Hội họa

Những đốm nắng chiều lặng lẽ

Lâm Hạnh • 17-04-2018 • Lượt xem: 9267
Những đốm nắng chiều lặng lẽ

Ba người già trong vở kịch Nắng chiều có thể đại diện cho đa số người già Việt Nam. Họ lặng lẽ song hành cùng con cái như một trách nhiệm tự đeo mang mà những đứa con thường không sớm nhận ra giá trị của sự hiện diện ấy trong cuộc sống của mình.

Sau nửa năm thành lập, sân khấu kịch Quốc Thảo (81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM) vừa trình làng vở kịch Nắng chiều (tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Quốc Thảo, đạo diễn: Quốc Thảo). Cách đây hơn mười năm, vở kịch này đã được diễn trên sân khấu IDECAF cũng do chính nghệ sĩ Quốc Thảo đạo diễn, nay anh dựng lại và thổi thêm không khí mới vào tác phẩm của mình.

Dù ra đời đã khá lâu nhưng thông điệp của vở kịch không hề cũ, thậm chí có thể nói nó còn lên tiếng "sát sườn" hơn về cuộc sống của ta ở thời điểm hiện tại, khi mà nhịp sống càng lúc chàng nhanh khiến những người trẻ quay cuồng. Ba người già là ông Ba, ông Chín và bà Tám rời quê lên Sài Gòn để phụ con cái trông nom nhà cửa, con cháu và sửa soạn từng bữa cơm. Họ tận tụy với con từng ngày và điều nhận lại là thái độ thờ ơ, cáu gắt của những đứa trẻ  mình đã sinh ra. Nhưng có hề gì, các ông cha bà mẹ chịu đựng được hết - gắt gỏng cũng được, quát tháo cũng được, miễn là "Ngồi xuống ăn với ba bữa cơm. Ba kho cá bống trứng ăn với đọt lang luộc ngon lắm". Bữa cơm gia đình tưởng giản đơn hóa ra lại xa xỉ, con cái làm gì có thời gian ăn cùng vì hợp đồng đang chờ ký, show diễn đang phải tập, món hàng đang "sale"...

Cha mẹ cứ tồn tại bên lề cuộc đời con cái, con cái khi đi trên đường đi phẳng phiu chẳng ngó ngàng gì đến sự hiện diện của cha mẹ mình. Thế rồi đường đời gặp đoạn gập ghềnh, biến cố ào đến với con thì cha mẹ già như đốm nắng chiều sẵn sàng lóe lên mạnh mẽ để sưởi ấm cho con rồi tàn lụi, như những chiếc phao cứu sinh sẵn sàng lao ra khi con chới với. Những ông bà già sung sướng làm điều đó như trách nhiệm tự đeo mang, là sứ mệnh mình phải làm cho con, không một lời trách móc. Họ không cần con cái ghi nhận giá trị của mình, họ gắng sức cùng con lướt qua biến cố để đi đến bình an.

Khán giả đã rưng rưng nước mắt cùng ông Ba (Quốc Thảo), ông Chín (Đại Nghĩa), bà Tám (Lê Giang). Họ cảm động vì sự cô đơn của người già dù đang sống cùng với con cháu mình. Họ cười "rần rần" rồi rơi nước mắt cùng lần "đình công vùng lên": không nấu cơm, không dẫn con cho đi chơi, không phục vụ bàn tiệc tám người gì hết nhưng bất thành vì không chịu được cảnh con về không có cơm ăn, cháu không ai đón... Rồi lại một lần "vùng lên" khác, ba người rủ nhau "cuốn gói về quê" nhưng tàu sắp chạy họ lại chân đi không đành, xuống tàu về lại với con. Ba người già mỗi người một vẻ và điểm chung là nỗi cô đơn, cô đơn vì nỗi nhớ quê, vì không được chuyện trò cùng con cháu và thiếu vắng những buổi gặp mặt bạn bè hàn huyên. Những người già chấp nhận cô đơn, sẵn sàng hy sinh những sở thích của mình.

Nghệ sĩ Quốc Thảo vài năm sau khi về Việt Nam thường làm đạo diễn các chương trình truyền hình, bây giờ mới tái ngộ khán giả ở sân khấu kịch. Kép đẹp của các sân khấu kịch ở Sài Gòn ngày nào bây giờ hóa thân kép già vẫn bén ngọt. Từng bước chân di chuyển chập chạp, từng ánh mắt rưng rưng của ông Ba khiến khán giả không rời mắt rồi rơi lệ hồi nào chẳng hay. Diễn viên Đại Nghĩa đã chứng minh bản lĩnh sân khấu của mình ngày càng vững khi kiểm soát vai diễn rất tốt. Vai ông Chín của anh hài mà không lố, cảm động mà không sến. Bà Tám là bi đầu tiên của Lê Giang trên sân khấu. Chị được thử sức với vai bi, lại có dịp được thể hiện sở trường hát vọng cổ, dân ca và đã làm được. Vai bà Tám vẫn có chỗ để chị thả những miếng hài. Có điều, Lê Giang mỗi lần diễn hài đều "hơi lố" từ cách thoại cho đến hình thể. Các diễn viên trẻ trong vai những đứa con cũng đã thể hiện tròn trịa vai diễn của mình.

Trong vai trò đạo diễn, Quốc Thảo đã cho thấy sự tìm tòi của mình trong cách dàn dựng. Cảnh trí trên sân khấu nhẹ nhàng, đơn giản, không rườm rà theo kiểu cố làm cho giống cảnh thật. Những chiếc phao vừa được dùng làm đạo cụ vừa được sử dụng làm hình ảnh ẩn dụ, rằng cha mẹ như những chiếc phao cứu sinh sẽ phát huy tác dụng khi con cái đuối nước. Hết mỗi cảnh, khán giả không ngồi bị động chờ chuyển cảnh mà được đưa mắt di chuyển cùng những động tác múa đương đại của các "nhân viên hậu đài". 

Vở kịch không có nhân vật phản diện, không có cao trào đến mức khiến khán giả ngạt thở nhưng vẫn đủ sức khiến họ chăm chú theo dõi. Quốc Thảo dựng vở kịch như một lời tâm sự về cuộc đời chứ chẳng cao giọng trách mắng ai, cũng chẳng lên mặt dạy dỗ điều gì mà lại khiến khán giả rưng rưng nhìn lại những ngày chúng ta đã sống tất bật như thể muốn hất cha mẹ ra khỏi cuộc đời mình như thế nào mà dành thời gian nhiều hơn cho những đốm nắng chiều ấm áp. 

Vở kịch có sự tham gia của các diễn viên: Quốc Thảo, Đại Nghĩa, Lê Giang, Bích Trâm, Tấn Phát, Thanh Hiền... được công diễn vào cuối mỗi tuần tại sân khấu kịch Quốc Thảo (81 Trần Quốc Thảo, quận 3)