VĂN HÓA

Những điểm đến linh thiêng cho ngày đầu năm mới

Cẩm Chi • 21-01-2023 • Lượt xem: 794
Những điểm đến linh thiêng cho ngày đầu năm mới

Các địa điểm tâm linh như đền, chùa, miếu, khu tưởng niệm hay những vùng đất gắn liền với lịch sử vừa mang ý nghĩa tôn giáo, tín ngưỡng, kết nối tâm linh vừa là nơi tìm hiểu cội nguồn văn hóa dân tộc của người Việt.

Về “Đất tổ” miền Bắc

Nhắc tới địa điểm du lịch tâm linh miền Bắc linh thiêng nhất phải nhắc đến chính là núi Yên Tử (Quảng Ninh) – nơi được coi là “đất tổ Phật giáo Việt Nam”. Độ linh thiêng của ngọn núi này gắn với cuộc đời tu hành của vua Trần Nhân Tông và sự phát triển của của thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Vì vậy, du khách truyền tai nhau rằng nếu đi chùa Yên Tử liên tục ba năm liền sẽ gặp nhiều điều lành trong cuộc sống, mà đi chùa phải leo thang bộ chứ không đi cáp treo.

Để lên tới Yên Tử, du khách phải leo 6000m từ chân núi, tương đương với 6h đồng hồ để có thể cầu phúc, cầu an.

Ở độ cao 1068m, núi Yên Tử như một tòa sen lớn với hàng trăm ngôi chùa, am, miếu cùng những con đường  nằm giữa núi non xanh mát, trùng điệp. Các địa điểm nổi bật ở chùa Yên Tử gồm: chùa Trình, thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, tháp Huệ Quang, suối Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Bảo Sái, An Kỳ Sinh, tượng Phật Hoàng Nhân Tông, chùa Đồng,…Hằng năm, lễ hội Yên Tử diễn ra từ ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. 

Chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) từ lâu đã nằm trong ký ức tâm linh của nhiều người khi du hành đầu năm mới. Lễ hội chùa Hương thường được tổ chức vào ngày mồng 6 âm lịch và kéo dài cho tới hết tháng 3 âm lịch thu hút rất đông du khách và phật tử ghé thăm. Du khách sẽ đi đò qua suối Yến sau đó leo bộ hoặc cáp treo để lên tới chùa. Quần thể chùa Hương gồm nhiều chùa, đền, miếu… như: Đền Trình, Chùa Thiên Trù, Động Hương Tích, Chùa Giải Oan, Chùa Thanh Sơn, Chùa Long Vân, Động Hương Đài, Động Tuyết Sơn, Động Long Vân,…

Hàng trăm người tới động Hương Tích để làm lễ

Hai điểm đến tâm linh gần Hà Nội nổi tiếng khắp cả nước với nhiều kỷ lục Việt Nam chính là Chùa Bái Đính (Ninh Bình) và Chùa Tam Chúc (Hà Nam).

Chùa Bái Đính (cổ) nằm trong quần thể khu du lịch sinh thái thế giới Tràng An, có bề dày lịch sử hơn 1000 năm, gắn với cố đô Hoa Lư từng là thủ đô của 3 triều đại trong lịch sử (Đinh, Tiền Lê, Lý). Vì vậy, nơi đây nằm ở vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần. Đặc biệt, Núi Bái Đính là điểm khởi đầu của sơn hệ đá vôi Hoa Lư ở phía Tây Bắc và cũng là phần chân của dãy Hymalaya, nơi khởi nguồn của đạo Phật.

Những địa điểm tham quan linh thiêng ở Bái Đính như: Hang Sáng - Động Tối, đền thờ Thánh Nguyễn Minh Không (ông tổ đúc đồng), Động thờ Mẫu, Đền thờ thần Cao Sơn, giếng Ngọc, Ao Tiên, hành lang La Hán,…

Chùa Bái Đính mới được xây dựng năm 2003 và nắm giữ nhiều kỷ lục như tượng Đức phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam, Tượng phật bà Quan thế âm bằng đồng lớn nhất Việt Nam, Hành lang 500 vị La Hán nhiều nhất Việt Nam, Chuông đồng lớn nhất Việt Nam, Chùa có nhiều cây bồ đề nhất Việt Nam, tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, Bảo tháp thờ Phật cao nhất Châu Á…. Đây cũng là địa điểm được chọn tổ chức đại lễ Phật đản thế giới 2008, Đại lễ cung nghinh xá lợi Phật đầu tiên từ Ấn Độ về Việt Nam 2010, Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc - Vesak 2014….

Từ tháng Giêng cho tới hết tháng 3 Âm lịch, du khách có thể tham gia bái Phật, cầu mong tiền tài, phúc lộc.

Trong khi đó, Chùa Tam Chúc là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam với diện tích lên đến 4000 ha với quần thể điện Quan Âm, chùa Ngọc, điện Pháp Chủ, vườn cột kinh, đình Tam Chúc, hồ Lục Nhạc, đàn tế trời chùa Ngọc .... Chùa thờ các vị Sư Tổ Đạt Ma, thiền sư Nguyễn Minh Không, thiền sư Khuông Việt, hòa thượng Thích Thanh Tứ, thiền sư Đỗ Pháp Thuận… là các vị quốc sư có công phát triển Phật giáo Việt Nam. Điện Pháp Chủ là nơi thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, có pho tượng Phật bằng đồng nguyên khối nặng 150 tấn lớn nhất Đông Nam Á.

Điểm đến nên thơ ở Miền Trung

Nhắc đến biểu tượng của xứ Huế mộng mơ, không thể không nhắc đến chùa Thiên Mụ. Chùa có tuổi đời hơn 400 năm, được chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1601. Chùa Thiên Mụ là chứng nhân của lịch sử thời triều đại phong kiến cuối cùng của nhà Nguyễn và là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại cố đô. Điểm nổi bật của chùa chính là nằm ngay cạnh dòng sông Hương, với khung cảnh hữu tình, không gian yên tĩnh, thanh bình.

Nhiều người gọi chùa Thiên Mụ là một trong những địa điểm tâm linh, linh thiêng nhất miền Trung và trở thành điểm dừng chân lý tưởng của Phật tử thập phương.

Chùa Thiên Mụ hội tụ vẻ đẹp về kiến trúc, yếu tố lịch sử, phong cách trầm mặc và kín đáo của người Huế. Kiến trúc chùa mộc mạc, cổ kính, đặc trưng của cố đô hòa hợp với cảnh quan sông Hương êm đềm, thơ mộng. Đứng từ trên cao nhìn xuống tổng thể chùa có hình giống như rùa thần khổng lồ. Trong chùa có biểu tượng tháp Phước Duyên, cao 7 tầng, 21m. Mỗi tầng tháp đều thờ tượng Phật và có cầu thang dẫn lên tầng 7, nơi thờ tượng Phật bằng vàng. Chùa còn có những quần thể kiến trúc đẹp khác như Điện Đại Hùng, Điện Địa Tạng, Điện Quán Âm.

Linh thiêng xứ Nam bộ

Người dân Nam bộ không ai xa lạ gì với địa danh Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (TP Châu Đốc, An Giang). Với sự linh thiêng và ứng nghiệm, cầu được ước thấy khiến chùa Bà hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, cúng viếng.

Núi Sam (thuộc vùng Thất Sơn) vốn là địa danh di tích lịch sử, kiến trúc và tâm linh quan trọng, lâu đời của người miền Tây, đồng thời gắn với những câu chuyện mang tính lịch sử về người khai hoang vùng đất, chống giặc ngoại xâm. Khoảng 200 năm trước, người dân phát hiện tượng Bà nằm trên đỉnh núi Sam nên muốn đưa xuống núi thờ phụng. Theo như lời một cô đồng mách nước, 9 cô gái đồng trinh cùng khiêng thì dịch chuyển được tượng xuống núi. Cho đến chân núi, tượng Bà không di chuyển được nữa. Người dân cho rằng Bà chọn an vị chốn này nên lập đền thờ tại đây.

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ thu hút khách thập phương vào dịp 24 đến 27 tháng 4 Âm lịch.

Kiến trúc của miếu thờ bà mang đậm tính nghệ thuật, theo hình chữ “Quốc” độc đáo, giống như một khối tháp hình hoa sen nở. Tòa tháp có màu nhã mắt được lợp từ ngói màu ngọc bích, các góc mái vút lên rắn chắc, khỏe khoắn như những mũi thuyền. Kiến trúc bên trong được xây kiểu Ấn Độ, chạm khắc tinh xảo. Ngoài Miếu Bà, du khách có thể tham quan chùa cổ Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang và nhiều chùa, miếu trên núi.

Núi Bà Đen không chỉ nổi tiếng là “Nóc nhà Nam Bộ", mà còn là ngọn núi thiêng gắn với nhiều huyền tích. Nơi đây có truyền thuyết nổi tiếng về Linh Sơn Thánh Mẫu kể về nàng Thiên Hương đã nhảy xuống vực tuẫn tiết để giữ trọn lòng trung trinh với người yêu. Nàng đã được Thượng Đế phong làm nữ thần cai quản núi thiêng. Từ đó, Núi Bà Đen trở thành một địa danh vô cùng hút khách du xuân, vãn cảnh, lễ chùa đầu năm. Du khách có thể chiêm bái cầu bình an tài lộc đầu năm mới tại quần thể các chùa Núi Bà với tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, trung tâm triển lãm Phật giáo - nơi trưng bày những phiên bản mô phỏng nhiều tác phẩm Phật giáo kinh điển, trong đó có nhiều pho tượng nổi tiếng của Việt Nam và thế giới; Cột kinh Bát Nhã tâm kinh…

Ngày mùng 4 Tết Nguyên Đán, là Lễ hội Xuân núi Bà Đen lớn nhất trong năm của người dân Tây Ninh.

Nổi danh với các hoạt động tâm linh phải kể đến là Côn Đảo. Từng gắn liền với các giai đoạn chống Pháp và Mỹ lịch sử của dân tộc, nơi đây chính là nơi giam cầm và an nghỉ của nhiều chiến sỹ cách mạng, cùng những câu chuyện lịch sử hào hùng được nhiều đời kể lại. Vì vậy, Côn Đảo từ lâu đã gắn liền với nhiều hoạt động tưởng nhớ công ơn tới các vị anh hùng có công.

 

Côn Đảo là địa danh linh thiêng và chứa đựng giá trị lịch sử, nhớ ơn người có công

Nhiều người khi tới Côn Đảo du khách thường ghé thăm những địa điểm du lịch chứa đựng giá trị lịch sử như: Mộ liệt sĩ Võ Thị Sáu, nhà tù Côn Đảo, nghĩa trang Hàng Dương, nhà thờ bà Phi Yến, chùa Núi Một. Hàng năm, khách du lịch trong và người nước trở về Côn Đảo để tham quan và lễ bái rất đông. Trong đó, Mộ cô Sáu nổi tiếng với độ linh thiêng cho những ai trước là đến để viếng thăm, sau là để xin tài lộc, bình an.