Tối 6/4, ngôi nhà rông văn hóa lớn của huyện Đăk Tô (Kon Tum) vừa bị sét thiêu rụi hoàn toàn khiến nhiều người tiếc nuối. Đây là biểu tượng văn hóa, công trình kiến trúc độc đáo của người dân tộc Xơ Đăng, được công nhận di tích quốc gia đặc biệt.
Tin, bài liên quan:
Làng nghề ‘tỏa hương’ lâu đời nhất TP.HCM
Khám phá 2 giếng cổ ‘khổng lồ’ tại Hà Nội
Nhà rông văn hóa huyện Đăk Tô, Kon Tum đặt tại Quảng trường 24/4, được khánh thành năm 2017. Công trình có tổng vốn đầu tư 1,7 tỷ đồng với diện tích sàn 170 m2, được xây dựng theo nguyên mẫu nhà rông truyền thống của đồng bào dân tộc Xơ Đăng.
Nhà rông huyện Đăk Tô bị sét đánh cháy rụi ngày 6/4
Di tích quốc gia đặc biệt này bị sét đánh trúng vào chiều tối 6/4. Nhiều hình ảnh tư liệu, hiện vật súng đạn thời chiến tranh trong nhà cũng bị thiêu rụi hoàn toàn.
Nhà rông huyện Đăk Tô do nhiều nghệ nhân cùng tham gia xây dựng theo kiểu truyền thống với các vật liệu gỗ, tre, nứa, tranh. Không chỉ là biểu tượng văn hóa, nơi đây còn là điểm check-in thú vị của du khách mỗi khi đến vùng Đăk Tô.
Nhà rông huyện Đăk Tô từng là điểm check-in yêu thích của nhiều du khách
Nhà rông là một kiểu nhà sàn đặc trưng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Đây là ngôi nhà cộng đồng, như đình làng của người Kinh, tùy vào từng dân tộc mà nhà rông sẽ được thiết kế, xây dựng khác nhau. Nhà rông của người Xơ Ðăng là ngôi nhà sàn rộng, mái cao, nhìn từ xa như lưỡi rìu dựng ngược.
Đồng bào Xơ Đăng quan niệm nhà Rông phải cao, vươn lên trời để hội tụ khí thiêng của trời đất bởi đó là cầu nối giữa con người với vũ trụ, và các vị thần linh. Đây là nơi buôn làng sinh hoạt cộng đồng, đón tiếp khách quý, hội họp, liên hoan và tổ chức một số lễ hội truyền thống hằng năm.
Nơi dựng nhà rông thường do Già làng chọn ở chỗ đất cao, thoáng mát để có thể nhìn thấy từ xa nhưng không được nằm ở đầu hay cuối làng. Quy trình dựng nhà Rông phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của buôn làng và chứa đựng nhiều yếu tố tâm linh.
Nhà rông của đồng bào Xơ Đăng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Theo phong tục, Già làng sẽ thông báo làm nhà Rông để buôn làng cùng chuẩn bị vật liệu, sau đó làm lễ cúng trời đất xin phép dựng nhà. Nhà rông là công trình có giá trị cao về kiến trúc và nghệ thuật trang trí. Nhà rông của người Xơ Đăng có 8 đến 10 trụ chính, tùy theo kích thước.
Hệ thống cột được kết nối với nhau bằng các cây đà gỗ, những cây đà được bố trí ngang nhau thành một mặt phẳng làm bệ đỡ cho sàn nhà. Đặc biệt, chiều cao và chiều dài của nhà rông phải cân bằng, các cột, kèo không dùng đinh mà buộc bằng mây, chỉ có Già làng và những người cao tuổi mới biết cách thiết kế, cách buộc và chỉ cho con cháu làm.
Nhà rông của người Xơ Đăng thường cao, vươn lên trời để hội tụ khí thiêng của trời đất
Sàn nhà rông thường trải bằng cây lồ ô, đập dập. Vách nhà làm bằng những tấm gỗ xẻ mỏng, đóng dựng đứng sát vào nhau. Cửa nhà rông mở về sân rộng phía trước. Cầu thang lên xuống được làm bằng một thân gỗ to. Mái được lợp bằng cỏ tranh hay lá mây bó nhỏ.
Trong nhà rông thường có những pho tượng gỗ và các tấm phù điêu có hoa văn, hoạt tiết hình hoa pơ lang, con chim, bông lúa… Đồng bào Xơ Đăng chỉ sử dụng ba màu trắng, đen và đỏ để trang trí nhà rông. Việc nhà rông huyện Đăk Tô bị thiêu rụi là tổn thất lớn với đồng bào dân tộc Xơ Đăng cũng như người dân Kon Tum.
Trước đó, giữa năm 2019, sấm sét cũng thiêu rụi nhà rông của người Xơ Đăng ở huyện Đăk Hà, Kon Tum. Nhiều ý kiến cho rằng, trong tương lai, khi các công trình văn hóa này được khôi phục, cần phải có giải pháp tránh thiên tai để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tín ngưỡng này.