Hội họa

Viết văn ngày tết

Nguyễn Thoại Vy • 02-02-2018 • Lượt xem: 16031
Viết văn ngày tết

Bạn tui hỏi: Tết kề cận, không lo sắm sửa, tu bổ nhà cửa vườn tược, viết văn làm chi?. Bề tui đáp gọn: để bán. Nhưng cụ thể, dài dòng hơn là thế này: mấy điều vụn vặt tui viết gọi là tạp văn. Đã “văn” mà còn “tạp” thì so với các thể loại như trường thiên tiểu thuyết, nghiên cứu văn – sử, tùy bút, ký sự dài kỳ … chẳng khác mấy ếch nhái, ễnh ương so với tê giác, chiến tượng. Không bán được thì lấy gì sắm sửa, bổ khuyết. Vả, nhà tui chỉ có rẻo đất nhỏ cắm dùi, vườn đâu để tu chỉnh?. Tui cứ kệ lời căn dặn ân cần của thi sĩ ngông Tản Đà “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Lời vàng ngọc của lão tiền bối, bề tui nằm lòng là đặng.

Theo những cây bút chuyên nghiệp, bán văn cũng có thời vụ. Ngoài những lúc thiên thời – nhân hòa như các mùa sách kỷ niệm tỉnh/ thành mấy trăm năm hay ngàn tuổi, thì còn vụ Tết. Các tờ báo Xuân in toàn những giai phẩm, trình bày bắt mắt. Đấy là món đặc sản tinh thần tân niên thường kỳ. Không cứ là những cây bút thành danh trong bụng chứa toàn ao văn ruộng chữ, mới gánh văn đi bán. Trần gian không mua thì gánh lên trời bán như cụ Khắc Hiếu “Anh gánh lên đây bán chợ trời!” (Hầu trời).

Bán được ít văn chưa hẳn là nghiệp dư. Nghề văn thành bại chủ yếu nương vào sự tri âm tương giao giữa người viết và bạn đọc. Xuân Mậu Tuất đương nhiên ưu tiên những bài viết về chó chứ không lý lại đăng bài gà gáy canh thức năm Đinh Dậu?. Mấy chú cún cụp tai bé mọn thường ngày, nay được dịp phè phỡn nhớn nhác lên mặt báo. Mâm cỗ văn chương ngày Tết, thoạt nhìn, giống mấy món ẩm thực truyền thống trong các lễ hội văn hóa dân gian. Bên cạnh “thịt mỡ, dưa hành” mơn mởn xanh ngân ngấn trắng, là choi chói câu đối đỏ mơ màng cành mai vàng. Trang bìa không mĩ nhân thôn nữ gánh thóc tưới rau thì cũng anh tài hiệp khách tay phím tay bút. Và, lạm phát nụ cười.

Văn nhân thi sĩ bán được văn ngày Tết như địa chủ được mùa. Đi đứng như thể đang là đà bay, tư thế ra dáng đại gia “song hỉ lâm môn”, vẻ mặt tươi tỉnh như cô dâu mới. Chỉ khi gặp dịp vợ bảo ra chợ, hí hửng dạo qua các gian hàng ê hề rau củ thịt cá, mới hỡi ơi giá cả đã tăng phi mã. Món nhuận bút còm trong túi bốc hơi từ lúc nào.

Người xưa cứ khăng khăng gán cho văn chương sứ mệnh cao cả, đại loại “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” (Nguyễn Đình Chiểu). Văn hào Lỗ Tấn (1881 – 1936) cho rằng ngay cả viết tạp văn cũng phải viết cho ngay ngắn tinh tươm. Ông đã chứng minh cho quan niệm trên bằng những áng “tạp văn” thượng thừa. Có là đoản văn cũng không thể “tạp”, dù đời sống của những tạp bút trên có ngắn ngủi như tách cà phê sáng hay chén trà chiều. Trong các tay bút viết đoản văn cự phách ngày trước phải kể đến đôi bạn văn Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án với “Vũ trung tùy bút” và “Tang thương ngẫu lục”. Tạp văn ngày nay gọi là hay, nếu không được ăm ắp chiều sâu văn hóa – sử như nhà văn Sơn Nam bàn trong “Tản mạn về người Sài Gòn” thì cũng rưng rức nhân tình thế thái vùng cực nam như tạp văn Nguyễn Ngọc Tư.

Nhà văn cày cuốc trên cánh đồng chữ nghĩa khổ ải ra sao, đã được hai cây bút hiện đại tài hoa là Nguyễn Tuân và Nam Cao công nhận. Thế nhưng, vạ chữ nghĩa cũng không buông tha cho họ. Người bán văn nổi danh là ông Lê Ngô Cát (1827 – 1876) cùng với Phạm Đình Toái biên soạn bộ sử bằng văn vần “Đại Nam quốc sử diễn ca” từng gặp nạn như thế. Ông bị vua Tự Đức giáng chức thành dân đen chỉ vì lỡ buộc miệng thành vần “Vua khen thằng Cát có tài/ Ban cho cái khố với hai đồng tiền”. Buôn chữ bán nghĩa vụng thì đành chịu tội, sao lại đổ cho tài mệnh tương đố như cụ Tố Như !

Kẻ viết tay mơ như tui, nhân ngày Tết khép nép mang tạp văn ra bán. Chữ vụng, mà nghĩa chẳng bao nhiêu, cũng đánh liều gửi đến đôi chỗ. May nhờ rủi chịu. Dù trước đó đêm hôm bạc mắt chong đèn, nhưng mỗi khi được báo đã có nhuận bút, bèn may túi ba gang, hớn hở như bắt được của trên trời rơi xuống, vẻ mặt rưng rưng cảm động như lần đầu được tặng sách.

Tag: