Duyên Dáng Việt Nam

Những vần thơ 'Đã đốt hết một thời lên thành lửa' của Đỗ Nam Cao

Đinh Thiên Hương • 22-10-2021 • Lượt xem: 9828
Những vần thơ 'Đã đốt hết một thời lên thành lửa' của Đỗ Nam Cao

Đọc lại thơ Đỗ Nam Cao cái thuở “đốt hết một thời lên thành lửa”, ta còn bất ngờ nhận ra, nhà thơ dường như rất có ý thức tạo nên những cặp phạm trù tương phản đối lập đầy ám ảnh và lay động. Tác giả diễn tả nó qua nhiều hình ảnh nghệ thuật...

Tin và bài liên quan: 

Giới thiệu thơ Đỗ Nam Cao: Mùa thu & Anh nào đâu muốn thế!

Ruồi Nhiệt Đới - Tiểu thuyết Nguyễn Hữu Hồng Minh (Kỳ 1)

Tháng ngày không tọa độ - Thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh

Nhà văn nữ và phẩm tính đẹp đẽ của con người Việt Nam hiện đại

Nhà văn Jesús Rodríguez Castellano giới thiệu 'Vỉa Từ' bản tiếng Tây Ban Nha

Có một lần, Đỗ Nam Cao thốt lên thành lời: “Ta quên mình đã có một thời/Đã đốt hết một thời lên thành lửa/Trong xác lá phủ dày ai biết nữa/Hương tro còn ngần ngận ở đâu đâu”. (Mùa hạ sấu)

Nhưng với một nhà thơ luôn luôn hết mình với cuộc sống, luôn tưởng nhớ và ám ảnh về những người đồng đội hy sinh, như ba cái cây cụt ngọn “Chọc vào trời xanh thành trời đổ lửa/Chọc và ruột gan bức buốt dày vò”, cũng là nhà thơ có khúc tưởng niệm “Trăng ngà” rưng rưng cảm động về vong hồn bất tử của một đồng đội – đồng môn thân thiết, thì tôi tin rằng Đỗ Nam Cao không bao giờ quên một thời chiến trận. Vậy thì chúng ta hôm nay, khi đã có một quãng lùi nhất định, lại càng không thể được phép nguôi quên những vần thơ “đốt hết một thời lên thành lửa”ấy, của nhà thơ.


Thư pháp và chân dung nhà thơ Đỗ Nam Cao. 

1. Đỗ Nam Cao (1948 – 2011) thuộc thế hệ những nhà văn, nhà báo… được đào tạo ở cái nôi Văn khoa ĐHTH.HN, chi viện cho mặt trận văn nghệ trên chiến trường miền Nam đúng vào thời điểm gay go khốc liệt. Nhiệm vụ ấy được xác định rất rõ ràng: “Buông một lời là gió bút đi ngay”. Cho nên,“Cứ nghe gió, nghe mưa đập vào rát ngực/Là nhận ra hướng của đường này”- hướng đường của bài ca ra trận! Nhà thơ chỉ kịp vội gửi lại “mưa ở quê nhà có mái rạ che/có hơi ấm nồng nàn cha mẹ”. Gửi lại cả: “Mùa thu chia tay”, có “em và trời thu bát ngát”.

Nhưng nhìn vào đôi mắt “sâu thẳm niềm tin” của em, “thấy mùa thu chưa mênh mông/Trời ngăn ngắt đây trời vẫn chia phần”. Đó là những hình ảnh biểu tượng: giang sơn cắt chia, hòa bình và niềm vui chưa toàn vẹn. “Khi đất nước đang còn chảy máu”,khi“tổ quốc trong giờ chiến đấu”, thì ánh trăng không phải là ánh trăng bình yên tình tứ hẹn hò, mà là ánh lửa đạn bom “dội xuống chỗ mình những ánh ban đêm”khốc liệt. Cho nên, “em ơi không thể sống yên tĩnh”, “nỗi xa này thử thách cả hai ta”...Ở đây,tình yêu riêng tư và tình yêu Tổ quốc, nỗi niềm riêng và khát vọng chung hòa trong một dòng cảm xúc, để tự vượt lên mà gánh vác lấy trọng trách, biến nỗi buồn chia xa thành lời giục giã trong bài ca ra trận: “Ta vượt cao hơn mình mà vẫn không ngờ/Nỗi xa thành khúc hát lời thơ”.

Thế là lý tưởng của người cầm bút trong một đất nước có chiến tranh, đồng nghĩa với tình yêu, sự quên mình của một công dân với giang sơn Tổ quốc của mình. Cây súng cùng với cây bút song hành, làm nên vẻ đẹp nhân cách và tâm hồn của nhà thơ chiến sỹ Đỗ Nam Cao. Đó cũng là lý tưởng sống đẹp, kết dệt nên tài năng của nhiều lớp các anh chị một thời xếp bút nghiên “đi theo ánh lửa từ trái tim mình”.


Bìa tập Tuyển thơ Đỗ Nam Cao. 

2. Cũng như biết bao đồng đội khác, trước khi trở thành nhà thơ, nhà văn, hoặc những cán bộ văn nghệ, Đỗ Nam Cao là người lính. Đọc thơ anh ở chặng đường đầu, thường bắt gặp rất nhiều chú thích, ghi nơi chốn và ngày tháng năm cụ thể, rõ ràng. Cùng với đó là những địa danh và dấu ấn cảm xúc làm nên cấu tứ của thi phẩm. Đó là “mầu xanh Trường Sơn”với những biến hóa kì diệu và huyền thoại để Trường Sơn xa xanh vừa chở che vừa nâng đỡ tâm hồn cho người lính tự tin và thanh thản, vượt muôn trùng gian khó hiểm nguy: “Từ trong lòng rừng/Từ trong màu xanh/Tuôn ra tiền tuyến/Cháu con Bác Hồ”( Màu xanh Trường Sơn – 1971). Tháng 11/1973, có một lần “Băng qua đồng cỏ, “chiều buông Tháp Mười”, nhà thơ bắt gặp “những cánh cò lửa” nghiêng chao trong không gian “Mây hừng lên sắc đỏ tươi”.Tâm hồn người lính bỗng có phút giây xao xuyến ngẩn ngơ “Xa trông như đốm lửa bùng/Cánh con cò trắng rực vùng trời cao”. Không gian chiến trận vùng bưng biền qua cảm hứng lãng mạn của người lính trẻ “bỗng say mê lạ lùng”. Anh gặp ở đó “Vẫn con cò của ca dao/Con cò lặn lội bờ ao ướt mình”. Văn hóa vùng miền như không còn khoảng cách, cảnh vật và lòng người, hiện tại và quá vãng, đồng hiện qua tâm hồn thơ nhạy cảm tinh tế: “Ơi con cò của lòng người/Nghìn năm qua lại khiến đời xôn xao/Xuồng đi mây ửng ngọn sào/Tôi mang đôi cánh lửa vào tiền phương”.

Cứ thế, chúng ta được theo dấu bước chân quân hành của Đỗ Nam Cao dọc ngang một thời chiến trận. Cùng anh “qua sông Sài Gòn”, băng mình trong “đêm Trảng Cỏ”,chứng kiến “mấy đêm pháo nổ rung rừng…chiều ăn đọt báng lòng thầm thương Khoa”. Rồi lại cùng anh “gặp người bắn cá rô nổi tiếng ở Củ Chi”, nhìn “những đụn khói ùn lên…ở phía đằng xa – Bến Cát”, cảm nhận thật sâu và rất hay về “những căn hầm bí mật” ở Củ Chi, Trảng Bàng trân quý, với “màu xanh vùng ven” và cũng hồi hộp, xót xa với “buổi sáng vùng ven… thay cho tiếng gà lảnh loi buổi sáng/là tiếng nổ chết người từ họng súng ngòm đen”. Nhà thơ say với “hương sầu riêng”ở xóm Bung-Lộc Ninh ngày 25.5.1973. Và cũng tháng năm ấy, anh náo nức sướng vui trước một Lộc Ninh vừa được hoàn toàn giải phóng, đang từng ngày hồi sinh qua rộn rã “tiếng gõ” bay của những người thợ nề trên các công trình xây dựng: “Tiếng gõ bên này canh canh nhà trẻ / Tiếng gõ nơi kia xưởng máy đầu tiên/Tiếng gõ vội bên là nhà đỡ đẻ/Tiếng gõ bốn bề thành phố hiện lên”…

Đọc những ghi chú tỷ mỉ về ngày tháng năm ở cuối mỗi bài thơ, cũng như những địa danh nhà thơ nhắc tới, ta thú vị nhận ra rằng, đó là những “dấu nhật ấn” trên những nẻo đường chiến tranh, là nhật kí chiến trường. Nó góp phần khẳng định sức trẻ và những dấu chân qua của nhà thơ chiến sỹ. Lúc này, Đỗ Nam Cao chưa có nhiều những đúc rút triết lý. Nhưng đó là những cảm xúc tươi ròng, những trải nghiệm nóng bỏng, hôi hổi tính thời sự trong những năm tháng sống gắn bó, lăn lộn ở chặng đường đầu đời của người lính, là hoàn cảnh sáng tác cụ thể, là cột mốc trên từng cây số trong suốt dặm dài trường chinh. Nó sẽ là chất liệu để sau này, nhà thơ khái quát, đúc kết làm nên một tầng bậc sâu cao hơn, một nguồn mạch thơ luôn trăn trở,day dứt về nhân sinh thế sự, kể từ sau 1975 cho đến cuối đời…


Thi sĩ - Tranh của nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Quang Thiều. 

3. Đọc lại thơ Đỗ Nam Cao cái thuở “đốt hết một thời lên thành lửa”, ta còn bất ngờ nhận ra, nhà thơ dường như rất có ý thức tạo nên những cặp phạm trù tương phản đối lập đầy ám ảnh và lay động. Tác giả diễn tả nó qua nhiều hình ảnh nghệ thuật, thể hiện rõ trạng thái cảm xúc của “cái tôi” trữ tình và chạm tới nơi thẳm sâu tâm thức của người đọc, người nghe, khiến cho cái hiểu già hơn, cái yêu trẻ lại; khiến cho bản hùng ca và bản tình ca cùng cất lên bay bổng, diệu kì.

Trong thơ anh, có “mùa thu chia tay” đầy bịn rịn với “những chiếc lá bàng bay màu đỏ thắm”, lại cũng có “mùa xuân như hơi thở…Hoa mai vàng vẫn nở…Mùa xuân choàng áo xanh”. Không hiếm gặp những bom đạn chiến trường “pháo ở Bầu Đồn bắn về tấp nập…quầng pháo sáng chụp vào đêm Trảng Cỏ”, “những đụn khói ùn lên…hãy cứ gọi nó là nấm độc…hãy cứ gọi nó là nấm chết”. Chính những thứ đó, những“bàn chân nhớp nhơ giết người chúng nó”, đã “xéo lên những thảm cỏ mềm tay anh vuốt ve”, đã gây nên “những nấm mồ”, có “những trụ đá ong cắm vào góc mộ”... Nhưng kìa, nơi trọng điểm quân thù gieo cái chết, nơi tình đời-sự sống mãi sinh sôi! Đỗ Nam Cao vẫn thấy đâu đây một không gian văn hóa: “Vẫn con cò của ca dao/Con cò lặn lội bờ ao ướt mình”.“Đi qua sông Sài Gòn” những ngày giặc giã, vẫn thấy “Con thuyền giấy tuổi thơ cháy bùng khát vọng/Nước cứ bồn chồn nước nhảy ướt tay tôi”. Trong những “đêm ngủ hầm”, nhà thơ đã nhìn “đêm thật rõ…nhìn ngày thật trong/Đất trời ta mênh mông/Niềm tin nằm giữa ngực/Quả tim ta cháy rực/Trong lòng hầm đêm đêm”. Khá nhiều bài thơ, Đỗ Nam Cao viết từ trong những căn hầm và địa đạo. Nhưng xúc động và trữ tình biết bao, từ nơi thẳm sâu và nhiều khi tăm tối ấy, anh nhìn thấy mầu xanh vùng ven, thấy bình minh đang lên, thấy“Những chiếc lá khô gầy lặng im/Bọc lấy bầy chim non mới nở/Những con chim mắt con chưa mở/Những con chim của ban mai”. Anh hít hà thấy “hương sầu riêng…mùi hương bay hối hả /thơm thơm mùi khói bom”. Trong đêm “võng đang nằm”, nhà thơ nghe tiếng xay lúa, biết là đất đồng giải phóng, nhớ về lời ru của mẹ và tấm lưng đầm mồ hôi: “Tôi ngủ trong tiếng ru cần cù như thế/Tôi mơ theo ù, à lúa xay”. Ta đặc biệt thư thái, cân bằng hài hòa trong tâm trạng khi bắt gặp trong thơ Đỗ Nam Cao, giữa không gian chiến trận, biết bao nhiêu sắc độ của màu xanh, tràn đầy niềm tin yêu, lạc quan và hy vọng.

Thú vị nhất là hai bài thơ “Đứa con sinh ở rừng” và “Con tập đi”. Ở đây vừa đầy ắp chất tự sự về một trong muôn vàn những sự thật gian khó, thiếu thốn và ác liệt đảm bảo cho một mầm sống chào đời, lại vừa dạt dào cảm hứng trữ tình, thơ thới lãng mạn của những con người đang cầm súng cho sự sống hôm nay và mai sau. Bởi thế, đứa con là sự thật hiển nhiên, kết tinh viên mãn tình yêu hạnh phúc, cũng là biểu tượng của “mầu xanh chồi non”, cho “rừng thêm bát ngát”. Cái dáng lon ton của đứa con tập đi trên sân nhà, nơi “Hố bom cha vừa lấp / Đất óng màu phù sa”, được hình tượng hóa thật đẹp và mạnh mẽ: “Bàn chân con bụ bẫm/Đạp lên đầu hố bom”, “Ơi cái dáng lon ton/Như mần non rạch đất”. Đúng là “sự sống chẳng bao giờ chán nản”(Xuân Diệu). Sự hồi sinh đã diệu kì, sự sinh sôi còn diệu kì gấp bội, để có bạt ngàn những mầm măng non mọc thẳng, để “cây đời mãi mãi xanh tươi”.

Trong mạch cảm hứng tương phản, đan xen này, chúng ta cũng không thể bỏ qua những vần thơ ra đời trong gian khổ khốc liệt mà vẫn vẹn nguyên tình bạn và tình yêu sâu đậm nồng nàn. Những bài thơ về tình đồng môn - đồng ngũ của Đỗ Nam Cao: “Thư gửi bạn”, “Ba cây cụt ngọn”, “Trăng ngà” viết ở những thời điểm khác nhau, trong và sau chiến trận, với những tâm cảnh khác nhau, nhưng đều cùng một tình yêu thương, trân quý nhất mực với bạn bè. Vào cái ngày 18.7.1974 ấy, sau “mấy đêm pháo nổ rung rừng/bữa nay lặng bắn ngó chừng Khoa sang”. Nỗi khắc khoải mong đợi đồng ngũ, đồng môn ấy gắn kết với kỉ niệm tâm giao và gian khổ: “Bài thơ viết dở dưới hầm/Chiều ăn đọt báng lòng thầm thương Khoa…Thương về một khoảng trời xa/Một quầng lửa cháy là Khoa với mình”.

Người ta nói, những người đã ra đi, những anh hùng chỉ thực sự bất tử khi họ còn được sống trong tưởng niệm, trong nỗi nhớ quay quắt, khôn cùng của người đang sống. Hiểu theo nghĩa đó, các bài thơ “Ba cây cụt ngọn” và “Trăng ngà” tuy viết thời hậu chiến, nhưng Đỗ Nam Cao đã cụ thể hóa, hình tượng hóa nỗi đau thống thiết và cũng bất tử hóa những đồng đội “sống mãi tuổi hai mươi”. Hơn thế, bài “Trăng ngà” có thể được xem là vào loại hay nhất của thơ ca Việt Nam về sự bất tử của người lính sau khi hy sinh một thời đánh giặc. Người lính hy sinh để bảo vệ sự sống. Vì thế, họ không tuyệt đối tiêu vong mà hóa thân, quyện hòa vào sự sống, vào bầu trời này mặt đất này, vào không gian sinh tồn và không gian văn hóa của làng quê, thành một ánh trăng ngà mãi vằng vặc trên những mái nhà thân thuộc “Kìa như chênh chênh mái rạ/Dũng ơi đâu đây bàng bạc trăng ngà”

Trong mạch cảm xúc nghĩa tình trọn vẹn ấy, xin có đôi lời về mấy bài thơ Đỗ Nam Cao viết về những người em gái yêu thương. Tất nhiên, đó cũng là những bài thơ ra đời trong bối cảnh chiến tranh. Đó “chính là em và mùa thu đưa anh đi”,cho đến ngày nước non liền một dải. Nhưng rồi, lửa lại cháy khắp nẻo biên cương, “tiếng còi tầu biên giới xa/Mùa thu năm thứ ba xanh thắm/Lại mùa thu chia tay”. Những cuộc hẹn hò, những lần đoàn tụ chưa thật ấm môi hôn thì lại chia ly “Nếu không có ai tin vào người ra đi/Nếu không có ai tin vào người ở lại/Thì đất nước làm sao tồn tại mãi”. Hiểu như thế, càng thấm thía nỗi buồn chia xa biền biệt “xa cả căn phòng đôi ta nữa/ Chiếc tổ chim bện tơ vàng óng ả/Lá me rơi bịn rịn mặt đường”. Hiểu như thế, càng trân trọng quý yêu hơn phút giây hạnh phúc bây giờ. Theo cảm xúc thơ của Đỗ Nam Cao, khi “Con trai cứ ùa ra chiến trường”, thì “Đồng ruộng còn em một nắng hai sương/Đồng ruộng còn em khuya sớm yêu thương/Đồng ruộng còn em biết mấy ngoan cường”. Thế là tiền tuyến và hậu phương, người ra đi và người ở lại trong gian khó, ác liệt của chiến tranh vẫn trọn vẹn nghĩa tình và đau đáu về nhau. Ở bài “Cô gái thợ cày”, từ cảm xúc tinh tế, hay và thật “Đường cày của em có gì rất lạ/Màu tím đằm trong hương vị mồ hôi”, nhà thơ khái quát thành biểu tượng nghệ thuật thật kì vĩ : “Người vỡ đất là em/ Gieo hạt/ Là em/Gặt hái cũng là em/Đánh giặc là em lại cao tiếng hát”…

Trong những bài thơ sử dụng bút pháp tương phản đối lập, tôi thật sự tâm đắc với “Những căn hầm bí mật”, được dành tặng các đồng chí cán bộ và chiến sỹ Củ Chi, Trảng Bàng. Tạm gọi đó là thơ dài, viết tháng 10.1974 ấy, được nhà thơ có dụng ý phân chia khúc đoạn rõ ràng. Dung lượng hiện thực và cảm xúc dồn nén, rất giầu biểu tượng nghệ thuật. Những hình ảnh tương phản đối lập đến gay gắt giữa một bên là tăm tối ngột ngạt, thậm chí là cả cái chết lấp vùi “không thể đội đất ngược lên”…với một bên là lòng căm hờn, sức mạnh của những “con người như thành đồng vách đá/Những chiến sỹ kiên cường gan dạ”.Thời gian khắc dấu, ghi hình trong lặng im. Con người chỉ nhận ra chính mình trong nhịp đập sục sôi của con tim, trong bỏng rát cồn cào của suy nghĩ. Để rồi, những con người như “hạt mầm tách vỏ đội đất bật thẳng lên/Mũi chông thẳng lên”, bởi “ngực thù đòi ta phải bắn/…ruộng đồng đòi ta giải phóng”. Bài thơ kết lại bằng những suy cảm bất ngờ, mới lạ và rất sâu xa: “Mỗi chiếc hầm như tổ kén bọc tằm cho nong tơ vàng thêm mượt mà óng ả/Để tất thảy mọi người đều mặc áo lụa mỡ gà, áo vải hoa bảy màu hoa sặc sỡ/Mỗi chiếc hầm/Như cái bọc bà Âu Cơ bọc trăm trứng tươi hồng/…Mỗi chiếc hầm đều mang dáng lòng hang Pác Bó/Lại như màu đỏ lá cờ bọc năm cánh ngôi sao”. Nếu những căn hầm, địa đạo kia là sáng tạo kì diệu rất Việt Nam, thì bài thơ “Những căn hầm bí mật” của Đỗ Nam Cao có những biểu tượng nghệ thuật độc đáo, rất riêng không thể lẫn với bất kì ai, trong cùng đề tài!


Nhà thơ Thanh Thảo trong tọa đàm về thơ Đỗ Nam Cao tại Hà Nội (Ảnh: Trần Thu Hồng) 

4.Có những người cầm bút không “lập ngôn”mà cứ viết. Quan điểm tư tưởng – nghệ thuật của họ cứ ẩn chìm đâu đó trong văn. Nhưng Đỗ Nam Cao là một trong những tác giả vừa “lập ngôn” vừa sáng tác. Anh viết bài: “Thơ tôi” là để tỏ bày trực tiếp, trung thực và đầy biểu cảm về quan niệm nghệ thuật nói chung về thơ ca nói riêng. Ở đó, nhà thơ có viết: “Thơ tôi đã từng hứng khởi/Đã từng hát khúc hùng ca/Thơ bay lướt đỉnh hào khí/Trường Sơn ngút ngàn mù xa”. Những câu chữ và quan niệm ấy ứng với những vần thơ một thời đánh giặc của anh. Những bài thơ của anh là một bản anh hùng ca và tình ca, với những chương khúc, biến tấu nối nhau, gắn bó chặt chẽ với những biến thiên của lịch sử dân tộc. Đỗ Nam Cao viết cùng đề tài với những người cầm bút cùng thế hệ, nhưng anh luôn có góc độ, tầm nhìn và định hướng cảm xúc riêng của mình. Anh cũng lại có lối cấu tứ và năng lực sử dụng ngôn từ, tạo dựng hình ảnh và hình tượng nghệ thuật độc đáo, góp phần tạo nên đặc điểm thi pháp và bản lĩnh sáng tạo nghệ thuật cho riêng mình. Những vần thơ một thời đánh giặc của Đỗ Nam Cao, góp phần làm nên đặc điểm chung ấy!

Đinh Thiên Hương