãng mạn dễ thương làm đề từ đấy thôi: 
“Xanh xanh lên với

Trời cao ngàn ngày

Dài nhanh lên với
Tóc xõa ngang mày
Lớn nhanh lên với
Bé bỏng chiều nay”

Bạn đọc sẽ được tác giả dẫn đi trong mạch cảm xúc rưng rưng của tình yêu thương. Nhiều khi, văn chương cũng chỉ cần những điều giản dị mà sâu thẳm như thế. Cần những giọt nước mắt trong ngần giữa những dung tục đời thường. Cần những sẻ chia chân thành, ngây thơ không câu nệ thiệt hơn, được mất. Trong khi thế giới đang vặn mình chuyển động hối hả, rầm rập chen vai thích cánh mà sống thì vẫn còn chỗ cho những người âm thầm "ngồi khóc trên cây". 
Mỗi tác phẩm có một đời sống riêng khi tách khỏi người viết. Cũng tương tự như khi viết "Phục sinh", đại văn hào L. Tônxtôi vẫn khóc cho tuổi già của mình. Độc lập như khi viết "Ngày xưa có một chuyện tình", "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" ... nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã không còn là cậu nhóc ở "Quán Gò đi lên" ngày xưa.

 

 

Tag: