Duyên Dáng Việt Nam

Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

DDVN • 27-11-2021 • Lượt xem: 446
Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

Tuyên ngôn về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Văn hóa soi đường cho quốc dân đi' vẫn là kim chỉ nam cho người nghệ sĩ.

 

Sáng nay 24/11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 do Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị nhằm triển khai thực hiện tư tưởng nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn nghệ; từ đó thống nhất phương hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến 2045.

Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe, đồng thời cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trong ngày khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Nền văn hóa mới của nước Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho văn hóa mới phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập”. 

Kể từ ngày đó, đến nay đã tròn 75 năm, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những tác động tích cực đến các hoạt động văn hóa nước nhà, nhằm tạo ra giá trị văn hóa mới của con người Việt Nam. Phải khẳng định một điều cốt lõi: Dưới ánh sáng nhân văn đó, các thế hệ văn nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cực kỳ quý báu bằng tác phẩm có giá trị lâu bền. 

Trước đây, khi đất nước chưa thống nhất, nếu ngoài Bắc có phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, thì trong Nam lại có “Hát cho đồng bào tôi nghe”… Những năm tháng đất nước còn chia cắt, nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ cả hai miền Nam - Bắc đã diễn ra vì mục tiêu chung có tính chất máu thịt là thống nhất nước nhà, không ngoài mục đích thực hiện nguyện vọng trong Di chúc của Bác Hồ: “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. 


Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho người nghệ sĩ

Vậy, trong thời đại này, văn nghệ sĩ phải thể hiện vai trò công dân thế nào? Câu hỏi đặt ra trong bối cảnh này là hết sức cần thiết, bởi lẽ chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, đã khác trước nhiều lắm từ tư duy, suy nghĩ đến vận dụng kỹ thuật sáng tạo. Liệu chừng ý nghĩa của triết lý sống, bản lĩnh sống mà người nghệ sĩ đã từng tâm niệm và phấn đấu: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” - 19 chữ vàng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn động viên, thôi thúc lớp lớp văn nghệ sĩ - có còn giá trị đích thực? 

Chắc chắn rằng, tâm thế ấy, tư duy ấy không bao giờ cũ hay lỗi thời. Dù bất kỳ thời đại nào, tuyên ngôn về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” vẫn là kim chỉ nam cho người nghệ sĩ. Họ không thể đóng cửa, ngồi trong “tháp ngà văn chương” than mây khóc gió, mà nhất thiết phải hội nhập vào trong đời sống. Hiện thực của đời sống bao giờ cũng là chất liệu, dưỡng chất cho nghệ thuật sáng tạo. Bác Hồ kính yêu đã “hữu cảm” sau khi đọc Thiên gia thi: “Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp/ Mây gió trăng hoa tuyết núi sông/ Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Tùy mỗi thời mà văn nghệ sĩ chọn thế xung phong của mình, chẳng hạn một thời với Chế Lan Viên là: “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy/ Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi”, thì nay, “ngang tầm chiến lũy” là gì?

Một trong những câu hỏi tương tự, chắc chắn sẽ được bàn đến trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này - nhằm triển khai thực hiện tư tưởng nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Điều này rất quan trọng và sẽ là một dấu ấn kế tiếp khi tiếp thu, kế thừa và phát triển từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất mà nay vẫn đang còn ý nghĩa thời sự. Thời sự ở đây, chúng tôi rất tâm đắc với Đề cương vận động văn hóa Việt Nam, vạch ra đường lối văn hóa cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam dựa trên ba nguyên tắc lớn: Khoa học hóa, Đại chúng hóa, Dân tộc hóa. 

Vì lẽ đó, sự kiện văn hóa này có thể xem như một cột mốc quan trọng để các nhà quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa, và các thế hệ văn nghệ sĩ nước nhà nhìn lại vai trò và trách nhiệm công dân của mình. 

Anh Lưu

NSND Trần Minh Ngọc: Nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ để vực dậy sân khấu

Trước tình hình khó khăn hiện tại, nỗ lực của mỗi đơn vị là điều kiện cần, nhưng chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước mới là điều kiện đủ để vực dậy hoạt động sân khấu.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đặt ra nhiều nhiệm vụ, mục tiêu, trong đó có việc tập trung nguồn lực phát triển văn học nghệ thuật, công nghiệp văn hóa. Với đặc thù nghề nghiệp của mình, tôi đặt nhiều kỳ vọng cho việc phát triển lĩnh vực sân khấu, trong bối cảnh hiện đại.


Được đầu tư đúng mức, sân khấu sẽ có những vở diễn chất lượng

Với lịch sử một thế kỷ hình thành và phát triển, sân khấu đã có nhiều đóng góp tích cực, vừa mang ý nghĩa giáo dục, vừa góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Điều này có ý nghĩa trong việc xây dựng giá trị con người - một trong những mục tiêu quan trọng của đất nước hiện tại.

Dịch COVID-19 kéo dài gần hai năm đã làm gián đoạn mọi hoạt động của sân khấu vốn đã khó khăn. Vực dậy sân khấu là một trong những việc làm cấp thiết, mà nhiệm vụ đầu tiên là kéo khán giả trở lại. Trước tiên, sân khấu phải có sản phẩm hay, hấp dẫn, độc đáo. Ngoài nỗ lực của người làm nghề, thì “điểm nghẽn” cần được giải quyết cấp bách là việc đầu tư, quan tâm của Nhà nước dành cho sân khấu.

Nhà nước cần đề ra mục tiêu, kế hoạch phát triển rõ ràng cho sân khấu. Chẳng hạn, có chính sách giúp các đơn vị dễ tiếp cận với các doanh nghiệp, nguồn lực tài trợ. Thiếu kinh phí là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thiếu những tác phẩm chất lượng, hoặc chạy theo thị trường, như thực trạng đã và đang diễn ra ở một số đơn vị xã hội hóa. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến bộ mặt sân khấu, mà còn tạo ra những nội dung nguy hại. Tôi tin khi được quan tâm, đầu tư đúng mức, những tác phẩm chất lượng sẽ ra đời.

Thành Lâm (ghi)

Theo Phunuonline.com.vn