Duyên Dáng Việt Nam

Vẻ đẹp tinh tế của quạt tre truyền thống Hàn Quốc

Quyên Hạ • 26-06-2020 • Lượt xem: 3240
Vẻ đẹp tinh tế của quạt tre truyền thống Hàn Quốc

Quạt giấy cầm tay đã xuất hiện và gắn bó với người Châu Á từ hàng ngàn năm trước như một dụng cụ làm mát trong những ngày oi bức. Và nghề làm quạt giấy đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống được bảo tồn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và các nước Châu Á khác. Trong đó, quạt tre Hàn Quốc được đánh giá cao như một tác phẩm nghệ thuật, bởi được chế tác cầu kỳ và ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử.

Tin, bài liên quan:

Độc đáo môn nghệ thuật truyền thống của vùng núi Alpes, Thụy Sĩ

Làng nghề ‘tỏa hương’ lâu đời nhất TP.HCM

Độc đáo làng nghề may áo dài hơn 1000 năm tuổi

Quạt tre gợi nhớ bóng dáng của người phụ nữ
Theo các nhà sử học, quạt tre cầm tay được một nhà sư thuộc thời đại Goryeo, Hàn Quốc (918-1392) sáng tạo ra sau đó lan sang tận các nước Châu Âu, thông qua sự giao thương giữa bán đảo Triều Tiên với Trung Quốc và Nhật Bản. Theo sử sách Hàn Quốc, điều khiến cho thiết kế của những chiếc quạt tre Hapjukseon đầu tiên gây ấn tượng mạnh cho người ngoại quốc là các nếp gấp trên giấy và khung xương quạt bằng tre, có thể mở ra và gấp vào một cách linh hoạt, uyển chuyển. 

Điều hấp dẫn nhất về nguồn gốc của chiếc quạt tre chính là điển tích về người đã tạo ra nó. Nếu quan sát kỹ chiếc quạt tre Hapjukseon trong trạng thái gập, chúng ta sẽ thấy nó tựa như hình dáng của người phụ nữ. Đó là bởi vì theo truyền thuyết, chiếc quạt này là đúc kết của tình yêu thầm kín giữa một vị sư và một thiếu nữ trong thời Goryeo. 
Vì hoàn cảnh trớ trêu của vị sư, họ mãi mãi không thể đến với nhau. Do đó, vị sư này đã làm ra chiếc quạt để gợi nhớ bóng dáng người phụ nữ ông yêu. Ông đã cẩn thận gọt đẽo những nan tre để làm phần xương quạt, phủ lên chúng giấy dâu tằm và viết lên một bài thơ. Khi ông gập chiếc quạt lại, hình dáng của người phụ nữ đó sẽ hiện lên, với phần đầu là tay cầm hình tròn của quạt, tô điểm bằng một chiếc ghim cài tóc, chính là đinh kim loại giúp các xương tre gắn liền với nhau. Tiếp đến là phần ngực, đoạn hơi nhô ra của chiếc quạt ngay dưới phần đầu. Và cuối cùng, khi xòe chiếc quạt ra sẽ hiện lên tà váy dài thướt tha của người phụ nữ. 


 Hình ảnh hoa cúc trên một chiếc quạt tre truyền thống. Nguồn: Pinterest

Những họa tiết được tô vẽ trên quạt cũng được giải thích trong điển tích lãng mạn này. Đó là hình ảnh của loài dơi sống về đêm biểu trưng cho những cuộc gặp mặt bí mật trong đêm giữa những người đàn ông và phụ nữ, còn hoa cúc thì tượng trưng cho sự chung thủy của người phụ nữ. 

Từ vẻ ngoài tinh tế…
Ngày nay, một chiếc quạt tre Hàn Quốc cao cấp vẫn được trang trí bằng những bức tranh phong cảnh, những bông hoa và các loài chim mang tính biểu tượng hay những bài thơ với lối viết thư pháp uyển chuyển. Thêm vào đó, phần tay cầm của quạt cũng được điêu khắc tỉ mỉ với những họa tiết biểu tượng như dơi, hoa cúc, hoa maehwa (hoa mận Hàn Quốc) kèm theo một sợi dây có nút thắt trang trí tinh xảo với điểm nhấn bằng vàng, ngọc hay đá hổ phách, một chiếc đồng hồ mặt trời hay la bàn, và một túi thơm. Tất cả những phụ kiện đó khiến chiếc quạt trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.  

 
Hình ảnh chim chóc và hoa mận trên quạt tre. Nguồn: Antique Alive


...Đến giá trị lịch sử và văn hóa
Trong truyền thống văn hóa của người Hàn Quốc, chiếc quạt tre không chỉ dùng xua tan đi cái nóng mùa hè mà còn mang nhiều ý nghĩa văn hóa lịch sử. Xưa kia, nó từng được sử dụng như một tấm màn che khi người chủ không muốn lộ mặt hay đơn thuần là để chắn nắng. Bất ngờ hơn, nó từng được sử dụng như một… vũ khí phòng vệ. Cho đến nay, quạt tre vẫn được dùng trong một hình thức ca múa nhạc dân gian Hàn Quốc, gọi là Pansori, khá tương đồng với hình thức hát ả đào tại Việt Nam. Tương tự như quạt giấy của Việt Nam, quạt tre Hàn Quốc cũng được coi như một biểu tượng của tình mẫu tử, với hình ảnh người mẹ phe phẩy quạt mát cho con những trưa hè oi ả, cho con những giấc ngủ say nồng.  


 
Điệu múa quạt rực rỡ sắc màu truyền thống của Hàn Quốc. Nguồn: Frary Classical Guitar

Theo tập tục của Hàn Quốc, quạt tre là món quà tặng nhau trong lễ hội Dano, tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Vào ngày này, Hoàng Đế sẽ trao tặng cho các quần thần những chiếc quạt, gọi là Danoseon hay Quạt Dano. Tập tục này được lý giải, là do Lễ Dano đánh dấu cho sự bắt đầu của chuỗi ngày hè nóng bức. Do đó, tặng nhau quạt tre trong ngày lễ Dano được coi như cử chỉ của sự quan tâm và trao cho nhau tình yêu thương. 


 
Quạt tre là dụng cụ không thể thiếu trong Điệu múa mặt nạ truyền thống của lễ hội Dano Hàn Quốc. Nguồn: Kana Kukui

Nghề truyền thống của tỉnh Jeolla
Những chiếc quạt tre cao cấp nhất hiện nay vẫn đang được tạo ra bởi những đôi bàn tay lành nghề của các nghệ nhân tại thành phố Jeonju, tỉnh Jeolla, Hàn Quốc. Tương truyền, vào triều đại Joseon (1392 – 1910), vị quan cai trị đứng đầu thành Jeonju cổ xưa đã cho thành lập một xưởng làm quạt tre chuyên làm ra những cây quạt tốt nhất để dâng lên nhà vua. Thành phố Jeonju lúc đó nổi tiếng là nơi sản xuất ra loại giấy dâu tằm chất lượng hảo hạng nhất, và với vị trí địa lý ngay sát Damyang, thủ phủ của nguồn tre chất lượng cao và các sản phẩm từ tre, danh tiếng của những chiếc quạt có xuất xứ từ đây ngày càng vang xa. Jeonju dần trở thành thủ phủ của quạt tre, nhờ những nghệ nhân lành nghề có thể làm ra những chiếc quạt siêu bền, siêu nhẹ từ tre và giấy dâu tằm, được cho là có thể “dùng tốt tới 1000 năm trong khi quạt vải thì chỉ tồn tại được 50 năm”. 
Để làm ra được một chiếc quạt tre thượng hạng đòi hỏi tay nghề thủ công cực cao, đến mức những bậc thầy làm quạt tre còn được gọi với danh từ riêng là “Seonjajang” và được trọng vọng bởi mọi tầng lớp trong xã hội. Một trong những Seonjajang được kính trọng nhất hiện nay là ông Yi Gi-dong, người đã có 50 năm duy trì nghề thủ công quạt tre. Ông bắt đầu học nghề từ năm 17 tuổi và là học trò của Bae Gwi-nam, một bậc thầy Hapjukseon. Theo nghệ nhân Yi Gi-dong, để trở thành bậc thầy làm quạt Hapjukseon, bất cứ ai cũng phải trải qua quá trình học hỏi và luyện tập đầy vất vả. Bản thân ông đã phải ngồi lâu đến tê chân và cúi gập người hàng năm trời trong một căn phòng nhỏ để luyện tập. Việc học đòi hỏi thái độ nghiêm túc và độ tập trung cao. Với tài năng và sự ham học hỏi, ông đã nhanh chóng nổi bật lên trong những người học nghề.

 
Một nghệ nhân đang miệt mài đẽo gọt khung xương cho quạt tre Hàn Quốc. Nguồn: Trendsmap 

Sau khi được công nhận là nghệ nhân xuất sắc, ông Yi Gi-dong vẫn tiếp tục làm việc trong xưởng của thầy 3 năm, trước khi mở một xưởng làm quạt riêng. Tuy nhiên, việc kinh doanh của ông đã gặp phải nhiều khó khăn với sự xuất hiện của quạt điện, đến mức nhiều khi ông đã phải gồng mình gánh vác để duy trì nghề truyền thống. Chính tình yêu chân thành và niềm tự hào về nghề thủ công có tuổi đời hơn 1000 năm này đã giúp ông vượt qua những khó khăn đó. 
Năm 1972, Yi Gi-dong được tôn vinh trong nhiều cuộc thi và hội chợ nghề thủ công được tổ chức ở quy mô quốc gia. Vào năm 1993, tỉnh trưởng của Jeollabuk đã chính thức ghi nhận tay nghề làm quạt tre bậc thầy của ông và tôn vinh ông vì những cống hiến và nỗ lực trong việc bảo tồn nghề thủ công làm quạt Hapjukseon truyền thống. Nhờ vậy, ông được chính thức trao tặng danh hiện Seonjajang cao quý, được công nhận là Bậc thầy thủ công của nghề làm quạt tre và được ghi nhận là “Tài sản văn hóa nhân loại”. 

Trong bối cảnh công nghệ và thương mại ngày càng phát triển, những sản phẩm làng nghề truyền thống đang mất dần đi vị thế của nó, thậm chí bị mai một và biến mất. Mặc dù công dụng làm mát của quạt tre hay quạt giấy không thể so với quạt điện hay máy điều hòa của thời hiện đại, nhưng ý nghĩa văn hóa và lịch sử cũng như vẻ đẹp truyền thống của nó mãi không thay đổi. Sẽ thật đáng tiếc nếu không có những người biết trân trọng và gìn giữ văn hóa truyền thống như ông Yi Gi-dong, để các thế hệ mai sau được tiếp tục chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một “bảo vật quốc gia” đã được lưu truyền qua hơn 1000 năm lịch sử. 

(Theo Antiquealive)