Duyên Dáng Việt Nam

Tái phát hiện thằn lằn mũi sừng ‘mất tích’ hơn 1 thế kỷ

Ngọc Nga • 11-06-2020 • Lượt xem: 1198
Tái phát hiện thằn lằn mũi sừng ‘mất tích’ hơn 1 thế kỷ

Các nhà khoa học vừa phát hiện lại loài thằn lằn mũi sừng kỳ lạ của Indonesia đã mất tích hoàn toàn gần 130 năm qua, tưởng đã tuyệt chủng. 

Tin, bài liên quan:

Loài ong tưởng đã tuyệt chủng xuất hiện trở lại sau 4 năm

Phát hiện 2 loài sa giông cá sấu mới tại Việt Nam

Rùa biển quý hiếm đẻ hơn 80 quả trứng

Thằn lằn mũi sừng Harpesaurus modiglianii vô cùng đặc biệt, nó có màu xanh lá cây tươi nhưng có thể thay đổi sắc thái như một con tắc kè bông. Điểm đáng chú ý ở loài thằn lằn này là nó có một chiếc sừng mọc ra từ mũi. 

Vào tháng 6 năm 2018, khi đang khảo sát về các loài chim ở vùng núi xung quanh hồ Toba thuộc Bắc Sumatra, Indonesia, nhà nghiên cứu sinh vật học hoang dã Chairunas Adha Putra tìm thấy một con thằn lằn chết với những đặc điểm hình thái thú vị. Sau khi gửi mẫu vật đến Jakarta để xác định, Chairunas Adha Putra mới biết ông đã bắt gặp một sinh vật “siêu” hiếm tưởng chừng như đã tuyệt chủng.
Sau đó, nhà nghiên cứu này đã quay lại nơi phát hiện ra xác thằn lằn và sau 5 ngày tìm kiếm, Putra đã thấy 1 con thằn lằn mũi sừng Modigliani còn sống khác. Ông chụp ảnh, đo kích thước cùng hình dạng các bộ phận cơ thể của nó như chiều dài mũi và sừng. Khi so sánh con thằn lằn mới được phát hiện với con được mô tả vào năm 1933, Chairunas Adha Putra kết luận chúng là thằn lằn mũi sừng Modigliani.

Hình minh họa con thằn lằn mũi sừng của Modiglian được thực hiện vào năm 1933 dựa trên con thằn lằn tìm thấy vào năm 1891. Mẫu vật đó chuyển sang màu xanh nhạt do cách bảo quản.

Trước đó, loài thằn lằn này được nhà thám hiểm Elio Modigliani, người Italia phát hiện vào năm 1891 từ các khu rừng ở Indonesia. Ông đem đến một bảo tàng lịch sử tự nhiên ở Genève và con thằn lằn với một chiếc sừng nhô ra từ mũi lần đầu được mô tả và phân loại là Harpesaurus modiglianii vào năm 1933.  Tuy nhiên, sau đó không có ai tìm thấy một con thằn lằn như vậy nữa. Ngoài loài thằn lằn mũi sừng, còn có 5 loài bò sát và một loài lưỡng cư khác mang tên nhà động vật học, nhà thực vật học và nhà nhân chủng học Modigliani. 
Mẫu vật chết của bảo tàng Genève có màu xanh nhạt do được bảo quản, nhưng hiện các nhà khoa học có thể biết rằng loài thằn lằn này có màu xanh lá cây tự nhiên. Tuy nhiên, chúng có thể đổi màu để ngụy trang, giống như những con tắc kè núi ở châu Phi.
Loài bò sát này thuộc họ thằn lằn Agamidae, thường được gọi là thằn lằn rồng và bao gồm các loài có râu.

Một con thằn lằn mũi sừng Modiglian thường có màu xanh lá cây và màu vàng sáng (hình trên), nhưng chúng chuyển sang màu nâu cam khi cảm thấy nguy hiểm, cần ngụy trang (ảnh dưới)

Shai Meiri, một nhà nghiên cứu sinh học ở Đại học Tel Aviv, đã chỉ ra rằng có nhiều thằn lằn rồng sống trong các khu vực nhỏ, khó tiếp cận, khiến loài bò sát này rất khó nghiên cứu. Meiri cho rằng có khoảng 30 loài thằn lằn chưa từng được nhìn thấy kể từ lần đầu tiên được mô tả và 19 loài được biết đến chỉ từ một mẫu vật duy nhất.
Nhà sinh vật học Thasun Amarasinghe và Putra, những người tái phát hiện thằn lằn mũi sừng lo lắng khi loài vật quý hiếm này đang ở bên ngoài khu vực bảo tồn và nạn phá rừng ồ ạt đang diễn ra gần đó.
Tuy nhiên, việc phát hiện lại mang đến một tia hy vọng giúp bảo tồn loài thằn lằn này. Nhà nghiên cứu sinh học Shai Meiri cho biết: “Trước khi chúng xuất hiện trở lại, không ai biết chính xác con thằn lằn của Modiglian sống ở đâu, hay nó đã tuyệt chủng. Nhưng bây giờ, chúng ta có thể nghiên cứu nó, và thực hiện các biện pháp bảo tồn”.

 

(Theo Science News, Science Times)